Hoàng Tuấn Công
Trên tạp chí “Ngôn ngữ”-Viện ngôn ngữ học số 11-2007 có bài “Những liên tưởng ngữ nghĩa của từ hoa trong Truyện Kiều-Nguyễn Du” của Phan Thị Huyền Trang. Bài viết đã táo bạo mở ra hướng tiếp cận, khám phá cái mới trong vườn hoa ngôn ngữ của Truyện Kiều-mảnh vườn mà nhiều nhà “Kiều học”, nhiều “tín đồ” của ngôi đền thơ “Đoạn trường tân thanh” đã cày xới, chăm sóc rất kỹ ngót mấy trăm năm qua.
Theo Phan Thị Huyền Trang thì “dưới cách tiếp cận ngôn ngữ-văn hoá, bài viết này sẽ đi sâu phân tích, lý giải sự lan toả ý nghĩa của từ hoa từ tâm ra ngoại vi, cũng như sợi dây gắn kết về ngữ nghĩa từ ngoại vi hướng về tâm”.
Sau khi phải khá mệt mỏi bơi theo dòng “trường giang ngôn ngữ” của 10 trang viết với những tầm chương trích cú, lý luận kinh viện, cái mới mà độc giả được tiếp cận lại chính là sự tận cùng dung tục, thô lỗ hoá ngôn ngữ Truyện Kiều của tác giả Phan Thị Huyền Trang. Xin có đôi lời trao đổi cùng Phan Thị Huyền Trang và độc giả qua mấy đề mục:
Sau khi phải khá mệt mỏi bơi theo dòng “trường giang ngôn ngữ” của 10 trang viết với những tầm chương trích cú, lý luận kinh viện, cái mới mà độc giả được tiếp cận lại chính là sự tận cùng dung tục, thô lỗ hoá ngôn ngữ Truyện Kiều của tác giả Phan Thị Huyền Trang. Xin có đôi lời trao đổi cùng Phan Thị Huyền Trang và độc giả qua mấy đề mục:
1. “ Cái hay thì không mới...”:
Phan Thị Huyền Trang đưa ra 5 nghĩa của từ “hoa” mà Đào Duy Anh đã giải thích trong Truyện Kiều và chỉ ra cái hạn chế của học giả Đào Duy Anh “do cách tiếp cận thiên về từ vựng-ngữ nghĩa của một người làm từ điển, tác giả Đào Duy Anh chỉ nhấn mạnh đến các ý nghĩa cơ bản được cố định hoá của từ hoa, những ý nghĩa giúp cho nó có chỗ đứng trong hệ thống. Còn các tầng nghĩa biểu trưng, các sắc thái biểu cảm cũng như sự lan toả ngữ nghĩa tinh tế-cái tạo nên linh hồn ngữ nghĩa của từ hoa lại chỉ được nhắc đến một cách sơ sài : “thường dùng để tỉ dụ người đẹp, sắc đẹp, tình yêu...Vì vậy, chúng tôi đặt ra cho mình nhiệm vụ là: cần phải soi sáng đặc điểm ngữ nghĩa của từ hoa dưới một góc độ khác, góc độ ngôn ngữ -văn hoá”.
Vậy, dưới “góc độ ngôn ngữ văn hoá” Phan Thị Huyền Trang đã “soi sáng” được những gì?
Chúng ta đều biết, phong, hoa, tuyết, nguyệt,...là những hình ảnh rất quen thuộc, phổ biến trong thơ ca xưa. Riêng hình tượng bông hoa được so sánh, ẩn dụ với sắc đẹp, thân phận người phụ nữ đã trở nên quá quen thuộc, cả trong văn học viết, văn học dân gian, lẫn ngôn ngữ thường ngày như: mặt hoa da phấn, tươi như hoa, đẹp như hoa, như hoa mới nở, như hoa sắp tàn, như hoa sớm nở tối tàn, như cánh hoa bị vùi dập, gót hoa, trướng hoa, thềm hoa v.v...Hoa trở thành ý nghĩa tượng trưng cho cái đẹp, sự cao sang, trong sáng và muôn hình vạn trạng trong cách ví von, ẩn dụ khác. Bởi vậy, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi trong số hơn ba ngàn câu Kiều, Phan Thị Huyền Trang đã dày công đếm được tất thẩy 133 lần xuất hiện từ hoa với nhiều ý nghĩa khác nhau. Phan Thị Huyền Trang nên hiểu rằng, phần nhiều thơ ca xưa đều vận dụng lối “tỉ dụ” để giãi bày, sáng tác. Do đó, lấy hình tượng hoa để biểu thị nét mặt, tâm trạng, thân phận, tình yêu... không phải điểm đặc biệt, duy nhất của Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Thậm chí, trong Truyện Kiều, Nguyễn Du mới chỉ vận dụng một phần nhỏ ý nghĩa ẩn dụ của hoa trong vô vàn cách nói của dân gian. Câu ca dao: Em như một đoá hoa nhài. Canh khuya hé nở chờ ai bên tường, hoa nhài ở đây là hình ảnh một người con gái đáng chê. Nhưng câu ví Như bông hoa nhài cắm bãi cứt trâu, hoa nhài lại là một thân phận vừa đáng chê lại vừa đáng thương, đáng tiếc. Hay câu Thân em như hạt mưa sa, Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa, hoa ở đây chỉ nơi chốn cao sang, sung sướng, hạnh phúc. Câu thành ngữ “Mãn nguyệt khai hoa” hoa ở đây lại chỉ sự sinh nở v.v và v.v... Với văn học viết, chỉ xin lấy “Chinh phụ ngâm” (bản diễn ca cũng như nguyên tác) làm ví dụ. Mặc dù nhân vật chính không phải là thân phận bông hoa bị dập vùi, trôi nổi như Kiều, nhưng, hình tượng hoa với lối so sánh ẩn dụ vẫn xuất hiện rất nhiều trong tác phẩm thơ cổ này:
“Rượu cùng hoa rắp tã đàm
Sầu làm rượu lạt, muộn làm hoa ôi”
Hay:
“Ngừng nhan sắc đương chừng hoa nở
...
Đôi hoa cùng nở đôi cây cùng liền...
Thậm chí từ hoa còn khá “đậm đặc”:
“Hướng dương lòng thiếp như hoa
Lòng chàng lẩn thẩn e tà bóng dương
Bóng dương để hoa vàng chẳng đoái,
Hoa để vàng vì tại bóng dương
Hoa vàng, hoa rụng quanh tường
Trải xem hoa rụng đêm sương mấy lần”(1)
Không bằng lòng dừng lại ở cách giải thích của học giả Đào Duy Anh, Phan Thị Huyền Trang đưa ra một số đề mục rất “mùi mẫn” như: “1.Hoa-hiện thân của sự sống, 2. Hoa-thiên đường của mặt đất, 3.Hoa phút giây thoáng chốc, 4.Hoa-thực thể thụ động”,v.v...với những dòng phân tích, tán thưởng về hoa “tràng giang đại hải”. Tất cả những điều đó đã được học giả Đào Duy Anh giải thích khái quát, đầy đủ trong Từ điển Truyện Kiều, và loài người, mọi người đã nói cách đây cả...ngàn năm, trăm năm rồi.
Vẫn là những ngộ nhận, Phan Thị Huyền Trang viết: “Hoa thường được gán cho thiên tính nữ nên người ta thường liên tưởng với người con gái đẹp. Nhưng tài tình của Nguyễn Du là ở chỗ trong Truyện Kiều ta còn thấy đối tượng hoa ngầm chỉ không phải thuộc phái đẹp mà còn có thể thuộc phái “mày râu”:
Nàng rằng khoảng vắng đêm trường
442.Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa
Thật bất ngờ đối với người đọc và cơ chế liên tưởng ở đây dường như đã đi ra ngoài khung liên tưởng thông thường. Có thể hình dung ra mô hình liên tưởng như sau:
Hoaà tình yêu, tình cảm đẹp, cao quý à người yêu, đối tượng có tình cảm đẹp ấy à Kim Trọng, đối tượng cụ thể”.
Thực ra, những liên tưởng ấy về từ hoa trong câu thơ đã nằm trong cách giải thích thứ nhất về hoa của Đào Duy Anh mà chính Phan Thị Huyền Trang đã trích dẫn và chê là sơ sài. Đó là hoa “thường dùng để chỉ người đẹp, sắc đẹp, tình yêu”. Trong câu “Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa”, từ hoa ở đây chỉ có thể hiểu là “tình yêu” mà thôi (Vì tình yêu nên phải đánh đường tìm tình yêu). Bằng không, nếu hoa trong câu thơ trên nói về một giới “mày râu”, cụ thể là Kim Trọng (Vì Kim Trọng nên phải đánh đường tìm Kim Trọng) như cách liên tưởng của Phan Thị Huyền Trang, điều đó cũng không có gì là “bất ngờ”, “tài tình”, độc đáo và mới lạ trong Truyện Kiều. Bởi từ hoa, hình ảnh hoa, đã lâu không chỉ là đặc quyền khi nói về cái đẹp của người phụ nữ. Từ hoa đã mang một nghĩa bao hàm, tượng trưng khi nhắc đến tất cả những gì, (con người, sự vật hay hiện tượng) có phẩm chất, hình thức tốt đẹp: hoa tay, bút hoa, thềm hoa, chiếu hoa,v.v..,Trong “Chinh phụ ngâm” cũng đã dùng “mặt hoa” để chỉ Phan Lang-một anh chàng, một “mày râu” đẹp trai có tiếng trong điển tích xưa:
Mặt hoa nọ gã Phan Lang
Sợ khi mái tóc pha sương cũng ngừng
Nói tóm lại, với phần “soi sáng” rất công phu dài dòng trên đây, Phan Thị Huyền Trang không hề tìm được điều gì mới mẻ như cách đặt vấn đề hùng hồn đầu bài viết. Ngược lại tác giả đã bộc lộ những ấu trĩ không đáng có trong một bài nghiên cứu về ngôn ngữ Truyện Kiều.
2. “ Cái mới thì không hay”:
Với đề mục thứ 5 “Hoa-bộ phận cơ thể người phụ nữ”-sự ngộ nhận, non kém về ngôn ngữ, hay sự dung tục trong ý nghĩ của Phan Thị Huyền Trang đã đẩy ngôn ngữ truyện Kiều đến tận cùng của sự thô lỗ.
Thoạt tiên, Phan Thị Huyền Trang ca ngợi “Một ý nghĩa biểu trưng khá thú vị của hoa trong Truyện Kiều là: hoa tương ứng với bộ phận làm đẹp của người nữ giới. Hoa là miệng xinh:
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Hoa là mặt đẹp:
Lại càng ủ dột nét hoa”
Như trên đã nói, ví miệng người con gái cười tươi, xinh như hoa, vẻ mặt như hoa không phải là sáng tạo chỉ có trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Do đó không cần tác giả làm rối rắm thêm vấn đề bằng những kết luận như “Sự tương tác giữa hoa với các từ xung quanh đã đẩy ngữ nghĩa của từ hoa đi từ trường thiên nhiên sang trường bộ phận con người”. Không hiểu “trường thiên nhiên” và “ trường bộ phận con người” là thuật ngữ gì mà nghe lạ tai vậy?
Kinh ngạc hơn, tác giả viết tiếp: “Thêm vào đó, trong Truyện Kiều, hoa còn tượng trưng cho bộ phận sinh dục của người phụ nữ, (H.T.C nhấn mạnh) là sự sống xuất hiện trên khoảng mênh mông của vùng nước khởi nguyên, kết hợp với mùi hương nồng nàn mà dịu ngọt, hoa tự thân đã có tính thái âm và nữ tính. ý nghĩa tượng trưng này được Nguyễn Du cảm nhận thực là sâu sắc:
Tiếc thay một đoá trà mi
Con ong đã tỏ đường đi lối về
Trà mi là loại hoa nở vào cuối xuân đầu hạ, nó đẹp bởi sự tinh khiết thuần tuý. Trà mi thường được sử dụng trong văn thơ để tỉ dụ người con gái đẹp, nhưng để chỉ âm hộ của người phụ nữ thì ít ai như Nguyễn Du”. Than ôi! “ít ai như Nguyễn Du” hay chỉ độc nhất vô nhị Phan Thị Huyền Trang có cách nghĩ và cách cảm thô thiển như vậy?
Cái cớ mà tác giả dựa vào để “liên tưởng” là căn cứ vào một số ý kiến về “biểu tượng hoa sen trong văn hoá phương Đông và hoa huệ tây trong văn hoá phương Tây” của một vài học giả phương Tây. Sau khi tán tụng hình ảnh hoa sen “trong tranh hình Ai Cập”, tác giả kết luận “Trong văn hoá ấn Độ và Trung Hoa, tầm quan trọng về ý nghĩa biểu tượng của hoa sen, về mặt trần tục cũng như về mặt linh thiêng đều bắt nguồn từ hình ảnh cơ bản này”. Và Phan Thị Huyền Trang mạnh dạn gán cho cụ Nguyễn Du một khả năng tư duy “thiên tài” đáng xấu hổ : “Từ sự liên tưởng hoa trà mi với âm hộ người phụ nữ, Nguyễn Du đã chạm tới mẫu gốc thiêng liêng trong văn hoá nhân loại. Đồng thời, với sự gán ghép phạm trù tự nhiên sang phạm trù con người, phải chăng Nguyễn Du đã cố ý trộn lẫn các đối tượng: hoa-miệng-mặt-âm hộ. Vẻ đẹp thiên nhiên tựa như thứ nhạc nền để một hoà tấu cất lên, để ấn tượng về cái đẹp nhân bản trở thành viên mãn. Những trường hợp hoa mang ý nghĩa biểu tượng này tuy không nhiều nhưng thực sự có giá trị, vì nó là cái riêng, cái dấu ấn độc đáo của thiên tài Nguyễn Du”
Xin thưa rằng ý nghĩa về sự sinh sản, sinh dục, tái sinh, phồn thịnh, mẫu gốc của các loài hoa mà Phan Thị Huyền Trang trích dẫn của mấy ông Tây mang tính biểu tượng, tín ngưỡng của từng dân tộc, nó khác hoàn toàn với sự liên tưởng cụ thể “đoá trà mi” với “bộ phận cơ thể người phụ nữ”, với “âm hộ” mà Phan Thị Huyền Trang phát hiện.
“Tiếc thay một đoá trà mi, Con ong đã tỏ đường đi lối về” là hai câu thơ rất hay trong truyện Kiều. Nó không chỉ hay và nổi tiếng bởi ghi lại dấu mốc quan trọng nhất, thời khắc nghiệt ngã, xót xa nhất khi Mã Giám Sinh đã biến nàng Kiều từ một người con gái trong trắng, tiết trinh, trở thành một người đàn bà “Thân nghìn vàng để ô danh má hồng”. Sau “tiếng kêu đứt ruột” đầu tiên này, nàng Kiều sẽ tiếp tục bị đẩy dài trong kiếp đoạ đầy thân xác và tâm hồn. Hai câu thơ còn nổi tiếng và hay bởi sự diễn đạt nhẹ nhàng, ý nhị, kín đáo mà gợi nên xiết bao đau đớn, tiếc nuối cho nàng Kiều. Nguyễn Du không viết Tiếc thay cái nhuỵ trà mi mà dùng chữ “một đoá trà mi”. Chữ “đoá” là một từ Hán-Việt, nghĩa gốc là một chùm hoa. Khi Việt hoá, từ “đoá” được hiểu chung là một bông hoa dưới cái nhìn tổng thể (bao gồm cuống hoa, đài hoa, cánh hoa, nhuỵ hoa ,v.v...) Do đó, “một đoá” ở đây không nhằm chỉ một bộ phận riêng biệt, cụ thể nào của bông hoa nên cũng không thể liên tưởng đến một bộ phận cụ thể nào đó của người (phụ nữ-nàng Kiều). Hình ảnh “đoá trà mi” trong câu thơ Nguyễn Du chính là (và không chỉ là) vẻ đẹp sắc sảo mặn mà khiến Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh của nàng Kiều. Cao hơn, đoá trà mi còn tượng trưng cho vẻ đẹp về phẩm chất, tâm hồn của Kiều: Sắc đành hoạ một, tài đành hoạ hai, Thông minh vốn sẵn tính trời, Pha nghề thi hoạ đủ mùi ca ngâm...
Nói tóm lại đoá trà mi chính là con người, cuộc đời, vẻ đẹp đang độ rực rỡ nhất của nàng Kiều. Dù kém cỏi đến đâu, (thiên tài lại càng không thể) cũng không có nhà thơ nào lại “ngây” đến mức dùng đoá trà mi để chỉ cái cụ thể là “âm hộ của người phụ nữ” (ở đây là nàng Kiều) như cách cảm nhận của Phan Thị Huyền Trang. Kính lạy cụ Nguyễn Du (cụ có hứa tha tội thì con mới dám nói), nếu hiểu đoá trà mi là “âm hộ của người phụ nữ” như nghiên cứu của Phan Thị Huyền Trang, thì con cũng xin mạo muội hỏi rằng: chắc hẳn “con ong đã tỏ đường đi lối về” kia chính là dương vật của người đàn ông chứ(?!). Và hỡi ôi! Cái hành động cưỡng đoạt tiết trinh, thân xác nàng Kiều của “giống hôi tanh” Mã Giám Sinh chính là liên tưởng “về cái đẹp nhân bản trở thành viên mãn”, là “ Nguyễn Du đã chạm tới một mẫu gốc thiêng liêng trong văn hoá nhân loại” hay sao (?!)
Để minh hoạ cho việc “Nguyễn Du đã cố ý trộn lẫn các đối tượng: hoa-miệng-âm hộ”, trong bài viết, Phan Thị Huyền Trang đã vẽ bông hoa năm cánh, trong đó có một cánh biểu thị cho “bộ phận cơ thể người phụ nữ” (âm hộ) và kết luận: “Như vậy là từ cách nhận thức ngữ nghĩa truyền thống của từ hoa qua Từ Điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh, chúng ta còn có cơ sở để nhận thức thêm những tầng nghĩa hàm ẩn, những lớp nghĩa lan toả đầy thú vị của hoa dưới góc độ ngôn ngữ-văn hoá(?!)
Hình minh họa của Phan Thị Huyền Trang, trong đó có 1 cánh hoa được đặt tên là "bộ phận cơ thể người phụ nữ" tức là cái "âm hộ" của nàng Kiều.
Rõ ràng, cái mà Phan Thị Huyền Trang gọi là “tầng nghĩa hàm ẩn”, “lan toả đầy thú vị của hoa dưới góc độ ngôn ngữ văn hoá”, rất thô tục và không thể chấp nhận ở bài viết của một người chuyên nghiên cứu ngôn ngữ.
3. Bài viết sai về phương pháp luận, thiếu thống nhất khoa học:
Chúng ta đều biết, trong truyện Kiều, ngay cả khi không nhắc đến từ “hoa”, cụ Nguyễn Du vẫn viết về hoa rất hay, rất đẹp :
“Điệu buồn như cúc, điệu gầy như mai
....
Đoá trà mi đã ngậm trăng nửa vành,
....
Một tay chôn biết mấy cành phù dung”
v.v...
Nếu đã đặt vấn đề nghiên cứu, tìm hiểu về nghệ thuật vận dụng hình ảnh, biểu tượng của hoa trong Kiều, những câu thơ nói về hoa mà không có từ hoa như trên của Nguyễn Du không thể gạt bỏ. Tuy nhiên, Phan Thị Huyền lại máy móc chỉ “liên tưởng ngữ nghĩa của từ hoa” và “lí giải sự lan toả ý nghĩa của từ hoa”. Do đó tác giả đã thống kê cả những từ “hoa” với tư cách là yếu tố cấu tạo từ: tài hoa, hào hoa, phồn hoa (7 trường hợp). Hoa với tư cách là từ nhân danh : con Hoa, Hoa Nô (4 trường hợp)”. (Điều này chỉ có ý nghĩa ở những cuộc thi hát, đố nhau tìm những câu thơ, bài hát có từ “hoa”) Sau đó, tác giả kỳ công ngồi đếm số lần xuất hiện từ “hoa” trong Truyện Kiều rồi “chẻ sợi tóc làm tư”, dùng máy tính để thưởng thức Kiều, kiểu như: “có tới 31 trường hợp quy chiếu của hoa là thiên nhiên (chiếm 25.4%)...có tới 49 trường hợp từ hoa quy chiếu đến người con gái đẹp (chiếm 40.2%)...ta thấy hoa chủ yếu đóng vai trò là tân ngữ (chiếm 48.3%). Còn nếu xét các vai nghĩa mà từ hoa biểu thị, ta cũng thấy chiếm tỉ lệ cao nhất là vai bị thể (42/122 trường hợp, chiếm 34.4%)”,v.v...? Tuy thống kê chính xác tới 0,...%, nhưng Phan Thị Huyền Trang không hề có kết luận hay nhận xét sự “quy chiếu” ấy, phần trăm ấy có ý nghĩa như thế nào trong Truyện Kiều.
Nêu ra tiêu chí chỉ chọn những từ “hoa” để liên tưởng, nhưng chính Phan Thị Huyền Trang lại bất ngờ phá vỡ nguyên tắc đã được giới hạn ấy và chọn ngay một câu thơ không hề có từ hoa để phân tích, làm nội dung cơ bản của bài viết:
“Tiếc thay một đoá trà mi
Con ong đã tỏ đường đi lối về”
Đoá là đoá mà hoa là hoa! Chỉ với chi tiết này chúng ta cũng có thể kết luận, bài viết rất tuỳ tiện, thiếu phương pháp luận, thiếu tính khoa học.
Phần giới thiệu đầu bài viết cho ta biết, Phan Thị Huyền Trang công tác tại Khoa ngôn ngữ, Đại học khoa học xã hội nhân văn. Truyện Kiều là một tác phẩm có chỗ đứng đặc biệt quan trọng đối với bất cứ một sinh viên khoa ngôn ngữ Việt nào. Nhưng với cách cảm nhận dung tục, thô lỗ như Phan Thị Huyền Trang, liệu những sinh viên sẽ học được gì ở Truyện Kiều- tác phẩm xưa nay là niềm tự hào của dân tộc về sự phong phú và trong sáng của tiếng Việt ?
Hoàng Tuấn Công
Bài đã đăng trên Tạp chí Xứ Thanh năm 2007
Chú thích:
(1) Chinh phụ ngâm-Hán nôm hợp tuyển-NXB Thuận Hoá-2000
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét