Chú Trịnh Minh Châu có viết bài về cuốn sách "Về lại Thăng Long" của cụ Hoàng Tuấn Phổ. Dự định khi in cuốn sách này thì sẽ cho in kèm và sau đó sẽ cho in ở một vài nơi... Nhưng từ khi chú bị bệnh ung thư, tình hình có khác. Hiện nay chú không còn tham gia gì ở ban liên lạc Họ Trịnh. Cụ Trịnh Ngọc Bích đã chết. Ông Trịnh Huy Luân và Huy Trụ làm thay. Do bệnh tật nên chú không muốn tham gia gì, có gặp cũng không trao đổi gì. Nay HTC có Blog vậy chú chuyển bài viết đến Công, thấy được thì cho lên trang nhà, gọi là TMC tri ân với cụ HTP vậy nhé...”(1)
Hình như lâu nay Nhà thơ Trịnh Minh Châu cũng là độc giả của Tuấn Công thư phòng ? Nay xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc bài viết, và cảm ơn Chú Trịnh Minh Châu đã gửi bài cho TCTP. Xin được chia sẻ hoàn cảnh của Chú, chúc Chú mạnh khỏe, chiến thắng bệnh tật !
TCTP
TCTP
Đọc "VỀ LẠI THĂNG LONG"
( Truyện lịch sử của Nhà văn Hoàng Tuấn Phổ )
Sau mười một tập truyện viết về đề tài lịch sử, ở tuổi 75 nhà văn Hoàng Tuấn Phổ lại cho ra mắt tiếp truyện lịch sử viết về một thời kỳ khá đặc biệt, thời kỳ phù Lê diệt Mạc và xây dựng nước Đại Việt của các chúa Trịnh. Hay nói khác là thời kỳ Lê - Trịnh, hay thời kỳ Lê trung hưng. Từ Sóng nước Cổ khê, Ngàn nưa, Vua Lê Đại Hành, Miếng võ gia truyền, Vượt ngục Thành Tây đô, Mai vàng chùa tháp, Hiển khánh Vương Trịnh Khả, Chúa Trịnh (tập 1 ), Giấc mộng Ngai vàng, Trịnh - Nguyễn tranh hùng và Tướng công Hoàng Đình Ái. Đều diễn ra trên đất Thanh hoá hoặc chủ yếu ở Thanh hoá. Sáu truyện trước viết về các nhân vật lịch sử chống ngoại xâm, bốn truyện sau viết về các nhân vật lịch sử người Thanh Hoá trong các thế lực tranh giành ngôi vị đế vương của đất nước.
Trong truyện :Về lại Thănh Thăng long nhà văn tập trung sắp xếp văn bản để tái tạo lại thời kỳ Lê Trung hưng. Nhà văn không sử dụng lối viết theo cách nhiều người vẫn sử dụng đó là tiểu thuyết hoá trong sáng tác về đề tài lịch sử mà kể lại một cách dung dị. Qua truyện, người đọc nhận ra các nhân vật như vốn có của nó đã từng đôi lần được nghe kể trong dân gian . Lối viết này tưởng đơn giản, nhưnh thực ra lại rất khó khăn, bởi vì phải nghiên cứu, nghiền ngẫm, tích luỹ rất nhiều tài liệu về lịch sử chính thống, gia phả các dòng họ, và các văn bản khác trong nhiều năm, thậm chí cả một đời người. Mặt khác chính bút pháp ấy không cho nhà văn phóng bút bình luận theo ý thức chủ quan mà để cho tính cách nhân vật bằng hành động của họ theo dòng sự kiện lịch sử hiện lên giản dị và chân thực. Bên cạnh đó khi nêu tên nhân vật, viết các sự kiện thuộc về lịch sử rất dễ đụng chạm đến lòng tự ái của hậu duệ các nhân vật cũng như các nhà nghiên cứu lịch sử, các nhà nghiên cứu văn hoá...Tuy nhiên HOÀNG TUẤN PHỔ vẫn là HOÀNG TUẤN PHỔ .Vượt qua những trở ngại đó Nhà Văn vẫn đem đến cho người đọc những trang viết được kết hợp giữa tài văn chương với sự chân thực lịch sử và kiến thức văn hoá sâu rộng, phần nào đã thoả mãn được nhiều đối tượng đọc giả.
Về lại Thăng Longthuộc loại truyện chí có vấn đề qua từng sự kiện lịch sử được sắp xếp lô-gích, gia công sinh động hoặc tiểu thuyết hoá . Đây là bút pháp ngày nay các nhà văn hiện đại rất ít sử dụng. Nhưng với đề tài lịch sử lại rất đắc dụng, bạn đọc dễ dàng theo dõi diễn biến của câu chuyện mà nhà văn sắp xếp.
Khi đọc Về lại Thăng Long người đọc dễ nhận ra một Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm ông tổ của các chúa Trịnh, với tài văn võ song toàn, khi được Hưng quốc công tuyển chọn và sau này tiến cử nắm binh quyền thay mình đã xứng đáng với lòng tin của người giao phó. Trong lúc, bên ngoài Nhà Mạc, sau khi tiêu diệt Nhà Lê đã nắm được gần như trọn vẹn đất nước, bên trong với chiêu bài phù Lê diệt Mạc cũng không ít chông gai. Đứng mũi chịu sào trước một nghĩa binh đang còn phôi thai non yếu, các tướng không ít người xuất thân từ các gia tộc khanh tướng, công hầu, đầy lòng tự trọng cũng như đố kỵ ..không dễ gì tôn phục một người xuất thân từ một nông dân bình thường. Nhưng với vốn võ nghệ và kiến thức nho học được ông cậu Hoàng cữu truyền dạy với tư chất thông minh Trịnh Kiểm đã xây dựng thành công một “Nhà Lê” dần phát triển, có lực lượng qui mô đánh đông dẹp bắc...
Ngoài hình ảnh của Trịnh Kiểm, nhân vật Hoàng Đình Ái, Phạm Đốc cũng được nhà văn dành cho tình cảm trân trọng qua từng trang viết.
Các tướng: Phạm Đức Kỳ, Vũ Sư Thước, Lại Thế Khanh, Hà Thọ Lộc, Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan, học sĩ Lương Hữu Khánh...những khai quốc công thần của nhà Lê Trung Hưng qua ngòi bút của tác giả, người đọc cảm thấy hiện hữu gần gũi, họ đi chiến trận với lòng trung nghĩa, chân thật như bản tính vốn có của người nông dân, thuỷ chung với sự nghiệp đã chọn. Có lẽ đây là nguồn gốc sức mạnh chiến thắng sau này để trở lại Thăng long.
Các nhân vật đối kháng, nguyên nhân của cuộc chiến tranh đẫm máu kéo dài trên sáu mươi năm, điển hình là Mạc Đăng Dung và con, cháu, hậu duệ của ông ta. Từ khi giết vua Lê Chiêu Tông, giam chết mẹ con Cung hoàng...ngòi bút nhà văn vẫn bình tĩnh như một sử gia. Đặc biệt nhân vật Mạc Kính Điển làm tướng suốt đời, đánh đông dẹp bắc cố giữ ngai vàng ông cha cướp được từ nhà Lê cho đến khi qua đời.
“Tháng 10 năm ấy, Khiêm vương Mạc Kính Điển qua đời, cả triều đình Mạc đều dao động, tướng sĩ lo lắng, người hai cõi Giang đông và Giang tây xôn xao bàn tán.”
Không rõ lúc ấy nhân dân bàn tán gì? Nhưng hãy để chính kiến : đúng , sai , tốt , xấu sang một bên thì Mạc Kính Điển là viên tướng có tài, chinh chiến không mệt mỏi, làm tròn bổn phận của kẻ bề tôi, một phẩm chất cần có của người làm tướng.Chính Mạc Kính Điển là tổng chỉ huy các chiến dịch tạo nên những trận đánh ác liệt suốt từ cửa Thần Phù đến tận vùng núi phía tây Thanh Hoá. Đây là lịch sử có thật, đối với nhân dân các địa danh trên Mạc Kính Điển là người có tội,nhưng đối với họ Mạc, Kính Điển là người có công. Tôi đọc Sử ký thấy có viết “ –Kỷ cương nhà Tần bị đứt, miền Sơn Đông nổi loạn, các miền khác đều nổi lên. Các anh hùng tuấn kiệt họp nhiều như quạ. ...”, “Chó của chích cắn vua Nghiêu không phải vì vua Nghiêu bất nhân, nhưng là chó thì bất kỳ ai không phải chủ của nó là nó cắn”. Thật trớ trêu thay, sau khi Mạc Kính Điển mất, triều đình nhà Mạc bắt đầu suy vong rồi diệt vong, con cháu nuối tiếc cái ngai vàng cha ông cướp được của nhà Lê chạy vạy cầu cạnh nước ngoài nhưng không toại nguyện, sống chui lủi ở vùng sơn cước nhiều năm rồi mới mất hẳn.
Như vậy để thấy lúc tao loạn thì khó phân biệt đúng sai, Nhà văn của hậu thế không thể lý giải theo ý kiến riêng được.Cái được của nhà văn là tái tạo lại lịch sử bằng văn chương, phần còn lại người đọc sẽ lý giải theo quan niệm của họ. Nhưng lịch sử thì không thể theo quan niệm mà chỉ có đúng và chưa đúng, vậy thì trung thực là phẩm chất của nhà văn, HOÀNG TUẤN PHỔ đã làm được điều này !(2)
Trước khi khép lại cuốn sách là cuộc tấn công mãnh liệt của Triết Vương Trịnh Tùng vào thành Thăng long. Vua tôi Nhà Mạc kẻ bị bắt, người tháo chạy khỏi kinh thành, Nhà Mạc mất, Trịnh Tùng bắt đầu công cuộc xây dựng đất nước. Thời đại này-Lê Trung Hưng kéo dài 248 năm lịch sử .
Đọc tác phẩm văn học nhưng có cảm tưởng như đọc cuốn lịch sử được chi tiết hoá.Người đọc có thể tóm lược được như sau : Mạc Đăng Dung cướp ngôi của nhà Lê, Nguyễn Kim chạy về Thanh Hoá chống lại Mạc Đăng Dung, sau sáu năm mới tìm được người con của vua Chiêu Tông dựng lên ngôi kế nghiệp nhà Lê. Nguyễn Kim được vua giao cho điều binh khiển tướng, Trịnh Duy Thuân nội trị, ngoại giao. Nguyễn Kim mất, Trịnh Kiểm kế nghiệp, Trịnh Kiểm mất, Trịnh Tùng kế nghiệp chống lại Nhà Mạc cho đến toàn thắng.
Đây là tác phẩm nhà sử học tìm thấy trong đó những tình tiết bổ sung làm sinh động thêm một thời kỳ lịch sử, nhà văn hoá tìm thấy phong tục, tập quán, các địa danh theo tên gọi của người xưa, các sinh viên xã hội học tìm thấy kiến thức bổ sung cho hành trang của mình...người cầm bút khác có thể tìm tư liệu trong đó để viết các tác phẩm có liên quan.
Thế mạnh của nhà văn là viết cẩn thận chỉn chu, chân thực dung dị nhưng đó cũng chính là cái yếu của nhà văn. Ngòi bút không thể tung hoành, mổ xẻ các sự kiện, các nhân vật để người đọc lắng đọng, ấn tượng về một thời kỳ lịch sử đầy biến động của đất nước. Đôi khi ngẫm ngợi thấy tác giả viết theo lối “ Văn học quan phương”. Nhưng viết về đề tài lịch sử thì quan phương cũng có cái tốt.
Nói đi thì cũng phải nói lại, trong khi nhiều người chạy theo nhãn mác, danh hiệu nhằm đánh bóng cá nhân trước bạn đọc phổ thông thì HOÀNG TUẤN PHỔ vẫn “ Khép phòng văn hì hục viết”. Có người viết hàng tá sách nhưng khó để lại ấn tượng cho bạn đọc, HOÀNG TUẤN PHỔ có trên 40 đầu sách thuộc nhiều thể loại, ai cầm cuốn sách của ông cũng muốn đọc một mạch. Về LẠI THĂNG LONG là cuốn sách như vậy . / .
TRỊNH MINH CHÂU
Chú thích:
(1)-Trích thư của Chú Trịnh Minh Châu gửi HTC ngày 23/7/2014. Nhà thơ Trịnh Minh Châu là bạn vong niên của thân phụ Hoàng Tuấn Công. Trước đây chú Châu làm Viện trưởng Viện kiểm sát huyện Vĩnh Lộc-Thanh Hoá, sau chuyển xuống Viện kiểm sát tỉnh rồi về hưu. HTC mới gặp chú Châu đôi ba lần, cũng không đọc thơ Chú được nhiều, nhưng thích một số bài thơ trong đó hiện lên hình ảnh những “người ở làng” của Chú. Mời độc giả thưởng thức một số bài thơ của Trịnh Minh Châu theo đường link này: Chùm thơ TRỊNH MINH CHÂU.
(2) Bản thảo “Về lại Thăng Long” do Hội đồng họ Trịnh Việt Nam hợp đồng với Hoàng Tuấn Phổ viết, kế hoạch sẽ xuất bản vào dịp Kỷ niệm Ngàn năm Thăng Long-Hà Nội. Tuy nhiên, khi bản thảo hoàn thành, phía họ Trịnh “đề xuất sửa chữa, cắt bỏ một số câu, chữ”, tác giả Hoàng Tuấn Phổ không đồng ý, vì cho rằng làm như vậy là không tôn trọng lịch sử:
“Người viết truyện lịch sử cũng như người viết sử hay nghiên cứu sử đều phải trung thực khách quan, tránh tả khuynh hay hữu khuynh, vì nếu thiếu công tâm, thiên lệch một phía đều không thể thành công. Mặc dù sách “Về lại Thăng Long” do Hội đồng họ Trịnh Việt Nam “đặt hàng”, nhưng“hàng”ở đây, rất tiếc lại là món hàng lịch sử, tất cả đều do sự thật khách quan của lịch sử, không do người “đặt hàng” hay người “làm hàng” muốn thế này hay thế kia mà được ! Nếu tôi bất chấp sự thật lịch sử, tô vẽ, tâng bốc để làm đẹp lòng mọi người theo sở thích cá nhân của họ chỉ vì đồng tiền họ bỏ ra, thì tôi không còn là Hoàng Tuấn Phổ mà chỉ là một gã “bồi bút” viết thuê cho “ông chủ họ Trịnh” ! Nên biết rằng, mặc dù họ Trịnh bỏ tiền ra nhưng khi sách được in, nó thành tài sản chung, ai cũng có quyền đọc, có quyền đánh giá, phê bình, người họ Trịnh không thể nói rằng đây là sách “đặt hàng” của chúng tôi, dành riêng cho chúng tôi đọc, không ai có quyền đọc, có quyền khen chê !
Tôi đề nghị bà con, chư vị họ Trịnh nên thận trọng, khách quan khi bình xét một tác phẩm được viết trên quan điểm khách quan lịch sử bằng ngòi bút thận trọng. Các tình tiết khen chê trong tác phẩm tôi đều phải cân nhắc, nâng lên đặt xuống lật đi lật lại: khen họ Trịnh như thế có đúng hay không, chê họ Mạc có gì oan cho họ, có chỗ nào hạ thấp vai trò vua Lê ? v.v…” (Trích thư Hoàng Tuấn Phổ gửi họ Trịnh ngày 3/1/2011).
Rốt cuộc, vì không thống nhất được quan điểm, “Về lại Thăng Long” của Hoàng Tuấn Phổ đến nay vẫn chưa thấy xuất bản và đến tay bạn đọc. Trịnh Minh Châu viết bài này do đọc bản thảo “Về lại Thăng Long” gửi họ Trịnh. (Chú thích của HTC).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét