Bồ nông sống chung với hải âu |
Hoàng Tuấn Công
Bạn đọc Yên Duyên Hương (Yenduyenqx@gmail.com) hỏi: “Tục ngữ Việt Nam có câu “Bắt chấy cho mẹ chồng thấy bồ nông dưới biển”. Tôi thấy các cụ hay dùng với ý là nàng dâu không thật, không tốt với mẹ chồng. Tuy nhiên, tại sao lại nói như vậy ? Tôi thấy rất khó hiểu. Ở trên mạng thấy có người dùng, nhưng không giải thích. Phiền anh Hoàng Tuấn Công giải thích nghĩa đen câu tục ngữ này. Trân trọng cảm ơn và chờ đợi.”
Cảm ơn bạn Yên Duyên Hương. Thời gian vừa qua, bạn đọc gửi khá nhiều câu hỏi, thắc mắc đến Tuấn Công thư phòng dưới dạng phản hồi. Nhiều câu tôi đã trả lời ngắn gọn ngay phía dưới phản hồi hoặc gửi riêng theo địa chỉ email. Về câu hỏi của bạn, xét thấy vấn đề khá thú vị nên tôi có bài viết riêng, sâu hơn với mong muốn có thể làm hài lòng Yên Duyên Hương và bạn đọc.
Việc đầu tiên, tiện lợi và tin cậy nhất, ta nên tìm đến các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, các nhà làm từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam:
-“Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam-Nhóm Vũ Dung-Vũ Thúy Anh-Vũ Quang Hào, giải thích: “Bắt chấy cho mẹ chồng, thấy bồ nông dưới biển (bồ nông: loài chim mỏ dài, dưới cổ có bướu đựng cá) Ng.đen: Hiện tượng nàng dâu bắt chấy cho mẹ chồng cũng hiếm như hiện tượng bồ nông dưới biển. Ng.bóng: Quan hệ mẹ chồng nàng dâu ít khi thành thật thương yêu nhau.”
-“Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam”-Nguyễn Cừ giải thích: “Bắt chấy cho mẹ chồng thấy bồ nông dưới bể:Mẹ chồng nàng dâu có bao giờ yêu nhau, nói chuyện nàng dâu bắt chấy cho mẹ chồng khác nào nói chuyện ngược đời là nhìn thấy chim bồ nông xuống biển mò ăn”.
-“Từ điển tục ngữ Việt” của Tiến sĩ ngữ học Nguyễn Đức Dương: “Bắt chấy mẹ chồng thấy bồ nông dưới bể: Chưa rõ nghĩa”.
-“Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam”-GS Nguyễn Lân: Không thấy ghi nhận câu tục ngữ đang bàn.
-“Thành ngữ, tục ngữ lược giải”-Nguyễn Trần Trụ không thấy ghi nhận và giải thích câu tục ngữ đang bàn .
-“Tục ngữ Việt Nam” của Nhóm Chu Xuân Diên-Lương Văn Đang-Phương Tri biên soạn: “Bắt chấy cho mẹ chồng, thấy bồ nông dưới biển (hoặc như bồ nông mò biển).” Vì các tác giả chỉ làm nhiệm vụ sưu tầm, tập hợp nên sách này không giải thích nghĩa của câu tục ngữ nói trên. Tuy nhiên, chúng ta thấy có thêm dị bản: “Bắt chấy cho mẹ chồng như bồ nông mò biển”!
Như vậy, ít nhất có hai cuốn sách của hai tác giả thống nhất trong cách hiểu: Nghĩa đen: Chuyện bồ nông xuất hiện ở biển hoặc kiếm ăn ở biển là rất hiếm, là ngược đời. Nghĩa bóng: Tình cảm mẹ chồng nàng dâu không thành thật, không bao giờ yêu nhau.
Cách giải thích trên có vẻ hợp lý và không có gì cần phải bàn. Tuy nhiên, chúng tôi lại nghĩ khác.
-Thứ nhất về con bồ nông:Có đúng bồ nông xuống biển hoặc mò ăn dưới biển là chuyện “hiếm” thấy (Nhóm Vũ Dung) và “ngược đời” (Nguyễn Cừ) không ? Thưa rằng không ! Bởi vì, bồ nông là loài chim biển. Môi trường kiếm ăn của chúng là các cửa sông, cửa biển, vùng ven biển, biển đảo, các hồ lớn. Chúng không những biết mò biển mà còn lặn biển rất giỏi. Thức ăn của chúng không chỉ là các loài cá mà còn nhiều loại chim biển khác. Nếu gõ tìm trên mạng, chúng ta sẽ tìm thấy rất nhiều bài viết, phim ảnh về chim bồ nông kiếm ăn trên biển. Bởi vậy, “bồ nông dưới biển”hay “bồ nông mò biển” không phải là chuyện “hiếm” hay “ngược đời”.
-Thứ hai, chuyện mẹ chồng nàng dâu:Chúng ta đều biết, mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu được dân gian xem là “cuộc xung đột” dai dẳng cả ngàn năm qua. Có nhiều câu tục ngữ đưa ra tổng kết mối quan hệ này như “chân lý khách quan”: Thật thà cũng thể lái trâu, yêu nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng; Mẹ chồng không ai nói tốt nàng dâu, nàng dâu đâu có nói tốt cho mẹ chồng; Mẹ chồng nàng dâu, chủ nhà người ở ưa nhau bao giờ. Con dâu thì phản kháng, “tố” mẹ chồng: Mẹ chồng trồng cây ngược; Muốn nói không làm mẹ chồng mà nói; Bố chồng là lông con phượng, mẹ chồng là tượng mới tô, nàng dâu là bồ nghe chửi. Mẹ chồng cũng đay nghiến, “tố cáo” nàng dâu: Dâu vô nhà, mụ gia ra ngõ;Bố chồng là lông con lợn hạch, mẹ chồng là đách lợn sề, nàng dâu mới về là bà hoàng hậu. Sự mâu thuẫn nàng dâu mẹ chồng mang tính “truyền kiếp”: Trước học làm dâu sau mới làm mẹ chồng; Chưa học làm dâu đã hay đâu mẹ chồng.
Sống chung một nhà, do mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau nên đôi khi mẹ chồng-nàng dâu phải tạm thời “hòa hoãn” với nhau, “bằng mặt mà không bằng lòng”. Quan hệ tình cảm mẹ chồng-nàng dâu trở thành nhiều “pha” đối phó, “chơi nhau” rất “ngoạn mục” trong tục ngữ: Rau muống tháng chín mẹ chồng nhịn cho nàng dâu ăn, hoặc Rau muống tháng chín nàng dâu nhịn cho mẹ chồng ăn (Rau muống là rau của mùa hè, với những cơn mưa rào. Tháng chín bắt đầu trở rét, hanh khô, rau muốn già, chát, ăn không ngon. Thế nên “họ” mới nhường cho “nhau” ăn !).
-Thứ ba, bắt chấy (phương ngữ Thanh Hóa gọi là chí). Cách đây khoảng 20-30-40 năm trở về trước (tuỳ từng điều kiện sống) chí rận ký sinh trên người rất nhiều. Thế nên, trong bài “Nhớ”(1948), Nhà thơ Hồng Nguyên mới viết nên câu thơ “hồn nhiên” và vô cùng âu yếm: “Có mẹ hiền bắt rận cho những đứa con xa...”.
Rận sống trong quần áo, chăn màn. Chí sống ký sinh trên đầu, trên tóc. Chí có nhiều loại: chí mẹ, chí con, chí to, chí nhỏ... Con to, đen, gọi là chí đậc (chấy đực), con nhỏ gọi là chí mén (chí mén là loại mới nở, đang “tuổi ăn, tuổi lớn” nên chích hút máu rất hăng, ngứa ngáy vô cùng. Hồi nhỏ trên đầu HTC không thiếu giống này). Lại có cả trứng chí nữa. Trứng chí màu trắng ngà, hình bầu dục, bé tí như hạt cát ở gần chân tóc. Nếu dùng hai móng tay ép lại, không nghe tiếng kêu là trứng lép (trứng chí đã nở). Nếu trứng kêu “bép” nghe căng, giòn là trứng chắc (trứng chí già chưa nở thành con). Thế nên có thành ngữ: Từ trứng chí mén (Từ dạng trứng đến con mới nở, ý nói tất thẩy mọi thứ).
Cứ có thời gian rảnh rỗi người ta lại bắt rận, bắt chí cho nhau(1). Mẹ bắt chí cho con; con bắt chí cho mẹ; vợ bắt chí cho chồng; chồng bắt chí cho vợ. Chị em, hàng xóm láng giềng, các bà, các chị bắt chí cho nhau. Bắt chí không chỉ là một công việc, mà còn thể hiện tình cảm quan tâm, âu yếm đến nhau. Vừa bắt chí người ta vừa chuyện trò thủ thỉ, rất thân mật, gần gũi. Bắt được con to, con nhỏ gì cũng trầm trồ, xuýt xóa đưa cho nhau xem. Thường đối với con chí to thì dùng hai móng tay giết đi. Nếu là quan hệ thân mật mẹ con, chị em, vợ chồng, bắt được trứng chí, hoặc chí mén dễ lọt tay hoặc lẩn mất, người ta bỏ vào đầu lưỡi rồi lựa, ép vào răng cửa cắn kêu cái “cập” rồi nhổ ra, tỏ vẻ bõ hờn lắm !(2)(Người chồng trong “Sự tích hòn Vọng Phu” cũng do một hôm bắt chí cho vợ nên mới phát hiện ra cái sẹo trên đầu của cô em gái mình thuở nhỏ.)
Rận sống trong quần áo, chăn màn. Chí sống ký sinh trên đầu, trên tóc. Chí có nhiều loại: chí mẹ, chí con, chí to, chí nhỏ... Con to, đen, gọi là chí đậc (chấy đực), con nhỏ gọi là chí mén (chí mén là loại mới nở, đang “tuổi ăn, tuổi lớn” nên chích hút máu rất hăng, ngứa ngáy vô cùng. Hồi nhỏ trên đầu HTC không thiếu giống này). Lại có cả trứng chí nữa. Trứng chí màu trắng ngà, hình bầu dục, bé tí như hạt cát ở gần chân tóc. Nếu dùng hai móng tay ép lại, không nghe tiếng kêu là trứng lép (trứng chí đã nở). Nếu trứng kêu “bép” nghe căng, giòn là trứng chắc (trứng chí già chưa nở thành con). Thế nên có thành ngữ: Từ trứng chí mén (Từ dạng trứng đến con mới nở, ý nói tất thẩy mọi thứ).
Cứ có thời gian rảnh rỗi người ta lại bắt rận, bắt chí cho nhau(1). Mẹ bắt chí cho con; con bắt chí cho mẹ; vợ bắt chí cho chồng; chồng bắt chí cho vợ. Chị em, hàng xóm láng giềng, các bà, các chị bắt chí cho nhau. Bắt chí không chỉ là một công việc, mà còn thể hiện tình cảm quan tâm, âu yếm đến nhau. Vừa bắt chí người ta vừa chuyện trò thủ thỉ, rất thân mật, gần gũi. Bắt được con to, con nhỏ gì cũng trầm trồ, xuýt xóa đưa cho nhau xem. Thường đối với con chí to thì dùng hai móng tay giết đi. Nếu là quan hệ thân mật mẹ con, chị em, vợ chồng, bắt được trứng chí, hoặc chí mén dễ lọt tay hoặc lẩn mất, người ta bỏ vào đầu lưỡi rồi lựa, ép vào răng cửa cắn kêu cái “cập” rồi nhổ ra, tỏ vẻ bõ hờn lắm !(2)(Người chồng trong “Sự tích hòn Vọng Phu” cũng do một hôm bắt chí cho vợ nên mới phát hiện ra cái sẹo trên đầu của cô em gái mình thuở nhỏ.)
Chăm chú bắt chấy |
Như thế, chúng ta có thể hình dung câu chuyện thế này: Tư thế khi bắt chí, người bắt thường ngồi cao hơn ở phía sau. Người được bắt không thể nhìn thấy mặt người bắt chí. Thế là nàng dâu mới có cơ hội lừa mẹ chồng: tay thì giả vờ rẽ tóc, nhưng mắt lại ngóng nhìn tận đẩu tận đâu, nhìn thấy cả những thứ chẳng liên quan gì đến công việc của mình. Đó là sự không thật trong tình cảm của nàng dâu đối với mẹ chồng. Có thể nàng dâu không chủ ý như vậy. Nhưng vì việc bắt chí không xuất phát từ tình cảm thân mật, gần gũi (như người ta vẫn thường thể hiện mỗi khi bắt chí cho nhau) nên cái kiểu “tâm bất tại” nó cứ tự nhiên diễn ra vậy.
Khỉ bắt chấy cho nhau |
Như vậy, hình thức đúng của câu tục ngữ là: Bắt chấy cho mẹ chồng thấy bồ nông dưới bể (hoặc biển). Ý nói, nàng dâu không thật lòng với mẹ chồng, không chăm chú vào công việc, tay giả vờ bắt chấy, còn mắt thì nhìn đi nơi khác. Con bồ nông dưới biển ở đây chỉ đóng vai trò là hình ảnh, sự vật ở một nơi rất xa, không liên quan chuyện bắt chấy. Vì không hiểu tại sao bắt chấy cho mẹ chồng lại nhìn thấy con bồ nông dưới biển ở trên đầu mẹ chồng nên người ta mới chữa thành: Bắt chấy cho mẹ chồng như bồ nông mò biển(3). Giống như câu: “Vắng chủ nhà gà mọc đuổi tôm” bị sửa thành “Vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm”mà chúng tôi đã nói đến trong bài "MỌC ĐUÔI TÔM hay VỌC NIÊU TÔM ?"
HTC-Tháng 7/2014
Chú thích:
(1)-Họ nhà chí rất có ý thức đi tìm vùng đất mới màu mỡ. Bởi vậy, một người không có chí, nhưng ngủ chung giường với người có chí, chẳng cần đầu gối tay ấp gì, sáng ra đã có ngay một đầu những chí là chí. Ngứa ngáy, khó chịu vô cùng !
(2)-Chính HTC từng được Bà rồi Mẹ mình bắt chí cho và giết chí mén, trứng chí theo cách này. Các cụ không thấy ghê, thấy bẩn vì cho rằng chí hút máu người thân thiết ruột thịt của mình, nó cắn mình, thì mình cũng phải giết lại nó theo cách ấy cho bõ hờn, bõ cơn ngứa ngáy. Bởi vậy, tôi ngờ rằng, câu “Con chấy cắn đôi” chỉ quan hệ chị em thân thiết xuất phát từ cách ví von, so sánh việc bắt chí cho nhau, lại xem nhau như ruột thịt, cùng huyết thống, nên đưa con chấy bắt được vào miệng cắn mà không chút ghê sợ. (Các nhà nghiên cứu động vật linh trưởng cho rằng, cử chỉ bắt chấy, rận cho nhau của chúng cũng là cách thể hiện tình cảm trong bầy đàn).
(3)-Nghệ Tĩnh có dị bản "Bắt chí (chấy) cho mụ gia (mẹ chồng) chộ (thấy) đa đa trên động, hoặc "Bắt chí cho mụ gia, chộ (thấy) ba ba ngoài bể" . Điều này càng có thểm cơ sở để khẳng định cách hiểu "Bắt chấy cho mẹ chồng thấy bồ nông dưới bể" mà chúng tôi đã trình bày.
(3)-Nghệ Tĩnh có dị bản "Bắt chí (chấy) cho mụ gia (mẹ chồng) chộ (thấy) đa đa trên động, hoặc "Bắt chí cho mụ gia, chộ (thấy) ba ba ngoài bể" . Điều này càng có thểm cơ sở để khẳng định cách hiểu "Bắt chấy cho mẹ chồng thấy bồ nông dưới bể" mà chúng tôi đã trình bày.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét