Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2014

CÂU CÁ CHUỐI TỔ

   Hoàng Tuấn Phổ
Trước kia, ao hồ nông thôn nhiều cá chuối tổ. Tên chuối gọi theo như hình dáng con cá giống quả chuối. Chuối với người Thanh Hóa còn được phát âm thành chúi, một cách gọi theo đặc tính của nó hay chúi đầu, lẩn trốn xuống bùn, dưới bùn và có thể nằm đó khá lâu, trong trường hợp ao hồ bị cạn hết nước. 

Người Bắc gọi cá chuốicá quả. Người Nam lại có tên cá lóc, cũng  gọi theo cách di chuyển, cách “đi” của nó trên cạn. Thực tế, cá chuối khác cá quả. Cá chuối đầu to, nhiều con đầu rất to, nhỏ thon dần về phía đuôi. Cá quả đầu nhỏ thân tròn, đầu, đuôi cân đối. Loại cá chuối hoa khoang vện đầy mình, sắc đen, ít thấy. Một loại cá chuối đặc sản ở khe núi Nưa, có hoa văn trên đầu, tên chữ là triều đẩu (nghe nói đêm ăn hướng về sao Bắc Đẩu) nay rất hiếm.
Cá chuối sinh sản mạnh, chóng lớn. Tại những ao chăn nuôi cá, ươm thả cá, người ta rất ghét cá chuối nói chung, cá chuối tổ nói riêng, vì giống cá chuối phàm ăn, chén tất cả các loài cá con: trôi, mè, trắm, gáy,... Cá chuối mẹ đang nuôi con càng ra sức tiêu diệt những đối tượng nó nghĩ là gây hại cho đàn con nó. Vì thế, các ông chủ ao rất vui lòng khi thấy người đến câu. Nhưng cá chuối đến tuổi trưởng thành đều khôn. Cá chuối khi đã sinh con càng tinh khôn hơn. Cho nên việc câu cá chuối ao hồ không dễ.
Một con cá chuối mới sinh được một đàn con. Nó thường bảo vệ đàn con bằng cách ngậm chúng vào hai cái mang to rộng, có “thành lũy” vững chắc. Đàn con lớn khá nhanh, cái mang trở nên chật hẹp, cá mẹ đành phải để chúng ở bên ngoài. Nó cảnh giác với mọi kẻ qua lại, luôn luôn canh phòng cẩn mật. Nó lượn lờ chung quanh, dồn đàn con đông hàng trăm chú cá mới bé tí ti mà đã nghịch ngợm phải biết, thích chơi nhào lộn, ưa chạy nhảy lung tung, phải quây tròn một chỗ, đề phòng nguy hiểm. Thỉnh thoảng nó đớp “bập” một cái ra oai, khiến kẻ thù sợ hãi tránh xa, cũng là để khiến lũ con thơ dại giật mình kinh sợ, không dám tách khỏi đàn. Cũng như nhiều giống vật đang nuôi con khác, cá chuối mẹ rất ham con nên dữ dằn. Không chỉ đe dọa, nó sẵn sàng ăn tươi nuốt sống những con vật dưới nước mà cái miệng lớn rộng đến mang tai của nó đớp một cái vừa gọn.
Nắm được đặc điểm ấy của cá chuối mẹ, người ta bắt nhái ngoắc vào lưỡi câu, thả xuống ao hồ, kéo rê trên mặt nước, giả làm con nhái đang nhảy nhảy hoặc đang bơi bơi. Lối câu này gọi là câu rê. Nghe mặt nước xao động, đàn con theo bản năng tự nhiên, lặn chìm hết thảy, rồi trong chốc lát lại ngoi lên thở ở chỗ khác. Cá mẹ tưởng con nhái kia là kẻ thù nguy hiểm đang nhắm vào đàn con nó, nó phải ra tay trước. Nó phóng tới rất nhanh, há miệng thật to, “bập” một cái. Con nhái tức thì nằm gọn trong miệng nó. Nó toan nuốt ngay con mồi vào bụng. Nhưng chưa kịp nó đã bị cần câu giật mạnh, và trong chớp mắt, lưỡi câu cắm xuyên qua hàm mép nó. Theo phản xạ tự nhiên, nó quẫy mạnh và giãy giụa. Song càng quẫy, càng dãy, cái ngạnh sắc như cái chốt lợi hại ngày càng đóng chặt hơn. Phút chốc con cá mẹ bị tung mình lên khoảng không rồi quật mạnh như trời giáng xuống nền đất cứng!
Tục ngữ nói: “Ai uốn câu cho vừa miệng cá”. Thế mà câu cá chuối tổ, người ta phải ước lượng con cá to hay nhỏ để cắt lưỡi câu, uốn lưỡi câu cho vừa. Loại cá chuối mẹ nhiều con to bằng bắp tay, không ít con lớn hơn. Nếu lưỡi câu nhỏ dễ bị tuột khỏi miệng cá. Người ta quan sát làn sóng dợn mặt ao do cá mẹ tạo ra và tiếng đớp “bập” của nó mà đoán biết con cá lớn chừng nào để dùng lưỡi câu và mồi nhái thích hợp.
Trong thực tế, có những chuối mẹ không dễ mắc câu. Nó chỉ đớp giả để xua đuổi con nhái, xua đuổi kẻ thù. Nó cũng biết cảnh giác khi xuất hiện thấy bóng người (một hình thù to lớn kỳ dị) in xuống mặt nước ao, hoặc tiếng động cười nói, hay tiếng những bước chân đi lại trên bờ. Bởi vậy, câu cá chuối tổ, tốt hơn hết, người ta phải chọn lúc đêm khuya thanh vắng.
Người câu rê, nếu không sẵn tính kiên nhẫn, cũng phải luyện cho mình đức tính kiên nhẫn. Ban ngày, anh ta có thể đứng như một thân cây bên bờ ao hàng giờ liền, không nói năng, không cả tiếng ho. Ban đêm anh ta ngồi từ chập tối đến nửa đêm, từ nửa đêm đến gà gáy sáng mà không hề ngủ gật. Cá và người, người và cá, như cùng thi gan với nhau, ai gan hơn sẽ thắng. Không ít trường hợp người câu cá đành chịu thất bại. Có khi, người câu phải liên tục cả tháng trời, đêm đêm tới bờ ao ngồi, chân tê, gối mỏi, lưng đau, hiến thân cho muỗi đốt, mặc chân cẳng cho kiến cắn... cuối cùng mới hàng phục nổi con cá mẹ tinh khôn. Phút giây vui sướng nhất của người câu là lúc giật cần lên, con cá kéo nặng ghì xuống, uốn cong “ót cần” thành nửa vòng tròn và một vệt sáng lấp lánh bay vút lên khoảng không... Thực ra, giá trị kinh tế của con cá dẫu to đến đâu cũng không tương xứng với công lao của người câu. Niềm vui ở đây là niềm vui đắc thắng, đối thủ đã chịu thua, kẻ thù đã bị tiêu diệt.
Cá chuối tổ thường to, cái đuôi xòe ra như nan quạt. Người câu khi mổ thịt cá, không quên chặt lấy cái đuôi đem dán lên cây cột cái giữa nhà như để lưu dấu, để kỷ niệm một chiến công đáng ghi nhớ. Nó cũng giống một bông hoa trang trí đầy tính dân dã mà không dễ nhà nào cũng có. Khi cần, người ta cạo đuôi cá chuối làm thuốc, một vị thuốc dân gian quý hiếm(1).
Câu cá chuối tổ, ngoài cách câu rê, người ta còn dùng câu thả. Bóc một bẹ chuối hột to, hoặc bẹ chuối hột nhỏ thì buộc hai, ba bẹ dồn một, lấy lưỡi câu có dây câu to đậm buộc chặt vào giữa bẹ chuối. Dây câu buông dài độ một gang tay. Lưỡi câu mắc mồi nhái qua sống lưng, để nhái không thể bò lên bẹ chuối, cũng không dễ bị các loài cá rỉa, đứt làm mất  mồi. Chập tối, thả bẹ chuối xuống ao, hồ, mờ sáng vớt bẹ chuối lên kèm theo con cá chuối to tướng. Có con còn sống giãy giụa. Có con đã chết vì nuốt phải mồi to, bị nghẹt thở. Song cách câu thả không chủ động bằng câu rê. Cá không bị con mồi kích thích, thường cắn chân nhái lôi đi khắp ao. Lắm khi vớt bè chuối lên, bị mừng hụt, chỉ còn trơ cái lưỡi câu !
                                                            HTP
 (Rút từ "Văn hóa đánh bắt chim thú, tôm cá ở Thanh Hóa-trước 1945-Hoàng Tuấn Phổ-NXB Khoa học xã hội-2004)
(1) Chữa hóc xương cá.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét