Thứ Tư, 20 tháng 8, 2014

Vài cảm nhận về "Tuấn Công thư phòng"


Bọn trẻ chơi Đố chữ ở Thư phòng (Ảnh TC)

      Trần Đức Anh

Đến 5/9/2014 sẽ tròn 1 năm ngày TCTP ra đời và đăng bài viết đầu tiên. Tình cờ nhận được bài viết của độc giả quen thuộc: Trần Đức Anh-Giảng viên khoa Toán-Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. TCTP chân thành cảm ơn và xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc. 

                 Tôi vẫn nhớ loạt bài viết Dĩ hư truyền hư của Hoàng Tuấn Công (HTC) lần đầu tiên công bố trên Tuấn Công thư phòng và một số trang Blog khác. Tuy không phải được in trên một Tạp chí chuyên ngành ngôn ngữ hay Tạp chí nghiên cứu nào đó, nhưng bạn đọc nhận thấy nội dung và phong cách viết của tác giả rất thuyết phục. Nhiều trí thức bàn tán rôm rả, rồi thắc mắc, đoán già đoán non không biết “nhân vật” Hoàng Tuấn Công là ai, làm ở Viện nghiên cứu nào mà đột ngột xuất hiện, “cả gan” dám “lay” cả cây đa, cây đề Nguyễn Lân từng “rợp bóng” qua hai thế kỷ khiến bao người Việt Nam phải ngước nhìn. Đến các bài “Tiếng mẹ đẻ...” rồi “Một đời chính tả...”nằm trong loạt bài “Thử lý giải những sai sót để đời của Nhà biên soạn từ điển...”, bạn đọc dự cảm “cây đa” to kia sắp bị bật gốc mất rồi...
          Khi tiếp nhận loạt bài viết của HTC khiến tôi cũng nhớ lại những danh hiệu giả tạo, từng gây xôn xao trong giới học trò: danh hiệu “Bộ óc vĩ đại”. Ngày đó, là một học sinh, cỡ tầm 16-17 tuổi, thấy một vài nhà khoa học Việt Namđược báo chí trong nước vinh danh là những “Bộ óc vĩ đại”, tôi cảm thấy tự hào lắm. Tự hào bởi đất nước ta còn nghèo, nhỏ bé, mà vẫn có những con người có trí tuệ ngang tầm thế giới. Sau này tôi mới vỡ lẽ, câu chuyện thực không đẹp đến vậy. Câu chuyện này thuộc về ngành Toán nên có thể nhiều độc giả của Tuấn Công thư phòng chưa hẳn đã quan tâm và biết đến. “Bộ óc vĩ đại” đơn giản là một danh hiệu được xác nhận bởi một Công ty của Hoa Kỳ, đất nước có nhiều thứ tồn tại mà người Việt Nam chưa thể hình dung hết. Nghĩa là nếu kinh doanh có lợi nhuận, không vi phạm pháp luật là có thể tồn tại (vì ngây ngô, thiếu kiến thức nên mãi sau này tôi mới hiểu). Để có danh hiệu “Bộ óc vĩ đại” đó, người ta chỉ cần trả cho Công ty nọ một khoản tiền, tầm 150 đô-la. Thời đó, (khoảng năm 2000-2005), 150 đô-la chắc là không nhỏ (tôi không nắm được rõ vì lúc ấy còn là học sinh phổ thông). Và nhiều người hám danh, (có thể cố tình hoặc vô tình) muốn nhận danh hiệu đó đã quảng bá rầm rộ trên các Tạp chí, sách báo mà độc giả phần đông là học sinh phổ thông hoặc người dân bình thường (như bố mẹ tôi chẳng hạn). Nếu bạn đọc muốn tìm lại những vụ việc kiểu đó chỉ cần gõ cụm từ “chế tạo viện sĩ” lên trên google với đầy đủ dấu ngoặc kép là có thể hiểu rõ câu chuyện.
          Vậy tại sao nhiều người cả tin tới vậy? Với kinh nghiệm của cá nhân tôi (một người từng cả tin), chuyện cả tin là việc gần như không thể tránh khỏi, nếu gia đình người đó vốn dĩ không làm công việc liên quan nhiều tới giới trí thức. Ví dụ bố mẹ tôi chỉ là công chức bình thường, thông tin, nhận thức chủ yếu tiếp nhận qua các kênh thông tin đại chúng. Là con cái, chúng tôi cũng chỉ được dạy là chú tâm vào học hành, còn định hướng suy nghĩ, nhận thức thì tất cả phải tự mình tìm tòi. Bởi vậy, chỉ với kiến thức sách vở trong nhà trường, nhiều học sinh Việt Nam trong đó có tôi trở nên rất ngây thơ khi va chạm thực tế cuộc sống. Điều này khó có thể trách ai, bởi vì xã hội ta chuyển biến quá nhanh, nguồn thông tin lại tự do tới hỗn độn, rất khó kiểm chứng.
Có thể nói, tác hại của những thông tin giả, danh hiệu giả không dễ thấy và cũng không dễ xóa bỏ. Ví dụ: Với những người được xã hội tụng ca, đôn lên mức thần tượng khiến ta tìm tòi các bài viết mô tả cách học tập và rèn luyện của họ. Nhưng tiếc thay, vì vốn dĩ họ không giỏi thật sự như cái danh hão họ có, nên những câu chuyện về họ, hay những gì họ kể, thật khó trở thành những kinh nghiệm thiết thực, hữu ích cho những người nhỏ tuổi đang trên bước đường học hỏi (ví dụ lúc đó tôi là một học sinh). Và việc học tập những kinh nghiệm vốn dĩ không thiết thực, sẽ gây cho người học một ảo tưởng nhất định, một sự thất vọng nhất định.
Ngoài ra, vì vốn dĩ không thực tài, những “thần tượng” thường chỉ chăm chú thêu dệt cái danh hão của họ, đầu óc ngây thơ của học sinh rất dễ bị tiêm nhiễm thói háo danh.
Sau khi đi làm, cuộc sống tạm ổn định, tôi có nhiều thời gian đọc sách hơn, nhất là sách không chuyên ngành Toán. Tôi thấy những người thực sự giỏi, thực sự có tâm chẳng ai nói năng hay làm những việc giống những vị thích danh hão kia. Người tài thường không thích nói nhiều về bản thân. Ví như lên truyền hình để khoe khoang về bản thân, để được nhiều người biết đến có lẽ chỉ thấy ở mấy vị danh nổi như phao mà tài cũng rỗng và nhẹ như bấc...
Bởi vậy, khi thấy công việc của Hoàng Tuấn Công và thân phụ trên trang Tuấn Công thư phòng, tôi thật sự rất thích thú. Thích thú hơn nữa khi ta nhận thấy ở đây có sự tiếp nối của hai thế hệ. Đến với Tuấn Công thư phòng, tôi có thể học hỏi được ít nhiều từ phong cách làm việc, cách lý luận, cách suy nghĩ, và nội dung văn hóa được đề cập từ blog. Điều đầu tiên độc giả có thể thấy ngay là tác giả đã dũng cảm chỉ ra cái sai sót bị che đậy đã lâu trong các cuốn từ điển của GS Nguyễn Lân, một thần tượng lớn trong suy nghĩ của nhiều người Việt Nam. Một thời gian dài chúng ta đều tiếp cận thông tin về GS Nguyễn Lân qua truyền thông, qua những lời đồn thổi mà chưa có ai làm công việc xác định lại giá trị thực của những công trình ông biên soạn. Đọc Tuấn Công thư phòng bỗng vỡ lẽ ra tất cả.
Từ học hỏi nội dung các bài viết của Hoàng Tuấn Công, ta biết thêm Lê Mạnh Chiến, An Chi với nhiều bài viết rất hay và bổ ích. Nhân đây tôi cũng muốn nói thêm rằng, loạt bài viết có hệ thống, đăng trong khoảng thời gian hơn nửa năm trời của Hoàng Tuấn Công có tác dụng làm thay đổi nhận thức của rất nhiều bạn đọc và nhiều người về thần tượng GS Nguyễn Lân. Vì An Chi từng phê bình Nguyễn Lân thời Nhà biên soạn từ điển nổi tiếng này đang còn sống. Rồi tiếp đến bài phê bình của Lê Mạnh Chiến. Thế nhưng, thần tượng Nguyễn Lân vẫn tiếp tục được người ta ca tụng, Nguyễn Lân vẫn tiếp tục viết sách, từ điển của ông vẫn được tái bản liên tục, mà đỉnh điểm là cuộc Hội thảo đình đám “NGND, GS Nguyễn Lân, cuộc đời và sự nghiệp”nhân 10 năm ngày mất của “danh nhân” này cùng ý định đặt tên NL cho một con đường ở Thủ đô. Tuy nhiên, sau gần 1 năm, câu chuyện này không thấy được nhắc đến. Có vẻ như loạt bài của HTC và An Chi, Lê Mạnh Chiến cuối cùng cũng đã tác động đến không chỉ bạn đọc mà còn đối với chính quyền và các nhà quản lý?
Đến với Tuấn Công thư phòng, ta thấy blog có hai mảng rõ ràng, tương ứng với công việc của hai Cha con tác giả: Hoàng Tuấn Công viết nghiên cứu, phê bình mảng ngôn ngữ, Hoàng Tuấn Phổ bàn về nhiều vấn đề của lịch sử, văn hóa Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng. Những mảng kiến thức như vậy đều rất cần thiết, bởi trong thời đại hiện nay, những nét đặc trưng của dân tộc Việt Namcần phải được làm rõ và mọi người Việt Nam nên nắm được.
Có thể nói những đóng góp như Tuấn Công thư phòng không phải lúc nào cũng được thấy ở các trang Blog khác. Ngoài sách của Nguyễn Lân, bạn đọc còn bất ngờ bởi dưới ngòi bút của Tuấn Công thư phòng, sự thực trong sách của nhiều “nhà”, nhiều “chuyên gia” khác như: Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương với “Từ điển tục ngữ Việt”, Chuyên gia số một về thơ Bác Lê Xuân Đức với chuyện đạo văn và “không biết chữ dạy người biết chữ”, gần đây là “Chuyên gia” Nguyễn Cừ, rồi sách “Những nhà khoa bảng xứ Thanh” của Nhóm PGS.TS Hà Đình Đức,v.v... Riêng để viết được loạt bài về Nguyễn Lân, tác giả phải đọc hàng ngàn trang từ điển, chưa nói đến các tài liệu tra cứu, trích dẫn công phu. Cảm nhận của riêng tôi là các tác giả đã huy động lượng kiến thức khá lớn, bao gồm cả kiến thức sách vở và kiến văn thực tế để phục vụ bạn đọc. Nhiều vấn đề bạn đọc cảm thấy được sáng rõ sau khi đến với Tuấn Công thư phòng. Bởi vậy tôi nghĩ tới việc nên làm một việc gì đó để tỏ lòng ủng hộ công việc của TCTP. Tôi cũng mong Tuấn Công thư phòng sẽ hoạt động đều đặn, giữ được phong độ, có thêm nhiều bài viết chất lượng.
Cuối cùng, tôi chỉ có một góp ý nhỏ: blog nên có một trang (page, một chức năng của blogspot) trong đó tập hợp link (đường dẫn) của các bài viết quan trọng hoặc theo chủ đề, điều đó sẽ giúp việc khai thác Tuấn Công thư phòng dễ dàng hơn.

                                              Trần Đức Anh/8/2014



1 nhận xét: