Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

NĂM ĐẶT TÊN ĐỊA DANH HÀNH CHÍNH THANH HÓA mốc 1029 hay 1082 ?

HOÀNG TUẤN CÔNG

Đền Đồng Cổ ở Đan Nê-An Định-Thanh Hóa
Nước Việt Nam ta, tỉnh Thanh Hoá là một trong số rất ít tỉnh nhà nước phong kiến đặt cho nhiều tên nhất: Cửu Chân, Ái Châu, Thanh Hoá, Thanh Hoa,  Thanh Hoá…

Về cương vực (địa giới), từ bộ Cửu Chân thời Hùng vương đến Ái Châu nhà Lương, Ái Châu nhà Đường đều chưa thật ổn định. Đến đời nhà Lý, tên Thanh Hoá ra đời, địa giới bắt đầu dần dần đi vào ổn định và thật sự ổn định vào đầu đời Thiệu Trị, trong những năm 1841-1843 cho đến thời thuộc Pháp.
          Thời vua nhà Lý dài 217 năm (1010-1226), triều đình đặt tên Thanh Hoá với tư cách một địa danh hành chính trực thuộc chính quyền Trung ương từ bao giờ ? Hai bộ sử lớn nước ta được xem là chính sử, quốc sử: Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mục đều không ghi chép rõ. Vì thế mới thành vấn đề phải trao đổi ý kiến, phải bàn luận.
          Tháng 11/2011, Sở Văn hoá TT Du lịch Thanh Hoá phối hợp với Hội khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức cuộc Hội thảo khoa học “Thanh Hoá đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương khởi đầu và diễn biến”. Theo bản báo cáo Đề dẫn hội thảo khoa học của ông Nguyễn Văn Tuấn, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở văn hoá TT và Du lịch Thanh Hoá, trong 17 báo cáo tham luận, có nhiều ý kiến khác nhau căn bản trên những tư liệu tham khảo khác nhau hoặc có giống nhau nhưng không cùng kiến giải.
Đọc tài liệu kỷ yếu Hội thảo của Hội khoa học lịch sử Việt Nam-Sở văn hoá văn hoá TTDL Thanh Hoá (Ấn hành 24-12-2011) chúng ta thấy riêng vấn đề “Tên gọi Thanh Hoá đặt ra từ bao giờ ?” nổi lên hai nhóm tác giả:
Nhóm thứ nhất: NNC Hoàng Tuấn Phổ, PGSTS Đỗ Bang - ThS Trần Văn Quyến (Huế), PGSTS Lâm Bá Nam (Hà Nội) cho rằng tên Thanh Hoá đặt ra năm 1029, đời vua Lý Thái tông (gọi tắt là Nhóm 1029)
Nhóm thứ hai: PGSTS Nguyễn Minh Tường, PGSTS Nguyễn Hải Kế, PGSTS Trịnh Khắc Mạnh, PGSTS Lê Đình Sĩ,v.v…(15 tác giả) nhất trí: tên Thanh Hoá được nói đến từ năm 1082 đời vua Lý Nhân tông ( gọi tắt là Nhóm 1082).
          Căn cứ tài liệu chủ yếu của Nhóm 1029: phần khảo cứu chú giải của Quốc sử quán triều Nguyễn, một công trình công phu nghiêm túc, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, và một số công trình khác: Dư địa chí của Nguyễn Trãi, do GS Hà Văn Tấn chú thích về mục Thanh Hoá, Việt sử địa dư của Phan Đình Phùng,.v.v…Nhóm 1082 luận cứ trên cơ sở mấy tấm bia đá đời Lý Nhân tông ở Thanh Hoá: Bia chùa Báo Ân núi An Hoạch, Bia chùa Ngưỡng Sơn Linh Xứng, sách Lý Thường Kiệt của Hoàng Xuân Hãn,v.v…
          Luận điểm của Nhóm 1029 bị Nhóm 1082 (qua nội dung tham luận và tranh luận tại hội thảo) bác bỏ, vì: 1/Khi đưa ra niên đại 1029, Quốc sử quán triều Nguyễn không cho biết căn cứ vào tài liệu nào. 2/ Tại sao từ sau 1029 quốc sử vẫn còn nhắc đến tên Ái Châu mỗi khi xảy ra sự việc quan trọng ? Dường như đã tính trước được sự phản biện này, trong tham luận của Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ đã lần lượt giải thích thoả đáng: 1/Cách làm việc của Quốc sử quán triều Nguyễn rất công phu nghiêm túc, rất đáng tin cậy, theo cách khảo cứu, chú thích thời xưa, có nhiều trường hợp không phải cần dẫn chứng tư liệu. Ngay như GS Hà Văn Tấn, một nhà khoa học nổi tiếng chú thích Dư địa chí của Nguyễn Trãi, mục Thanh Hoá, ghi rõ là “Năm Thiên thành thứ 2 (1029) đổi làm phủ Thanh Hoá” mà có nói theo tài liệu nào đâu ! Nghĩa là nhà khảo cứu xét thấy trong “chú thích” lại phải làm thêm “khảo cứu”, “chú thích” nữa thì không cần thiết. Cách chú thích khoa học nhất là ngắn gọn, rõ ràng, chính xác. Lẽ nào một nhà khoa học đầu ngành lịch sử Việt Nam rất giỏi về thư tịch học, Thạch học, văn bản học như GS Hà Văn Tấn không biết đến cả mấy tấm bia thời Lý ở Thanh Hoá và cuốn sách biên khảo của Hoàng Xuân Hãn về mấy tấm bia này ?
2/ Từ sau 1029, Ái Châu đổi làm Thanh Hoá, một số sự kiện như đánh giặc Đãn Nãi, vẫn dùng địa danh Ái Châu, tên một đơn vị hành chính tương đương quận, huyện vẫn còn dùng cùng với quận Cửu Chân, thuộc phủ Thanh Hóa từ 1029.
Có thể nhận thấy rõ, những cứ liệu làm luận điểm của Nhóm 1082 chỉ được Nhóm 1029 nhắc đến trong tham luận của mình như một loại sự kiện xảy ra được nhắc đến tên Thanh Hoá, không phải là sự kiện đặt tên Thanh Hoá bắt đầu từ đó. Ví dụ:
Bia chùa Báo Ân núi An Hoạch, tác giả Chu Văn Thường viết về Lý Thường Kiệt: “Chí Nhâm Tuất chi tuế, hoàng đế đặc gia Thanh Hoá nhất quân, tứ công phong ấp…” Dịch nghĩa: “Đến năm Nhâm Tuất (1082) nhà vua đặc biệt ban thêm cho một quân Thanh Hoá, cho ông làm phong ấp…” (Thơ văn Lý - Trần). Đối chiếu Đại Việt sử ký toàn thư và Khâm định Việt sử thông giám cương mục, năm Nhâm Tuất, kỷ Lý Nhân tông, chỉ ghi chép mỗi một sự kiện: “Nhâm Tuất, năm thứ 7 (1082) mùa xuân, đem công chúa Khâm Thánh gả cho châu mục châu Vị Long là Hà Di Khánh”. Ngoài ra không còn sự kiện nào khác. Sự kiện Lý Thường Kiệt được vua nhà Lý đặc biệt cho giữ thêm việc trông coi Thanh Hoá và cuối đời Lý Nhân tông. Đối chiếu văn bia chùa Linh Xứng núi Ngưỡng Sơn chép: “Anh Vũ Chiêu Thắng sơ, bao thiên tử nghĩa đệ, tri Ái Châu Cửu Chân quận ( ) Thanh Hoá trấn chư quân sự, phong thực Việt Thường vạn hộDịch: Đầu năm Anh Vũ Chiêu Thắng, (1076-1084), Thái uý được phong làm em nuôi vua, trông nom mọi việc quân ở các châu thuộc trấn Thanh Hoá, quận Cửu Chân, châu Ái và phong cho thái ấp một vạn hộ ở Việt Thường (Thơ văn Lý - Trần). Như vậy, đầu năm Anh Vũ Chiêu Thắng phải là năm 1076, không thể là năm 1082 vì năm 1082 đã sang khoảng cuối niên hiệu Anh Vũ Chiêu Thắng, chỉ còn hai năm (1082-1084) là hết niên hiệu. Có lẽ các nhà khoa học đã lầm lẫn chữ và chữ bao. Theo đúng mặt chữ Hán, chữ () này là bắt đầu, đầu tiên (niên hiệu Anh Vũ Chiêu Thắng) tức là năm 1076, còn chữ bao() này là bao phong, khen ngợi mà phong cho là Thiên tử nghĩa đệ(em nuôi vua), bị nhầm là chữ bao() là bao bọc, bao gồm, rồi ghép hai chữ sơ, bao trong câu Anh Vũ Chiêu Thắng sơ, bao thiên tử nghĩa đệ lại thành Anh Vũ Chiêu Thắng sơ baovà hiểu sai lệch thành khoảng những năm đầu Anh Vũ Chiêu Thắng. Tuy nhiên cho dù cách hiểu này là đúng thì những năm đầu cũng chỉ vào khoảng 1076 – 1078, từ 1079 đến 1081đã là khoảng giữa niên hiệu. Các tác giả không thể suy diễn theo ý muốn chủ quan của mình.
          Chúng ta cũng cần xem lại con số 19 năm Lý Thường Kiệt làm quan ở Thanh Hoá. Chức Tri Ái Châu quận Thanh Hoá trấn chư quân châu sự không phải là chức trọng nhậm mà là chức kiêm nhiệm. Chức quan chính của ông là ở Kinh đô. Đặc biệt từ sau Lý Thái tông mất, Lý Nhân tông nối ngôi còn nhỏ, mới 7 tuổi, Thái sư Lý Đạo Thành đang giúp đỡ chính sự, lấy chức Tả giám nghị đại phu ra coi châu Nghệ An. Sử thần Ngô Sĩ Liên bàn rằng: Có lẽ vì Nhân tông nghe lời mẹ đẻ (Ỷ Lan) giết thái hậu Thượng Dương, Đạo Thành vì can ngăn phải ra trấn bên ngoài (Đại Việt sử ký toàn thư). Năm Giáp Dần (1074), Đạo Thành được làm Thái phó Bình chương, tức là tạm quyền Tể tướng (Thái uý bình chương). Năm Ất Sửu (1085), Lê Văn Thịnh làm Thái sư tể tướng, Lý Thường Kiệt vẫn giúp nhà vua trông coi chính sự, quân đội và đánh giặc. Cho nên, các bia Báo Ân, Linh Xứng đã chép những chữ như đặc gia (đặc biệt ban thêm), gia kính (kính trọng mà ban thêm) chức trông coi việc quân ở Thanh Hoá.
          Nếu so sánh về số đông, các nhà khoa học thuộc về nhóm 1082 đông hơn nhóm 1029 nhiều lần. Tuy nhiên, khoa học không thuộc về số đông ! Thực tế cho thấy, vấn đề Danh xưng Thanh Hoá, mốc năm 1082, tư liệu trích dẫn thiếu chính xác, lập luận nhiều suy diễn, trong khi năm 1029 có căn cứ khoa học hơn ./.

(Nghe, đọc từ Hội thảo khoa học “Thanh Hoá đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương khởi đầu và diễn biến”)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét