Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

VĂN HÓA LÀNG-TÂM HỒN VIỆT


    Hoàng Tuấn Phổ

Ảnh minh họa: Internet
Đất nước ta lập làng rất sớm, từ hàng nghìn năm trước. Di tích khảo cổ học núi Sỏi gần núi Nưa (Nông Cống – Triệu Sơn), cho biết khoảng thế kỷ II sau Công nguyên, một làng cổ cư trú trên toàn bộ núi Sỏi, rộng đến 1 vạn m2.
Di vật núi Sỏi bước đầu khai quật, thu nhặt, chứng tỏ trình độ văn hóa khá cao, thuộc thời kỳ cuối văn hóa đồng thau Đông Sơn. Nếu chúng ta hiểu làng chỉ là một cộng đồng dân cư sinh sống trên một mảnh đất là đơn giản và phiến diện. Từ “làng” không phải vay mượn từ “hương” gốc Hán. Thời xưa, một “hương” gồm nhiều “làng”, nhiều khi tương đương một huyện. Ví dụ thời Trần, hương binh của hương Yên Duyên (Quảng Xương) đặt mai phục đánh tan đội quân xâm lược Toa Đô hùng hậu (1286). Tổ  tiên người Việt và người Mường đều chung một gốc. Bộ phận dân tộc người Mường hiện còn bảo lưu nhiều tiếng cổ mà người Việt trong quá trình giao lưu và phát triển đã biến đổi về ngữ âm. Từ “làng” của người Việt vốn là từ “lang” của người Mường. Người Việt  trước năm 1945, phổ biến từ “lang chạ”, nhưng từ “lang” đã thay đổi ý nghĩa khác thành chồng chung vợ chạ để chỉ hành vi xấu: nằm lang, ngủ lang… Riêng từ “chạ” vẫn được sử dụng với nghĩa gốc là làng. Tục “kết chạ” là tục kết nghĩa anh em giữa làng này với làng khác, đoàn kết thân ái, giúp đỡ lẫn nhau.
Như vậy “làng” hay “lang” hay “chạ” (ngày xưa rao mõ bao giờ cũng “chiềng làng, chiềng chạ – trình làng trình chạ”) là một cộng đồng dân cư không chỉ cốt làm ăn sinh sống như trại ấp, mà còn phải cùng nhau xây dựng những thiết chế văn hóa, làm cơ sở cho văn hóa làng, được bồi đắp không ngừng qua các thế hệ. Làng càng cổ, bề sâu văn hóa càng dày.
Thời Lê sơ, làng được công nhận phải có đình và nghè: đình để hội họp, sinh hoạt hội hè, nghè để thờ thần, đáp ứng tín ngưỡng tâm linh của nhân dân. Tiêu chí văn hóa ấy nhằm phục vụ đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư, được củng cố, phát triển qua các triều đại sau. Sự thay bậc đổi ngôi của bất cứ triều đại nào cũng không làm thay đổi vị trí làng, vai trò làng đối với đất nước. “Ối làng nước ôi!” là tiếng kêu cửa miệng thốt lên khi người ta đứng trước tai họa vỡ đê, cháy nhà, giặc cướp… Người ta nói “Nước mất nhà tan”, không ai nói “Nước mất làng tan”. Vì nước có thể mất, nhưng làng không thể tan và còn làng thì còn nước. Không ai yêu nước mà không yêu làng, đã yêu làng tất yêu nước. Sự gắn bó máu thịt ấy giải thích tại sao làng Việt không thể diệt, nước Việt không thể mất! Cái gì tạo nên sức mạnh của làng Việt? Đó chính là văn hóa Việt tiềm tàng trong máu thịt, trong tâm hồn Việt của mỗi người, của mọi người. Nói cách khác, mỗi người dân nước Việt đều mang trong lòng mình một kho tàng văn hóa của quê hương. Là “Mái đình, giếng nước, cây đa”, là “con cò bắt tép bờ sông”, là tiếng ru của mẹ, câu chuyện cổ tích của bà, là tiếng võng đưa kẽo kẹt trưa hè, là bờ tre mái lá, là cánh đồng có con trâu đi cày, là dòng sông tắm mát, là tiếng sáo diều vi vu khuấy động bầu trời xanh ngắt, gọi gió thuận mưa hòa, là vân vân và vân vân…
Không ít văn nghệ sĩ rất thành công trong những sáng tác về “Làng tôi”: “Làng tôi xanh bóng tre…”, “Làng tôi có cây đa cao ngất tầng xanh”… về hình ảnh làng quê: “Ngõ trúc quanh co”… “Cá đớp động chân bèo”… về “Tình quê hương”: “Ngàn dâu xanh ngắt mấy nếp tranh xa mờ, tiếng sáo bay dập dìu đường về thôn xưa”… vân vân… Bản sắc văn hóa Việt là tinh hoa văn hóa làng quê. Có Việt kiều nào phải sống xa xứ mà không mang nỗi nhớ quê hương? Mối hoài cảm ấy làm dậy lên những đợt sóng “Về nguồn”. Dịp Tết Nguyên đán, cái Tết thiêng liêng nhất trong năm của người Việt, ga tàu, bến xe, sân bay nào cũng rộn rịp bà con Việt kiều từ các phương trời  xa đổ về thăm quê ăn Tết. Lúc về, bà con phấn chấn, náo nức tâm hồn bao nhiêu, khi đi bước chân lưu luyến, bịn rịn bấy nhiêu. Trong hành trang muôn dặm của người xa xứ mang theo cả “tình quê hương”, những hình ảnh, kỷ vật tranh dân gian đánh đu, đánh vật, đánh ghen… để rồi lại khắc khoải trông chờ dịp sau, Tết sau…
Làng Việt phát triển theo đà lớn lên của đất nước. Tất yếu nó loại bỏ những gì cũ kỹ, lạc hậu, tiếp nhận những gì văn minh, tiến bộ, phát huy những gì là tinh hoa, tinh túy. Phong trào phục hồi văn hóa cổ truyền cho thấy nhiều lễ hội cũng cờ lộng, trống chiêng náo nhiệt ban đầu rồi sau tẻ nhạt dần… Trong khi đó, những dòng người trẩy hội mùa xuân, mùa thu: Chùa Hương, Kiếp Bạc, Phủ Dầy, Lam Kinh… vẫn cuồn cuộn chảy như dòng sông tìm đường về biển.
Rất tiếc, nhiều đình, chùa, đền, miếu giá trị mất đi, làm cho không gian văn hóa làng quê bị trống vắng mảng màu sắc cổ kính không thể lấp bù và ở nơi sâu thẳm cõi tâm linh con người một nỗi luyến tiếc khôn nguôi. Những công trình trùng tu, khôi phục như đền Quốc Mẫu (Hoằng Xuân, Hoằng Hóa), đình Đông Môn (Vĩnh Long, Vĩnh Lộc), Ngọ Môn, Lam Kinh (Thọ Xuân)… hãy còn hiếm.
Truyền thống dân ta từ nghìn xưa là “Uống nước nhớ nguồn”, “Chim có tổ, người có tông”, “Cáo chết đâu đâu cũng quay đầu về núi”… Nhiều địa phương, nhà thờ họ, nhà thờ gia tiên được tôn tạo và tân tạo. Tinh thần gia tộc được kết nối thêm bền chặt. Họ Ngô (Yên Định), họ Lại (Hà Trung), họ Trịnh (Vĩnh Lộc)… hàng năm con cháu khắp nơi về giỗ tổ. Tuy vấn đề văn hóa vật thể còn phải bàn, nhưng văn hóa phi vật thể đã được mở rộng, khơi sâu thêm một bước. Nhớ chuyện vua Gia Long lúc gian nan chinh chiến, giao con trai đầu Nguyễn Cảnh cho đức cha Bá Đa Lộc dạy dỗ. Một hôm, nhà có giỗ, Gia Long bảo con đứng trước bàn thờ để lễ bái ông nội. Cảnh nhất định không chịu. Gia Long trách Bá Đa Lộc: “Tại sao thầy dạy nó quên ơn tổ tiên, ông bà?”. Bá Đa Lộc trả lời: “Người Việt Nam các ông thờ cúng người chết, mong được phù hộ sang giàu là mê tín, dị đoan!”. Gia Long nghiêm sắc mặt nói: “Người Việt Nam chúng tôi thờ cúng ông bà, tổ tiên là để tỏ lòng biết ơn sâu nặng của tiền nhân, mà sống sao cho xứng đáng với tiền nhân, không thể cho là mê tín, dị đoan”. Sau đó, ông không dùng thầy tu Bá Đa Lộc, chọn một thầy Nho tài năng, đức độ để rèn dạy con trai mình học tập.
Nói chung, văn hóa làng thời nay tiến bộ, đổi mới theo hướng tích cực. Làng nào cũng xây dựng nhà văn hóa, trang bị loa đài, sách báo, đàn sáo… Tuy vậy, không ít nơi loa đài quá giấc ngủ quên, sách báo nằm dài buồn tênh, đàn sáo tủi duyên tủi phận không người hỏi han… nhà văn hóa làng may mắn được dùng làm trụ sở thôn, thỉnh thoảng dân làng đến hội họp.
Làn sóng rời làng ra đi, khiến làng xưa vẫn đó, lối cũ còn đây, nhưng nhịp sống làng quê không khỏi đơn điệu, thiếu vắng. Họ ra đi có lý do chính đáng của họ, để lập nghiệp, để tiến thân, để thay đổi cuộc sống… Phải chăng họ chán ngán cái làng quê còn nhiều khó khăn: bão lụt, nắng mưa, hạn hán, ngọn đèn điện cơ chừng khó thay thế hẳn cái đèn dầu, nói gì trạm bơm nước, máy xay xát?… Không! Quanh năm, họ phải  vật lộn với cuộc sống nơi thành thị, khu công nghiệp, bản thân họ có lúc tưởng như phải bỏ lại đằng sau tất cả, nhưng rồi mỗi khi Tết đến lại trào lên nỗi nhớ làng, nhớ quê, nơi ấy có người thân, ruột thịt, có họ hàng, chòm xóm, có đêm trăng hò hẹn dưới tán đa cổ thụ, có mái trường tuổi thơ, bao kỷ niệm chất chứa… Không thể như con chim tung cánh bay về tổ ấm, họ bằng mọi cách phải có được tấm vé về quê thăm làng, ăn Tết với người thân, dẫu vất vả cảnh tàu xe nghìn dặm, ăn đứng ngủ ngồi! Họ về thăm quê có khi chỉ được phép một vài hôm rồi lại tất bật ra đi cho kịp công việc đang chờ đợi. Dù làng quê mình sau một năm gặp lại, thay đổi đi lên hay dẫm chân tại chỗ, làng quê mình vẫn là làng quê mình, tình cảm yêu mến, nhớ thương vẫn không đổi thay, như đối với người mẹ già mỗi năm tóc có bạc thêm, với cô vợ trẻ một tay chăm sóc con thơ, nước da trắng mịn có ngả màu đen…, trong lòng người đi xa, gia đình, làng quê lúc nào cũng ấm áp mùa xuân.
Háo hức về quê ăn Tết
                                                             Nguồn: Internet
Không chỉ con người phải mưu sinh lập thân, tự khẳng định mình mà hàng hóa do con người làm ra cũng phải cạnh tranh, lắm khi đến mức khốc liệt, nhất là đối với hàng ngoại và hàng nội trên thị trường ngoài nước. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là chủ trương hợp lòng dân. Nó tiếp tục phát huy truyền thống “Dùng hàng nội hóa là yêu nước” từ thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Người Việt dùng hàng Việt là tinh thần, thái độ xác định bổn phận, trách nhiệm mỗi người, mọi người, đặt lợi ích Tổ quốc lên trên hết, góp phần thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế đất nước. Đó là thể hiện tư tưởng triết lý dân gian bao đời: “Ta về ta tắm ao ta”, “Trâu ta ăn cỏ đồng ta”…
Hàng hóa Việt ở mức độ nhất định cũng là văn hóa Việt – văn hóa vật chất của người Việt. Trong văn hóa vật chất này cũng có văn hóa tinh thần, nó tác động mạnh mẽ  tới tinh thần hoặc phản văn hóa. Vì vậy, nó yêu cầu nghiêm túc, chất lượng, không được “thua chị kém em” cả đối nội và đối ngoại.

Bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, Việt Nam ta lúc nào cũng như con tàu neo đậu trước sóng gió biển Đông. Kẻ thù biết rõ Việt Nam còn làng thì còn nước, có văn hóa làng tất có văn hóa nước, nhưng mọi âm mưu phá hoại đều thất bại. Văn hóa làng góp làm nên văn hóa nước. Văn hóa nước Việt, làng Việt tạo nên tâm hồn Việt, không thể lẫn với tính cách dân tộc khác.
                                                                                       H.T.P

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét