Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

VIỆT NAM "THUỘC TRUNG QUỐC" BAO GIỜ ?

      Hoàng Tuấn Phổ
Quỷ môn quan (Chi Lăng) với giặc Tàu xâm lược
Thập nhân khứ, nhất nhân hoàn
Báo Pháp luật Việt Nam số ra ngày 24-5-2014 đưa tin: Hãng thông tấn RIA Novosti ngày 19-5-2014 đăng bài của ông Dmitry Kosirev, một nhà bình luận về chính trị của Nga viết: “Việt Nam là vùng đất thuộc Trung Quốc từ cách đây 2.000 năm”, và nhiều điều bịa đặt, xuyên tạc chung quanh vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan vào vùng biển Việt Nam, khiến dư luận Việt Nam phẫn nộ!

Chúng ta dễ hiểu ông Dmitry Kosirev chỉ là một nhà bình luận về chính trị mà chính trị lại không phải sử học, nhưng ông đã tỏ ra thông thái hạ đặt một câu hoàn toàn sai lầm như Trung Quốc hạ đặt giàn khoan tại vùng biển Việt Nam! Có lẽ vấn đề đặt ra phải ngược lại: Trung Quốc xâm lược Việt Namtừ bao giờ mới đúng tinh thần của bài bình luận.
Lịch sử Trung Quốc bắt đầu từ nhà Hạ 2140 năm trước Công nguyên (TCN) cùng thời với thời đại Hùng Vương nước ta được ghi chép rõ ràng trên những trang “sử đồng”, đó là nền văn hóa đồng thau Đông Sơn, sau khi phát hiện, thế giới phương Tây đã phải nghiêng mình về phương Đông, về Việt Nam! Nhà Hạ, trải qua nhà Thương, nhà Ân, nhà Chu (Tây Chu) rồi đến thời đại Xuân Thu - Chiến Quốc, chia năm xẻ bảy, chư tử đua nói, quần hùng so gươm. Trong khi ấy, Việt Nam vẫn thống nhất một nhà, giang sơn một giải, lần lượt từ Hùng vương thứ nhất đến Hùng vương mười tám, gồm nhiều đời vua, cha truyền con nối, không cần đổi hiệu thay tên, vì chính trị nước ta buổi đầu lập quốc ưa giản dị, chuộng tiện lợi.
Sau thời đại Xuân Thu - Chiến Quốc, nước Tần vốn chỉ là một chư hầu yếu. Tần Trang Tương vương phải sang nước Triệu làm con tin. Tương vương thích người thiếp yêu của Lã Bất Vi xin lấy làm vợ, sinh ra Tần Doanh Chính. Khi Tương vương chết, Doanh Chính được lập làm Tần vương (-217 TCN) giao chức Thừa tướng cho Lã Bất Vi, mưu đồ bá chủ thiên hạ. Bấy giờ Việt Nam trước tình hình các cường quốc phương Bắc nổi lên đánh giết lẫn nhau, hai quốc gia nhỏ bé Lạc Việt và Âu Việt (Tây Âu) phải hợp nhất để chống ngoại xâm. Sự kiện chiến tranh Hùng - Thục không nói lên mâu thuẫn dân tộc, chỉ là cách giải quyết quyền lợi của hai tập đoàn lãnh đạo: Hùng vương 18 với An Dương vương Thục Phán. Họ Thục đại diện cho lực lượng mới trỗi dậy giành thắng lợi, xây dựng nhà nước Âu Lạc mới hùng mạnh với quốc đô Loa Thành độc đáo, kỳ vĩ, với vũ khí kỳ diệu “nỏ thần” mỗi phát bắn ra trăm mũi tên khiến kẻ địch vô cùng sợ hãi. Chuyện này không phải chỉ là truyền thuyết Việt Nam, chính sử sách xưa Trung Quốc thường nhắc tới một cách kính phục.
Tần vương xâm lược các nước chư hầu, tàn sát dã man, trải 25 năm núi xương sông máu để mở rộng đất đai, vơ vét vàng ngọc, tận thu gái đẹp, đem thân người xây trường thành Vạn Lý, dùng mỡ dân dựng hàng trăm cung điện tráng lệ… Tần vương xưng tôn hiệu Tần Thủy Hoàng đế, lấy “thủy” chế “hỏa”, vị hoàng đế con trời khởi đầu của đế chế phương Bắc, coi nước mình là trung tâm thế giới, văn minh, hùng mạnh không ai bằng!
Đặc biệt về văn hoá, Tần Thuỷ Hoàng cũng đạt tới đỉnh cao sự nghiệp tàn bạo là “phần thư khanh nho” (đốt sách chôn sống học trò). Tất cả sách sử của liệt quốc, các học thuyết của bách gia chư tử đều phải đốt hết ! Thậm chí Kinh thư, Kinh thi cũng không ngoại lệ. Đến nỗi hai người dám bàn nhau về nội dung của chúng thì bắt chém giữa chợ! Kẻ nào lấy việc đời xưa mà chê đời nay sẽ bị giết cả họ! Thuỷ Hoàng sai ngự sử xét tất cả các nhà Nho và chôn sống một lúc hơn trăm người ở Hàm Dương và đày nhiều người ra biên giới làm lính thú... Nói theo ngôn ngữ hiện đại, Tần Thuỷ Hoàng là nhà lãnh đạo đầu tiên của Trung Quốc làm “cách mạng tư tưởng văn hoá”, tiêu diệt tất cả những gì không phải của nhà Tần, không thuộc ý muốn Hoàng đế!
Tần Thuỷ Hoàng ở ngôi 37 năm, truyền cho Hồ Hợi (Tần Nhị thế) được 3 năm thì mất. Trung Quốc đại loạn. Mầm mống chiến tranh đã phát sinh từ lúc Thuỷ Hoàng đang ngất ngây chiến thắng. Bái Công khởi nghĩa, Hạng Vũ diệt Tần, chia đất Tần làm ba, làm chủ thiên hạ, phong vương các chư hầu. Rồi cả Trung Hoa thành biển lửa chiến tranh!...
Sử gia Trung Quốc ca ngợi Tần Thuỷ Hoàng có công thống nhát nước Trung Hoa vĩ đại. Nhưng nước Trung Quốc, sự thực, suốt hơn 2.000 năm phong kiến chưa bao giờ xứng danh giang sơn thống nhất. Tần Thuỷ Hoàng “thống nhất giang sơn” không dùng uy đức để thu phục, ân huệ để vỗ về, mà bằng lưỡi gươm bạo ngược, ngọn lửa hung tàn, đáng được tôn thờ làm ông tổ bành trướng xâm lược của các thiên triều Trung Quốc muôn đời sau.
Tư Mã Thiên, nhà sử học vĩ đại nhất của Trung Quốc, sống cùng thời với Hán Vũ đế, biết rõ hơn ai hết âm mưu bành trướng xuống phương Nam của nhà Hán. Ông viết trong Sử ký:
Bấy giờ nhà Tần đã chiếm cả thiên hạ, cướp lấy đất Dương Việt, đặt ra các quận Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận để đưa những người bị đầy đến ở lẫn với người Việt (Dương Việt)... Triệu Đà được làm lệnh ở huyện Long Xuyên, quận Nam Hải. Đến đời Tần Nhị thế, quan uý ở Nam Hải là Nhâm Ngao ốm sắp chết, khuyên Triệu Đà nhân lúc thiên hạ đại loạn chiếm lấy 3 quận Quế Lâm, Tượng Quận, Nam Hải, tự lập làm vua.
Triệu Đà nghe lời Nhâm Ngao, giết trưởng lại nhà Tần, dùng đồng đảng thay thế.
Năm 206 TCN, Bái Công diệt Hạng Vũ, lập triều Hán, biết Triệu Đà cát cứ 3 quận phía Nam, nhưng còn bận nhiều việc, tạm để lại, hỏi tội sau. Triệu Đà đem binh lực, một mặt uy hiếp biên giới, mặt khác dùng thủ đoạn cướp chiếm hai nước láng giềng: Mân Việt và Âu Lạc. Nhà Thục An Dương vương lập quốc từ năm 306 TCN. Ông chủ quan, mất cảnh giác, tưởng có thể đánh bạn được với Triệu Đà để tạo phúc cho nhân dân, nào ngờ mắc mưu sâu kế hiểm bị mất nước trắng tay. Năm 179TCN, Triệu Đà chia nước ta làm 2 quận Giao Chỉ, Cửu Chân, sáp nhập với các quận khác thành quốc gia Nam Việt. Ông ta tự xưng Nam Việt Vũ vương.
Nhà Hán sai sứ Lục Giả sang Nam Việt hỏi tội Triệu Đà. Triệu Đà búi tóc, đầu không đội mũ, áo không đai, chân đất, ngồi xổm tiếp sứ Hán. Lục Giả trách Triệu Đà tại sao quên hết lễ nghĩa? Triệu Đà giật mình thưa: “Tôi ở xứ Man đã lâu nên quên hết lễ nghĩa!” Rồi cúi đầu xin lỗi. Tiếp theo, sứ Hán hạch tội Đà tự lập làm “đế” mà không hề phái người sang báo tin. Triệu Đà lựa lời chống chế: “Phương Nam đất thấp, ẩm, ở giữa là dân man-di. Phía đông là đất Mân Việt, chỉ vẻn vẹn nghìn người, cũng xưng hiệu là “vương”. Lão thần trộm dùng bậy danh hiệu “đế” chỉ để tự mua vui nơi xa xôi hẻo lánh, đâu dám để thiên tử bệ hạ phải nhàm tai!”
Triệu Đà dập đầu xuống đất tạ tội, xin mãi mãi làm phiên thần nhà Hán, đời đời dâng lễ cống.
Trước đây nhân dân Mân Việt và Âu Lạc lầm tưởng Triệu Đà lập nước riêng nên theo ông ta để chống lại âm mưu bành trướng xâm lược của nhà Hán, nay mới biết ông ta xảo trá, hèn hạ. Năm 137 TCN, Triệu Đà mất. Con trai là Trọng Thuỷ tự biết tội đánh lừa Mỵ Châu, giết hại An Dương vương để cướp nước Âu Lạc, đã nhảy xuống giếng chết theo vợ. Cháu Triệu Đà (con Trọng Thuỷ) là Hồ làm Nam Việt vương. Nhân cơ hội họ Triệu suy yếu, vua cũ của nước Mân Việt bị Đà xâm chiếm là Dĩnh đem binh đánh phá các huyện ấp: Hồ vương dâng thư lên vua Hán nói: Mân Việt đem binh xâm lấn đất của thần, xin thiên tử đưa quân đến giúp! Nhà Hán tiêu diệt xong Mân Việt, muốn lấy luôn Âu Lạc, sai sứ giả thuyết phục Anh Tề (mới thay Hồ vương). Mẹ Anh Tề là người Hán muốn đem nước nội thuộc Hán. Thừa tướng Lữ Gia không đồng ý, giết cả Anh Tề và Cù thái hậu cùng các sứ giả của nhà Hán, lập Kiến Đức lấy vợ người Việt lên thay.
Năm 111 TCN, nhà Hán sai Lâu Thuyền tướng quân và Phục Ba tướng quân đem binh đáng Lữ Gia. Ông tuổi cao sức yếu, quân ít, đánh không lại kẻ địch quá mạnh nên bị bắt và bị giết.
Về cuộc kháng chiến của quân dân Âu Lạc (Việt Nam) vô cùng anh dũng chống lại đến cùng đại binh xâm lược nhà Hán. Thái sử công (Tư Mã Thiên) nhận xét trong tác phẩm Sử ký vĩ đại: “Âu Lạc đánh nhau làm rung động nước NamViệt”.
Tần Thuỷ Hoàng đánh chiếm cả Trung Quốc nhưng chưa bao giờ dám sai quân tiến vào Âu Lạc. Một số sách sử, địa chí viết “Thời Tần nước ta thuộc Tượng Quận” là sự nhầm lẫn đáng trách. Kẻ xâm lược đầu tiên nước ta là Triệu Đà. Nhưng kể từ năm 111 TCN, nước ta mới chính thức “nội thuộc” Trung Quốc.
Các nhà chép sử thường dùng danh từ “nội thuộc” với “nghìn năm Bắc thuộc” là xét về phương diện hành chính. Thực tế, trong khoảng nghìn năm ấy, nước Việt Namchưa bao giờ “thuộc” Trung Quốc. Ngọn lửa yêu nước luôn luôn cháy âm ỉ trong lòng dân tộc, để chờ cơ hội lại bùng lên thành những cuộc bạo động giết giặc, những phong trào khởi nghĩa lớn đánh đuổi chính quyền đô hộ, giành quyền độc lập, tự chủ. Bà Trưng năm 40 SCN. Bà Triệu năm 248. Lý Nam đế 571-603 (32 năm). Triều vua Tiền Lý đến Hậu Lý, cộng 59 năm, thời gian tồn tại dài hơn rất nhiều triều đại Trung Quốc, như Tiền Nguỵ 45 năm (220-265), nhà Thục thời Tam Quốc 43 năm (221-264), Đông Ngô 58 năm (222-280), Tây Tấn 52 năm (265-317), Tiền Tống 59 năm (220-279), Nam Tề 23 năm (479-502), Nam Lương 55 năm (502-557), Hậu Lương 30 năm (557-587), Trần 33 năm (557-589), Đông Nguỵ 16 năm (534-558), Tây Nguỵ 21 năm (535-556), Bắc Tề 28 năm (550-578), Bắc Chu 24 năm (557-581), Tuỳ 37 năm (581-618), Hậu Lương 16 năm (907-923), Hậu Đường 13 năm (923-936), Hậu Tấn 11 năm (936-947), Hậu Hán 4 năm (947-951), Hậu Chu 9 năm (951-960)... Các cuộc khởi nghĩa xây dựng nền tự chủ: Mai Thúc Loan (722), Phùng Hưng (766-789), Phùng An (789-791), Dương Thanh (819-820), Họ Khúc (907-930), Dương Đình Nghệ (931-937)... cộng 215 năm liên tục đấu tranh giành thắng lợi vẻ vang, cuối cùng năm 939, Ngô Quyền kết thúc “nghìn năm Bắc thuộc”, trừ đi thời gian Việt Nam độc lập tự chủ, chỉ còn hơn 700 năm dưới ách đô hộ tàn bạo của phương Bắc. Cho nên, “nghìn năm Bắc thuộc” chỉ là con số phiếm chỉ.
Trong khoảng thời gian hơn 700 năm, thực tế Trung Quốc đặt ách thống trị hà khắc lên đất nước Việt Nam, chính quyền đô hộ không một ngày ăn ngon ngủ yên. Chính sách cai trị của chúng càng bạo ngược càng đào sâu mồ chôn lũ cướp nước.
Trung Quốc và Việt Namtuy lớn nhỏ khác nhau, cùng thời gian lịch sử hơn 4.000 năm. Nước Trung Quốc chưa bao giờ được thống nhất. Những danh xưng Tàu, Trung Hoa, Trung Quốc,... chỉ là đại diện. Đất nước luôn luôn chiến tranh, thành trì luôn luôn bị làm cỏ, nhân dân lầm than đói khổ, các tập đoàn phong kiến xâu xé lẫn nhau, xưng hùng xưng bá. Trong khoảng thời gian từ thế kỷ X đến đầu thế kỷ XX, Trung Quốc bị nước Liêu cai trị 305 năm, nước Kim đô hộ 122 năm, nước Mông Cổ chiếm đoạt 162 năm, người Mãn Thanh thống trị tới 329 năm, tổng cộng 921 năm, chiếm 1/4 lịch sử Trung Quốc. Thời gian này, trên cơ sở đã lấy lại hoàn toàn độc lập, tự chủ, Việt Nam vùng dậy như con rồng vàng Thăng Long tung cánh bay lên, bay lên, khiến mọi kẻ thù xâm lược (Tống, Nguyên, Minh, Thanh) đều kinh hồn khiếp vía!
Câu chuyện “Việt Nam là vùng đất thuộc Trung Quốc từ cách đây 2.000 năm” là hoàn toàn bịa đặt, khả năng hư cấu hạng bét!
Không cần nói 4.000 năm, chỉ nhìn 2.000 năm trở lại đây, chúng ta thấy rõ nhất một nước Trung Quốc đầy tham vọng to lớn nhưng không vượt nổi cửa ải Quỷ môn quan (Chi Lăng) “Thập nhân khứ, nhất nhân hoàn”. Lý tưởng đế chế phong kiến phương Bắc là xâm lược bành trướng để đất đai rộng tới chân trời. Cái dạ dày vĩ đại không biết no này luôn luôn nghĩ đến đất, đất và đất, chưa bao giờ hướng ra biển Đông, một thế giới khác chỉ có sóng gió, nhấp nhô mấy hòn đảo sỏi đá hoang vu không một bóng người!
Giấc mơ bá chủ địa cầu chợt tỉnh giấc! Thời đại biển đảo quý hơn vàng ngọc, kim cương. Ông khổng lồ Trung Quốc chợt nhận ra người tý hon Việt Nam “bé mà bé hạt tiêu”, từ cách đây mấy trăm năm đã nắm lấy chủ quyền suốt dải Hoàng Sa - Trường Sa dài dằng dặc. May quá, ông nhanh tay cướp được Hoàng Sa (1974) rồi vẽ ra cái “đường lưỡi bò” có thể thè ra thè mãi... Mới đây ông đặt giàn khoan, vẽ mới bản đồ, viết lại lịch sử, bất chấp đạo lý. Những bài học cướp đất của bạo chúa Tần Thuỷ Hoàng, Trung Quốc đã thuộc làu làu. Đâu cần ông Tây Dmitry Kosirev phải hăng hái dạy khỉ leo cây ?

Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2014

“VIỄN VÔNG” hay “VIỂN VÔNG” ?


Sự biến đổi của chữ "Vọng"
Hoàng Tuấn Công

Sáng nay 23/5/2014 mình cùng nông dân ra đồng thu hoạch vụ xuân dưới cái nắng hầm hập, bỏng rát như đổ lửa. Lúc nghỉ, mượn được cái máy tính bảng, vào trang nhà Tuấn Công Thư Phòng xem khách khứa sáng nay thế nào thì nhận được câu hỏi của Bọ Lập: Báo chí viết loạn cả lên: Hữu nghị viển vông. Mình cũng lúng túng. Theo Công thì viễn vông hay viển vông ?”. 


Mình nghĩ: đúng là Bọ Lập ! Cái gì cũng quan sát cặn kẽ, cụ thể, chính xác, ra vấn đề mới nghe. Có những cái xung quanh chẳng ai nhìn thấy hay nghĩ ra được cái gì đáng kể thì Bọ lại nhìn ra khối thứ hay. Thế nên những “Ký ức vụn”, những “Chuyện đời vớ vẩn”, rồi “Chuyện nhà quê”, chuyện quán xá nhậu nhẹt với “Bạn văn”... tưởng vụn vặt, vớ vẩn lại có sức hấp dẫn, lôi cuốn lạ thường.
Mình chấm chấm quẹt quẹt trên màn hình cái máy đi mượn không quen. Mấy con chữ cứ nhảy nhót tung tăng, loạn xị ngậu lên. Cuối cùng cũng trả lời vắn tắt gửi Bọ Lập. Đại khái: viết đúng phải là “viễn vông”chứ không phải “viển vông”, vì thế này...vì thế kia...Về nhà có thời gian xem lại, thấy “báo chí viết loạn cả lên” và Bọ Lập “cũng lúng túng” là đúng thôi. Bởi vấn đề khá phức tạp. Nhân đó xin phép Bọ Lập để ngỏ câu chuyện chữ nghĩa thú vị này, những mong giúp ích gì đó cho bạn đọc của Tuấn Công Thư Phòng.
Vậy “viễn vông” hay “viển vông” ?
-Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê) viết: “Viển vông: tính từ, không thiết thực, hết sức xa rời thực tế. mơ ước viển vông; toàn nói những chuyện viển vông. đồng nghĩa: hão huyền”.
-Từ điển chính tả (dành cho học sinh)-NXB Từ điển bách khoa-Trung tâm từ điển học: “Viển:viển vông: diễn giả nói những điều viển vông”.
-Từ điển chính tả tiếng Việt-Nguyễn Trọng Báu-NXB Giáo dục-2013: “Viển: viển vông (Xa rời thực tế, chẳng thiết thực gì cả: suy nghĩ viển vông)
-Từ điển từ láy tiếng Việt-Viện Khoa học xã hội Việt Nam-Viện ngôn ngữ học-NXB Khoa học xã hội: “Viển vông tính từ. Không thiết thực và rất xa thực tế. Chuyện viển vông. Mơ ước viển vông”.
-Từ điển Việt Hán-GS Đinh Gia Khánh hiệu đính-NXB Giáo dục-2003: “Viển vông: 虚幻的(hư ảo đích).
Như thế, rất nhiều sách từ điển tiếng Việt viết là “viển vông” (viển dấu hỏi) chứ không phải “viễn vông” (viễn dấu ngã). Hoá ra mình tư vấn sai cho Bọ Lập hay sao ? Nghĩ vậy đúng mà không đúng. Bởi vì từ “viển vông” (như mình đã giải thích với Bọ Lập) vốn là biến âm của “viễn vọng”nghĩa là trông xa:
-Chữ “vọng” nghĩa gốc là nhìn ra nơi xa. Giáp cốt văn: chữ “vọng” giống như một người đang đứng, mắt mở to nhìn ra xa. Kim văn: thêm hình mặt trăng, thể hiện rõ một người đang “viễn vọng”- nhìn xa.
-Ngoài nghĩa đen là nhìn xa, trong Hán văn, từ “viễn vọng” có nghĩa bóng là “ảo tưởng”, trông chờ vào cái gì đó quá xa vời, không thực tế. Từ điển Việt-Hán (sách đã dẫn) cho ta biết: “Viễn vọng: nghĩa 1. 遠望 viễn vọng-nhìn xa; kính viễn vọng 遠望鏡 (viễn vọng kính) Nghĩa 2. 幻想 -ảo tưởng”.
-Từ “ảo tưởng” được Từ điển tiếng Việt giải thích: “có ý nghĩ viển vông, mơ hồ, thoát li hiện thực: ảo tưởng về một thế giới hoàn mĩ”.
-Việt Nam tự điển (Hội khai trí tiến đức-1932):
+Viển-vông: Vu vơ, không có bằng cứ gì cả. Câu chuyện viển vông.
+“Viễn-vọng: trông xa. Đứng trên lầu viễn-vọng. Nghĩa bóng: mong mỏi chuyện xa xôi: Hay viễn-vọng những chuyện viển-vông”.
Như thế, ta có mối liện hệ: Viễn vọng = Ảo tưởng = viển vông. Đặc biệt, Việt Nam tự điển-cuốn sách xuất bản đầu thế kỷ XX cho ta biết thêm: thời bấy giờ đã có sự biến âm “viễn vọng” thành “viển vông”. Tuy nhiên, người ta chưa quên hẳn từ “viễn vọng” nên còn được Việt Nam tự điển ghi nhận: “Viễn vọng: Nghĩa bóng: mong mỏi chuyện xa xôi”. Đáng chú ý, cái ví dụ có vẻ “trái khoáy” “Hay viễn-vọng những chuyện viển-vông” của Việt Nam tự điểncho ta thấy “viển vông” bắt đầu Việt hóa: viễn biến âm thành viển; vọng biến âm thành vông, dần dần thay thế hoàn toàn cho từ Hán Việt “viễn vọng” (Đây là hiện tượng dùng một từ Hán Việt cũ để giải thích cho một từ Việt hóa hoặc từ thuần Việt mới, theo kiểu như “ngày sinh nhật”) Để rồi thay vì nói: “Hay viễn-vọng những chuyện viển-vông” người ta sẽ nói: “Chỉ nói toàn những chuyện viển vông”. Và hơn nửa thế kỷ sau, người ta đã quên hẳn từ “viễn vọng” với nghĩa bóng “mong mỏi chuyện xa xôi” của nó và mặc nhiên công nhận duy nhất từ “viển vông”. Đến mức Từ điển từ láy tiếng Việt (Viện ngôn ngữ học) xếp “viển vông” vào diện “từ láy tiếng Việt”. Qua đó cho rằng trong từ ghép “viển vông” có một từ  không có nghĩa.
Vậy, bây giờ ta phải theo cách viết nào ? “Viển vông” hay “viễn vông”. Theo tôi, đã đến “nước này” có lẽ cũng đành phải theo số đông vậy. Bởi làm sao có thể thay đổi được chừng ấy sách từ điển ? Có người sẽ lý lẽ rằng, một khi chữ “vọng” đã biến âm thành chữ “vông”, thì có lý gì với chữ “viễn” lại không cho nó cái “quyền” biến thành chữ “viển” ?  Tuy nhiên, theo tôi, chữ "viễn" mà biến thành chữ "viển" sẽ tạo thành một kết hợp từ mà cả hai từ tố đều rất vô nghĩa. Vì trong tiếng Việt ngoài từ "viển" trong "viển vông" không có từ nào là "viển" cả. Nếu Từ điển từ láy tiếng Việt xếp "viển vông" vào từ loại láy thì từ nào là từ có nghĩa, và từ nào là từ láy lại âm của từ kia ?  "Vông" là gì và "viển" là gì ? 
Có lẽ với các nhà biên soạn từ điển, theo chúng tôi nếu không sửa được "viển" thành "viễn" thì khi giải thích nghĩa từ “viển vông” nên chú thích nguồn gốc của từ và đưa ra lời khuyên dùng thống nhất là “viển vông” hay “viễn vông”, tránh băn khoăn, thắc mắc cho mọi người mỗi khi nói và viết.
Nhân đây xin cảm ơn Bọ Lập đã nêu vấn đề để HTC và độc giả có thêm một dịp tìm hiểu về ngôn từ tiếng Việt.


Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014

LỄ TRAO GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM


TẶNG CÁC TÁC PHẨM VIẾT VỀ CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
         
Tác giả Lê Xuân Đức (ngoài cùng bên phải) 

HTC: Tuấn Công Thư Phòng xin đăng lại bài viết này để độc giả hiểu rõ hơn về giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam trao cho "Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh"  của Lê Xuân Đức.



Hướng tới kỷ niệm 123 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, sáng ngày 13/5/2013, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Lễ trao giải thưởng văn học hưởng ứng cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" tại trụ sở Hội (số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng, Hà Nội).



          Đến dự lễ trao giải có TS. Lê Thị Bích Hồng - Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương; nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn VN, Bí thư Đảng Đoàn; nhà văn Nguyễn Trí Huân – Phó Chủ tịch Hội, TBT báo Văn nghệ; nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Phó Chủ tịch Hội, Trưởng ban Sáng tác; cùng lãnh đạo các cơ quan cấp 2 của Hội, các ban chuyên ngành và thành viên các hội đồng chuyên môn; các tác giả đạt giải thưởng và tặng thưởng trong cuộc vận động sáng tác.
          Nhà thơ Hữu Thỉnh thay mặt Ban chấp hành Hội phát biểu, đánh giá chung về phong trào hưởng ứng sáng tác và chất lượng tác phẩm, các công trình nghiên cứu. So với hai đợt tổng kết cuộc vận động sáng tác từ khóa 10, các tác phẩm, công trình gửi tham dự cuộc vận động trong khóa 11 có nhiều tác phẩm đáp ứng được yêu cầu cao và mới hơn. Trước hết, chúng ta đều hiểu Bác Hồ là vị công dân số 1 của Việt Nam, là danh nhân văn hóa, người anh hùng giải phóng dân tộc, chính vì vậy những sáng tác về Bác đòi hỏi chất lượng ngày càng cao hơn. Cuộc vận động sáng tác lần này đã thành lập ban chỉ đạo, trong đó thành lập các hội đồng giám khảo từ cấp cơ sở đến trung ương để xem xét, đánh giá, chọn lựa các tác phẩm, công trình đạt chất lượng tốt nhất, xứng đáng trao tặng giải thưởng văn học, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Nét mới của cuộc vận động sáng tác là Hội đồng trung ương phân cấp cho các ngành, địa phương là các cơ quan sơ khảo được phép khen thưởng các tác phẩm đạt yêu cầu cấp cơ sở. Số lượng tác phẩm dồi dào, đa dạng về thể loại, bên cạnh các tác phẩm sáng tạo còn có nhiều công trình nghiên cứu công phu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài ra phải kể đến những tác phẩm không trực tiếp sáng tác về Bác mà tập trung phản ánh những nhân vật điển hình tiên tiến đã say mê nghiên cứu khoa học, có nhiều phát minh phục vụ cộng đồng; đa phần trong số họ đều là những người đã học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh một cách giản dị, khiêm nhường và tự nhiên trong công tác, trong đời sống hàng ngày… Đây thực sự là bước phát triển mới trong sáng tác văn học nghệ thuật.
          Nhân dịp này, nhà thơ Hữu Thỉnh gửi lời cảm ơn tới nhà văn, nhà giáo Lê Xuân Đức với hai tập nghiên cứu rất công phu, kỹ lưỡng về thơ Hồ Chí Minh; đặc biệt cảm ơn gia đình cố nhà văn Nguyễn Trung Thu đã dày công tập hợp bản thảo công trình khảo cứu, chuyên luận Tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng con người mới, văn hóa mới. Với cương vị Chủ tịch Hội Nhà văn VN, nhà thơ Hữu Thỉnh bày tỏ sự trân trọng đối với các nhà văn, nhà thơ đã tham gia cuộc vận động, bởi họ đã thay mặt các nhà văn Việt Nam gửi tới Bác Hồ niềm ngưỡng mộ và tri ân sâu sắc.
          Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chúc mừng các tác giả đạt giải thưởng và tặng thưởng, đồng thời mong muốn các nhà văn Việt Nam phấn đấu có nhiều tác phẩm hay hơn nữa viết về Bác Hồ.
          Nhà thơ Đỗ Hàn công bố quyết định của Hội Nhà văn về việc trao giải thưởng và tặng thưởng các tác phẩm hưởng ứng cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
          Giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam cho hai tác phẩm:
          - Tập Khảo cứu, chuyên luận Tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng con người mới, văn hóa mới của tác giả NGUYẾN TRUNG THU
          - Tập Khảo cứu, tiểu luận Đi tìm xuất xứ Thơ Hồ Chí Minh của tác giả LÊ XUÂN ĐỨC
(Giải thưởng kèm theo 10.000.000 VNĐ)
Tặng thưởng văn học được trao cho hai tác phẩm:
- Tập tiểu thuyết Giải phóng của tác giả HOÀNG QUẢNG UYÊN
- Tập thơ 79 mùa xuân nơi Bác của tác giả NGUYỄN QUANG
(Tặng thưởng kèm theo 7.000.000 VNĐ)
          Nhà văn Lê Xuân Đức đại diện các tác giả được trao giải thưởng phát biểu: "Tôi vô cùng xúc động trước sự ghi nhận, đánh giá và đón nhận của các đồng chí trong hội đồng giám khảo. Tính đến nay, tôi đã viết được 12 cuốn sách về thơ Hồ Chí Minh, trong quá trình công tác, tôi đã được đến nhiều nơi Bác Hồ đã từng đến để hoàn thành các công trình khảo cứu của mình. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục dành thời gian, tâm sức cho những cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu."
          Buổi lễ trao giải thưởng văn học kết thúc hồi 10h30.
                                                                   Phong Lan (Theo vanvn.net)
                                                                  
 



Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2014

Xét lại "Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh"
Tác phẩm đạt giải Hội nhà văn Việt Nam của Lê Xuân Đức

                                    

  Hoàng Tuấn Công


Kết thúc phần cuối của bài “Nhật ký trong tù và lời bình” hay trò đùa của Nhà phê bình Lê Xuân Đức ?” đăng trên Tuấn Công Thư Phòng chúng tôi viết thêm mấy dòng: Cuối cùng, chúng tôi tự hỏi: Không biết có nên “để mắt” đến 9 tác phẩm viết về thơ Bác của Lê Xuân Đức hay không ? Đặc biệt là cuốn sách được trao giải cao của Hội nhà văn Việt Nam "Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh" trong cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí viết về chủ đề “Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" của Lê Xuân Đức. 

Có lẽ câu chuyện về văn chương của Lê Xuân Đức sẽ chưa dừng lại ở đây !



Vì thời gian và công việc quá nhiều, chúng tôi chưa nghĩ đến điều đó. Tuy nhiên, ngày 8/5//2014 chúng tôi nhận qua đường bưu điện một bưu phẩm trong đó có cuốn sách “Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh”của Lê Xuân Đức với lời đề nghị đọc và có ý kiến. Rất tiếc, cuốn sách không còn nguyên vẹn, bị mất từ trang 362 đến tr. 368, (phần thơ chữ Hán). Chúng tôi đành gác lại công việc để đến Thư viện khoa học Tổng hợp Thanh Hóa. Sách của Lê Xuân Đức gần như có đầy đủ ở đây. Chúng tôi mượn hai cuốn: “Lời bình thơ chữ Hán Hồ Chí Minh” (Ký hiệu D.068433-2011) và “Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh” (KH:D.0710064-2012) và đọc cuốn thứ hai trước.
 “Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh”, là sách được giải cao nhất của Hội Nhà văn Việt Nam trong cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí viết về chủ đề “Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Sách đề tên tác giả: “Lê Xuân Đức 12/8/1939. Dạy văn, viết văn, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, Đại biểu quốc hội khóa VIII”.
Bìa 4 sách trích đoạn lời khen ngợi của hai giáo sư:
-GS Phong Lê: “Đã có nhiều tên tuổi lớn trong nền văn chương - học thuật hiện đại nghiên cứu bình luận thơ Hồ Chí Minh, nhưng nhà nghiên cứu phê bình Lê Xuân Đức vẫn định cho mình một vị thế riêng; đó là người có số lượng bài viết nhiều và chuyên sâu hơn cả về thơ Hồ Chí Minh qua các dạng thức và thể loại. Ông thuộc số không nhiều người có thâm niên theo đuổi khá sâu và khá lâu trong định hướng được chọn, có những đóng góp quý giá đáng kể.”
- Giáo sư Trần Thanh Đạm: “Những tìm tòi, khám phá tinh tế của nhà nghiên cứu phê bình Lê Xuân Đức về thơ Hồ Chí Minh thật đáng quý, đáng trân trọng, đó là những đóng góp riêng, độc đáo của ông vào thế giới cảm thụ thơ Hồ Chí Minh và cảm thụ văn chương nói chung.”
Sách “Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh” có hai phần. Phần I “Thơ tiếng Việt” và phần II “Thư chữ Hán”. Những gì Lê Xuân Đức viết trong phần I rất khó xác minh đúng sai, kiểm chứng thông tin. Vì nhiều đoạn, Lê Xuân Đức kể giống như chính mình là người chứng kiến mà không hề chú thích theo nguồng tài liệu nào. Bởi vậy, chúng tôi không thể lại “đi tìm xuất xứ” những dòng Lê Xuân Đức viết. Tuy nhiên, phần thơ chữ Hán số lượng hơn 30 bài, nhác qua đã thấy tới nửa số bài có vấn đề. Và vấn đề ở đây cũng không có gì mới. Tức cái sai vẫn mang dấu ấn của Lê Xuân Đức: “chữ tác đánh chữ tộ”, phá hỏng nguyên tác thơ Hồ Chí Minh, phiên âm, dịch nghĩa, đầy rẫy những sai lầm:
1. Bài “Tặng Bùi công”:
Câu "Khán thư sơn điểu thê song hãn" (Lúc xem sách chim rừng vào đậu ở cửa sổ).
Chữ "hãn" trong “song hãn” nghĩa là cái song cửa, một âm đọc khác là “can” trong từ “lan can”-hàng chấn song cửa (chữ hãncó bộ mộc chỉ nghĩa và bộ can ghi âm) bị viết thành chữ “hãn” (chữ hãncó bộ thủchỉ nghĩa và bộ can ghi âm) nghĩa là: “Chống giữ Chống cự, như hãn cách 扞格 chống cự”. (Hán -Việt từ điển-Thiều Chửu). Như vậy, Nguyên tác thơ Hồ Chí Minh: 看書山鳥棲窗杆 (Xem sách chim rừng vào đậu ở cửa sổ) qua tay Lê Xuân Đức bị biến thành: 看書山鳥棲窗 và bắt buộc phải hiểu là: Xem sách, chim rừng vào đậu cửa ở sổ nhưng bị ngăn lại (!)
2.Bài “Vô đề”:
Câu "Quân cơ quốc kế thương đàm liễu"(Việc quân việc nước đã bàn xong). Chữ liễu trong nguyên tác thơ Hồ Chí Minh nghĩa là xong, rồi, bị viết thành chữ liệu (có bộ mục) có nghĩa là: mắt sáng, hiểu rõ. Căn cứ "nguyên tác" của Lê Xuân Đức, ý nghĩa của câu thơ sẽ thành: Mắt vẫn sáng để bàn chuyện quân cơ quốc kế, hoặc: Khi bàn việc quân việc nước vẫn  hiểu rõ (!?)
3.Bài “Tư chiến sĩ”:
Câu "Dương quang hòa noãn báo tân xuân"(Ánh mặt trời ấm áp báo mùa xuân mới đã sang). Chữ "báo" trong nguyên tác thơ Hồ Chí Minh có nghĩa là báo tin, bảo cho biết (động từ) bị Lê Xuân Đức viết thành chữ "báo" có nghĩa là con báo (danh từ chỉ động vật): 陽光和暖新春 Như thế, nguyên tác thơ bị biến thành: Ánh mặt trời ấm áp mùa xuân đến cùng...con báo (!)
4.Bài “Gửi đồng chí Trần Canh”:
Câu "Hùng sư bách vạn tất thính lệnh"(Trăm vạn hùng binh đều nghe lệnh) chữ "tất" nghĩa là đều, hết, tất cả, bị phiên âm thành "đất"-một từ không hề có trong Hán tự.
5. Bài “Ngọ quá thiên giang”:
Câu "Thiên giang, giang ngạn mãn xuân tương" (Bên bờ sông Thiên, sương xuân đã phủ đầy). Nguyên tác chữ Hán "Thiên giang, giang ngạn" 遷江江岸 (Bên bờ con sông Thiên) bị Lê Xuân Đức viết thành "Thiên giang, Thiên ngạn"遷江遷岸. Chữ “thiên” có nghĩa là dời đổi, “thiên ngạn” nghĩa là Bờ con sông Thiên đã bị dời đi nơi khác phủ đầy sương xuân (!)
6.Bài "Đến gần Long Châu":
Câu "Viễn cách long châu tam thập lý" (Cách xa Long Châu ba mươi cây số). Chữ “cách” trong "Viễn cách" nghĩa là cách xa, bị phiên âm thành "Viễn cảnh": “Viễn cảnh Long Châu tam thập lý”. Phiên âm của Lê Xuân Đức chỉ có thể hiểu là: Cảnh xa Long Châu ba mươi dặm (!).
          7.Bài "Tặng đồng chí Trần Canh"(tại Việt Bắc)
          Câu "Hương tân, mỹ tửu dạ quangbôi" (Rượu ngọt "sâm banh" trong chén ngọc dạ quang) Chữ  "quang" trong "dạ quang bôi" (chén bằng ngọc quý) Lê Xuân Đức phiên âm thành "dạ kim bôi" (chén bằng vàng). Phần nguyên tác chữ Hán thấy rõ là "dạ quang bôi" 夜光杯, bị phiên âm là "dạ kim bôi", thế nhưng phần dịch nghĩa lại thấy Lê Xuân Đức dịch là "ngọc dạ quang" (!) Điều đáng chú ý: chữ "dạ kim bôi" Lê Xuân Đức nhất quán nhắc lại ba lần trong bài (lần 1 ở trang 368, lần 2 và lần 3 ở trang 370).)
           Vậy, Lê Xuân Đức sai ở phần nguyên tác thơ chữ Hán Hồ Chí Minh, hay sai ở phần phiên âm ? Và "dạ quang bôi" đúng hay "dạ kim bôi đúng" ? Theo chúng tôi, "dạ quang bôi" đúng, Lê Xuân Đức đọc sai, phiên âm sai. Vì:
1.Bài “Tại Việt Bắc tặng Trần Canh đồng chí”(Tại Việt Bắc tặng đồng chí Trần Canh) Bác Hồ đã mượn bài Lương Châu từ 凉州詞 của Vương Hàn đời Đường. Nguyên tác chữ Hán:
葡萄美酒夜光杯
欲飲琵琶馬上催
醉臥沙場君莫笑
古來征戰幾人回 ?
Phiên âm:
Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi,
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi;
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu,
Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi ?
Bác chỉ thay hai chữ “bồ đào” (rượu nho) ở câu đầu thành “hương tân” (rượu sâm banh); thay câu cuối “Cổ lai chính chiến kỷ nhân hồi” (Xưa nay chính chiến mấy người về) thành “Địch nhân hưu phóng nhất nhân hồi” (Chớ để cho một tên địch nào trở về), qua đó, biến chén rượu bi thương trong bài thơ biên ải của Vương Hàn thành chén rượu của niềm khí thế quyết tâm, tin tưởng vào chiến thắng. (Đáng nói là Lê Xuân Đức trích dẫn và xuyên tạc luôn thơ của Vương Hàn. “Dạ quang bôi” trong nguyên tác cũng thành “dạ kim bôi”)
          2. Đối chiếu với sách "Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh-chú thích - thư pháp" của GS Hoàng Tranh, nguyên tác chữ Hán Bác dùng "dạ quang bôi" chứ không phải "dạ kim bôi".
          3.Về mặt ngữ nghĩa "dạ kim bôi" là vô lý. Bởi chỉ có loại ngọc quý mới phát sáng trong đêm, gọi là ngọc dạ quang. Nếu "kim bôi" - chén vàng, thì vàng đâu có phát sáng trong đêm mà gọi là "dạ kim bôi" ? Cũng không thấy hình ảnh nào trong văn chương gọi là "vàng dạ quang".
Có lẽ Lê Xuân Đức không phân biệt được vàng ngọc khác nhau thế nào nên mới tùy tiện biến "dạ quang bôi" thành "dạ kim bôi" như vậy.
Đọc thêm: Câu chuyện về ngọc dạ quang ở Thanh Hóa. “Tương truyền dưới núi Liên Xá, huyện Kết Thuế (nay thuộc huyện Tĩnh Gia-Thanh Hóa-HTC chú thích) trong huyện hạt có một hòn đá tròn mà rộng, chìm nổi ở cửa biển Trầm Mông, tức cửa Bạng. Có nhà buôn ngoại quốc đang đêm thấy ánh sáng của ngọc rạng chiếu trên hòn đá, cho rằng trong đá có ngọc tốt. Người này mới lấy viên ngọc quý đang cất trong người đưa ra để mưu tính nhử ngọc trong đá. Thế nhưng ngọc trong đá chẳng lấy được mà ngọc đeo bên mình lại bị hút luôn vào đó. Về sau đêm đêm, người trong thôn thường thấy có đôi ngọc dạ quang đuôi đỏ, hình dạng như đôi chim đang bay, thường thường tự sườn núi bay ra Mi Sơn ngoài biển, đến sáng lại quay về. Vì thế nên gọi là núi Cưu Ngọc. Đời Lê, niên hiệu Quang Thuận, Thuần Hoàng đế nam chinh đánh Chiêm Thành. Khi đến nơi này liền lệnh cho người đục đá, lại lấy lửa đốt để lấy ngọc nhưng vẫn không sao lấy nổi.Vua cho rằng trong đá có linh khí chung đúc mà thành, mới đổi  tên đất làm Ngọc Sơn” (Trích: Thanh Hóa kỷ thắng-Vương Duy Trinh-nguyên tác chữ Hán -Bản dịch của Hoàng Tuấn Công, chưa công bố).
8.Bài "Hai chớ":
Câu "Dị sử thi nhân hóa tục nhân" (Dễ khiến thi nhân hóa người phàm tục) Cụm từ "Dị sử thi nhân" 易使詩人 (dễ khiến thi nhân) trong nguyên tác thơ Hồ Chí Minh bị viết thành "Dị sử sử nhân" 易使使人 (dễ khiến, khiến người). Đã thừa chữ lại thiếu nghĩa.
9.Bài "Vô đề":
Câu "Nhất niên tứ quý đô xuân thiên" (Một năm cả bốn mùa đều là xuân) Chữ "đô" nghĩa là đều, "đô xuân thiên"nghĩa là đều là ngày xuân, bị phiên âm thành "đổ xuân thiên”. Nếu căn cứ vào bản phiên âm của Lê Xuân Đức mà "đoán chữ" thì sẽ có hai trường hợp chữ “đổ” có nghĩa:
-Nếu "đổ"賭 (có bộ bối) nghĩa là "đánh bạc" thì "Nhất niên tứ quý đổ xuân thiên" có nghĩa: Một năm bốn mùa, chỉ đánh đánh bạc vào ngày xuân (!)
-Nếu "đổ" 堵 (có bộ thổ) nghĩa là "chắn, chặn lại" thì "Nhất niên tứ quý đổ xuân thiên" có nghĩa: Một năm bốn mùa, mùa xuân bị chặn lại không đến được (!)
10. Bài "Tết xuân Mậu Thân":
Câu "Thiên thượng nhàn vân lai hựu khứ" (Trên trời mây đến rồi đi) chữ "lai hựu khứ" bị phiên thành "lại hựu khứ". Thế là Hán-Nôm lẫn lộn, phiên âm lẫn với dịch nghĩa.
11.Bài "Tặng Sơn đệ":
Trong bài “Nhật ký trong tù và lời bình hay trò đùa của Nhà phê bình Lê Xuân Đức”, chúng tôi có nhắc đến cái sai của Lê Xuân Đức trong bài viết của Trần Thư Trung trên Báo Hậu Giang. Khi ấy, chúng tôi chưa có trong tay sách "Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh". Nay xem lại mới thấy, Lê Xuân Đức sai nhiều hơn Trần Thư Trung và chúng tôi tưởng. Xin nói lại từ đầu:
1/Đầu đề thiếp thư thấy nguyên văn chữ Hán là "Tống Sơn đệ", 送山弟nhưng Lê Xuân Đức lại phiên âm thành "Tặng Sơn đệ" (như Trần Thư Trung đã từng nêu).
2/Chữ "đệ" trong "Sơn đệ" 山弟nghĩa là em bị viết thành chữ "đệ" (có bộ trúc đầu) nghĩa là thứ bậc (như Trần Thư Trung đã từng nêu).
3/Câu "Trí dục viên nhi hạnh dục phương". Chữ “trí” 智 trong từ trí tuệ, giỏi giang, lại viết thành chữ “chí” 志 trong ý chí, chí hướng. Viết là “chí”志, nhưng Lê Xuân Đức lại phiên âm là "trí". Thật chẳng biết đường nào mà lần !
4/Giới thiệu nguồn gốc 12 chữ: "Đảm dục đại, Tâm dục tế, Trí dục viên, Hạnh dục phương" Bác Hồ gửi Nguyễn Sơn, Lê Xuân Đức viết: "Những câu này, chữ này Bác lấy từ một bài thơ của bậc danh y Khổng Tử Mạc thời Tùy Đường, Trung Quốc gửi cho bạn là Lưu Chiếu Lâm (có sách nói là Tôn Tử Mạc), nguyên văn như sau: "Đảm dục đại, nhi tâm dục, Trí dục viên, nhi hạnh dục phương..." Bác lấy 12 chữ ở hai câu thơ đầu và bỏ chữ "tiểu" thay bằng chữ "tế" là tinh tế, tế nhị. Bỏ chữ "tiểu" là bỏ cái nhỏ, người nhận thiếp sẽ hiểu ngay rằng cái tâm của mình cần tinh tế, chín chắn, khéo léo tế nhị hơn nữa"
Chỉ một đoạn văn ngắn này thôi, nhưng Lê Xuân Đức viết sai lung tung cả.  Chúng tôi xin có mấy ý kiến:
1/Lê Xuân Đức nói là “nguyên văn như sau”, nhưng lại chẳng nguyên văn tí nào. Đó là cụm từ “nhi tâm dục tế” Lê Xuân Đức viết thiếu mất chữ “tế”, thành “nhi tâm dục”, không biết là “dục” gì ?
2/Bậc danh y mà Lê Xuân Đức nói là Tôn Tư Mạc chứ không phải Khổng Tử Mạc. Từ điển Nho-Phật - Đạo (Lao Tử-Thịnh Lệ-NXB Văn học) chép rõ: "Tôn Tư Mạc思邈 (581-682) đạo sĩ trứ danh, nhà y học, nhà dược học thời Đường".
Vậy, tại sao tên của Danh y Tôn Tư Mạc lại biến thành “Khổng Tử Mạc” ? Có lẽ là bởi chữ "Tôn" và chữ "Khổng", tuy quốc ngữ hoàn toàn khác nhau, nhưng trong Hán tự, chữ Tôn 孫, giản thể viết là (gồm bộ tử thiên bàng và chữ tiểu) lại gần giống với chữ khổng (cũng có bộ tử thiên bàng) nên Lê Xuân Đức mới nhìn “chữ tác thành chữ tộ” rồi “mạnh dạn” đổi họ Tôn của Danh y Tôn Tư Mạc thành họ Khổng ! Lại nữa, có lẽ Lê Xuân Đức nghĩ: đã là "Khổng" thì phải đi kèm với "Tử" mới hợp lý. Thế là Tôn Tư Mạc-"Đạo sĩ trứ danh, tinh thông thuyết của bách gia, sùng chuộng Lão Trang, hiểu biết Phật điển, tinh y học, sở trường âm dương, suy đoán, diệu giải thuật số, nghiên cứu cả các phương thuật Đạo giáo như Luyện đan, Phục thực để cầu trường sinh thành tiên", chẳng may gặp phải ông thầy cao tay hơn, "đạo", "sĩ" gồm tài, nên Tôn Tư Mạc mới bỗng chốc bị hóa thành "Khổng Tử Mạc" (!) Thương thay !
3/ Lê Xuân Đức viết: "danh y Khổng Tử Mạc thời Tùy Đường, Trung Quốc gửi cho bạn là Lưu Chiếu Lâm (có sách nói là Tôn Tử Mạc)".Thế là Lê Xuân Đức không chỉ biến Danh y Tôn Tư Mạc thành Khổng Tử Mạc nào đó, mà còn tiếp tục mượn tay một người khác theo kiểu “có sách nói” để hòng biến bạn của Tôn Tư Mạc là Lưu Chiếu Lâm thành Tôn Tử Mạc ở tận đẩu tận đâu (!) Nguyên nhân những sai sót này có vẻ như tác giả “Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh” trong khi “tìm” quanh quẩn ở đâu đó rồi nghe loáng thoáng, đọc loáng thoáng, câu được câu chăng, nhìn gà hóa cuốc nên rốt cuộc nhầm lẫn lung tung cả. Nếu bạn đọc muốn tìm hiểu về mấy chữ trong thiếp thư của Bác Hồ mà lại mua sách “Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh” về đọc, chẳng phải đã bị Lê Xuân Đức chơi khăm cho một vố thật đau hay sao ? Đúng là “Tiền mất, tật mang”. Ông cha ta nói chẳng có sai !
Nói thêm: 7 cái sai lớn nhỏ chúng tôi vừa nêu trên đây đều có đầy đủ trong sách "Lời bình thơ chữ Hán Hồ Chí Minh"của Lê Xuân Đức-NXB Văn học-2010, xuất bản trước sách "Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh" 2 năm. Như thế, yếu tố "chẳng may sai sót, nhầm lẫn" có thể hoàn toàn được loại trừ.
Xin được tiếp tục với những cái sai trong bài “Tặng Sơn đệ”:
4/Lê Xuân Đức phân tích: “Bác lấy 12 chữ ở hai câu thơ đầu và bỏ chữ "tiểu" thay bằng chữ "tế" là tinh tế, tế nhị. Bỏ chữ "tiểu" là bỏ cái nhỏ, người nhận thiếp sẽ hiểu ngay rằng cái tâm của mình cần tinh tế, chín chắn, khéo léo tế nhị hơn nữa”.
Chẳng qua không hiểu gì về chữ nghĩa nên Lê Xuân Đức mới tán nhăng, tán cuội như vậy. Chữ “tiểu” và chữ “tế” trong Hán tự đều có nghĩa là nhỏ, bé.
-Hán Việt từ điển (Đào Duy Anh): “Tế tâm細心: Nghĩ ngợi kỹ càng; Tiểu tâm: Cẩn thận, chú ý; Đảm đại, tâm tế 膽大心細: Mật thì to, tâm thì nhỏ, nghĩa là làm việc dõng cảm mà cẩn thận từng chút”.
-Từ điển Việt - Hán (GS Đinh Gia Khánh hiệu đính): “Cẩn thận: Tiểu tâm ”.
-Ở bên Tàu câu “Đảm đại, tâm tế” hoặc “Đảm dục đại, tâm dục tế (tiểu) được dùng như một thành ngữ. Chữ “tiểu” và chữ “tế” đồng nghĩa trong “tế tâm”“tiểu tâm”nên câu “Đảm dục đại nhi tâm dục tiểu”còn có một dị bản là “Đảm dục đại nhi tâm dục tế”. Bởi vậy khi Bác Hồ dùng “Đảm dục đại, Tâm dục tế” thì chữ “tế”ở đây là một cách dùng từ có nghĩa tương đương với chữ “tiểu”. Dùng “tâm dục tiểu”hay “tâm dục tế” đều có nghĩa là phải cẩn thận, chín chắn trong hành động, suy nghĩ, giảm bớt lòng dục chứ không phải Bỏ chữ "tiểu" là bỏ cái nhỏ, người nhận thiếp sẽ hiểu ngay rằng cái tâm của mình cần tinh tế, chín chắn, khéo léo tế nhị hơn nữa” như Lê Xuân Đức giảng giải.
Đọc thêm: Về câu “Đảm dục đại nhi tâm dục tiểu, Trí dục viên nhi hạnh dục phương” của Danh y Tôn Tư Mạc gửi bạn Lưu Chiếu Lâm, giới nghiên cứu y học Trung Quốc cho rằng đó chính là Tổng kết phương pháp chẩn bệnh của họ Tôn:
-Đảm đại:Phải hùng dũng, tự tin như khí chất của bậc võ phu. (Đảm đại: Thị yêu hữu như củ củ võ phu, bàn tự tín nhi hữu khí chất).
-Tiểu tâm: Trong công việc phải thận trọng từng tí như đang đi bên bờ vực thẳm, như dẫm chân lên băng mỏng. Tức đi trên băng mỏng thì dễ bị vỡ, đứng ở bờ vực núi cao thì dễ bị sẩy chân, nên lúc nào cũng phải thận trọng từng ly. (Tiểu tâm: Thị yêu như lâm thâm uyên, như lý bạc băng. Tức như đồng tại bạc băng thượng hành tẩu, tại tiêu bích biên lạc túc, nhất dạng thời thời tiểu tâm, cẩn thận)
-Trí viên: Khi gặp việc phải viên hoạt(tức không để lộ thái độ) và phải biết quyền biến (theo việc xảy ra bất thường mà ứng biến cho nhanh). Không được câu nệ. (Trí viên: Thị chỉ ngộ sự viên hoạt, quyền biến, bất đắc câu nệ).
 -Hạnh phương: Tức chỉ việc không tham danh vọng, không tranh giành lợi lộc. Được như thế trong lòng không vướng bận, tựa như được uống thang thuốc thần diệu của trời đất vậy (Hạnh phương: thị chỉ bất tham danh, bất đoạt lợi, tâm trung tự hữu thản thang thiên địa).
 Đó là lời của Tôn Tư Mạc đối với các bậc lương y. Kỳ thực, những lời nói ấy không chỉ có ý nghĩa đối với những người thầy thuốc”. (HTC tham khảo, trích dịch từ tài liệu chữ Hán-Trung Quốc).
Chúng ta đều biết, nguyên nhân Bác Hồ gửi thiếp thư cho Tướng Nguyễn Sơn là do Nguyễn Sơn không hài lòng về việc thụ phong hàm Thiếu tướng. Bởi vậy, để hiểu đúng thư thiếp của Bác Hồ cần tìm hiểu nguồn gốc  “đảm dục đại, tâm dục tế, trí dục viên, hạnh dục phương” trong triết lý của Tôn Tư Mạc. Mặc khác phải tiếp cận, có được bản chụp của thư thiếp ấy, xem cụ thể nguyên bản thế nào. Không nên ngồi đoán già đoán non rồi tán nhăng như cách làm của Lê Xuân Đức.
5. Lê Xuân Đức không chỉ truyền bá cái sai của ông, mà còn “dĩ hư truyền hư”, lấy cái sai của người khác để đem ra trích dùng, tiếp tục quảng bá tới đông đảo bạn đọc. Ví như Lê Xuân Đức trích lời kể của Nguyễn Thạch Kim, “một cộng sự đắc lực” của tướng Nguyễn Sơn: “Tôi (tức Nguyễn Thạch Kim-HTC chú thích) mở ngay ra xem, một tấm thiếp xinh xắn giản dị như mọi cái khác, mặt trước in rõ ba chữ Hồ Chí Minh, mặt sau viết nắn nót, ngay ngắn: Đàm dục đại, tâm dục tế, trí dục viên, hành dục phương (...) Hành dục phương là hành động phải ngay thẳng, đúng đắn, chân chính, phân minh, đàng hoàng”.
Đáng lẽ với một tư liệu có vấn đề như vậy Lê Xuân Đức phải biết phân biệt sai đúng để phân tích định hướng cho độc giả hoặc không sử dụng. Đằng này Lê Xuân Đức lại chú thích nửa vời, gây hoang mang cho bạn đọc: “Về chữ Đàm hay chữ Đảm, Hành hay Hạnh cần được tra cứu, sưu tầm tấm thiếp của Bác Hồ gửi tướng Nguyễn Sơn”. Chú thích nghe có vẻ khoa học và thận trọng. Tuy nhiên nó lại “lòi” cái sự không biết chữ của tác giả “Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh”. Bởi chỉ cần với trình độ Hán học nhập môn tự học đã có thể không cần “sưu tầm thiếp của Bác Hồ” mà vẫn có thể khẳng định: chỉ có “Đảm dục đại chứ” không có “Đàmdục đại”. Vì sao ? Vì chữ “đảm” ở đây chỉ có nghĩa là cái mật chứ không thể là “đàm” (nghĩa là đờm trong cổ họng) “đàm” (nói chuyện bàn bạc); “đàm” (cái đầm) “đàm” (cái vò rượu) “đàm” (nói mê sảng)...hay là một chữ “đàm” nào khác của Lê Xuân Đức:
-Thiều Chửu giải thích: “Đảm: Mật, ở nép trong lá gan thường rỉ nước đắng ra để tiêu chất mỡ. Ngày xưa bảo người ta có gan góc là vì cái mật, cho nên người không e sợ gì gọi là đại đảm大膽, người có lòng sốt sắng vì nghĩa quên mình gọi là can đảm 肝膽”.
-Đào Duy Anh giải thích: “Đảm đại: mật lớn lắm = dõng cảm. Đảm đại như đẩu: Mật to bằng cái đẩu
Đời Hán, Khương Duy chín lần đánh Ngụy, khi Thục mất nước, Khương Duy không chịu hàng, quân giặc mổ bụng Khương Duy thấy mật to hơn trứng gà, người ta nói đảm đại như đẩu”. (tức mật to bằng cái chén-HTC chú).
Về chữ “hành” hay chữ “hạnh”. Lê Xuân Đức dẫu có tận mắt nhìn thấy thiếp thư của Bác Hồ cũng thế. Bởi vì chữ hành hay hạnhtrong trường hợp này đều viết giống nhau. Thế nên đọc là hành hay hạnh phụ thuộc vào kiến thức của mỗi người. Vì đây là phép “Giả tá” trong  trong “Lục thư” (6 phép cấu tạo chữ Hán): Tượng hình, Chỉ sự, Hội ý, Hình thanh, Chuyển chú, Giả tá. Chữ hànhkhi đọc là hành có nghĩa là đi, người ta mượn nguyên chữ này, đọc là hạnh để chỉ nghĩa đức hạnh. Bởi vậy, nếu giải thích “hành dục phương”“hành động phải ngay thẳng” là không đúng.
Những cái sai của Lê Xuân Đức không phải chỉ dừng lại ở đây. Tuy nhiên chúng tôi không muốn mất thêm thời gian của bạn đọc và của chính mình nên xin dừng tại đây.Và cũng nên nói thêm, Lê Xuân Đức có 10 cuốn sách viết về thơ Bác. Hiện chúng tôi có trong tay 3 cuốn và thấy rằng: rất nhiều trường hợp cái sai kiểu "chữ tác đánh chữ tộ" của Lê Xuân Đức giống nhau, "nhất quán" trong cả 2, hoặc 3 cuốn sách: (1) Lời bình thơ chữ Hán Hồ Chí Minh (2010); (2) Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh" (2012) (3) Nhật ký trong tù và lời bình (2013). Ví dụ các bài:
- Bài"Qua Thiên Giang" (sách (1) và (2) đều sai chữ giang thành chữ thiên).
-Bài  về chữ “đệ” (sách (1) (2) và (3) đều sai chữ đệ (em) thành đệ (thứ) và ngược lại.
- Bài “Tặng Sơn đệ”: Sách (1) và (2) sai  chữ tríthành chữ chí; sai Tôn Tư Mạc thành Khổng Tử Mạc; sai chữ “tống”  thành chữ “tặng”
- Bài “Hai chớ” (sách (1) và (2) đều sai chữ thithành chữ sử.
- Bài “Tặng đồng chí Trần Canh” (sách (1) và (2) đều sai chữ "quang bôi" thành"kim bôi" v,v...rất đúng “chất” của Lê Xuân Đức.
Tại sao những cái sai đó lại giống nhau và xuất hiện trong cả 3 hoặc 2 cuốn sách của Lê Xuân Đức ? Theo chúng tôi: đó là sai do kiến thức, không phải sai do nhầm lẫn hoặc lỗi văn bản. Thứ hai, ngoài giỏi "xào xáo" văn của người khác thành văn của mình, Lê Xuân Đức còn giỏi "xào xáo" văn của chính ông. Có nghĩa cũng những bài thơ đó, nhưng thay đổi, thêm bớt tí chút "lời bình", hoặc thêm một số bài mới, tập hợp lại, đặt cho sách một cái tên khác. Thế là có thêm một "tác phẩm mới", làm dày thêm thành tích 40 năm nghiên cứu "thẩm bình" thơ Bác mà không cần biết những trang viết ấy sai sót những gì. Với cách làm này Lê Xuân Đức đã đánh lừa được nhiều Nhà xuất bản, các Báo, Tạp chí, moi tiền của bạn đọc. Thậm chí qua mặt được cả Hội Nhà văn Việt Nam và Ban tổ chức cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí viết về chủ đề “Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Các GS văn chương vì thế cũng không tiếc lời ca ngợi Lê Xuân Đức.
Mang một cái tên rất khoa học "Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh" nhưng cách làm của Lê Xuân Đức lại rất phi khoa học. Đó là không trích dẫn đến nơi đến chốn nguồn tài liệu tham khảo, "lập lờ đánh lận con đen". Đây là cách làm thường thấy ở trong các cuốn sách của Lê Xuân Đức. Ví như "Nhật ký trong tù và lời bình" Lê Xuân Đức chép lại nguyên xi của người khác mà cứ tỉnh bơ, không một lời chú thích, xuất xứ. Thậm chí Thư mục sách tham khảo ở phần cuối sách cũng không có tên một đầu sách nào. Sách "Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh" của Lê Xuân Đức cũng trong tình trạng như vậy. Lê Xuân Đức kể vanh  vách bao nhiêu là chuyện, nhưng bạn đọc không biết nguồn tài liệu ấy ở đâu ra, có đáng tin cậy hay không, một khi muốn sử dụng hoặc trích dẫn lại. Ví như Lê Xuân Đức bịa ra cái tên Khổng Tử Mạc cứ như không. Chính bởi thói quen phi khoa học mà Lê Xuân Đức mới rộng đường tán nhăng và đạo văn rất khó phát hiện. Đưa ra bao nhiêu là tư liệu, nhưng phần cuối sách Lê Xuân Đức cũng không hề có thư mục sách tham khảo để độc giả yên tâm, biết được tác giả đã tiếp cận với những nguồn tài liệu nào. Bởi vậy, có thể nói, "Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh" là một công trình phi khoa học.
Trong bài phỏng vấn của VOH (Đài tiếng nói của nhân dân thành phố Hồ Chí Minh) về vụ nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Lê Xuân Đức nói: Tôi rất vui khi nhận được giải thưởng lần này. Đây là một sự ghi nhận và đánh giá tác phẩm tôi viết "Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh". Đó cũng là kết quả của 40 năm tôi nghiên cứu về thơ Bác”. 
            Sách "Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh" có 438 trang khổ 14,5 x 20,5, chúng tôi chỉ mới lướt qua 188/438 trang cuối sách mà đã thấy đầy rẫy những sai lầm không thể chấp nhận. Kết quả 40 năm nghiên cứu về thơ Bác của Lê Xuân Đức là như vậy đó !
Với tư cách độc giả, chúng tôi xin gửi tới Hội Nhà văn Việt Nam và Ban tổ chức cuộc “vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí viết về chủ đề “Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" ba câu hỏi:
          -Với những sai lầm và cách làm phi khoa học mà chúng tôi đã chỉ ra trong sách “"Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh" của Lê Xuân Đức, việc Hội Nhà văn Việt Nam và Ban tổ chức trao giải cao nhất cho tác phẩm này là đúng hay sai ?
          - Nếu là sai, Hội Nhà văn Việt Nam và Ban tổ chức có thu hồi lại giải thưởng đã trao cho tác giả sách “Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh” hay không ?
          -Ai phải chịu trách nhiệm về việc trao giải cho một cuốn sách có nhiều sai lầm và phi khoa học như "Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh" của Lê Xuân Đức  ?

                                                                                     11/5/2014
                                                                                           HTC