Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2011

HÁN VĂN GIÁO KHOA THƯ 1


BÀI 1
TỪ VỰNG
人才口心力    nhân     tài    khẩu   tâm    lực
TẬP ĐỌC  人 才 人 口 人 心   人 力 口 才 心 力
CÁCH PHỐI HỢP HAI DANH TỪ ĐƠN
Chúng ta có 5 danh từ đơn: nhân, tài, khẩu, tâm, lực
Lần lượt phối hợp danh từ nhân với mỗi một trong ba danh từ kia, chúng ta có:
nhân tài  -   tài người 
nhân khẩu  - miệng người
nhân tâm  -   lòng người 
nhân lực  -   sức người 
So sánh hai phần tiếng Việt và tiếng Hán ở trên, chúng ta thấy: trong phần tiếng Hán, các chữ nhân đều đứng trước các chữ tài, khẩu, tâm, lực. Trong phần tiếng Việt, chữ người lại đi sau các chữ tài, miệng, lòng, sức. Trong tiếng Việt cũng như trong tiếng Hán, các chữ tài, miệng, lòng, sức, khẩu, tâm, lực là những chữ được phẩm định và chữ người hay chữ nhân là chữ phẩm định, tức là nó làm túc từ bổ nghĩa cho danh từ đơn phối hợp với nó

NGỮ PHÁP
Thêm giới từ (chi) vào giữa các danh từ đơn nói  trên, chúng ta có:
人 之 才   nhân chi tài    tài của người       人 之 力   nhân chi lực  sức của người
人 之 口   nhân chi khẩu  miệng của người  人 之 心   nhân chi tâm  lòng của người
Bỏ từ chi, chúng ta có được các danh từ kép nói trên. Vậy trong các danh từ kép ấy vốn có sự ẩn dụng của giới từ chi. 
Một số kết hợp tương tự là: nhân tình, thế thái, thế sự, địa thế, thiên thời, thiên tai, thiên lý, nhân sự, nhân loại ...
BÀI TẬP
Tập viết những chữ trong bài, mỗi chữ 10 lần. Nên viết chữ lớn cỡ 4 cm x 4 cm.
  Tìm các danh từ kép do hai danh từ đơn phối hợp  thành trong bài vừa học.
   Phân tích các nét của các chữ trong bài.

GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
NHÂN: Người – có tính cách người – thuộc về người – người khác(đối với ta mà nói)
Từ ngữ:       nhân đạo, nhân vị, nhân loại, nhân tâm, nhân cách, nhân cách hóa, vô nhân đạo, thương nhân, công nhân, nông nhân, văn nhân, nhân tình thế thái
Đồng âm       nhân vì – nguyên do – theo cũ (nguyên nhân, nhân quả)
lòng thương người – lấy sự thương người làm gốc – hạt (nhân ái, nhân đức, đào nhân)
TÀI:       Tài giỏi – làm việc được
Từ ngữ:       tài năng, tài lực, tài trí, tài sắc, bất tài, anh tài, tài danh, tài mệnh tương đố, tài cán, hữu tài vô hạnh
Đồng âm 
của cải (tài sản, gia tài)
gỗ làm đồ (tài liệu)
trồng cây (tài bồi)
vừa – vừa mới
cắt áo – giảm bớt – quyết đoán – thể chế – đo lường (tài giảm binh bị, tài phán)
KHẨU:  miệng – mồm – cửa chính – việc ăn nói – đơn vị tính người hay vật
Từ ngữ:       nhân khẩu, hổ khẩu, giang khẩu, hải khẩu, khẩu khí, lợi khẩu,
                   xuất khẩu thành thi, khẩu truyền, khẩu phân, khẩu thị tâm phi
TÂM:      trái tim – lòng – điểm giữa – điểm trọng yếu
Từ ngữ:       tâm lý, tâm phúc, vô tâm, tâm can, tâm địa, tâm huyết, tâm tính, thành tâm,               tâm trạng, ly tâm lực, trọng tâm, hữu tâm điểm, nội tâm
LỰC :    sức – sức mạnh – sức làm việc – ra sức 
Từ ngữ:       thế lực,  trọng lực,  quân lực, lực lượng, lực sĩ, điện lực, tranh đấu lực,                động lực học, bất lực, học lực, lực hành, đồ trường tri mã lực
CHI         ° Giới từ: của (hoặc có khi không có nghĩa từ vựng)
° Động từ: đi đến, đi qua
° Đại danh từ: đó, đấy– nó 
Đồng âm     chân và tay (tứ chi)
                chống chọi – chia rẽ – nhánh – cầm giữ – tiêu dùng (chi tiêu)
                cành cây – cái cột nhỏ – tán loạn – (chi diệp – quế chi)
                một thứ hoa thơm thuộc loại cây lan (chi lan)
 -------------------------------------------------------------------
BÀI 2  
TỪ VỰNG
刀弓干戈兵   đao    cung    can     qua     binh
TẬP ĐỌC
刀弓  弓刀  兵刀  刀兵  干戈  兵戈
CÁCH LIÊN HỢP HAI DANH TỪ ĐƠN
Các tiếng đao, cung, can, qua, binh là những danh từ đơn chỉ đồ vật. Liên hợp các danh từ trên đây vào từng đôi một thì có được các danh từ kép sau:
đao cung   cung đao ;  đao binh   binh đao ; can qua   binh qua
NHẬN XÉT
Trong mỗi danh từ kép trên, hai danh từ có quan hệ độc lập với nhau, không tiếng nào làm túc từ cho tiếng nào. Do đó vị trí của mỗi tiếng không nhất định phải ở trước hay ở sau tiếng kia. Người ta có thể nói binh đao hay đao binh, cung đao hay đao cung mà vẫn không thay đổi nghĩa. Tuy nhiên, theo thói quen nên có một số tiếng không thường thay đổi vị trí các danh từ đơn trong đó. Đó là  trường hợp của các tiếng: can qua, binh qua. Có thể nói qua can hay qua binh cũng được, nhưng khó nghe.
Một số danh từ ghép theo cách này thường gặp là:  tâm tình, thanh âm, hoa quả, xa mã, sơn thủy, đạo lộ, tài đức, thủ túc, cầm thú, bút mặc, tâm não, thư tịch, thảo mộc...
NGỮ PHÁP    Thêm liên từ   (dữ) vào giữa các danh từ đơn nói trên, chúng ta có:
刀與弓   đao dữ cung   (đao và cung)          兵與刀   binh dữ đao  (binh và đao) 
Bỏ liên từ dữ (và, cùng với), chúng ta có các danh từ kép theo cách liên hợp như phần trên. Vậy trong các danh từ kép ấy vốn có sự ẩn dụng của liên từ dữ. Nhưng tiếng “đao dữ cung” và “đao cung” vốn có sự cách biệt khá xa về ý nghĩa, vì hai tiếng đao cung đi liền, không chỉ có nghĩa là cái đao, cái cung, mà là tiếng chỉ chung cho vũ khí, cho việc quân sự.
BÀI TẬP   Tập viết những chữ trong bài, mỗi chữ 10 lần. Nên viết chữ lớn cỡ 4 cm x 4 cm.
  Tìm 10 danh từ kép theo cách liên hợp hai danh từ đơn mà thành trong số những từ đã học.
      Binh chỉ một thứ binh khí thời xưa có mũi nhọn. Ở đây tạm gọi là binh cho tiện.
  Phân biệt tự dạng hai chữ đao và lực.
  Đếm số nét của các chữ trong bài.
GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
ĐAO       ° đao, thứ khí giới giống thanh gươm
Từ ngữ        đao cung: việc quân sự, chiến tranh,  đao binh: chiến tranh, đao phủ: dao búa (nghề làm thợ mộc, giết trâu bò), đao phủ thủ: người giữ việc chém tội nhân.
  CUNG    °  cái cung để bắn tên – một phần của vòng tròn – tên số ở trong phép đo đất dùng để đo ruộng
Từ ngữ         cung tiễn: cung và tên, kinh cung chi điểu (chim bị cung sợ cành cây cong), cung nỏ: cái cung, cái nỏ. Cung dài bắn xa, nỏ ngắn bắn gần.
Đồng âm    thân thể, bản thân mình, tự mình (cung hành, thân hành: tự mình ra tay làm lấy)
                nhà lớn (cung nữ, cung điện, cung cấm) – một trong ngũ âm (gồm cung, thương, giốc, chủy, võ) – cực hình thời xưa bắt người đàn ông phải hoạn
                kính cẩn (cung kính, cung hỉ)
                bày tỏ – vâng chịu – tự nhận – cấp cho (cung cấp, cung cầu, cung hiến, cung phụng)
* CAN    ° cái mộc đỡ giáo mác – xúc phạm – cầu xin – có quan hệ
Từ ngữ         can qua (chiến tranh),  liên can, can thiệp, can dự, can án, bất can hỷ sự, vô can, can phạm
Đồng âm     khô khan – khô kiệt (can táo, âm can, can khương). Một âm khác là càn (kiền)
                cái gan – dạn dĩ (can đảm, can trường)
                cái gậy – cái mộc đỡ giáo mác
                竿 cần câu
QUA      ° loại vũ khí xưa giống cái giáo (can qua)
Từ ngữ:        can qua, đảo qua (trở giáo, phản)
Đồng âm     quả dưa, dây dưa
                con ốc
qua tới (đúng ra phải đọc là quá)
BINH      ° khí giới – quân lính
Từ ngữ          binh lực, binh uy, quân binh, hành binh, binh bị, động binh, dụng binh, phụ tử chi binh, điều binh khiển tướng
DỮ         ° liên từ: và, cùng với – giao hảo với nhau – hứa cho – cho được – cho, cấp cho
Từ ngữ  與件  dữ kiện: những điều đã được mọi người công nhận, dùng làm tiêu chuẩn để khảo sát, nghiên cứu một vấn đề gì
                             ------------------------------------------
BÀI 3
TỪ VỰNG
父子兄弟母   phụ     tử     huynh   đệ     mẫu
TẬP ĐỌC
父子 父母 父兄 母子 兄弟 弟子
DANH TỪ KÉP CẤU TẠO THEO LỐI LIÊN HỢP DANH TỪ ĐƠN (xem lại bài 2)
          Ghép các tiếng  phụ, tử, huynh, đệ, mẫu với nhau thành từng đôi một, chúng ta có được các danh từ kép sau:
phụ tử:         cha con
phụ huynh:  cha anh
huynh đệ:    anh em
tử đệ:          con em
phụ mẫu:    cha mẹ 
mẫu tử:        mẹ con
đệ tử:           học trò, người trẻ tuổi
          Các danh từ kép ở đây cũng được tạo ra theo lối liên hợp như trong bài trước. Nhưng các tiếng đơn có vị trí gần như cố định. Vị trí của chúng được xếp đặt theo sự tương quan ý nghĩa với nhau, nghĩa là sự xếp đặt mang ý nghĩa.
Ví dụ: Trong danh từ  phụ tử (cha con), vị trí tiếng phụ phải nhất định ở trước tiếng tử. Sự xếp đặt này được quy định theo thứ tự từ lớn đến nhỏ, từ thân đến sơ.  Khi nào có ý nghĩa tương quan giữa hai tiếng ít có quan hệ đến vị thứ gia tộc hay tôn ty thì người ta có thể đảo ngược vị trí của chúng. Như người ta có thể đảo ngược vị trí 2 tiếng huynh đệ để nói đệ huynh.
NGỮ PHÁP
 
Thêm liên từ (cập) vào giữa các danh từ kép trong bài, chúng ta có:
- phụ cập mẫu:    cha cùng mẹ
- phụ cập tử: cha cùng con
- phụ cập huynh: cha cùng anh
- mẫu cập tử:  mẹ cùng con .v.v…
Bỏ liên từ cập (cùng, liền, tới), chúng ta có các danh từ kép liên hợp ở phần trên. Liên từ cập đồng nghĩa với liên từ dữ nhưng có sắc thái nghĩa mạnh hơn. Nói phụ cập mẫu là nhấn mạnh  cả cha cả mẹ. Còn nói  phụ dữ mẫu chỉ là kể ra cha và mẹ.
Một số kết hợp tương tự loại này là: quần thần, sư đệ, phu phụ, thiên địa, tướng sĩ, tỉ muội, tử tôn...


BÀI TẬP :Tập viết các chữ trong bài mỗi chữ 10 lần. Viết chữ lớn cỡ 4 cm x 4 cm.
            Kết hợp các tiếng sau thành những danh từ kép theo lối kết hợp như ở bài I:  
  Tìm 5 danh từ kép trong số các từ ngữ đã học do 2 danh từ đơn chỉ về người liên hợp thành. 
  Tính số nét các chữ trong bài.

GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
PHỤ       ° cha (trong quan hệ với con) – một âm khác là phủ (ngư phủ)
Từ ngữ        ª  thân phụ, bá phụ, thúc phụ, phụ huynh, hổ phụ sinh hổ tử
Đồng âm       phụ rẫy, bội bạc – bội ơn
                   trợ giúp (phụ lực, phụ tá)
                   cái gò – dồi dào, to lớn 
          vợ (trong quan hệ với chồng) (phu phụ) – người đàn bà (thiếu phụ, phụ nữ)                     nương vào – giữ vai trò kém quan trọng hơn (phụ thuộc, đảm phụ, phụ bạc)
TỬ         ° con – gã – thầy – cái – hạt
Từ ngữ        ª  phụ tử, hiếu tử, du tử, nguyên tử, tử đệ, bán tử, Khổng tử, chư tử, thái tử,                 truyền tử lưu tôn
Đồng âm     chết (bất tử, sinh tử, sinh ly tử biệt) 
                   sắc tím, tía (ngoại tử ánh, tử tô)
                   (trong tiếng đôi tử tế) kỹ càng tươm tất 
HUYNH          ° anh – đàn anh
Từ ngữ        ª  bào huynh (anh ruột) –  huynh trưởng (người vào hàng anh, người cầm đầu trong một tổ chức nhỏ)
ĐỆ         ° em – người kém tuổi – vai dưới
Từ ngữ        ª môn đệ, đệ tử
Đồng âm     thứ tự – nhà ở – khoa đệ (đệ nhất, đệ trạch) 
                   em gái – em dâu
                   theo thứ tự truyền đi (đệ trình)
MẪU     ° mẹ (trong quan hệ với con)
Từ ngữ        ª mẫu giáo, mẫu nghi, mẫu hệ, mẫu thân, mẫu quốc, thánh mẫu, bảo mẫu...
Đồng âm     con thú đực – giống đực của loài thú (mẫu ngưu), đối nghĩa với tẫn ()                           là con cái.
CẬP       ° đạt đến – tới được – đến kịp – bằng – cùng với – và
Từ ngữ        ª  cập môn (học trò thọ giáo với thầy),  cập kê (Theo tục xưa ở Trung Hoa, con gái 15 tuổi thì làm lễ cài trâm để chuẩn bị có chồng.), cập kỳ (đúng kỳ, đến kỳ hạn), bất cập (thiếu kém –chưa tới kịp)...
                             --------------------------------------
BÀI 4
TỪ VỰNG
大小犬牛羊   đại     tiểu   khuyển  ngưu   dương
TẬP ĐỌC
大犬   小犬   大牛
小牛   大羊   小羊
大 人   小人   大力
NGỮ PHÁP
CÁCH PHỐI HỢP MỘT DANH TỪ ĐƠN VỚI MỘT HÌNH
DUNG ĐƠN THÀNH MỘT DANH TỪ KÉP
Các tiếng đại, tiểu là hình dung từ.
Các tiếng khuyển, ngưu, dương là danh từ đơn.  Chúng ta phối hợp hình dung từ với danh từ để có các danh từ kép như:
đại khuyển:   chó lớn     tiểu khuyển:    chó nhỏ
đại ngưu:      bò lớn        tiểu ngưu:        bò nhỏ
đại dương:   dê lớn         tiểu dương:       dê nhỏ
Những tiếng ghép ở đây chưa phải là danh từ kép, nhưng tạm mượn để trình bày về sự cấu tạo các tiếng Hán Việt cho tiện.
Chú ý: Khi hình dung từ đi sau danh từ thì nó biến thành tính từ(1)và tiếng kép ấy sẽ trở thành mệnh đề. Ví dụ ngưu đại:(2) trâu thì lớn; khuyển tiểu: chó thì nhỏ
Các tiếng đại, tiểu ở đây là tính từ.
Ngưu đại, khuyển tiểu có tính cách của những mệnh đề chính thức.
Một số kết hợp tương tự là:  tiểu nhân, tài nhân, thường dân, kỳ sĩ, quái kiệt, hùng tâm, hào khí, lương tâm, giai nhân...
BÀI TẬP   Tập viết các chữ trong bài mỗi chữ 10 lần, chữ cỡ 3,5 cm x 3,5 cm.
  Viết mặc tả những tiếng sau và cho biết chúng thuộc loại kết hợp nào:  đại đao, ngưu tử, nhân mẫu, huynh đệ chi binh.
  Tìm 10 danh từ kép do một hình dung từ và một danh từ đơn phối hợp, nên chọn trong những tiếng đã học ở lớp.
  Phân biệt tự dạng chữ khuyển và đại.
  (1) Trong tiếng Việt không có sự phân biệt rõ ràng về hình dung từ và tính từ. Chúng ta nói trâu lớn trong câu “Anh tôi có một con trâu lớn” và trâu lớn trong câu “Con trâu lớn hơn con chó” thì vị trí tương quan giữa danh từ và tính từ hay hình dung từ vẫn như nhau.
(2) Thủy ngưu 水牛 con trâu, nhưng một chữ ngưu cũng có nghĩa là con trâu hay con bò.  
GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
ĐẠI        ° lớn – to – rất quan hệ.
Từ ngữ        ª đại sư, đại nhân, đại trượng phu, đại dương, vĩ đại, trọng đại...
Đồng âm     (cũng đọc đợi): thay thế – đời (đại diện, đại biểu, thời đại)
                   màu xanh đen (thanh đại)
                   cái túi
TIỂU      ° nhỏ – con – bé bỏng – nhỏ mọn
Từ ngữ        ª tiểu nhân, tiểu sử, tiểu tiết, tiểu tâm, đại đồng tiểu dị...
Đồng âm     (tiễu) đánh dẹp (tiễu trừ)
NGƯU  ° con bò – sao Ngưu trong số Nhị thập bát tú.
Từ ngữ        ª  ngưu hoàng, ngưu đầu mã diện (đầu trâu mặt ngựa)
                   水牛 thủy ngưu: con trâu
牛騏同羣 ngưu kỳ đồng quần: bò và ngựa hay cùng chung một bầy, chỉ trường hợp người có tài phải sống chung hoặc cộng tác với những kẻ tầm thường
KHUYỂN        ° con chó
Từ ngữ        ª khuyển mã chi lao: công lao chó ngựa (nói sự báo ơn của người dưới đối với bậc trên)
DƯƠNG          ° con dê
Từ ngữ        ª dương trường điểu đạo: đường ruột dê, đường chân chim đi uốn khúc quanh co,  sơn dương hoàng dương.
Đồng âm     khí dương – mặt trời (âm dương)
                   nêu lên – làm cho rõ – khen ngợi (dương danh)
                   cây dương, giống cây liễu (thùy dương, dương liễu)
                   biển lớn (đại tây dương)
                   giả vờ như thật
                   -------------------------------------------
BÀI 5
TỪ VỰNG
古今上下左右內外  cổ  kim   thượng   hạ      tả      hữu       nội     ngoại 
TẬP ĐỌC
古人   今人   上人   下人  
左人   右人   內人   外人  
NGỮ PHÁP
CÁCH PHỐI HỢP MỘT HÌNH DUNG TỪ CÁCH VỚI MỘT DANH TỪ ĐƠN THÀNH MỘT DANH TỪ KÉP
Các tiếng cổ, kim, thượng, hạ, tả, hữu, nội, ngoại là những hình dung từ cách.
Phối hợp một hình dung từ trên với danh từ nhân (người), chúng ta có được các danh từ kép sau đây:
1cổ nhân:          người xưa           kim nhân:      người nay
 thượng nhân:   người trên          hạ nhân:        người dưới
 tả nhân:           người bên tả       hữu nhân:      người bên hữu
 nội nhân:         người trong        ngoại nhân:   người ngoài
1 Các tiếng thượng, hạ ngoài ra còn là động từ khi đứng trước, hay đứng sau danh từ đơn tùy theo chỗ dùng và khi ấy nó có âm là Thướng, há và có nghĩa: thướng: lên – làm cao lên – leo lên – tự cắt lên. há: xuống – làm thấp xuống – đánh ngã được (xem phần tham giải).

Nhận xét
Như các hình dung từ ở bài 4, các tiếng  cổ, kim, thượng, hạ, tả, hữu, nội, ngoại có tính cách của những hình dung từ chính. Vị trí của chúng đứng trước danh từ nhân và chỉ định cho danh từ này. Danh từ nhân là tiếng được chỉ định. 
Chú ý
Các hình dung từ trên khi đi sau danh từ đơn thì chúng không biến thành những tính từ mà lại biến thành danh từ hoặc động từ hoặc trạng từ, và có tiếng không dùng đi sau được. Nói thượng nhân là nói hạng người trên (hạng người cao quý, hạng người thượng lưu; mà nói nhân thượng là nói ở trên người khác, tiếng hạ cũng thế.
Về hai tiếng  cổ kim1 thì người ta nói  cổ nhân, kim nhân được mà không thể nói nhân cổ hay nhân kim. Các tiếng tả, hữu, nội, ngoại thì không thường dùng đi sau tiếng nhân nhưng lại dùng đi sau nhiều danh từ đơn khác. Chính vì lý do ấy mà ghép chung nhiều tiếng cùng loại với các tiếng trên vào một loại là hình dung từ cách.
Chính các danh từ đơn làm túc từ danh từ trong các danh từ kép phối hợp (bài 1) cũng có thể được xem là hình dung từ cách được.
                                         
1Cũng có khi người ta dùng chữ cổ như một tính từ, như trong câu nhân tâm bất cổ (人心不古– lòng người chẳng như xưa), hoặc dùng chữ cổ và  kim như danh từ, như trong câu  vô cổ bất thành kim (無古不成今 – không có xưa chẳng thành được nay). Chữ  xưa là nói những gì đã có về trước, chữ nay là chỉ những gì hiện có. 
Một số tiếng thông dụng thuộc loại này là:  cổ văn, kim văn, tả biên, hữu biên, nội vụ, ngoại bang, hạ cấp, thượng lưu, thượng đẳng.
BÀI TẬP
  Tập viết các chữ trong bài mỗi chữ 10 lần, chữ lớn cỡ 3,5 cm x 3,5 cm. 
  Kết hợp các tiếng sau thành những tiếng kép có nghĩa: , , , , .
GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
CỔ         ° xưa – cũ.
Từ ngữ        ª hoài cổ, khảo cổ - cổ tích, cổ nhân, cổ điển, cổ sử, vô cổ bất thành kim, cổ phong, cổ tục.
Đồng âm     cái trống – đánh trống để thôi thúc người, làm cho người ta chú ý (cổ động, cổ vũ)
                   bắp vế – một phần vốn (cổ dũng). Các âm khác là gia, giả.
KIM       ° nay – hiện nay
Từ ngữ        ª kim thời, hiện kim, đương kim, cận kim, kim văn.
Đồng âm     vàng – loài kim thuộc (kim khí, hoàng kim thời đại)
THƯỢNG       ° trên – ở trên – nơi cao – khi làm động từ đọc là thướng, có nghĩa là leo lên cao, cất lên cao.
Từ ngữ        ª  thượng khách, thượng lưu, thượng thọ, thượng du, thượng mã, tối thượng, vô thượng.
Đồng âm     chuộng – còn (cao thượng, sùng thượng)
HẠ         ° dưới – ở dưới – nơi thấp – khi làm động từ đọc là há, có nghĩa là xuống, làm thấp xuống.
Từ ngữ        ª hạ cấp, bộ hạ, thủ hạ, túc hạ, túc hạ, bệ hạ, đê hạ, hạ lưu, hạ đẳng, hạ sơn.
Đồng âm
                   mừng (khánh hạ)
                   nhà lớn (đại hạ)
mùa hè (hạ chí)
rảnh rang (nhàn hạ)
  TẢ        ° bên tay trái – quá khích – người hầu hạ hai bên 
Từ ngữ        ª tả ngạn, tả phái, khuynh tả, cực tả.
Đồng âm     viết – tỏ bày ra (ám tả, chính tả)
                   đi tiêu chảy – xổ (thổ tả, tả hạ)
HỮU      ° bên tay mặt – bảo thủ
Từ ngữ        ª hữu ngạn, hữu phái, hữu khuynh (Sở dĩ gọi là tả và hữu là vì mỗi khi vào nghị trường, những người cùng khuynh hướng luôn chọn ngồi vào những hàng ghế bên tả hoặc bên hữu); cực hữu là chỉ các nhóm chính trị có tinh thần bảo thủ cực đoan, đối lại với  cực tả là nhóm chủ trương cải cách cực đoan.
Đồng âm     có, giàu (hữu ích, tư hữu, phú hữu)
                   bạn bè – thân ái nhau (bằng hữu, hữu ái) 
NỘI        ° trong – bên trong
Từ ngữ        ª  nội vụ, nội tướng, nội tâm, hải nội quốc nội, nội các, nội chính
NGOẠI            ° ngoài – bên ngoài – mặt ngoài – thuộc về ngoài
Từ ngữ        ª  ngoại nhân, ngoại quốc, ngoại lệ, bài ngoại, hải ngoại, ngoại giao, ngoại viện, nội công ngoại kích
                             --------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét