Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2014

“VIỄN VÔNG” hay “VIỂN VÔNG” ?


Sự biến đổi của chữ "Vọng"
Hoàng Tuấn Công

Sáng nay 23/5/2014 mình cùng nông dân ra đồng thu hoạch vụ xuân dưới cái nắng hầm hập, bỏng rát như đổ lửa. Lúc nghỉ, mượn được cái máy tính bảng, vào trang nhà Tuấn Công Thư Phòng xem khách khứa sáng nay thế nào thì nhận được câu hỏi của Bọ Lập: Báo chí viết loạn cả lên: Hữu nghị viển vông. Mình cũng lúng túng. Theo Công thì viễn vông hay viển vông ?”. 


Mình nghĩ: đúng là Bọ Lập ! Cái gì cũng quan sát cặn kẽ, cụ thể, chính xác, ra vấn đề mới nghe. Có những cái xung quanh chẳng ai nhìn thấy hay nghĩ ra được cái gì đáng kể thì Bọ lại nhìn ra khối thứ hay. Thế nên những “Ký ức vụn”, những “Chuyện đời vớ vẩn”, rồi “Chuyện nhà quê”, chuyện quán xá nhậu nhẹt với “Bạn văn”... tưởng vụn vặt, vớ vẩn lại có sức hấp dẫn, lôi cuốn lạ thường.
Mình chấm chấm quẹt quẹt trên màn hình cái máy đi mượn không quen. Mấy con chữ cứ nhảy nhót tung tăng, loạn xị ngậu lên. Cuối cùng cũng trả lời vắn tắt gửi Bọ Lập. Đại khái: viết đúng phải là “viễn vông”chứ không phải “viển vông”, vì thế này...vì thế kia...Về nhà có thời gian xem lại, thấy “báo chí viết loạn cả lên” và Bọ Lập “cũng lúng túng” là đúng thôi. Bởi vấn đề khá phức tạp. Nhân đó xin phép Bọ Lập để ngỏ câu chuyện chữ nghĩa thú vị này, những mong giúp ích gì đó cho bạn đọc của Tuấn Công Thư Phòng.
Vậy “viễn vông” hay “viển vông” ?
-Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê) viết: “Viển vông: tính từ, không thiết thực, hết sức xa rời thực tế. mơ ước viển vông; toàn nói những chuyện viển vông. đồng nghĩa: hão huyền”.
-Từ điển chính tả (dành cho học sinh)-NXB Từ điển bách khoa-Trung tâm từ điển học: “Viển:viển vông: diễn giả nói những điều viển vông”.
-Từ điển chính tả tiếng Việt-Nguyễn Trọng Báu-NXB Giáo dục-2013: “Viển: viển vông (Xa rời thực tế, chẳng thiết thực gì cả: suy nghĩ viển vông)
-Từ điển từ láy tiếng Việt-Viện Khoa học xã hội Việt Nam-Viện ngôn ngữ học-NXB Khoa học xã hội: “Viển vông tính từ. Không thiết thực và rất xa thực tế. Chuyện viển vông. Mơ ước viển vông”.
-Từ điển Việt Hán-GS Đinh Gia Khánh hiệu đính-NXB Giáo dục-2003: “Viển vông: 虚幻的(hư ảo đích).
Như thế, rất nhiều sách từ điển tiếng Việt viết là “viển vông” (viển dấu hỏi) chứ không phải “viễn vông” (viễn dấu ngã). Hoá ra mình tư vấn sai cho Bọ Lập hay sao ? Nghĩ vậy đúng mà không đúng. Bởi vì từ “viển vông” (như mình đã giải thích với Bọ Lập) vốn là biến âm của “viễn vọng”nghĩa là trông xa:
-Chữ “vọng” nghĩa gốc là nhìn ra nơi xa. Giáp cốt văn: chữ “vọng” giống như một người đang đứng, mắt mở to nhìn ra xa. Kim văn: thêm hình mặt trăng, thể hiện rõ một người đang “viễn vọng”- nhìn xa.
-Ngoài nghĩa đen là nhìn xa, trong Hán văn, từ “viễn vọng” có nghĩa bóng là “ảo tưởng”, trông chờ vào cái gì đó quá xa vời, không thực tế. Từ điển Việt-Hán (sách đã dẫn) cho ta biết: “Viễn vọng: nghĩa 1. 遠望 viễn vọng-nhìn xa; kính viễn vọng 遠望鏡 (viễn vọng kính) Nghĩa 2. 幻想 -ảo tưởng”.
-Từ “ảo tưởng” được Từ điển tiếng Việt giải thích: “có ý nghĩ viển vông, mơ hồ, thoát li hiện thực: ảo tưởng về một thế giới hoàn mĩ”.
-Việt Nam tự điển (Hội khai trí tiến đức-1932):
+Viển-vông: Vu vơ, không có bằng cứ gì cả. Câu chuyện viển vông.
+“Viễn-vọng: trông xa. Đứng trên lầu viễn-vọng. Nghĩa bóng: mong mỏi chuyện xa xôi: Hay viễn-vọng những chuyện viển-vông”.
Như thế, ta có mối liện hệ: Viễn vọng = Ảo tưởng = viển vông. Đặc biệt, Việt Nam tự điển-cuốn sách xuất bản đầu thế kỷ XX cho ta biết thêm: thời bấy giờ đã có sự biến âm “viễn vọng” thành “viển vông”. Tuy nhiên, người ta chưa quên hẳn từ “viễn vọng” nên còn được Việt Nam tự điển ghi nhận: “Viễn vọng: Nghĩa bóng: mong mỏi chuyện xa xôi”. Đáng chú ý, cái ví dụ có vẻ “trái khoáy” “Hay viễn-vọng những chuyện viển-vông” của Việt Nam tự điểncho ta thấy “viển vông” bắt đầu Việt hóa: viễn biến âm thành viển; vọng biến âm thành vông, dần dần thay thế hoàn toàn cho từ Hán Việt “viễn vọng” (Đây là hiện tượng dùng một từ Hán Việt cũ để giải thích cho một từ Việt hóa hoặc từ thuần Việt mới, theo kiểu như “ngày sinh nhật”) Để rồi thay vì nói: “Hay viễn-vọng những chuyện viển-vông” người ta sẽ nói: “Chỉ nói toàn những chuyện viển vông”. Và hơn nửa thế kỷ sau, người ta đã quên hẳn từ “viễn vọng” với nghĩa bóng “mong mỏi chuyện xa xôi” của nó và mặc nhiên công nhận duy nhất từ “viển vông”. Đến mức Từ điển từ láy tiếng Việt (Viện ngôn ngữ học) xếp “viển vông” vào diện “từ láy tiếng Việt”. Qua đó cho rằng trong từ ghép “viển vông” có một từ  không có nghĩa.
Vậy, bây giờ ta phải theo cách viết nào ? “Viển vông” hay “viễn vông”. Theo tôi, đã đến “nước này” có lẽ cũng đành phải theo số đông vậy. Bởi làm sao có thể thay đổi được chừng ấy sách từ điển ? Có người sẽ lý lẽ rằng, một khi chữ “vọng” đã biến âm thành chữ “vông”, thì có lý gì với chữ “viễn” lại không cho nó cái “quyền” biến thành chữ “viển” ?  Tuy nhiên, theo tôi, chữ "viễn" mà biến thành chữ "viển" sẽ tạo thành một kết hợp từ mà cả hai từ tố đều rất vô nghĩa. Vì trong tiếng Việt ngoài từ "viển" trong "viển vông" không có từ nào là "viển" cả. Nếu Từ điển từ láy tiếng Việt xếp "viển vông" vào từ loại láy thì từ nào là từ có nghĩa, và từ nào là từ láy lại âm của từ kia ?  "Vông" là gì và "viển" là gì ? 
Có lẽ với các nhà biên soạn từ điển, theo chúng tôi nếu không sửa được "viển" thành "viễn" thì khi giải thích nghĩa từ “viển vông” nên chú thích nguồn gốc của từ và đưa ra lời khuyên dùng thống nhất là “viển vông” hay “viễn vông”, tránh băn khoăn, thắc mắc cho mọi người mỗi khi nói và viết.
Nhân đây xin cảm ơn Bọ Lập đã nêu vấn đề để HTC và độc giả có thêm một dịp tìm hiểu về ngôn từ tiếng Việt.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét