Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

BẮT SỐNG KHỈ

HOÀNG TUẤN PHỔ
Thanh Hóa nhiều núi đá vôi, là môi trường thích hợp đời sống loài khỉ. Những quần sơn thâm nghiêm, cao vút như Kim Sơn (huyện Vĩnh Lộc), An Hoạch (huyện Đông Sơn), Hoàng Nghiêu (huyện Nông Cống),... trước kia đều là thiên đường của giống khỉ lông vàng đuôi cộc.
Chúng ăn lá cây,hoa quả, côn trùng,... sẵn có trên núi, quanh núi và ngủ trong những hang động rộng rãi, thoáng mát mùa hè, ấm áp mùa đông. Giống khỉ thế mà cũng biết tích cốc phòng cơ. Gia đình khỉ nào mà chả có một kho lương thực để dành khi mưa to gió lớn hoặc lúc tháng giá mùa đông. Thức ăn khỉ tích trữ phòng “giáp hạt” chủ yếu là thóc để nguyên cả bông, lấy từ những cánh đồng lúa vây bọc chung quanh chân núi. Mùa lúa chín, cả làng khỉ nô nức kéo nhau xuống núi đông vui như trẩy hội. Kể về tính tham lam, khỉ nào cũng giống khỉ nào. Chúng tuốt lúa chén căng bụng. No đến tận cổ, còn chứa đầy mồm, hai má phồng lên như hai trái cây. Rồi nào đội đầu, vác vai, nào cầm tay, cắp nách,... chúng tìm đủ mọi cách vận chuyển thóc lúa về “làng”. Chúng thiếu phương tiện gồng gánh lại phải trèo cao nên việc tải lương khó khăn, chậm chạp. Mặc, chúng vẫn cứ bứt, cứ phá, ăn một phá mười, mang đi chỉ được vài ba nắm mà sẵn sàng bứt cả ruộng! Chúng tưởng đấy là của trời cho, “hết lại có, mó lại thấy”! Bởi thế, nhà nông có ruộng chung quanh chân núi bị khỉ ăn tàn phá hại, ai cũng thù ghét chúng.
Khỉ thuộc bộ linh trưởng, ít nhiều có trí khôn, biết bắt chước và hay bắt chước một số hành vi của con người. Nhưng là sự bắt chước một cách máy móc. Khỉ khôn ranh ở chỗ ấy, mà dại dột cũng ở chỗ ấy, và “chết người” cũng chính ở chỗ ấy!
Mùa gặt, những thửa ruộng ven chân núi có khỉ thường phải thu hoạch sớm để bảo vệ thành quả hai sương một nắng, phương châm là “xanh nhà hơn già đồng”. Thấy bóng người, đàn khỉ bỏ ruộng lúa chạy rào rào lên núi. Nhưng chúng không chạy xa mà lén lút trở lại ẩn nấp đâu đó, nơi hẻm núi hoặc sau những hòn đá hay bụi cây. Người ta gặt thử vài đon lúa nhỏ, đem lên chân núi, lấy một sợi dây dài quấn quanh thắt lưng nhiều vòng rồi dắt từng nắm bông lúa vào đó để mang về. Đàn khỉ nấp trên núi thấy người đã về, liền mò xuống. Tại chân núi vứt bỏ nhiều cuộn dây, một đầu buộc chắc vào hòn đá hay gốc cây. Khỉ thấy có sẵn dây cũng bắt chước người quấn nhiều vòng quanh lưng để dắt lúa bông. Người đánh bẫy bất ngờ xuất hiện. Đàn khỉ bỏ chạy, nhưng không tài nào chạy nổi. Chúng bị hòn đá, gốc cây lôi giữ lại, vì chỉ học được cách buộc dây mà không biết cách mở dây ra!
Mùa đông trẻ em đi chăn bò hay nhặt củi cành, lá khô đốt lửa sưởi. Bọn khỉ ở trên núi đá lạnh lẽo, ngửi được hơi ấm qua làn khói bốc hơi, cảm thấy dễ chịu. Chúng chú ý quan sát cách đốt lửa và cảnh ngồi sưởi lửa. Nhưng chiều nay, bọn trẻ đuổi bò về sớm, bỏ lại đống lửa còn rực than hồng. Không chờ đợi lâu, bầy khỉ mò ngay xuống sưởi lửa. Chúng cũng làm theo bọn trẻ, nhặt cành khô bỏ vào đống than chưa tàn. Bỗng có tiếng nổ phát ra đùng đùng mấy tiếng liền dội vang vào vách núi đá như tràng súng nổ. Bụi than, lửa khói tung tóe. Bọn khỉ không còn hồn vía nào, tất cả đều ngã lăn ra chết ngất.
Một cách khác: Người ta đem bã rượu cất dấu trong bụi cây dứa dại nhưng cốt để cho khỉ thấy: Tính khỉ hay tò mò, thấy người đi, liền nhảy tới lôi nồi bã rượu ra. Chúng bốc một nắm, ngửi ngửi thấy mùi hấp dẫn, ăn thử. Càng ăn càng thấy ngon, cả đám khỉ mẹ cũng bồng con bế cái đến chè chén với bọn khỉ đực. Chốc lát, men rượu ngấm, bầy khỉ say quá, nằm lăn quay ra bất tỉnh...

Người ta bắt sống khỉ, con lớn bán cho hiệu thuốc nấu cao chữa bệnh, con nhỏ để bọn nhỏ nuôi chơi. Mẹo bắt khỉ có nhiều, nhưng số lượng khỉ hàng năm đánh bẫy được rất ít. Vì giống khỉ tinh ranh, con nào đã mắc một lần mà thoát thì lần sau đừng hòng đánh lừa nó. Những con được chứng kiến cảnh người đánh bắt khỉ càng trở nên cảnh giác. Số lượng khỉ bị giảm sút nhanh chóng chủ yếu là do môi trường sống của chúng không được bảo vệ.
                                                                H.T.P
(Rút từ "Văn hóa đánh bắt chim thú tôm cá ở Thanh Hóa trước 1945
 - Hoàng Tuấn Phổ-NXB Khoa học xã hội - 2004)

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

ĐÁNH CHUỘT

HOÀNG TUẤN PHỔ
Hồi tôi còn nhỏ, tạng người yếu, ăn cơm hay bị nghẹn, nấc. Mỗi lần bị nghẹn, nấc, người lớn lại chỉ tay lên nóc nhà, bảo: “Tề tề (kìa kìa) có con chuột đang chạy!”, tôi tưởng thật ngửa cổ nhìn lên nóc nhà, buột miệng hỏi: “Mô mô (đâu đâu)?” thế là khỏi nghẹn, hết nấc. Đúng là trên nóc nhà (không riêng nhà tôi) có giống chuột nhỏ tên thường gọi chuột nhà, chuyên cư trú trong mái lá. Chúng sống ở đó rất an toàn, mèo thấy cũng chẳng làm gì, tha hồ xây tổ ấm, sinh con đẻ cháu. Lợi dụng đêm tối hoặc nhân lúc ban ngày vắng
vẻ, chúng di chuyển rất nhanh từ trên nóc nhà xuống và lẻn vào bồ thóc thúng gạo. Nắm được quy luật hoạt động của chuột, mèo ta thường nấp dưới gầm bồ phục kích. Có khi nó nhảy lên cót thóc đánh một giấc ngủ ngon. Thấy bóng mèo, đố chuột nào dám bén mảng tới gần. Nhưng mèo đâu có “ba đầu sáu tay”, canh giữ được bồ thóc, bỏ mất thúng gạo. Thỉnh thoảng mèo cũng kiếm được vài tên chuột dại dột, chủ quan, song chẳng thấm gì so với sức sinh sản con đàn cháu đống của giống nhà chuột. Chuột càng đông lên, thức ăn kiếm được ngày càng khó khăn. Chúng lục lọi, phá phách như giặc cả đêm khiến trẻ em dễ giật mình thức giấc mà người già cũng khó chợp mắt.
Ông nội tôi nói: “Nhà ta cả hai mái kè đều mới lợp, ít nhất phải 10 năm nữa mới cần đảo lại. Mà cái giống chuột tinh quái lắm, khi giỡ mái chẳng thấy một con, sau khi lợp lại, đâu vẫn hoàn đó. Người ta bảo: Cháy nhà mới ra mặt chuột. Đúng. Nhưng, phần đông chúng nhanh chân chạy thoát. Cho nên đánh chuột là phải đánh tận hang ổ chúng”. Rồi ông cụ bảo chú tôi đi thuê thợ rèn rèn một cái nọc để nọc chuột.
Cái nọc chuột có hai phần: phần mũi và phần cán. Phần mũi dài chừng hơn gang tay; mũi nhọn như cái gai; dưới mũi nhọn độ đốt tay là cái ngạnh trê chìa ra khoảng nửa đốt. Phần cán là một cây trúc cắt lấy đoạn gốc, dài ước vài sải tay. Cắm mũi vào cán, về phía ngọn, đánh một khâu sắt để cổ nọc được vững chắc.
Lũ chuột sống trên nóc nhà như ở trên thiên đường, bất khả xâm phạm. Từng đôi chuột đực cái châu mũi vào nhau cười đùa rúc rích. Những con chuột mới lớn ngứa răng gặm đầu rui sồn sột. Mấy lão chuột già thong dong tản bộ, phưỡn ra những cái bụng phệ trăng trắng béo mượt,... Bất kể sáng, trưa, chiều, tối, chú tôi ngồi học, dựng sẵn bên bàn cái nọc; hễ nghe tiếng động trên nóc nhà, liền cầm ngay cái nọc, chú tôi chọc mạnh một cái, trúng ngay con chuột, lôi xuống. Sau khi diệt được khoảng chục con, những con còn lại, dắt díu nhau bỏ đi hết. Máu chuột bị giết dây, dính trên tàu kè, đòn nóc, khiến chuột kinh sợ.
Do đặc tính họ nhà chuột kinh sợ mùi máu thịt đồng loại, bà con nông dân băm thịt chuột rải chung quanh bờ ruộng để chống lũ chuột đồng phá lúa.
Chuột đồng hoàn toàn giống chuột nhà. Vì ở ngoài đồng nên gọi là chuột đồng để phân biệt với chuột nhà chuyên sống trong nhà. Nói chung, tầm vóc cả hai giống đều nhỏ. Nhưng cũng có một số con lớn vượt hẳn lên to bằng hoặc gần bằng bắp tay người trung bình. Có thể chúng là giống chuột đồng to. Những mùa vụ bạch lạng, chuột đồng đói quá cũng mò vào nhà kiếm ăn, thấy dễ kiếm sống, định cư lâu dài, hóa thành chuột nhà. Ngược lại, những nhà thuộc diện nghèo, khi không còn cái gì để ăn, chuột nhà buộc phải di cư ra đồng, tha phương cầu thực, cũng phải ở hang, ở hốc, rồi thành chuột đồng.
Chuột đồng sinh sản nhanh, phát triển mạnh không kém chuột nhà. Chuột đồng phải đối phó với không ít kẻ thù: cú, rắn, cầy, cáo, lon,... Đêm, mèo ra đồng bắt cá, thấy chuột cũng bắt luôn. Một số con mèo sau khi diệt hết chuột nhà, đêm đêm ra đồng săn chuột.
Chuột đồng tự đào hang hoặc sửa lại hang cũ để ở. Câu tục ngữ: “Chuột già có ba cái hang” là rất đúng. Mỗi hang chuột trổ ít nhất hai cửa; trong mỗi hang chuột đào thêm một vào ngách để chứa thức ăn và tránh kẻ thù mà chuột sợ nhất là rắn. Hang chuột chỉ có ở những thân đất cao, vì giống chuột này ưa khô ráo, không chịu được ẩm ướt, nước nôi như chuột cống. Ban ngày chuột đồng yên chí ở trong hang với thành lũy kiên cố, đêm tối mới mò ra phá hại lúa má, hoa màu. Trước kia, bà con nông dân dùng biện pháp đem chó săn ra đồng, lấy thuổng, cuốc đào hang bắt chuột. Hễ chuột chạy từ trong hang ra đã có chó săn đuổi theo ngoặm một miếng chết tươi. Song, không thể nhà nào cũng nuôi được chó biết săn và cũng không có điều kiện để đào phá tất cả cồn, áng, bờ ruộng, bờ đường. Người ta áp dụng cách phổ biến là hun khói.
Hun khói tương đối vất vả và tốn công. Trước hết phải biết đích xác hang có chuột ở. Dùng chó săn đánh hơi. Hang nào có chuột, chó lấy chân trước cào cào, bới bới miệng lỗ và sủa ủng ẳng, kèm theo những tiếng rít. Cũng có thể quan sát cửa hang thấy những biểu hiện như đất nhẵn, in dấu chân, thải ra một vài cục phân, cỏ khô tha về làm tổ vương vãi,... Tiếp theo tìm các cửa hang khác, bịt kín, chỉ trừ lại cửa trước để hun khói và một cửa sau để đơm cái đó hoặc cái giỏ (có ton - hom) đón bắt chuột. Khoét rộng cửa hang chính, đốt rơm rạ làm than, phủ trấu lên trên, rồi dùng quạt, quạt thốc hơi nóng và khói đặc vào hang, đến tận các ngõ ngách. Người quạt phải khỏe cánh, mạnh tay, quạt hối hả không ngừng, nếu có hai người thay nhau cầm quạt càng tốt. Chuột bị ngạt khói tất phải chui ra.
Hun khói phải kiên trì. Nhiều con gan góc, lỳ lợm, khi chui ra đã ngạt thở gần chết, bước không nổi. Thế mới có thành ngữ: Lờ đờ như chuột hun khói. Song, hãy coi chừng, chỉ cần một vài tích tắc được thở bầu không khí trong lành, con chuột phải khói hồi sức rất nhanh và chạy biến.
Giống chuột lỗ bằng bắp tay, bắp chân người lớn. Nó đào lỗ ở trong nhà, tại những xó xỉnh tối, ẩm. Có lẽ nó cùng anh em với chuột cống, ở nông thôn gọi là chuột lỗ, chuyển cư lên thành thị mang tên chuột cống. Chuột lỗ nhiều con dám chống trả lại cả chó và tất nhiên, lỗ ta dám ung dung đi qua trước mũi mèo. Người ta nói: Cụ tổ họ nhà mèo bị chuột lỗ cắn chết ăn thịt nên mèo không dám bắt gà, phải để dành biếu chuột lỗ, mong được sống yên ổn. Sự thực chuột lỗ ăn ở đều bẩn mà tính mèo lại sạch, không chịu nổi mùi hôi hám, hễ thấy lỗ, mèo liền tránh xa.
Nhà tôi xưa, năm nào cũng có một vài con chuột lỗ, chẳng biết từ đâu đến đào lỗ trong buồng hoặc xó hè để ở. Hang chuột lỗ vừa sâu vừa rộng, thường không có ngách, chỉ có hai cửa vào ra. Chuột lỗ khi đào hang, đùn đất lên cả đống, hễ lấp xuống, nó lại đào lên, cứ như trong nhà tôi, nó mới là chủ. Thỉnh thoảng nó bắt một con gà lôi vào hang ăn thịt dần. Để trừ lỗ, phá hang, các chú nhà tôi cũng phải dùng cách hun khói đối với chuột đồng. Có con bị khói mò ra đến cửa hang, đụng râu vào cái ton giỏ, liền lùi trở lại. Một lúc sau, nó đội cả đống than trấu đang hun mà chui lên. Nó chơi cú bất ngờ khiến người không kịp phản ứng. Khi người ta tìm được cái gậy thì nó đã chạy mất! Cũng có con đành chịu ngạt thở mà chết trong hang. Dẫu sao hun khói vẫn là biện pháp hữu hiệu nhất đối với chuột lỗ. Sau mỗi lần hun khói, cả năm không thấy một bóng chuột lỗ.
Nếu khó dùng cách hun khói vì cửa hang không thích hợp thì dùng cái mâm gỗ cũ (xưa nhà nào cũng có), đặt nghiêng trên nền nhà, dưới chống cái que, trên mâm đè hòn đá nặng; nướng một con cua đồng hay một miếng thịt cho thơm buộc vào que chống. Chuột đánh mùi thơm, chui vào dưới mâm ngoặm mồi tha đi làm bật que chống, cái mâm và hòn đá sập ngay xuống đè chết con vật. Tất nhiên, cách đánh bẫy mâm này có cái phiền phức là trong nhà mèo, chó đều phải nhốt lại cẩn thận.
Cách đánh bả chuột là dùng thuốc độc trộn vào thức ăn, có khả năng cùng lúc diệt nhiều con, nhưng xưa nhà tôi các cụ không cho dùng, vì sợ chết lây cả những loài vật khác. Cơ khí phát triển, trên thị trường xuất hiện các loại bẫy: bẫy chém, bẫy lồng,... gia đình tôi đều mua dùng đánh các giống chuột đồng, chuột nhà, chuột nhắt. Nhưng những giống chuôt này đều kỵ mùi chết của đồng loại. Sau mỗi lần đánh được chuột, phải ngâm, rửa bẫy thật kỹ mới đem dùng lại.

VĂN HÓA LÀNG-TÂM HỒN VIỆT


    Hoàng Tuấn Phổ

Ảnh minh họa: Internet
Đất nước ta lập làng rất sớm, từ hàng nghìn năm trước. Di tích khảo cổ học núi Sỏi gần núi Nưa (Nông Cống – Triệu Sơn), cho biết khoảng thế kỷ II sau Công nguyên, một làng cổ cư trú trên toàn bộ núi Sỏi, rộng đến 1 vạn m2.
Di vật núi Sỏi bước đầu khai quật, thu nhặt, chứng tỏ trình độ văn hóa khá cao, thuộc thời kỳ cuối văn hóa đồng thau Đông Sơn. Nếu chúng ta hiểu làng chỉ là một cộng đồng dân cư sinh sống trên một mảnh đất là đơn giản và phiến diện. Từ “làng” không phải vay mượn từ “hương” gốc Hán. Thời xưa, một “hương” gồm nhiều “làng”, nhiều khi tương đương một huyện. Ví dụ thời Trần, hương binh của hương Yên Duyên (Quảng Xương) đặt mai phục đánh tan đội quân xâm lược Toa Đô hùng hậu (1286). Tổ  tiên người Việt và người Mường đều chung một gốc. Bộ phận dân tộc người Mường hiện còn bảo lưu nhiều tiếng cổ mà người Việt trong quá trình giao lưu và phát triển đã biến đổi về ngữ âm. Từ “làng” của người Việt vốn là từ “lang” của người Mường. Người Việt  trước năm 1945, phổ biến từ “lang chạ”, nhưng từ “lang” đã thay đổi ý nghĩa khác thành chồng chung vợ chạ để chỉ hành vi xấu: nằm lang, ngủ lang… Riêng từ “chạ” vẫn được sử dụng với nghĩa gốc là làng. Tục “kết chạ” là tục kết nghĩa anh em giữa làng này với làng khác, đoàn kết thân ái, giúp đỡ lẫn nhau.
Như vậy “làng” hay “lang” hay “chạ” (ngày xưa rao mõ bao giờ cũng “chiềng làng, chiềng chạ – trình làng trình chạ”) là một cộng đồng dân cư không chỉ cốt làm ăn sinh sống như trại ấp, mà còn phải cùng nhau xây dựng những thiết chế văn hóa, làm cơ sở cho văn hóa làng, được bồi đắp không ngừng qua các thế hệ. Làng càng cổ, bề sâu văn hóa càng dày.
Thời Lê sơ, làng được công nhận phải có đình và nghè: đình để hội họp, sinh hoạt hội hè, nghè để thờ thần, đáp ứng tín ngưỡng tâm linh của nhân dân. Tiêu chí văn hóa ấy nhằm phục vụ đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư, được củng cố, phát triển qua các triều đại sau. Sự thay bậc đổi ngôi của bất cứ triều đại nào cũng không làm thay đổi vị trí làng, vai trò làng đối với đất nước. “Ối làng nước ôi!” là tiếng kêu cửa miệng thốt lên khi người ta đứng trước tai họa vỡ đê, cháy nhà, giặc cướp… Người ta nói “Nước mất nhà tan”, không ai nói “Nước mất làng tan”. Vì nước có thể mất, nhưng làng không thể tan và còn làng thì còn nước. Không ai yêu nước mà không yêu làng, đã yêu làng tất yêu nước. Sự gắn bó máu thịt ấy giải thích tại sao làng Việt không thể diệt, nước Việt không thể mất! Cái gì tạo nên sức mạnh của làng Việt? Đó chính là văn hóa Việt tiềm tàng trong máu thịt, trong tâm hồn Việt của mỗi người, của mọi người. Nói cách khác, mỗi người dân nước Việt đều mang trong lòng mình một kho tàng văn hóa của quê hương. Là “Mái đình, giếng nước, cây đa”, là “con cò bắt tép bờ sông”, là tiếng ru của mẹ, câu chuyện cổ tích của bà, là tiếng võng đưa kẽo kẹt trưa hè, là bờ tre mái lá, là cánh đồng có con trâu đi cày, là dòng sông tắm mát, là tiếng sáo diều vi vu khuấy động bầu trời xanh ngắt, gọi gió thuận mưa hòa, là vân vân và vân vân…
Không ít văn nghệ sĩ rất thành công trong những sáng tác về “Làng tôi”: “Làng tôi xanh bóng tre…”, “Làng tôi có cây đa cao ngất tầng xanh”… về hình ảnh làng quê: “Ngõ trúc quanh co”… “Cá đớp động chân bèo”… về “Tình quê hương”: “Ngàn dâu xanh ngắt mấy nếp tranh xa mờ, tiếng sáo bay dập dìu đường về thôn xưa”… vân vân… Bản sắc văn hóa Việt là tinh hoa văn hóa làng quê. Có Việt kiều nào phải sống xa xứ mà không mang nỗi nhớ quê hương? Mối hoài cảm ấy làm dậy lên những đợt sóng “Về nguồn”. Dịp Tết Nguyên đán, cái Tết thiêng liêng nhất trong năm của người Việt, ga tàu, bến xe, sân bay nào cũng rộn rịp bà con Việt kiều từ các phương trời  xa đổ về thăm quê ăn Tết. Lúc về, bà con phấn chấn, náo nức tâm hồn bao nhiêu, khi đi bước chân lưu luyến, bịn rịn bấy nhiêu. Trong hành trang muôn dặm của người xa xứ mang theo cả “tình quê hương”, những hình ảnh, kỷ vật tranh dân gian đánh đu, đánh vật, đánh ghen… để rồi lại khắc khoải trông chờ dịp sau, Tết sau…
Làng Việt phát triển theo đà lớn lên của đất nước. Tất yếu nó loại bỏ những gì cũ kỹ, lạc hậu, tiếp nhận những gì văn minh, tiến bộ, phát huy những gì là tinh hoa, tinh túy. Phong trào phục hồi văn hóa cổ truyền cho thấy nhiều lễ hội cũng cờ lộng, trống chiêng náo nhiệt ban đầu rồi sau tẻ nhạt dần… Trong khi đó, những dòng người trẩy hội mùa xuân, mùa thu: Chùa Hương, Kiếp Bạc, Phủ Dầy, Lam Kinh… vẫn cuồn cuộn chảy như dòng sông tìm đường về biển.
Rất tiếc, nhiều đình, chùa, đền, miếu giá trị mất đi, làm cho không gian văn hóa làng quê bị trống vắng mảng màu sắc cổ kính không thể lấp bù và ở nơi sâu thẳm cõi tâm linh con người một nỗi luyến tiếc khôn nguôi. Những công trình trùng tu, khôi phục như đền Quốc Mẫu (Hoằng Xuân, Hoằng Hóa), đình Đông Môn (Vĩnh Long, Vĩnh Lộc), Ngọ Môn, Lam Kinh (Thọ Xuân)… hãy còn hiếm.
Truyền thống dân ta từ nghìn xưa là “Uống nước nhớ nguồn”, “Chim có tổ, người có tông”, “Cáo chết đâu đâu cũng quay đầu về núi”… Nhiều địa phương, nhà thờ họ, nhà thờ gia tiên được tôn tạo và tân tạo. Tinh thần gia tộc được kết nối thêm bền chặt. Họ Ngô (Yên Định), họ Lại (Hà Trung), họ Trịnh (Vĩnh Lộc)… hàng năm con cháu khắp nơi về giỗ tổ. Tuy vấn đề văn hóa vật thể còn phải bàn, nhưng văn hóa phi vật thể đã được mở rộng, khơi sâu thêm một bước. Nhớ chuyện vua Gia Long lúc gian nan chinh chiến, giao con trai đầu Nguyễn Cảnh cho đức cha Bá Đa Lộc dạy dỗ. Một hôm, nhà có giỗ, Gia Long bảo con đứng trước bàn thờ để lễ bái ông nội. Cảnh nhất định không chịu. Gia Long trách Bá Đa Lộc: “Tại sao thầy dạy nó quên ơn tổ tiên, ông bà?”. Bá Đa Lộc trả lời: “Người Việt Nam các ông thờ cúng người chết, mong được phù hộ sang giàu là mê tín, dị đoan!”. Gia Long nghiêm sắc mặt nói: “Người Việt Nam chúng tôi thờ cúng ông bà, tổ tiên là để tỏ lòng biết ơn sâu nặng của tiền nhân, mà sống sao cho xứng đáng với tiền nhân, không thể cho là mê tín, dị đoan”. Sau đó, ông không dùng thầy tu Bá Đa Lộc, chọn một thầy Nho tài năng, đức độ để rèn dạy con trai mình học tập.
Nói chung, văn hóa làng thời nay tiến bộ, đổi mới theo hướng tích cực. Làng nào cũng xây dựng nhà văn hóa, trang bị loa đài, sách báo, đàn sáo… Tuy vậy, không ít nơi loa đài quá giấc ngủ quên, sách báo nằm dài buồn tênh, đàn sáo tủi duyên tủi phận không người hỏi han… nhà văn hóa làng may mắn được dùng làm trụ sở thôn, thỉnh thoảng dân làng đến hội họp.
Làn sóng rời làng ra đi, khiến làng xưa vẫn đó, lối cũ còn đây, nhưng nhịp sống làng quê không khỏi đơn điệu, thiếu vắng. Họ ra đi có lý do chính đáng của họ, để lập nghiệp, để tiến thân, để thay đổi cuộc sống… Phải chăng họ chán ngán cái làng quê còn nhiều khó khăn: bão lụt, nắng mưa, hạn hán, ngọn đèn điện cơ chừng khó thay thế hẳn cái đèn dầu, nói gì trạm bơm nước, máy xay xát?… Không! Quanh năm, họ phải  vật lộn với cuộc sống nơi thành thị, khu công nghiệp, bản thân họ có lúc tưởng như phải bỏ lại đằng sau tất cả, nhưng rồi mỗi khi Tết đến lại trào lên nỗi nhớ làng, nhớ quê, nơi ấy có người thân, ruột thịt, có họ hàng, chòm xóm, có đêm trăng hò hẹn dưới tán đa cổ thụ, có mái trường tuổi thơ, bao kỷ niệm chất chứa… Không thể như con chim tung cánh bay về tổ ấm, họ bằng mọi cách phải có được tấm vé về quê thăm làng, ăn Tết với người thân, dẫu vất vả cảnh tàu xe nghìn dặm, ăn đứng ngủ ngồi! Họ về thăm quê có khi chỉ được phép một vài hôm rồi lại tất bật ra đi cho kịp công việc đang chờ đợi. Dù làng quê mình sau một năm gặp lại, thay đổi đi lên hay dẫm chân tại chỗ, làng quê mình vẫn là làng quê mình, tình cảm yêu mến, nhớ thương vẫn không đổi thay, như đối với người mẹ già mỗi năm tóc có bạc thêm, với cô vợ trẻ một tay chăm sóc con thơ, nước da trắng mịn có ngả màu đen…, trong lòng người đi xa, gia đình, làng quê lúc nào cũng ấm áp mùa xuân.
Háo hức về quê ăn Tết
                                                             Nguồn: Internet
Không chỉ con người phải mưu sinh lập thân, tự khẳng định mình mà hàng hóa do con người làm ra cũng phải cạnh tranh, lắm khi đến mức khốc liệt, nhất là đối với hàng ngoại và hàng nội trên thị trường ngoài nước. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là chủ trương hợp lòng dân. Nó tiếp tục phát huy truyền thống “Dùng hàng nội hóa là yêu nước” từ thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Người Việt dùng hàng Việt là tinh thần, thái độ xác định bổn phận, trách nhiệm mỗi người, mọi người, đặt lợi ích Tổ quốc lên trên hết, góp phần thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế đất nước. Đó là thể hiện tư tưởng triết lý dân gian bao đời: “Ta về ta tắm ao ta”, “Trâu ta ăn cỏ đồng ta”…
Hàng hóa Việt ở mức độ nhất định cũng là văn hóa Việt – văn hóa vật chất của người Việt. Trong văn hóa vật chất này cũng có văn hóa tinh thần, nó tác động mạnh mẽ  tới tinh thần hoặc phản văn hóa. Vì vậy, nó yêu cầu nghiêm túc, chất lượng, không được “thua chị kém em” cả đối nội và đối ngoại.

Bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, Việt Nam ta lúc nào cũng như con tàu neo đậu trước sóng gió biển Đông. Kẻ thù biết rõ Việt Nam còn làng thì còn nước, có văn hóa làng tất có văn hóa nước, nhưng mọi âm mưu phá hoại đều thất bại. Văn hóa làng góp làm nên văn hóa nước. Văn hóa nước Việt, làng Việt tạo nên tâm hồn Việt, không thể lẫn với tính cách dân tộc khác.
                                                                                       H.T.P

THỔ ÂM THỔ NGỮ THANH HÓA


                                                    HOÀNG TUẤN PHỔ

Thanh Hóa là một vùng văn hóa, trong đó ngôn ngữ người Việt, thành phần dân tộc chủ thể rất giàu sắc thái địa phương, nhưng chưa có một công trình nghiên cứu khoa học đầy đủ và sâu sắc.
 
Cây trôi ở làng Văn Đoài-Quảng Hòa-Quảng Xương-Thanh Hóa
                     Ảnh:Tuấn Công

 Sách “Địa chí văn hóa xã hội Thanh Hóa” cũng chỉ dành cho “lời ăn tiếng nói” người xứ Thanh số trang ít ỏi với nội dung sơ sài. Các sách Địa chí huyện Hà Trung, Địa chí huyện Thọ Xuân, chú ý đề cập vấn đề “thổ âm - thổ ngữ”, nêu rõ sắc thái địa phương, tuy nhiên chỉ giới hạn phạm vi trong huyện.

    Thổ âm - thổ ngữ Thanh Hóa là giọng nói và lời nói mang tính địa phương của người Thanh Hóa. Người Thanh Hóa ở đây là người Việt cư trú trên đất Thanh Hóa. Và, Thanh Hóa, chúng ta đều biết, một vùng đất lịch sử khá lâu đời: thời Hùng vương là bộ Cửu Chân, thời Bắc thuộc là quận Cửu Chân bên cạnh quận Giao Chỉ, thời phong kiến tự chủ là Châu Ái, lộ, trấn Thanh Hoa rồi tỉnh Thanh Hóa.
    Về địa lý, Thanh Hóa được đóng khung bởi ba bề núi, một mặt biển, đèo Ba Dội (Tam Điệp) mở cửa ra đồng bằng Bắc bộ bao la, khe Nước Lạnh (Hàn Khê) thông lối vào dải đất dằng dặc miền Trung. Nhìn vào bản đồ lịch sử - địa lý Việt Nam cận hiện đại, Thanh Hóa giống khu vực “đệm” ở giữa miền Bắc với miền Trung. Một số học giả người Pháp thời trước muốn đem Thanh Hóa nhập vào Bắc kỳ, dựa vào ngôn ngữ và khí hậu, để tách Thanh Hóa khỏi Trung kỳ “trực trị” của triều đình Huế, thể hiện kín đáo một quan điểm mang ý đồ chính trị, vì bấy giờ Bắc kỳ là đất bảo hộ của Pháp. Mất Thanh Hóa, nhà Nguyễn mất một hậu phương rộng lớn, kho nhân, tài, vật lực dồi dào, mất luôn chỗ dựa tinh thần đất tổ quê cha. Nhìn chung, người ta đều thấy Thanh Hóa như một nước Việt Nam thu nhỏ, có rừng, biển, có trung du, đồng bằng, núi liền núi, sông liền sông, nhiều thành phần dân tộc anh em cùng cư trú, đoàn kết thân ái, cần kiệm sáng tạo, chiến đấu dũng cảm... Trong lịch sử chưa bao giờ bị chia tách, không thể chia tách. Tính ổn định về lịch sử, địa lý và tính bền vững của cư dân bản địa người Việt Cửu Chân (xuất hiện từ thời Hùng vương và có thể xa xưa hơn nữa) là cơ sở để Thanh Hóa hình thành một kiểu lời ăn tiếng nói giàu sắc thái thổ âm - thổ ngữ. Trong tiến trình lịch sử, nhiều người từ đồng bằng sông Hồng di cư vào, từ lưu vực sông Lam chuyển ra, dĩ nhiên họ đều mang theo lời ăn tiếng nói quê hương mình, nhưng chỉ qua một vài đời, không ai còn nhận ra gốc tích. Ngược lại, người Thanh Hóa đi đến phương trời nào của Tổ quốc, dù là Hà Nội với ngôn ngữ được xem là “chuẩn” hay những miền quê Nam bộ với ngôn ngữ “lệch”, chất giọng Thanh Hóa vẫn có thể nhận ra, mặc dù họ đã cố gắng “tẩy xóa” dấu vết thổ âm - thổ ngữ xứ Thanh.

    Nói đến lời ăn tiếng nói Thanh Hóa, người ta thường nhấn mạnh cụm từ “mô, tê, răng, rứa”, như là điểm đặc trưng nhất. Nhưng “mô, tê, răng, rứa” từ sông Lam vào đến vịnh Hà Tiên, cả Trung - Nam bộ (quá nửa nước) đều nói, chỉ khác nhau dấu giọng (phát âm) nặng nhẹ - sự thực, vùng ngôn ngữ xứ Thanh là một thế giới âm thanh vô cùng phong phú - phong phú đến rối rắm, phức tạp, khác nào ngàn cây nội cỏ, khiến nhà nghiên cứu ngại bước chân vào. Tuy nhiên, khi nó được khám phá, hẳn ai cũng thấy hết sức thú vị. Trong một chương trình truyền hình, có sinh viên người Thanh Hóa không nói “cầm lấy” mà nói “cằm lấy” lập tức bị người dẫn chương trình phê phán với giọng châm biếm khiến cử tọa cười ồ! Tưởng chỉ là chuyện vui, hóa chuyện... buồn... cười! Buồn cho kiến thức nông cạn và thái độ thô thiển đến tức cười!
    Tiếng Hà Nội được xem là chuẩn, nhưng nếu người các địa phương trong nước phát âm chệch (không chuẩn) cũng chẳng có gì lạ. Bởi xứ sở Hà thành chẳng phải hiếm trường hợp “nói năng” không chuẩn. Ví dụ: âm tr nói thành âm gi (ông giời, giồng cây, ăn giầu...), âm tr thành âm ch (con châu, chào phúng, đánh cháo...) s thành x (xo xánh, xung xướng, cam xài, xứ xở...) âm r thành âm d (du ngủ, chín dộ, dung động...), v.v...

    Tiếng Việt phổ thông yêu cầu đọc và viết chuẩn, nhưng chưa hề quy định tất cả người Việt phải phát âm chuẩn, nói giọng chuẩn, vì hoặc là không làm được hay không nên làm bởi mất đi sự muôn màu ngàn vẻ của nó. Tuy nhiên, nhìn chung phần lớn học sinh thường ngày phát âm không chuẩn, khi viết và đọc ít khi mắc lỗi chính tả. Cũng có những trường hợp nếu khô cứng “chuẩn hóa” chỉ gây tác hại “nghèo hóa” tiếng Việt. Ví dụ: nhầm lẫn và lầm lẫn, lềnh phềnh và lềnh bềnh, đường sá và đàng sá, ví dụ và thí dụ, khoác lác và phét lác, nói láo và nói phét, lười biếng và lười nhác, v.v... Có những thành ngữ, tục ngữ, ca dao địa phương Thanh Hóa in dậm dấu vết thổ âm - thổ ngữ xứ Thanh, đã góp phần làm giàu có thêm kho tàng thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam:
    - Đã mất lả lại mất cả tro bếp (lả = lửa).
    - Thuốc đắng đã tật (đã là khỏi, không phải “dã”).
    - Việc nhà nhác việc chú bác siêng (nhác = lười).
    - Anh về cho em về theo
    Bác mẹ có đánh ta leo lên giường (leo = trèo)
    - Làm đẫy không xấu bằng xay cấu ban ngày.
    (đẫy = đĩ, cấu = thóc gạo).

    Thổ âm - thổ ngữ góp phần quan trọng tạo nên sắc thái địa phương. Như dân ca Đông Anh có câu: “Ba bốn o có bợm cùng chăng...” nếu thay o bằng cô, bợm bằng bạn thì không còn là Thanh Hóa. Hay bài hát về Hà Tĩnh của Nguyễn Văn Tý: “Đi mố rồi cũng nhớ về Hà Tịnh ..” nếu thay mố bằng đâu, chữa Tịnh thành Tĩnh thì đâu phải chất dân ca xứ Nghệ. Nghe dân ca Nam bộ, ta như được dự những bữa tiệc thổ âm - thổ ngữ vùng đồng bằng sông nước Cửu Long xiết bao kỳ thú...
    Tuy vậy, đối với dân ca lời cổ vùng trung du, đồng bằng Bắc bộ, ta lại thấy những từ ngữ giống như từ Thanh Hóa, lạc bước tới: Hột (là hạt trong bài “Gọi nghé” - Dân ca Hải Phòng), phềnh (là bềnh trong bài “Qua sông hái củi” - Dân ca Hải Phòng), Dày (là đạp trong bài “Cái cong - dân ca Hà Nam), Huê (là hoa trong bài “Huê thơm bướm lượn” - Quan họ Bắc Ninh), Huê tình trong bài “Đố hoa” - Dân ca Phú Thọ ... Càng ngạc nhiên hơn khi ta được nghe người Phú Thọ - Đất tổ Hùng vương, không hát “tình là tình tình tang tình” mà cũng hát “tềnh là tềnh tềnh tang tềnh” theo lối phát âm “chệch” hay một lối biến âm phổ biến: “i” thành “ê” của người xứ Thanh. Trong lời cổ dân ca trong trung du, đồng bằng Bắc bộ, ta còn gặp những từ ngữ cổ hiện nay vẫn thấy dùng ở nông thôn các huyện Nông Cống, Triệu Sơn, Đông Sơn, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Yên Định: Sui = sôi; Tra = bỏ; Cái thời = cái giỏ; Loa = bát to loe miệng; Lội = lặn; Bứt = cắt, hái ... Đó là cổ ngữ xứ Thanh cũng là phương ngữ của một số miền quê khác: Hải Phòng, Hà Nam, Bắc Ninh, Phú Thọ... của thời đã qua?
    Vấn đề thổ âm - thổ ngữ Thanh Hóa không chỉ đơn thuần là thổ âm - thổ ngữ của một địa phương. Nhiều, rất nhiều trường hợp không có nguồn gốc bản địa, hoặc tiếp nhận từ miền quê khác, hay chịu ảnh hưởng qua lại của dân tộc anh em Mường, Thái... cùng sống chung hòa hợp trong một đại gia đình dân tộc trên đất Thanh. Sự tiếp biến văn hóa ấy cũng thấy ở các vùng quê văn hóa in đậm sắc thái địa phương.
    Thổ âm - thổ ngữ là hai thuật ngữ khoa học vì chúng có quan hệ mật thiết với nhau, người ta thường đề cập như một thuật ngữ kép.
    Thổ âm là sự biến âm và chuyển vần (chữ cái) theo cách phát âm có nguyên tắc và quy tắc ở mức độ nhất định. Ví dụ:
    - Cầm -> cằm; Tình -> tềnh; Cắm -> cặm; Cái -> cấy  ....
    - Trâu -> tru; Về -> viền; Củi -> củn; Bồng -> bỏng ....
    Sự biến âm thường rất dễ nhận ra đối với người ở vùng quê khác. Hãy so sánh tiếng phổ thông với tiếng Thanh Hóa, ta thấy âm “â” biến thành âm “ă”, âm “a” biến thành âm “â”, âm “i” biến thành âm “ê”, âm “ê” biến thành âm “iê”, âm “ô” biến thành âm “o”... Trường hợp âm “âu” biến thành âm “u” và ngược lại âm “u” biến thành âm “âu” dường như trái “quy luật”. Ví dụ:
    - Con trâu (phổ thông), con tru (Thanh Hóa).
    - Cây xoan đâu (phổ thông), cây xoan đu (Thanh Hóa).
    - Đi tù (phổ thông), đi tầu (Thanh Hóa). Nhưng “cây đu đủ” (phổ thông), Thanh Hóa không nói “cây đâu đẩu”  mà vẫn nói “Cây đu đủ”, tại sao? Vì Thanh Hóa gọi “Cây đu đủ” là “Cây hổng” còn đu đủ là từ du nhập, vay mượn, dùng lâu thành quen, tưởng lầm là của mình ...
    Khác thổ âm, thổ ngữ chính là cổ ngữ (tiếng cổ), lưu hành từ xa xưa của Thanh Hóa, ở Thanh Hóa. Ví dụ: trốc (đầu), trượng (mắt), cắn (sửa), me (con bê), ỉn, ỉ (con lợn), ruốc (moi), con của (vật nuôi), anh đỏ, chị đỏ (trai gái nông dân lấy vợ, lấy chồng chưa có con)...
    Có những địa danh cổ rất thú vị, giảng giải phải hàng trang sách: “Mười hai xứ Láng mười tám xứ Neo” (Thọ Xuân), “Tứ xã Bản” (Yên Định), “La Mát La Mạt” (Hà Trung), “Tạnh xá” (thành phố Thanh Hóa)... Nhiều từ ngữ cổ trong tác phẩm văn học cổ: Quốc âm thi tập (Nguyễn Trãi), Hồng Đức Quốc Âm thi tập, Ngọa Long cương (Đào Duy Từ), Sơ kính tân trang (Phạm Thái), Song tinh bất dạ (Nguyễn Hữu Hào), Truyện Kiều (Nguyễn Du)... hiện còn thấy dùng ở nhiều làng quê Thanh Hóa.
    Hiện nay “Tiếng Thanh Hóa” đang phát triển theo hướng “chuẩn hóa” của tiếng Việt. Trong lịch sử “tiếng Thanh Hóa” đã theo chân người Thanh Hóa “mang gươm đi mở cõi” đến tận miền quê mới Cửu Long Giang và dấu vết còn in đậm nét suốt từ đèo Hoành Sơn đến vịnh Hà Tiên. Đó là niềm tự hào không của riêng người Thanh Hóa.
     Vì khuôn khổ bài báo có hạn, ở đây không thể đi sâu, còn nhiều vấn đề của thổ âm - thổ ngữ Thanh Hóa sẽ bàn đến trong dịp khác.
Theo Hoàng Tuấn Phổ (báo Thanh Hóa )


Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

VỀ CHỮ “HỒNG” TRONG BÀI THƠ “MỘ” CỦA HỒ CHÍ MINH

Hoàng Tuấn Công

 Bên bếp lửa hồng (nguồn Báo Hòa Bình)



Trên tạp chí Ngôn ngữ học-Viện ngôn ngữ học Việt Nam, số 6-2007 có bài “Thiết kế thử nghiệm bài học ngữ văn” đối với bài thơ “Mộ (Trích ngục trung nhật ký, Hồ Chí Minh, Ngữ văn 12, tập 1)” của Th.S Vũ Thị Sao Chi (hiện là Tiến sĩ - Phó tổng biên tập Tạp chí ngôn ngữ học-Viện ngôn ngữ học Việt Nam). Bài viết  thể hiện sự đầu tư công phu khi đưa ra cách giảng dạy bài thơ “Mộ” (Chiều tối). 

Đặc biệt đã có sự so sánh khá kỹ giữa bản phiên âm, dịch nghĩa và dịch thơ để hướng dẫn giáo viên phân tích, cảm thụ cái hay, cái đẹp của bải thơ. Tuy nhiên, khi phân tích hai câu thơ cuối:
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.
Nam Trân dịch:
 Cô em xóm núi xay ngô tối,
Xay hết lò than đã rực hồng.

ThS. V.T.S.C chỉ căn cứ vào chữ “hồng” qua bản dịch thơ của Nam Trân mà không tìm hiểu chữ “hồng” trong nguyên tác chữ Hán nên dẫn đến sự nhầm lẫn. Cụ thể V.T.S.C luôn bám vào hai từ “rực hồng” của người dịch để hướng dẫn giáo viên phân tích, cảm thụ bài thơ.
Do hiện tượng “đồng âm, dị nghĩa”, trong Hán tự có rất nhiều chữ “hồng”. Chữ hồng có bộ mịch nghĩa là mầu đỏ, mầu hồng, chữ hồng có bộ trùng nghĩa là cầu vồng, và chữ hồng có bộ hoả có nghĩa là đốt, sưởi ấm, hoặc nướng lên lửa cho chín, v.v... (Xem Tự điển Hán Việt-Thiều Chửu, Hán Việt từ điển-Đào Duy Anh và Từ điển Hán-Việt hiện đại của Vương Trúc Nhân-Lữ Thế Hoàng) Khi đọc nguyên tác chữ Hán của bài thơ “Mộ” chúng ta sẽ thấy rằng, chữ “hồng” () trong câu cuối bài thơ “Mộ” có bộ hoả(1). Chữ “hồng” có bộ hoả,  Bác dùng với nghĩa, đốt, nhóm lửa lên chứ không phải chữ “hồng” có bộ mịch () là mầu hồng- sắc mầu của ngọn lửa “rực hồng”. Có nghĩa, chữ “hồng” (烘)Bác dùng trong câu thơ là một động từ ( đốt lên, nhóm lửa lên, sưởi ấm) chứ không phải chữ “hồng” (紅)tính từ (chỉ màu sắc lửa hồng).
Đây không phải là sự ngẫu nhiên. Ta có thể so sánh cách dùng một số chữ “hồng” khác có trong tập thơ Ngục trung nhật ký. Để chỉ màu hồng của mặt trời, của ánh sáng xua tan bóng đêm trong bài Tảo giải (Giải đi sớm) Bác đã dùng chữ “hồng” có bộ mịch ( ). Chữ "hồng" có bộ mịch () với nghĩa mầu sắc xua tan bóng đêm-hoàn toàn khác với chữ “hồng” có bộ hoả () nghĩa là đốt, sưởi ấm trong bài “Mộ”:
“Đông phương bạch sắc dĩ thành hồng
U ám tàn dư tảo nhất không”
Dịch nghĩa:
Màu trắng ở phương đông đã thành màu hồng
Bóng đêm rơi rớt đã bị quét sạch.(2)
Hoặc chữ “hồng” có bộ mịch (), cũng chỉ mầu sắc như vậy trong bài “Triêu cảnh” (Cảnh buổi sớm):
Thái dương mỗi tảo tòng sơn thượng
Chiếu đắc toàn sơn xứ xứ hồng
Dịch nghĩa:
Mỗi buổi sớm, mặt trời từ đỉnh núi mọc lên
Núi non, xứ xứ đều rực ánh hồng (3)
Trở lại bài thơ “Mộ”. Do không hiểu đúng nghĩa nguyên tác chữ “hồng” ()  lại bám vào chữ “rực hồng” của Nam Trân dịch nên người thiết kế thử nghiệm bài học ngữ văn cho giáo viên đã sa vào suy diễn, gán ghép,  “tán” ý thơ mà không ít nhà phê bình đã từng lầm tưởng: “Bài thơ kết thúc bằng hình ảnh “lò than rực hồng”. Đây là tín hiệu đa tầng ý nghĩa”;...  “Hình ảnh lò than rực hồng còn là một nét vẽ tương phản trên nền bóng đêm đen, nó cân lại bức tranh của núi rừng chiều tối, làm sáng lên và ấm lại khung cảnh hoang lạnh tối tăm. Nghệ thuật thơ Đường gọi những hình ảnh như thế là “thi nhãn” (mắt thơ). Ánh sáng lung linh, sức sống ấm áp, niềm tin yêu cuộc đời đã toả ra từ ngọn lửa-con mắt thơ rực rỡ ấy. Từ sức bật của hình tượng thơ (rực hồng) phả ra một nguồn ánh sáng, một nguồn nhiệt lượng mạnh mẽ để tiếp cho con người hơi ấm...”...  “Hình ảnh lò than rực hồng cuối bài thơ chính là một biểu hiện của nhãn quan nghệ thuật ấy.”v.v...
Từ sự nhầm lẫn đó, Vũ Thị Sao Chi đã chê Nam Trân khi dịch câu: “Cô em xóm núi xay ngô tối”: “Bản dịch đã thêm vào chữ tối làm mất đi dấu hiệu nghệ thuật độc đáo (trở nên lộ liễu) vì nguyên bản không nói tối mà vẫn gợi được tối, nhờ ánh sáng của lò than rực hồng-nghệ thuật lấy sáng để gợi tối.” “Bài thơ kết thúc bằng hình ảnh lò than rực hồng. Đây là một tín hiệu nghệ thuật đa tầng ý nghĩa. Trước hết hình tượng thơ gợi bước đi của thời gian. Thời gian vận động từ chiều sang tối hẳn. Nguyên bản câu cuối không có chữ tối mà cả bóng tối bịt bùng của núi rừng đã được mở ra khi “lò than rực hồng” của cô gái xóm núi bừng sáng (khi mặt trời tắt, rừng núi mịt mùng thì tự nhiên ta có thể nhìn rõ nơi có ánh sáng) Lấy ánh sáng gợi tối chính là một thủ pháp độc đáo của ý thơ này.”
Tất cả những bóng đêm Vũ Thị Sao Chi tưởng tượng ra như: “nét vẽ tương phản trên nền bóng đêm đen”, “hoang lạnh tối tăm”, “bóng tối bịt bùng của rừng núi đã được mở ra” đều thể hiện sự lạc lối bắt đầu từ chữ “hồng”. Vũ Thị Sao Chi quên rằng, bài thơ tả cảnh chiều tà, chiều muộn, gần tối chứ không phải trời đã tối. Tính thời gian (hay giới hạn thời gian) tác giả bài thơ đã khẳng định ở đầu đề bài thơ là chữ “Mộ” () chứ không phải chữ “Dạ” (夜).
Nên hiểu rằng, với các dân tộc miền núi cao, bắp ngô là lương thực chính hàng ngày. Ngô làm cơm, làm bánh được xay dùng từng bữa. Xay ngô chiều để chuẩn bị cho bữa tối. (Giống như tiếng chày giã gạo vang lên rộn rã rừng chiều của cư dân vùng thung lũng lúa nước chuẩn bị bữa cơm tối). Do đó, hai câu:
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.
Dịch nghĩa:
Thiếu nữ xóm núi xay ngô,
Ngô xay xong, lò than đã được nhóm lên.
Công việc , đốt lò, nhóm lò lên ở đây được hiểu là chuẩn bị cho bữa cơm tối (lô = lò than, dĩ = đã, được; hồng = đốt, nhóm lên ). Bởi vậy khi dịch câu “Ngô xay xong, lò than đã được đốt (cháy rực) lên” thành “Xay hết lò than đã rực hồng” Nam Trâm đã có ý thêm chữ “tối” vào câu thơ trước: “Cô em xóm núi xay ngô tối”. Có nghĩa, xay ngô chuẩn bị cho bữa cơm tối, không phải xay ngô khi trời (đã) tối; và hai từ “rực hồng” Nam Trân dịch ở đây, nghĩa đen là bếp lửa nấu cơm chiều, không phải ngọn lửa cháy trong bóng tối, “Thời gian vận động từ chiều sang tối hẳn” như sự suy diễn của V.T.S.C.
Như trên đã nói, chữ “hồng” () trong bài thơ này có nghĩa là đốt, nhóm lửa lên, sưởi ấm, không phải chữ “hồng” () là ánh lửa sáng mầu hồng. Vậy, tại sao Bác lại dùng chữ “hồng” với nghĩa là nhóm lửa lên, mà không dùng chữ “hồng” với nghĩa đơn thuần là ánh lửa sáng mầu hồng trong đêm tối ? Chúng ta đều biết, trong khoảng thời gian bị giam cầm, Bác liên tục bị giải đi hết nhà lao này đến nhà lao khác:
Liễu Châu, Quế Lâm, lại Liễu Châu
Đá qua đá lại, bóng chuyền nhau.
Vô đề(4))
Bài thơ “Mộ” là một trong những bài Bác làm khi đang trên đường bị giải. Đó là khung cảnh buổi chiều, thời khắc mọi vật dường như đều mệt mỏi sau một ngày dài. Cánh chim mỏi bay về rừng tìm chốn ngủ, chòm mây đơn chiếc cũng trôi chậm lại. Tất cả dường như đều trở về ngôi nhà của riêng mình để nghỉ ngơi. Trong khi người tù vẫn “cất bước trên đường thẳm”(5) và không biết “Giải tới bao giờ, giải tới đâu”(6). Giữa rừng chiều vắng, đói rét, mỏi mệt, ai chẳng mơ về một mái ấm bình dị, nơi có bếp lửa ấm áp và bữa cơm tối đang chuẩn bị. Buổi chiều chính là thời khắc dễ khiến những bước chân tha hương nhớ, nghĩ, mơ về người thân và mái ấm gia đình. Thơ Hồ Chí Minh, cảnh và tình bao giờ cũng rất cụ thể, giản dị và thắm đượm tình người cùng hơi thở đời sống. Lò than được đốt lên, nhóm lên sưởi ấm không gian khi một ngày sắp tàn như khẳng định ngọn lửa trong lòng người tù không bao giờ tắt. Nó tiếp tục được nhen lên, cháy lên sau một ngày tưởng chừng trí lực đã cùng kiệt. Câu thơ như thắp lên ngọn lửa ý chí - ngọn lửa sẽ cháy lên để tiếp sức cho một cuộc hành trình gian khổ  ngày mai đang đợi phía trước...
Ngoài ra, có nhiều điểm, ThS V.T.S.C cần cẩn trọng hơn khi thiết kế bài giảng cho giáo viên. Ví như câu: “Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ” (Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ). Có lẽ ThS không đọc kỹ nguyên tác nên lầm chữ “túc” (宿) với nghĩa tá túc, ngủ lại trong câu thơ thành “túc” (足)chân, và dịch nghĩa cho học sinh là: “Chim mỏi bay về rừng tìm chốn dừng chân(Hoàng Tuấn Công nhấn mạnh). Chim bay bằng cánh nên không thể dùng từ dừng chân. Hơn nữa, chim về rừng tìm chốn (nơi chỗ) ngủ - (“tầm túc thụ”), không phải “dừng chân” (để nghỉ). Nguyên tác cũng không dùng chữ “túc” (宿)với nghĩa này.
Một điều nữa. Hai chữ “cô vân” trong câu “Cô vân mạn mạn độ thiên không” Nam Trân dịch là “chòm mây”. ThS V.T.S.C cho rằng: Bỏ sót một tín hiệu nghệ thuật quan trọng về hình ảnh đám mây, đó là chữ (một mình) gợi sự lẻ loi, đơn chiếc, trống vắng, hoang lạnh”. Sự thực Nam Trân không kém cỏi tới mức vô tình “bỏ sót tín hiệu nghệ thuật quan trọng” như VTSC nói. Phải thấy rằng, khi dịch thơ, khó chọn từ nào hay hơn “chòm mây” để diễn tả hình ảnh “cô vân”. Thực tế đã chứng minh. Dù chê Nam Trân, nhưng chính VTSC cũng không đưa ra được cách dịch nào hay hơn để không “bỏ sót tín hiệu nghệ thuật quan trọng” của hai từ “cô vân” ấy. Ngược lại, khi đưa ra bản dịch nghĩa của câu thơ này, thậm chí là từ dùng trong bài viết (mặc dù không bị câu thúc về số lượng từ hay niêm luật), VTSC vẫn phải dùng lại hai chữ “chòm mây”  của Nam Trân để diễn tả hai từ “cô vân” ! (Một chòm mây chầm chậm trôi giữa không trung). Cũng cần nói thêm, hình ảnh “cô vân” (một đám mây, cụm mây, chòm mây), “mạn mạn” (từ láy Hán Việt: bay, trôi chầm chậm) là những hình ảnh chỉ có được trong một ngày đẹp nắng, hoặc buổi chiều tà đẹp trời. Không thể là cảnh ngày đông bầu trời xám xịt u ám, “hoang lạnh” (chữ của Vũ Thị Sao Chi-HTC). Và theo tôi, “Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ, Chòm mây chầm chậm bay giữa từng không” là những hình ảnh đẹp, gợi vẻ êm ả, thanh bình, trìu mến của bầu trời cảnh vật vùng sơn cước lúc chiều tà, không hẳn “gợi sự lẻ loi, đơn chiếc, trống vắng, hoang lạnh” như cách hiểu của ThS. Bởi điều này không phù hợp với cái nhìn lạc quan trong mọi hoàn cảnh thường thấy trong thơ Hồ Chí Minh, và cụ thể đối với chính bài “Mộ” .
Tóm lại, chữ “hồng” ()  trong bài thơ “Mộ” của Hồ Chí Minh nghĩa là đốt lên, nhóm lên, sưởi ấm, không phải chữ “hồng” () với nghĩa là mầu hồng. Có lẽ, do ngay từ bản dịch nghĩa, Nam Trân đã dịch thoát chữ “hồng” (Ngô xay xong lò than đã đỏ) nên tạo ra sự hiểu nhầm cho không ít người, trong đó có ThS. Vũ Thị Sao Chi. Nhưng khi dch thơ Nam Trân lại thêm từ “rực” vào : “Xay hết lũ than đó rực hồng” (lò than cháy rừng rực). Cách dịch của Nam Trân là chấp nhận được và phải thừa nhận rằng đây là bản dịch hay nhất từ trước tới nay. Bởi vậy khi bình giảng, phân tích câu chữ của bài thơ cần hiểu đúng nghĩa của chữ “hồng” để cảm nhận sự  tinh tế trong cách dùng từ của nhà thơ Hồ Chí Minh.
 Dịch nói chung và dịch thơ nói riêng, có trường hợp làm cho bản gốc trở nên hay hơn. Cũng có khi không thể chuyển tải hết ý của nguyên tác. Đó là chuyện thường thấy và phải biết chấp nhận. Hơn nữa khi đã đi sâu vào phân tích, cảm thụ thơ dịch (đặc biệt là thơ chữ Hán) nên tìm hiểu, so sánh với phần nguyên tác. Không nên tìm hiểu qua phần phiên âm, dịch nghĩa, dịch thơ rồi vội nhận xét, phê bình, đặc biệt đối với những bài truyền đạt cho giáo viên, học sinh./.
Thanh Hoá 20/08/2007
(Bài này viết này được rút ra từ “Tuyển tập 10 năm 2000-2010 nghiên cứu phê bình văn nghệ Thanh Hóa”-NXB Văn Học-2011)
Chú thích:
(1)-Tất cả các sách xuất bản có in phần nguyên tác chữ Hán bài thơ “Mộ” của Hồ Chí Minh đều thấy chữ  “hồng”( ) có bộ hoả này, kể cả bút tích của bài thơ.
(2) (3) (4) (5) (6) –Những câu thơ này đều trích trong “Ngục trung nhật ký-Hồ Chí Minh.




Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

無題
身体在獄中
精神在獄外
欲成大事業
精神更要大
Vô đề
Thân thể tại ngục trung
Tinh thần tại ngục ngoại
Dục thành đại sự nghiệp
Tinh thần cánh yếu đại

開卷
老夫原不愛吟詩
因為囚中無所為
聊借吟詩消永日
且吟且待自由時

Khai quyển
Lão phu nguyên bất ái ngâm thi
Nhân vị tù trung vô sở vi
Liêu tá ngâm thi tiêu vĩnh nhật
Thả ngâm thả đãi tự do thì
在足榮街被扣留
足榮卻使余蒙辱
故意遲延我去程
間諜嫌疑空捏造
把人名譽白犧牲
Tại Túc Vinh nhai bị khấu lưu
Túc Vinh khước sử dư mông nhục
Cố ý trì diên ngã khứ trình
Gián điệp hiềm nghi không niết tạo
Bả nhân danh dự bạch hy sinh

入靖西縣獄
獄中舊犯迎新犯
天上晴雲逐雨雲
晴雨浮雲飛去了
獄中留住自由人
Nhập Tĩnh Tây huyện ngục
Ngục trung cựu phạm nghênh tân phạm
Thiên thượng tình vân trục vũ vân
Tình vũ phù vân phi khứ liễu
Ngục trung lưu trú tự do nhân
世路難
走遍高山與峻岩 
那知平路更難堪
 
高山遇虎終無恙
 
平路逢人卻被監
 
余原代表越南民
 
擬到中華見要人
 
無奈風波平地起
 
送余入獄作嘉賓
 
忠誠我本無心疚
 
卻被嫌疑做漢奸
 
處世原來非易易
 
而今處世更難難
Thế lộ nan
Tẩu biến cao sơn dữ tuấn nham
Na tri bình lộ cánh nan kham
Cao sơn lộ hổ chung vô dạng
Bình lộ phùng nhân khước bị giam

Dư nguyên đại biểu Việt Nam dân
Nghĩ đáo Trung Hoa kiến yếu nhân
Vô nại phong ba bình địa khởi
Tống dư nhập ngụ tác gia tân

Trung thành ngã bản vô tâm cứu
Khước bị hiềm nghi tố Hán gian
Xử thế nguyên lai phi dị dị
Nhi kim xử thế cánh nan nan.

太陽每早從牆上 
照著龍門門未開
 
籠裡現時還黑暗
 
光明卻已面前來
 

早起人人爭獵虱
 
八鐘響了早餐開
 
勸君且吃一個飽
 
否極之時必泰來
Tảo

Thái dương mỗi tảo tòng tường thượng
Chiếu trước lung môn môn vị khai
Lung lý hiện thời hoàn hắc ám
Quang minh khước dĩ diện tiền lai.

Tảo khởi nhân nhân tranh liệp sắt
Bát chung hưởng liễu tảo xan khai
Khuyến quân thả ngật nhất cá bão
Bĩ cực chi thì tất thái lai.

獄中午睡真舒服
一睡昏昏幾句鐘
夢見乘龍天上去
醒時才覺臥籠中
Ngọ

Ngục trung ngọ thụy chân như phục
Nhất thụy hôn hôn kỷ cú chung
Mộng kiến thừa long thiên thượng khứ
Tỉnh thời tài giác ngọa lung trung
問話
社會的兩極 
法官與犯人
 
官曰你有罪
 
犯曰我良民
 
官曰你說假
 
犯曰我言真
 
法官性本善
 
假裝惡狺狺
 
要入人於罪
 
卻假意慇懃
 
這兩極之奸
 
立著公理神
Vấn thoại
Xã hội đích lưỡng cực,
Pháp quan dữ phạm nhân;
Quan viết: nhĩ hữu tội,
Phạm viết: ngã lương dân;
Quan viết: nhĩ thuyết giả,
Phạm viết: ngã ngôn chân;
Pháp quan tính bản thiện,
Giả trang ác ngân ngân;
Yếu nhập nhân ư tội,
Khước giả ý ân cần;
Giá lưỡng cực chi gian,
Lập trước công lý thần.

午後
二點開籠換空氣
人人仰看自由天
自由天上神仙客
知否籠中也有仙
Ngọ hậu
Nhị điểm khai lung hoán không khí
Nhân nhân ngưỡng khán tự do thiên
Tự do thiên thượng thần tiên khách
Tri phủ lung trung dã hữu tiên.
晚餐吃了日西沉
處處山歌與樂音
幽暗靖西禁閉室
忽成美術小翰林
Vãn
Vãn xan ngật liễu nhật tây trầm
Xứ xứ sơn ca dữ nhạc âm
U ám Tĩnh Tây cấm bế thất
Hốt thành mỹ thuật tiểu hàn lâm.
望月
獄中無酒亦無花
對此良宵奈若何
人向窗前看明月
月從窗隙看詩家
Vọng nguyệt
Ngục trung vô tửu diệc vô hoa,
Đối thử lương tiêu nại nhược hà ?
Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt,
Nguyệt tòng song khích khán thi gia.
學奕棋
閑坐無聊學奕棋 
千兵萬馬共驅馳
 
進攻退守應神速
 
高才疾足先得之
 

眼光應大心應細
 
堅決時時要進攻
 
錯路雙車也沒用
 
逢時一卒可成功
 

雙方勢力本平均
 
勝利終須屬一人
 
攻守運籌無漏著
 
才稱英勇大將軍
Học dịch kỳ
Nhàn tọa vô liêu học dịch kỳ
Thiên binh vạn mã cộng khu trì;
Tấn công thoái thủ ưng thần tốc,
Cao tài tật túc tiên đắc chi.

Nhãn quang ưng đại tâm ưng tế
Kiên quyết thời thời yếu tấn công
Thác lộ song xa dã một dụng
Phùng thời nhất tốt khả thành công?

Song phương thế lực bản bình quân
Thắng lợi chung tu thuộc nhất nhân;
Công thủ vận trù vô lậu trước,
Tài xưng anh dũng đại tướng quân.


走路
走路才知走路難
重山之外又重山
重山登到高峰後
萬里與圖顧盼間
Tẩu lộ
Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan
Trùng san chi ngoại hựu trùng san
Trùng san đăng đáo cao phong hậu
Vạn lý dư đồ cố miện gian.

倦鳥歸林尋宿樹
孤雲慢慢度天空
山村少女磨包粟
包粟磨完爐已烘
Mộ
Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.

早解
一次雞啼夜未闌 
群星擁月上秋山
 
征人已在征途上
 
迎面秋風陣陣寒
 

東方白色已成紅
 
幽暗殘餘早一空
 
暖氣包羅全宇宙
 
行人詩興忽加濃
Tảo giải
Nhất thứ kê đề dạ vị lan
Quần tinh ủng nguyệt thướng thu san
Chinh nhân dĩ tại chinh đồ thượng
Nghênh diện thu phong trận trận hàn.

Đông phương bạch sắc dĩ thành hồng
U ám tàn dư tảo nhất không
Noãn khí bao la toàn vũ trụ
Hành nhân thi hứng hốt gia nồng.

聞舂米聲
米被舂時很痛苦
既舂之後白如綿
人生在世也這樣
困難是你玉成天
Văn thung mễ thanh
Mễ bị thung thì, hẩn thống khổ,
Ký thung chi hậu, bạch như miên;
Nhân sinh tại thế dã giá dạng,
Khốn nạn thị nhĩ ngọc thành thiên.

折字
囚人出去或為國
患過頭時始見忠
人有憂愁優點大
籠開竹閂出真龍
Chiết tự
Tù nhân xuất khứ hoặc vi quốc,
Hoạn quá đầu thì thủy kiến trung;
Nhân hữu ưu sầu ưu điểm đại,
Lung khai trúc sản, xuất chân long.
Theo lối chiết tự, bài thơ này còn có nghĩa đen như sau: chữ tù () bỏ chữ nhân (), cho chữ hoặc () vào, thành chữ quốc (). Chữ hoạn () bớt phần trên đi thành chữ trung (). Thêm bộ nhân () đứng vào chữ ưu () trong "ưu sầu" thành chữ ưu () trong "ưu điểm". Chữ lung () bỏ bộ trúc đầu () thành chữ long ().
一個賭犯硬了
他身只有骨包皮
痛苦飢寒不可支
昨夜他仍睡我側
今朝他已九泉歸
Nhất cá đổ phạm "ngạnh" liễu
Tha thân chi hữu cốt bao bì
Thống khổ cơ hàn bất khả chi
Tạc dạ tha nhưng thụy ngã trắc
Kim triêu tha dĩ cửu tuyền quy
睡不著
一更二更又三更
輾轉徘徊睡不成
四五更時才合眼
夢魂環繞五尖星
Thuỵ bất trước
Nhất canh ... nhị canh... hựu tam canh,
Triển chuyển, bồi hồi, thụy bất thành;
Tứ, ngũ canh thì tài hợp nhãn,
Mộng hồn hoàn nhiễu ngũ tiêm tinh.
憶友
昔君送我至江濱
問我歸期指谷新
現在新田已犁好
他鄉我作獄中人
Ức hữu
Tích quân tống ngã chí giang tân,
Vấn ngã quy kỳ, chỉ cốc tân.
Hiện tại tân điền dĩ lê hảo,
Tha hương ngã tác ngục trung nhân.
癩瘡
滿身紅綠如穿錦
成日撈搔似鼓琴
川錦囚中都貴客
鼓琴難友盡知音
Lại sang
Mãn thân hồng lục như xuyên cẩm,
Thành nhật lao tao tự cổ cầm;
Xuyên cẩm, tù trung đô quý khách,
Cổ cầm, nạn hữu tận tri âm
築路夫
餐風浴雨未曾休
慘淡經營築路夫
車馬行人來往者
幾人感謝你功勞
Trúc lộ phu
Xan phong dục vũ vị tằng hưu,
"Thảm đạm kinh doanh" trúc lộ phu;
Xa mã hành nhân lai vãng giả,
Kỷ nhân cảm tạ nhĩ công lao ?
獄丁竊我之士的
一生正直又堅強
攜手同行幾雪霜
恨彼奸人離我倆
長膠我你各凄涼
Ngục đinh thiết ngã chi sĩ-đích
Nhất sinh chính trực hựu kiên cương,
Huề thủ đồng hành kỷ tuyết sương;
Hận bỉ gian nhân ly ngã lưỡng,
Trường giao ngã nhĩ các thê lương.
賓陽獄中孩
Oa...! Oa...! Oaa...!
家怕當兵救國家
所以我年才半歲
要到獄中跟着媽
Tân Dương ngục trung hài
Oa...! Oa...! Oaa...!
Gia phạ đương binh cứu quốc gia;
Sở dĩ ngã niên tài bán tuế,
Yếu đáo ngục trung căn trước ma.
夜半
睡時都像純良漢
醒後才分善惡人
善惡原來無定性
爹由教育的原因
Dạ bán
Thụy thì đô tượng thuần lương hán,
Tỉnh hậu tài phân thiện, ác nhân;
Thiện, ác nguyên lai vô định tính,
Đa do giáo dục đích nguyên nhân.
四個月了
一日囚千秋在外 
古人之話不差訛
 
四月非人類生活
 
使余憔悴十年多
 

囚為
 
四月吃不飽
 
四月睡不好
 
四月不換衣
 
四月不洗澡
 

所以
 
落了一隻牙
 
髮白了許多
 
黑瘦像餓鬼
 
全身是癩痧
 

幸而
 
持久和忍耐
 
不肯退一分
 
物質雖痛苦
 
不動搖精神
Tứ cá nguyệt liễu
"Nhất nhật tù, thiên thu tại ngoại", 
Cổ nhân chi thoại bất sai ngoa!
 
Tứ nguyệt phi nhân loại sinh hoạt,
 
Sử dư tiều tụy thập niên đa.
 

Nhân vị:
 
Tứ nguyệt ngật bất bão,
 
Tứ nguyệt thụy bất hảo,
 
Tứ nguyệt bất hoán y,
 
Tứ nguyệt bất tẩy tảo.
 

Sở dĩ:
 
Lạc liễu nhất chích nha,
 
Phát bạch liễu hứa đa,
 
Hắc sấu tượng ngã quỷ,
 
Toàn thân thị lại sa.
 

Hạnh nhi:
 
Trì cửu hoà nhẫn nại,
 
Bất khẳng thoái nhất phân,
 
Vật chất tuy thống khổ,
 
Bất động dao tinh thần.
晚景
玫瑰花開花又謝
花開花謝兩無情
花香透入籠門裡
向在籠人訴不平
Vãn cảnh
Mai khôi hoa khai hoa hựu tạ,
Hoa khai hoa tạ lưỡng vô tình;
Hoa hương thấu nhập lung môn lý,
Hương tại lung nhân tố bất bình.
限制
沒有自由真痛苦
出恭也被人制裁
開籠之時肚不痛
肚痛之時籠不開
Hạn chế
Một hữu tự do chân thống khổ,
Xuất cung dã bị nhân chế tài;
Khai lung chi thì đỗ bất thống,
Đỗ thống chi thì lung bất khai.
睛天
事物循環原有定
雨天之後必晴天
片時宇宙解淋服
萬里山河晒錦氈
日暖風清花帶笑
樹高枝潤鳥爭言
人和萬物都興奮
苦盡甘來理自然
Tình thiên
Sự vật tuần hoàn nguyên hữu định,
Vũ thiên chi hậu tất tình thiên;
Phiến thì vũ trụ giải lâm phục,
Vạn lý sơn hà sái cẩm chiên;
Nhật noãn phong thanh hoa đới tiếu,
Thụ cao chi nhuận điểu tranh nghiên;
Nhân hòa vạn vật đồ hưng phấn,
Khổ tận cam lai, lý tự nhiên.
看千家詩有感
古詩偏愛天然美
山水煙花雪月風
現代詩中應有鐵
詩家也要會衝鋒
Khán "Thiên gia thi" hữu cảm
Cổ thi thiên ái thiên nhiên mỹ, 
Sơn thủy yên hoa tuyết nguyệt phong;
 
Hiện đại thi trung ưng hữu thiết,
 
Thi gia dã yếu hội xung phong.