THÀNH NƠI NGỦ NGHỈ VÀ THỜ CÚNG
XIN ĐỪNG LÀM THẾ !
XIN ĐỪNG LÀM THẾ !
Hội thảo thành Hội nghị, Hội nghị lại thành Tọa đàm Ảnh: Báo VHĐS Thanh Hóa |
TCTP:Những ai quan tâm Khu di tích lịch sử Lam kinh gắn với Khởi nghĩa Lam Sơn và anh hùng dân tộc Lê Lợi đều biết “Chính điện Lam kinh” là di tích lịch sử chính yếu hết sức trọng đại, đã được được Bộ văn hóa và tỉnh Thanh Hóa đầu tư xây dựng từ 1994 với nhiều trăm tỉ đồng. Dù nêu tiêu đề “phục dựng” rồi biện minh là “phỏng dựng” cũng phải căn cứ hoặc dựa vào di tích gốc, kết hợp tài liệu sử sách (quy định của luật di sản). Không được tùy tiện sáng tạo theo chủ quan người vẽ thiết kế rồi tìm cách che mắt người phê duyệt.
Chúng tôi đã xem 2 bản “Dự án nội thất chính điện Lam kinh” (Bản I và bản II có sửa chữa-Thuyết minh và hình ảnh kèm dự trù 38 tỉ ĐVN) của nhóm kiến trúc sư Hàn Tất Ngạn (cũng là người đã thiết kế tòa chính điện chữ “công”), sau đó lại được đọc cuốn “Kỷ yếu hội thảo chuyên đề nội thất chính điện di tích lịch sử Lam Kinh” của Ban tổ chức Hội thảo.
Chúng tôi nhận thấy cách làm của Ban tổ chức nhằm “chữa cháy” cho một công trình thiết kế vội vàng. Bởi giấy mời viết Tham luận và tài liệu đều mang tên "Kỷ yếu Hội thảo chuyên đề Nội thất chính điện Di tích Lịch sử Lam Kinh".Nhưng thực tế lại diễn ra theo cách một buổi tọa đàm gọn nhẹ. Vì vội vàng nên sinh ra lúng túng. Càng lúng túng càng vội vàng biến “Hội thảo” thành "Hội nghị" rồi trương biển "Hội nghi" nhưng lại tuyên bố là “Tọa đàm” (xin xem ảnh). Đây là sự đánh tráo khái niệm hay không hiểu từ ngữ ? Như thế là lợi dụng chủ trương phát huy di tích đúng đắn, thành bịa đặt di tích, xuyên tạc lịch sử, bằng cách giương cao ngọn cờ lễ hội và du lịch.
Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ, một trong những người tham gia nhiều cuộc tranh luận về vấn đề Di tích Lam kinh tại các cuộc Hội thảo cũng như trên báo chí từ 1995. Ngày 9 tháng 4 năm 2014, Nhà nghiên cứu cũng được mời tới dự với tư cách tác giả có tham luận tại Hội thảo chuyên đề “Nội thất chính điện di tích lịch sử Lam Kinh”.
Vì sao có cuộc Hội thảo này ? Là vì công trình kiến trúc gỗ chính điện Lam kinh sắp hoàn thành, nhưng người ta chưa biết chính xác nó là cái gì ? Không hiểu nó là cái gì đồng nghĩa không biết đặt trong đó những đồ vật (nội thất) như thế nào. (Mà lẽ ra, việc xác định nó là cái gì, câu trả lời phải có trước khi làm chính điện mới phải). Nhưng muộn còn hơn không. Nội dung các bài tham luận in trong kỷ yếu "Hội thảo hóa Tọa đàm" nổi bật lên 3 quan điểm:
1. Chính điện Lam kinh là miếu thờ vua.
2.Chính điện Lam kinh là hành cung (nơi ngủ nghỉ của vua mỗi khi xa giá).
3.Chính điện Lam kinh không phải miếu thờ, không phải hành cung mà là điện Kính Thiên.
Bằng sự khảo cứu công phu, khoa học, Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ đã loại trừ chức năng 1 và 2 của chính điện. Mặt khác, Nhà nghiên cứu chứng minh rằng chính điện Lam kinh chính là điện Kính Thiên, có kiến trúc tương tự như điện Kính Thiên ở Đông kinh (Hà Nội). Tuy nhiên, tham luận khoa học của Hoàng Tuấn Phổ không được trình bày tại Hội thảo, do Hội thảo đã "hóa Tọa đàm". Tác giả tham luận "Lam kinh là gì ?" chỉ được phát biểu miệng mấy lời do "buổi tọa đàm” ngắn ngủi sắp kết thúc (lúc ấy đã 11giờ 30). Không được đọc tham luận đã đành, quan điểm đúng đắn, khoa học của Hoàng Tuấn Phổ cũng không được Đoàn chủ tọa “Hội thảo hóa tọa đàm” xem xét. Thay vào đó, (thật lạ lùng), Đoàn chủ tọa "Tọa đàm" này đã đi đến một kết luận rất "kỳ dị". Đó là “dung hòa” hai quan điểm 1 và 2: Chính điện Lam kinh vừa là miếu thờ vừa là hành cung. Nghĩa là một công trình "oẳn tà roằn", "đa năng" không giống ai: vừa là nơi ngủ nghỉ vừa là nơi thờ cúng các vị vua Lê (!).
Chúng tôi nghĩ rằng, miếu thờ và hành cung là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, không thể đem “dung hòa” với nhau. Không vua chúa nào dám dùng hành cung để thờ tổ tiên và cũng không được phép ăn ngủ trong miếu thờ.
Lam kinh vẫn còn đó chiếc cầu bắc qua sông Ngọc Khê vốn kiểu thượng gia hạ kiều duyên dáng, bị biến thành chiếc cống đá bên Tàu; chiếc hồ chức năng như Long Trì ở Đông kinh đã biến thành "giếng cổ" kè đá của "làng Lam Sơn". Ai đó làm sai tinh thần lịch sử sẽ có tội với lịch sử, với đức Lê Thái tổ Cao hoàng đế, có lỗi với nhân dân tham gia lễ hội và người đến lịch vì đã đánh lừa họ.
Vì không được trình bày và xem xét bản tham luận công phu (vốn được chính Ban tổ chức Hội thảo đặt bài) tại Hội thảo, Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ đã xin Chủ tọa cho phép được gửi bài tham luận của mình ra công luận để rộng đường tham khảo. Theo Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ, Đoàn chủ tọa tọa đàm đã đồng ý.
Vậy xin mời các bạn đọc qua bài tham luận không được trình bày: “Chính điện Lam kinh là gì ?” của Hoàng Tuấn Phổ. Nếu có thể vui lòng cho ý kiến trao đổi để vấn đề được rộng đường dư luận.
Ghi chú: Chủ trì Hội thảo (thực chất Tọa đàm):
-Ông Vương Văn Việt-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.
-PGS.TS. Đặng Văn Bài -Phó Chủ tịch Hội di sản văn hóa Việt Nam, Đại diện Việt Nam trong Ủy ban Di sản thế giới.
-Giám đốc Sở VHTTDL: ThS. Nguyễn Văn Tuấn.
CHÍNH ĐIỆN LAM KINH LÀ GÌ ?
Hoàng Tuấn Phổ
Chính điện Lam kinh có phải đích thực là tòa cung điện hình chữ “công” ? Đặt câu hỏi này thật vô lý, vì thực tế nền móng hình chữ “công” còn sờ sờ ra đó, và sách “Dư địa chí của Phan Huy Chú", bản dịch Viện sử học Việt Nam cũng chép rõ: “Điện làm ba ngôi liền nhau, kiểu chữ “công” mẫu mực theo giống như kiểu các miếu ở kinh sư” (Xuất bản 1960). Góp ý kiến cho “Dự án nội thất chính điện Lam kinh” GS Trần Lâm Biền viết: “Với nên chữ “công”, hệ kiến trúc chữ “tam” là dạng “trùng thiềm điệp ốc” sớm nhất nước ta”. Ông nói thế là không hiểu gì về kiến trúc cổ truyền Việt Nam. Vì kiểu chữ “tam” là kiểu chữ “tam”, kiểu chữ “công” là kiểu chữ “công”.Dù thuộc hệ kiến trúc nào, chữ “công”hay chữ “tam” cũng đều không phải là dạng “trùng thiềm điệp ốc”. Vì “trùng thiềm điệp ốc” là kiều nhà “kép”, hai mái giáp nhau, giữa hai tòa nhà kết nối với nhau bằng một bộ phận phụ nhỏ gọi là “thừa lưu”, hay “mái vỏ cua”theo lối nói nôm na của giới thợ thuyền. Đây là kiểu kiến trúc chính điện Thái Hòa-Huế của nhà Nguyễn.
Trở lại với bản dịch “Lịch triều hiến chương loại chí” phần Dư địa chí của tổ biên dịch Viện sử học. Theo lời giới thiệu của tổ biên dịch, không tìm thấy nguyên bản chính mà chỉ dựa vào một bản chép tay, mà bản chép tay, tổ biên dịch thừa nhận khó tránh khỏi nạn “tam sao thất bản”. Như vậy, nói riêng phần Dư địa chí-Viện sử học, chúng ta thường dùng làm cứ liệu nghiên cứu, với câu văn dịch “Điện làm ba ngôi liền nhau, kiểu chữ “công” mẫu mực như kiểu các miếu ở kinh sư”, liệu có chính xác ?
Theo nhà thư tịch học Trần Văn Giáp, dưới triều Nguyễn quyển "Hoàng Việt dư địa chí" của Phan Huy Chú vốn là Dư địa chí trong "Lịch triều hiến chương loại chí" được khắc in 4 lần: 1833, 1897, 1907 và một lần do nhà in Duy Minh Thị không đề năm. Bản khắc in lần đầu, lúc Phan Huy Chú đang minh mẫn, khỏe mạnh, 7 năm sau 1840 ông mới mất. Như vậy chắc chắn bản in này khó có thể bị sai sót.
Năm 1997 Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành quyển "Hoàng Việt dư địa chí" ấy của Phan Huy Chú kèm theo nguyên bản in chữ Hán. Bản dịch do Phan Đăng thực hiện, nhìn chung chưa thật hoàn hảo so với nguyên tác. Ở đây chi xin trích một câu hết sức quan trọng. Nguyên văn chữ Hán theo bản in kèm: “Điện chi cực cao, lưỡng dịch khai hoằng đình. Hạ thiếp thủy tượng thị triều tiền điện. Hậu môn ngoại, nhị thạch ngao cực linh. Điệp tam liên vi vương tự, mỗi dạng tượng kinh sư miếu chế”.
Phan Đăng dịch: “Nền của điện rất cao, hai bên chái mở ra hai sân rất rộng, trước có đường xuống sông. Phía sau và phía trước điện đều có tượng đứng chầu, ngoài cửa có tác hai con chó đá dáng rất linh hoạt. Điện này có ba toàn liền nhau hình chữ “vương”, mỗi tòa đều giống các miếu vũ ở kinh sư”.
Đúng ra, phải dịch: “Nền điện rất cao, hai bênh nách mở ra sân rộng. Phía trước có là làn nước giống như phía trước điện thị triều. Ngoài cửa phía sau có hai có hai con chó ngao bằng đá rất thiêng. Điện có 3 tòa liền nhau hình chữ “vương” mỗi tòa đều theo phép tắc của các miếu ở kinh sư”.
Bản dịch của Phan Đăng có mấy chỗ sai quan trọng:
-Câu “Hạ thiếp thủy tượng thị triều tiền điện”mà dịch là “trước có đường xuống sông”thì sai bét ! Tham khảo bản dịch Viện sử học, chúng ta thấy đúng hơn: “Nền điện rất cao, hai bênh cạnh mở rộng, dưới sân điện có làn nước phẳng giống như sân trước chỗ nhà vua coi chầu”.
-Câu “Hậu môn ngoại, nhị thạch ngao cực linh” cụm từ “nhị thạch ngao cực linh”, Phan Đăng dịch: “Hai con chó đá hình dáng rất linh hoạt” là vô tình xuyên tạc nguyên tác. Người dịch bỏ mất chữ “ngao” là chó ngao, chữ “cực linh” là rất thiêng, lại dịch là hình dáng rất "linh hoạt" cũng là cách dịch ẩu, đoán bừa cho xong !
Công bằng mà nói, tổ biên dịch Viện sử học dịch giỏi hơn Phan Đăng nhiều, nhưng vì các cụ không có văn bản chính xác nên khó tránh khỏi sự lầm lẫn. Riêng cụm từ “mỗi tượng kinh sư miếu chế”, Phan Đăng dịch: “Mỗi tòa đều giống miếu vũ ở kinh sư”, bản dịch Viện sử học: “Mẫu mực giống như các miếu ở kinh sư”, đều chưa lột tả được ý nghĩa chính xác của từ “chế” trong “miếu chế”. Chữ “chế” ở đây không phải là làm, chế tác ra (động từ) mà có nghĩa là định chế, phép tắc, quy cách đã định ra từ xưa (danh từ). Chữ “chế” này nhấn mạnh sự giống nhau về kiến trúc của các điện miếu ở Đông kinh và Tây kinh mang tính định chế, phép tắc không thể tùy tiện làm khác đi được. Vấn đề kiến trúc này rất quan trọng, chúng ta phải tìm hiểu chủ trương nhà Lê, chủ ý Lê Thái tổ đã định đô Đông kinh, còn xây dựng Lam kinh tức Tây kinh, một kinh đô khác ở Lam Sơn để làm gì ?
Cũng mục nói về Lam kinh, Phan Huy Chú viết: “Cập trưởng kết nạp hào kiệt khởi nghĩa Lam Sơn, bất thập niên nhi thiên hạ đại định, kiến lập Tây kinh toại vi thiên hạ căn bản”. Nghĩa là: “Đến khi lớn lên, vua kết nạp hào kiệt, khởi nghĩa Lam Sơn, chưa đầy mười năm, thiên hạ đại định.Vua cho xây dựng Tây kinh để làm gốc cho đất nước”. Như vậy, Lam kinh hay Tây kinh là kinh đô gốc của đất nước, cho nên còn gọi là “Nguyên kinh”, nhà Thái miếu ở đây cũng được gọi là “Nguyên miếu” để phân biệt với nhà Thái miếu ở Đông kinh, chỉ là phiên bản của Tây kinh. Cho nên chính điện Đông kinh thế nào, chính điện Lam kinh cũng như thế ấy. Nhưng rất tiếc, tài liệu địa chí về Đông kinh rất nghèo nàn. Địa chí của Phan Huy Chú và Quốc sử quán triều Nguyễn có nhắc đến cũng chỉ mấy dòng sơ sài. Đọc đoạn viết về Lam kinh của Phan Huy Chú chúng ta thấy dường như có gì vướng mắc, lời văn ngập ngừng úp mở. Nói về Tây Hồ thì “giống như Hồ Kim Ngưu” không có địa chỉ cụ thể. Nói về cầu thì “giống như Bạch Kiều ở Giảng Đình điện Vạn Thọ”. Nói về điện thì không dám nói rõ tên điện, cũng không dám nói thẳng “làn nước giống như phía trước điện thị triều” đó chính là hồ Long Trì trước điện Kính Thiên. Tuy nhiên, những chữ “tượng” (giống như): Tượng Kim Ngưu, Tượng Vạn Thọ Giảng Đình Bạch Kiều, Tượng thị triều tiền điện, Tượng kinh sư miếu chế (Bốn chữ Tượng) cho chúng ta thấy Lam kinh đúng là kinh đô gốc, là Nguyên kinh, là căn bản của đất nước. Đặc biệt, cụm từ “Tượng thị triều tiền điện”, phải chăng tác giả có ý nói đây chính là điện Kính Thiên như Đông kinh ? Đúng thế !
Vậy chính điện Kính Thiên ở Đông kinh Thăng Long như thế nào ?
Chắc quý vị cũng biết rằng tại sao tôi không đi thẳng vào vấn đề “Nội thất chính điện” ? Vì không biết chính điện Lam kinh là gì, tất không hiểu chức năng của nó, và do đó không thể rõ trong chính điện cần phải bày đặt những gì ? Bàn thờ ? Long sàng ? Hay ngai vàng ? Cho nên, người nói miếu thờ, người bảo hành cung, cuộc tranh luận sẽ không có hồi kết.
Tuy nhiên chúng ta lại phải dùng từ “rất tiếc” ! Tác giả địa chí Phan Huy Chú nói rằng “Mỗi tòa đều theo phép tắc của ác miếu ở Kinh sư”, nhưng trong Địa dư chí của nhà sử học lại không có dòng nào chi chép về Kinh sư, miêu tả miếu điện Đông kinh như đã viết về Lam kinh ! Chúng ta đành phải lần tìm một số điều ghi chép trong quốc sử.
Năm 1780, Đông kinh thuộc quyền nhà Tây Sơn, bị sửa lại làm trấn Bắc thành. Năm 1802, trấn Bắc thành lại bị nhà Nguyễn sửa chữa lần nữa. Nhiều cung điện đổ nát, hoang phế. Đặc biệt, chính điện Kính thiên, Gia Long sai sửa lại làm hành cung, từ 9 gian xuống 5 gian, hai chái. Cuối cùng, năm 1896, quân Pháp san bằng tất cả để xây dựng thành phố Hà Nội !
Trước khi hành cung Bắc thành, tiền thân là chính điện Kính Thiên, bị Pháp triệt hạ một thời gian, năm 1876 Pétrus Trương Vĩnh Ký từ Sài Gòn ra Hà Nội, viết thiên ký sự: Chuyến đi Bắc kỳ, trong đó mô tả điện Kính Thiên, những gì ông còn thấy sau tang thương biến đổi:
“Qua cầu Ngũ môn đến Kính Thiên, đền ấy nền cao lắm, có 9 bậc xây đá xanh, hai bên có hai con rồng, cột đều tròn, lớn trót ôm, tinh là gỗ lim cả. Ngó ra đàng sau, còn thấy một hai cung điện cũ, chỗ vua Lê thủa xưa, bây giờ hư tệ, còn tích lại đó mà thôi...”
Sau Pétrus Ký, một sĩ quan Pháp là Prédéric Garcin cũng tả “chùa Nhà vua”:
“Chúng tôi đến ngôi chùa tinh thần của vua. Đó là một kiệt tác của nền kiến trúc An Nam. Trên nóc có những con rắn bằng đá trải dài về bốn góc, mà cái nền thì rất cổ kính...Ba dãy thềm cùng một hướng và chung quanh được bao bọc bằng những con rồng bằng đá. Hai chân trước có vuốt to. Từ trên những cái đầu khổng lồ, mồm há rộng và hai mắt mở to. Hình như chúng đang rình mồi và đang sẵn sàng chồm tới. Những cái vây trên lưng rồng được làm bệ tỳ của các bậc thang và đuôi cong lên đến mặt thềm của ngôi chùa...”
Thềm rồng điện Kính Thiên (Hà Nôi) |
Thềm rồng chính điện Lam Kinh (Thanh Hóa) |
Một ký giả khác, André Masson cho biết thêm:
“Chùa nhà Vua được dựng lên ở chỗ lâu đài của triều đại nhà Lý… ở một nơi được lựa chọn với lý do có nhiều điều kiện kỳ diệu nhất về địa lý và có những bảo vệ mầu nhiệm che chở chống lại những ảnh hưởng xấu…” v.v…
Những ký giả Pháp viết về điện Kính Thiên, nghĩa là kính trời, họ đều dùng từ Pagode Royale, vì họ không có từ tương đương để dịch, nhưng lại không muốn ghi nguyên âm Kính Thiên. Những bài viết của họ còn miêu tả rất kỹ hoa văn trên hai tảng đá tạc vân hóa long mà họ gọi là hai bức vân mây,v.v...
Hồ sơ “cải tạo Hà Nội” của người Pháp trước khi phá thành Thăng Long-Hà Nội, lưu trữ ở Trường Viễn Đông bác cổ, họ đo đạc rất kỹ nền điện Kính Thiên Hà Nội, so sánh với chính điện Lam kinh, chúng ta thấy tỉ lệ dài, rộng chênh lệch nhau khoảng trên dưới 10m (Số liệu đo đạc khảo cổ Lam kinh thời điểm 1980, tức gần 100 năm sau) Đối chiếu bức ảnh chụp điện Kính Thiên Hà Nội năm 1892 của Sách Une Campague du Tonkin của Hocquard với bức ảnh của Luis Bezarcier, Ủy viên Trường Bác cổ chụp năm 1942, phần nền móng của chính điện Kính Thiên Hà Nội và chính điện Lam Kinh giống như một. Khi người Pháp “cải tạo Hà Nội”, thực tế khu chính điện Đông kinh cũng đã bị “cải tạo” hai lần vào đầu triều Tây Sơn và đầu triều Nguyễn đã làm mất đi kiến trúc kiểu chữ “vương”, 3 tòa “tam liên vi vương tự” thành "nhị liên vi công tự” như chính điện Lam Kinh. Lý do đơn giản, nhà Lê đã mất, chính điện chữ “vương” sao có thể tồn tại ? Đến nhà Thái miếu Đông kinh cũng phải dỡ về Lam kinh , chưa kịp dựng đã có lệnh Gia Long dời về Bố Vệ, xây dựng lại nhỏ hẹp trên cơ sở điện Hoằng Đức vốn thờ Thái hậu Nguyễn Thị Ngọc Anh. Tại sao nhà Nguyễn vội vàng thế ? Ấy vì con cháu nhà Lê không thần phục tân triều và nhân dân Bắc hà vẫn một lòng luyến nhớ triều Lê, khắp nơi rục rịch nổi dậy...
Vua Lê dù ngự ở chính điện Đông kinh hay chính điện Lam kinh, tại sao nhất thiết phải trên điện chữ “vương” ? Nguồn gốc ý nghĩa chữ “vương” là gì ?
Theo giáp cốt văn cùng kim văn và sách Tìm về cội nguồn chữ Hán (Lý Lạc Nghị-Jim Waters-NXB Thế giới) chữ “vương” hình thành trên cơ sở chữ tượng hình, ban đầu là hình vẽ một cái rìu lớn, lưỡi rìu to rộng kiểu tối cổ, có cán dài, đầu cán lồi ra hơi tòe, đôi cán cũng nở phình để cầm được chắc tay. Hình rìu này là sức mạnh và quyền uy. Từ hình tượng ban đầu đó, phát triển dần lên, ngày càng hoàn chỉnh thêm thành chữ “vương” có 3 nét ngang to đậm, một nét nhỏ nối giữa tức là “tam liên” tượng trưng cho vương quyền của nhà vua. Theo giải thích của nhiều tài liệu, 3 nét ngang là tam tài: thiên, địa, nhân, nét giữa là sự liên kết giữa “tam tài” ý chỉ sự thống trị được thiên hạ, nếu không, thiên, địa, nhân vẫn chỉ là chữ “tam”, con số “nhị dương” bình thường. Thế mới gọi là “tam liên vi vương tự”, Phan Huy Chú không chỉ mô tả dáng kiểu đặc biệt của kiến trúc mà còn nhấn mạnh ý nghĩa đặc sắc của kiến trúc. (Chú ý: nét nối không gọi là ngôi,tòa).
Còn chữ “công” thì sao ? Chính điện nếu kiến trúc chữ “công” không thể là điện thị triều nơi vua ngự trị “trị quốc an dân” với cương vị một hoàng đế, một thiên tử vâng mệnh trời “thuận thiên hành hóa”. Vì chữ “công” là công cụ, là người giúp việc. Tự dạng chữ “công” này cũng có nghĩa khéo léo, chặt chẽ...Tượng hình ban đầu của chữ “công” là con dao thời thượng cổ theo hình vẽ trên giáp cốt văn và kim văn. Lưỡi dao này phải to phình ở giữa để chặt, chém, cắt cứa đều có tác dụng tốt. Phần chuôi dao cũng phải tòe ra để cầm nắm được vững chắc. Nó tượng trưng cho vai trò đắc lực của kẻ làm công cụ phục vụ, giúp việc bề trên đầy sức mạnh và quyền uy là vua.
Nhưng tại sao, thực tế nền móng chính điện Lam kinh chỉ thấy chữ “công” ?
Nhà Lê mất vào tay Tây Sơn, tiếp nhà Nguyễn, kinh đô trước sau đều chuyển đặt ở Phú Xuân. Di tích quan trọng bậc nhất tiêu biểu cho vương quyền nhà Lê là chính điện Kính Thiên, ở Đông kinh đã bị sửa chữ “vương” làm chữ “công”, chính mắt Trương Vĩnh Ký quan sát thấy chỉ có “2 tòa” (Nhà nối không thể gọi là tòa) và Prédéric Garcin chỉ thấy 3 dãy thềm. Ở Đông kinh (Hà Nội) đã như vậy, lẽ nào điện Kính Thiên ở Lam kinh (Lam Sơn-Thanh Hóa) vẫn tồn tại “3 tòa” để làm “tam liên vi vương tự” ? (nét nối ở giữa là nhà liên thông, liên kết, không gọi là tòa).
Với các công trình kiến trúc chính yếu của đế vương thời xưa, điều kiện địa lý-phong thủy vô cùng quan trọng.
Xét về quy chế xây dựng và địa lý phong thủy đúng như lời Phan Huy Chú, chính điện Đông kinh (Hà Nội) với chính điện Lam kinh (Thanh Hóa) hoàn toàn giống nhau. Từ ngoài cổng hoàng thành đi vào, qua sông Ngọc Khê, ở Thăng Long gọi là sông Ngọc Hà, trên sông có Ngọc Kiều, qua Ngọc Kiều đến Ngọ Môn, qua cửa Ngọ Môn đến hồ Long Trì, sân rồng, tiếp đến Đan Trì, thềm rồng 9 bậc, chia ba lối lên, hai rồng đá đầu to, cất cao, hai bức vân hóa long. Phong cách rồng đá và vân hóa ở đây (Lam kinh) so với rồng và vân hóa ở thềm điện Kính Thiên (Hà Nội) hiện còn sót lại đều giống nhau như chung một khuôn mẫu.
Chỉ trước điện Kính Thiên hay trước điện Thị triều theo cách nói của Phan Huy Chú mới có hồ Long Trì hình chữ nhật, người đời quen miệng gọi là hồ “bán nguyệt”. Thực ra “bán nguyệt” là nửa vòng tròn, mặt trăng là tượng “âm”, chỉ ở khu lăng mộ, lăng tẩm đế vương. Hồ Long Trì trước chính điện luôn có nước dẫn thủy long mạch, phong thủy học gọi là “Long thủy đáo đan trì”, một nguyên tắc không thể thiếu hoặc thay đổi trong xây dựng điện Kính Thiên. Tài liệu khảo sát của Louis Bezacier vẽ một cái hình chữ nhật, bốn góc hơi lượn, ở giữa đề chữ “Le lac” tiếng Pháp là cái hồ.
Yếu tố phong thủy thứ hai là sông Ngọc Hà trước điện Kính Thiên Đông kinh (Hà Nội) và sông Ngọc Khê trước chính điện Lam kinh (Thanh Hóa). Sông Ngọc Hà Hà Nội đã thành bình địa, dấu xưa còn để lại là làng Ngọc Hà, theo các nhà Hà Nội học. Sông Ngọc Khê Lam kinh may mắn chưa bị vùi lấp nhưng cũng không còn nguyên vẹn thế tự nhiên của nó. Sông Ngọc Hà cũng như Ngọc Khê là thủy long mạch, giữ vai trò phong thủy hết sức quan trọng là “Tốn thủy nhiễu điện đình”. Dòng sông từ phía tây chảy về nam, qua trước chính điện, ôm vòng lấy chính điện, nước lượn chảy như lưu luyến không muốn dời đi, lại như cánh tay thiên tạo trìu mến, ôm ấp, bảo vệ điện đình, như hình cánh cung thần kỳ đang giương bắn để chống lại mọi kẻ thù vô hình và hữu hình.
Yếu tố phong thủy quan trọng thứ ba: Đông kinh có hồ Kim ngưu, Lam kinh có Tây Hồ. Đó là “não thủy” của Đông kinh và Lam kinh trong đó sừng sững ba tòa chính điện chữ “vương”.
Yếu tố phong thủy quan trọng thứ tư: Chính điện Lam kinh lấy Du sơn là “hậu chẩm”, Mục sơn làm “tiền án” (tiền án Lam Sơn lại là Chủ Sơn) thì chính điện Đông kinh có núi Tam Sơn “hậu chẩm” và dãy Chiêu Sơn “tiền án”.
Tóm lại, đặc điểm kiến trúc, chính điện Lam kinh: Nhà 9 gian, thềm rồng 9 bậc, hai đôi rồng bò từ trên thềm xuống, có sân rồng, có hồ Long Trì, có lầu Ngọ môn, có Tả vu, Hữu vu,.v...Đó chỉ có thể là chính điện Kính Thiên, hay điện Thị triều theo chữ của Phan Huy Chú mà không thể là miếu điện hay hành cung.
Tại sao chính điện Lam kinh không thể là điện Thái miếu hay điện hành tại, hành cung ?
Chính điện Lam kinh không thể là điện miếu, Thái miếu:
Vì theo quy chế kiến trúc cung đình thời Lê, Thái miếu chín tòa theo Lễ kinh, kiểu đồng đường dị thất, không thể có kiểu điện miếu 9 gian. Điện miếu hay Thái miếu chỉ có 5 bậc thềm và một đôi rồng, không thể hơn. Đó là nơi thờ vua đã chết. Tại Lam kinh, Lê Thái tổ không có đền thờ riêng. Ngài cũng được thờ ở miếu chính của Thái miếu. Thánh vị Ngài đặt phía trước, thánh vị cha, ông, cố đặt phía sau, cho nên Phan Huy Chú mới bình là: Con dẫu lớn hơn cha cũng không thể ăn trước cha. Nhưng đó là quy định thời từ đời trước, các đời sau không dám thay đổi.
Hoàn toàn không thể có chuyện thờ Lê Thái tổ trong chính điện (điện Kính Thiên) Lam kinh. Lý do đơn giản đó là qui định của triều Lê chép rõ trong Lễ nghi chí của Phan Huy Chú. GS Trần Lâm Biền khẳng định trong tham luận: “Trước Thái tổ đã có Thái miếu hoặc có đền thờ riêng (có khi cho từng vị cụ thể). Sau Thái tổ đã có Thế miếu. Còn Thái tổ thường có đền thờ riêng, như ở Lam kinh đã có đền riêng...” Không đúng ! GS Biền đã không hiểu đến cả từ Thế miếu là gì nên đã lầm lẫn Lam kinh với kinh đô Huế. Lam kinh tuyệt nhiên không có Thế miếu, chỉ kinh đô Huế, ngoài Thái miếu thờ các đời chúa Nguyễn, còn có Thế miếu thờ các vua Nguyễn. Cũng chỉ ở kinh đô Huế mới có điện Phụng Tiên thờ Thế tổ Cao hoàng đế tức vua Gia Long và Hoàng hậu. Hay GS Biền muốn nói đến ngôi đền thờ Lê Thái tổ của xã Xuân Lam ? Điều này lại càng sai to ! Bởi đền này mới dựng khoảng những năm “30” nằm ở ngoài khu vực Lam kinh.
Chính điện Lam kinh không thể là hành tại, hành cung.
"Đại Việt sử ký toàn thư"chép rõ:
“Ngày Nhâm Ngọ, vua đến Lam kinh, làm lễ yết lăng miếu. Tháng 3 ngày mồng 1 (1448) của ban yến cho các quan ở hành tại bến sông”.
Hành tại ở bến sông là hoàn toàn hợp lý, vì vua Lê từ Đông kinh về Lam kinh phải đi đường thủy, dừng lại bến cuối cùng: bến Mục Sơn, rồi từ đây rẽ vào Tây Hồ, theo sông Ngọc Khê bằng thuyền nhẹ đến bến Tế Độ bên cầu Ngọc Kiều trước cổng Ngọ môn. Từ cổng Ngọ môn chiếu thẳng hướng Nam tới núi Mục Sơn bên núi Mục Sơn, tiền án chính điện Lam kinh.
Bản “Dự án nội thất chính điện Lam kinh” lần thứ 2 bỏ chức năng thờ cúng, cho đây là nơi vua làm việc và nghỉ ngơi cùng hoàng hậu, hoàng phi. Nhưng hãy giở lại "Đại Việt sử ký toàn thư"sẽ thấy Lê Thánh tông đã có lệnh cấm các quan không được lén lút mang theo vợ con làm ô uế nơi tôn nghiêm, lẽ nào nhà vua ngủ nghỉ cùng hoàng hậu, hoàng phi ở ngay chính điện (điện Kính Thiên) thì không “làm ô uế nơi tôn nghiêm” ? Vậy, trước nói là tên miếu điện, nay chuyển sang tên hành cung, có tùy tiện quá chăng ? Riêng danh hiệu Sùng Hiếu đã nói lên nơi thờ cúng tổ tiên rồi, sao lại định đem đặt tên cho "hành cung" ngủ nghỉ của vua ? Mà hành cung đó lại vốn là điện Kính Thiên ? Theo thông lệ, hành cung hay hành tại đều không đặt tôn hiệu, tôn danh riêng, địa điểm ở đâu thì lấy địa danh nơi đó. Ví dụ hành cung Hồng Mai, hành cung Nghệ An, hành cung Thúy Ái,.v.v...Những hành cung này về kiến trúc đều có quy định, thông thường nhà chính 5 gian, nhà bếp 3 gian hoặc 5 gian bậc thềm cao nhất 5 bậc, chung quanh đều có tường rào, các quan và quân lính ở dinh trại vòng ngoài,v.v...
Bởi dự đoán mò chức năng chính điện Lam kinh, nội dung bài trí, trang hoàng bên trong đều lúng túng và sai be bét. Ví dụ: Chiếc trống đồng, “Dự án” cho treo trên xà tiền điện chữ “công”, GS Biền bảo phải đem về hậu điện “đặt ở sát tường” ! Điện vua sao treo trống giống như nhà lý trưởng treo trống làng lên xà nhà ? Đến nghè thờ thần thành hoàng cũng có giá chiêng, giá trống, lẽ nào điện vua tùy tiện thế ? Làm gì có chuyện các quan đứng chầu ở trong điện ? Chính điện Lam kinh không thể bắt chước điện Thái Hóa Huế đương đại, vì họ trưng bày nhằm mục đích phục vụ du lịch. Còn chính điện Lam kinh phải phục hồi di tích lịch sử cho tốt đúng luật di sản, phát huy tác dụng di tích lịch sử để từ đó phục vụ du lịch chắc chắn sẽ tốt hơn.
Biến điện Kính Thiên thành Thái miếu, Điện miếu đã là sai. Nay lại dung hòa, gộp cả chức năng điện miếu thờ và hành cung, hành tại ngủ nghỉ cho điện Kính Thiên (kính trời) lại càng sai to.
Đây là vấn đề khó, cần thận trọng. Không được dùng chức tước khoa học để áp đặt. Thế mới là khoa học, là lịch sử. Nếu không, không phải là “Di tích lịch sử Lam kinh” mà chỉ là xuyên tạc “Di tích Lam kinh” mà thôi.
HTP
Nguồn tài liệu trích dẫn và tham khảo:
-Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mục.
-Viện Hán Nôm, Viện
-Sách viết về kinh thành Huế, Thăng Long-Hà Nội.
-Tài liệu nghiên cứu của tác giả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét