Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

“NGOÀI TRỜI CÒN CÓ TRỜI”


      Hoàng Tuấn Phổ

Triệu Khuông Dẫn diệt nhà Hậu Chu lập ra triều Bắc Tống năm 960, phải mất gần 20 năm mới ngồi yên ngôi bá chủ Trung Quốc. Triệu Quang Nghĩa kế nghiệp anh, đang mưu tính mở rộng bờ cõi về phương Nam, nghe tin Lê Hoàn xưng Hoàng đế. Mười đạo quân của Lê Hoàn, các binh sĩ đều xăm trên trán ba chữ “Thiên tử quân”. Quang Nghĩa đùng đùng nổi giận xuống chiếu phát 30 vạn binh mã (quân số hư trương) chia ba đường đánh lấy Đại Việt, trừng phạt tội dám xưng “đế”, lại tự tôn là “thiên tử” ngang hàng vua Tống. 

Đây là dịp tốt để sáp nhập đát đai Nam Việt vào Trung Quốc. Năm 981, quân Tống bị nghiền nát ngay tại cửa Hàm Quỷ, ải Chi Lăng. Thủy binh Tống, đạo quân Lưu Trừng tiến vào sông Bạch Đằng, trong khi cánh quân Trần Khâm Tộ đã đến giang phận Tây Kết. Nghe tin đại tướng Hầu Nhân Bảo đã bị chém rơi đầu, chúng đều rụng rời tay chân, quay thuyền tháo chạy. Lê Hoàn sai Giang thuyền tướng quân Trần Ứng Long chỉ huy thủy binh truy kích địch.
Thủy quân Trung Quốc rất mạnh. Từ đời Tần Thủy Hoàng (250TCN) đã chế tạo được loại thuyền biển lớn, sai người đi về phía đông tìm thuốc trường sinh ở các hải đảo. Nhiều đoàn người không trở về, nghe nói vì họ chán ghét chế độ tàn bạo nhà Tần, thà ở lại nơi hoang đảo.
Cuộc xâm lược Việt Nam năm 981, thủy binh Tống đều dùng thuyền gỗ lớn, đè sóng lướt gió băng băng. Trần Ứng Long đem binh thuyền đón đánh địch ngay từ cửa Nam Triệu, nhưng thuyền nhỏ, lực lượng mỏng không địch nổi thủy quân Tống, đành phải rút lui. Lưu Trừng sai tiền quân nhổ hết những hàng cọc sót lại từ thời Ngô Quyền đánh giặc Nam Hán, để đại binh tiến thẳng vào sông Bạch Đằng.
Trần Ứng Long vốn quê vùng đồng chiêm trũng Ninh Bình. Nhà ông mấy đời làm nghề đan thuyền thúng dùng gặt hái, bắc ốc trên đồng chiêm. Mỗi người một thuyền vừa chèo bơi, vừa lao động, rất tiện lợi. Ứng Long cải tiến thuyền thúng bơi tay thành loại thuyền nan chống sào và có mái chèo. Chỉ trong vòng nửa tháng, người dân quê ông đã đan xong mấy trăm chiếc, xảm kỹ bằng vỏ cây sắn, nước không thể vào. Mỗi thuyền chở vài ba quân, khi di chuyển, một người vác chạy băng băng. Lúc cần thiết lại có thể dùng thuyền làm chiếc mộc lớn chống lại tên bắn, giáo đâm rất hiệu quả.
Hai bên bờ sông Bạch Đằng mọc nhiều lau lách, cỏ rậm, thuyền nan nấp sẵn trong bụi chờ quân Tống đến lao vụt ra, bất ngờ xông vào giữa đoàn thuyền địch. Thuyền nam khá nhẹ, len lỏi, né tránh nhanh như sóc. Thuyền gỗ to nặng, tiến, lui, quay, trở khó, thành chậm chạp. Những chiếc thuyền nan bị thủng lại hóa thành chỗ ẩn nấp để thủy quân ta tiếp tục chiến đấu. Trong đánh giáp lá cà, những sào chống, bai chèo đều là vũ khí lợi hại.(1) Lưu Trừng bối rối, tiến thoái lưỡng nan, đành cho thuyền co cụm lại, tạm đóng trên khúc sông Phả Lễ gần thượng lưu Bạch Đằng.
Trong khi đó đoàn thuyền Trần Khâm Tộ theo cửa sông Cái vào đến Tây Kết (Khoái Châu) thì dừng lại chờ tin Lưu Trừng để cùng phối hợp chiến đấu. Tin tức Hầu Nhân Bảo bị đánh  tan cả đoàn quân cả mấy chục vạn không còn mảnh giáp, Lưu Trừng, Trần Khâm Tộ đều quay đầu chạy trước. Lê Hoàn sai dùng thuyền nhẹ truy kích địch đến tận cửa biển, bắt sống hai tướng giặc Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huân. Về cuộc chiến đánh bại quân Tống xâm lược năm 981, đại sử gia Lê Văn Hưu viết: “Lê Đại hành giết Đinh Điền, bắt Nguyễn Bặc, bắt Quân Biện, Phụng Huân, dễ như lừa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà cõi bờ yên tĩnh, cái công đánh lấy tuy nhà Hán nhà Đường (hai đời cường thịnh nhất thời phong kiến Trung Quốc) cũng không hơn được.”
Triệu Quang Nghĩa (Tống Thái tông) bị đau hơn hoạn, sai giết hết bọn tướng bại trận chạy trốn về nước ! Nhưng không dám đánh báo thù Đại Việt, vì triều Tống biết rõ, đánh nữa càng thua đau hơn ! Lê Hoàn tuy không sợ quân Tống, nhưng ông cũng như các vị quân sư Khuông Việt, Đỗ Thuận đều không muốn chiến tranh, chỉ mong hai nước Trung Hoa-Đại Việt đời đời hòa hảo.
Năm 987, nhà Tống lại sai Lý Giác làm sứ giả sang Đại Việt. Lý Giác hay chữ nổi tiếng, là Quốc tử giám bác sĩ, vua Tống biết Lê Hoàn có tài ăn nói, mà triều đình cũng lắm người giỏi văn chương nên không thể sai những sứ giả không xứng đáng. Lê Hoàn bảo nhà sư Đỗ Thuận làm lái đò đi đón sử giả. Lý Giác tính hay nói văn thơ, nhân thấy một đôi ngỗng trời đang bơi trên sông, chợt nhớ bài thơ nổi tiếng đời Đường của Lạc Tân Vương, cao hứng, hắng giọng ngâm:
Nga ! Nga ! lưỡng nga nga !
Ngưỡng diện hướng thiên nha
(Ngỗng ! Ngỗng ! Ngỗng một đôi
Ngẩng mặt ngóng chân trời)
Lý Giác mới ngâm được hai câu, chưa biết nên chăng thế nào, dừng lại ngắm đôi ngỗng. Đỗ Thuận cầm mái chèo khua mạnh một cái rồi ngâm tiếp:
Bạch mao phô lục thủy
Hồng trạo bãi thanh ba
(Nước biếc phô lông trắng
Chèo hồng sóng xanh bơi)
Lý Giác giật mình kinh sợ, không ngờ một người lái đò nước Nam cũng thông thạo văn thơ đến thế.
Bài thơ “Vịnh Ngỗng" của Lạc Tân Vương nguyên tác 4 câu:
Nga! Nga! Nga!
Khúc hạng hướng thiên ca
Bạch mao phù thủy lục
Hồng chưởng bãi thanh ba.
(Ngỗng ! Ngỗng ! Ngỗng!
Cong cổ ngóng trời kêu
Lông trắng nổi trên mặt nước
Bàn chân hồng khua sóng xanh.)
Bởi trước mắt Lý Giác chỉ có hai con ngỗng, và hai con ngỗng ấy ngóng trông về phía chân trời xa chứ không ngẩng lên trời kêu, ông thêm và chữa mấy chữ để hợp  cảnh hợp tình, là chuyện thường thấy ở người xưa yêu thích thơ văn của nhà thơ nổi danh như Lạc Tân Vương. Ông chưa biết nên sửa tiếp như thế nào, Đỗ Thuận đã đỡ lời ông, thay bằng mấy chữ rất tài tình. Bài thơ “Vịnh Ngỗng” Lạc Tân Vương làm năm mới 10 tuổi, thực ra chưa phải đã thật toàn bích. Đỗ Thuận thay chữ “phù”là nổi bằng chữ “phô” khoe, thay chữ “hồng chưởng”bàn chân hồng bằng chữ “hồng trạo”mái chèo hồng làm cho câu thơ trở nên tuyệt cú ! Ở đây không hề có chuyện Lý Giác và Đỗ Thuận “đạo” thơ Lạc Tân Vương, mà chỉ là câu chuyện vui về thơ, vì bài “Vịnh Ngỗng” của Lạc Tân Vương đã quá nổi tiếng, mấy ai không biết.
Lý Giác dù sau đó biết Đỗ Thuận chỉ đóng vai ông lái đò, vẫn rất khâm phục nhà sư. Lý Giác về đến sứ quán, gửi cho Đỗ Thuận một bài thơ:
Hạnh ngộ minh thì tán thịnh du,
Nhất thân nhị độ sứ Giao Châu.
Đông đô lưỡng biệt tâm vưu luyến
Nam Việt thiên trùng vọng vị hưu.
Mã đạp yên vân xuyên lãng thạch
Xa tri thanh chướng phiếm trường lưu
Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu
Khê đàm ba tĩnh kiến thiềm thu.
(May gặp thời bình được giúp mưu
Một lần hai lượt sứ Giao Châu
Đông đô mấy độ còn lưu luyến
Nam Việt nghìn trùng vẫn ước cầu
Ngựa vượt khói mây xuyên đá chởm
Xe qua rừng biếc vượt dòng sâu
Ngoài trời lại có trời soi nữa
Sóng lặng khe đầm, bóng nguyệt thâu.
Bản dịchĐại Việt sử ký toàn thư)
Đỗ Thuận đem bài thơ Lý Giác dâng vua Lê Hoàn. Vua cho gọi Đại sư Khuông Việt xem. Sư Khuông Việt nói: “Thơ này có ý tôn trọng bệ hạ không khác gì vua Tống”. Lê Hoàn khen ý thơ, đặc biệt câu: “Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu”nghĩa là: Ngoài trời lại có trời nên soi sáng xa...tặng cho các thứ rất hậu. Khi Lý Giác từ biệt ra về, vua sai Khuông Việt làm bài hát để tiễn chân. Lý Giác lậy tạ trở về Trung Quốc.
Theo sách “Thơ văn Lý Trần tập I” (NXB Khoa học xã hội-Hà Nội 1977) của Viện văn học: “Theo ý kiến giáo sư Đặng Thai Mai thì hai câu cuối cùng, ngoài nghĩa xưa nay vẫn hiểu là có ý thừa nhận vị trí độc lập của nước Đại Việt và ngôi thiên tử của vua Lê Đại hành (Lê Hoàn) ra còn có thể mang một nghĩa bóng không đẹp đẽ. Và đó chính là thâm ý của viên sứ giả phương Bắc.”
Tôi, người viết bài này thiển nghĩ: Giáo sư Đặng Thai Mai, nhà nghiên cứu cổ văn uy tín, nhà Hán học uyên bác, ông rất “thâm nho” nên không lạ gì cái “thâm nho” của nhà nho Trung Quốc và người Trung Quốc nói chung. Chúng ta cần cảnh giác khi tiếp cận loại văn bản của họ, nhất là thơ văn thường “ý tại ngôn ngoại”. Tuy nhiên, với bài thơ Lý Giác tôi thấy viên Quốc tử giám bác sĩ họ Lý đã bày tỏ tấm lòng thành thực, hoàn toàn không có dụng ý xấu, xỏ xiên, bóng gió:
Đông đô lưỡng biệt tâm vưu luyến,
Nam Việt thiên trùng vọng vị hưu.
(Hai lần từ biệt Đông đô, lòng càng lưu luyến. Đất Nam Việt xa xôi nghìn trùng [tôi] vẫn ngóng trông hoài)
Thiên triều Trung Quốc dù bị đánh cho vỡ mật bay hồn, vẫn cậy nước lớn, mỗi lần sai sứ mang chế sách sang phong, trong đó nội dung hết sức ngang ngược, Lê Hoàn đều nhận chiếu rất cung kính nhưng không bao giờ lậy (vọng bái thiên tử), có ý không công nhận vai trò Thiên triều, quyền uy thiên tử. Những sứ giả trí thức Trung Quốc như Lý Nhược Chuyết, Lý Giác, Tống Cảo, Vương Thế Tắc,...đều lấy “lễ” làm đầu, không dám xấc láo, nhũng nhiễu hay hạch sách việc nhận chiếu không đúng quy định thiên triều.(2)
Bài thơ Lý Giác, đặc biệt nhất câu kết:
Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu
Thì 4 chữ “Thiên ngoại hữu thiên” vốn là câu thành ngữ rất phổ biến của nhân dân Trung Quốc, tương tự câu thành ngữ Việt Nam: Ngoài núi này cao còn núi khác cao hơn(3). Hoàn toàn không có ý Đại Việt là bầu trời nhỏ trong bầu trời lớn Trung Quốc. Sứ giả Trung Quốc cũng như nhà Tống (và Nguyên, Minh, Thanh sau này) đều biết khá rõ Lê Hoàn chẳng những xưng “Đế” mà còn dám ngang nhiên tuyên bố mình là “Thiên tử” chẳng kém gì Thiên tử nhà Tống. Việc vua Lê nhận chiếu nhưng không lậy là một sách lược ngoại giao khôn khéo để tránh gây căng thẳng quan hệ hai nước tới mức đối đầu. Với câu thơ “Thiên ngoại hữu thiên” (Ngoài trời này còn có trời khác) Lý Giác đã dám nói lên một sự thật hiển hiên như quy luật của thiên địa, nhân sinh mà thôi.
                                                                 HTP-30/6/2014
Chú giải:
(1)- Đây chính là nghệ thuật chiến tranh “lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều”, sự dũng cảm mưu trí của dân tộc Việt Nam trong suốt mấy ngàn năm lịch sử giữ nước.
(2)-Sở dĩ trí thức “Thiên triều” thể hiện sự tôn trọng này là xuất phát từ thực lực sức mạnh của Đại Việt dưới tài chỉ huy của Lê Hoàn khiến quân Tống bao phen phải kinh hồn bạt vía.

(3)-Trung Quốc còn có các dị bản như: 人外有人(Nhân ngoại hữu nhân-Ngoài người này còn có người khác,) 山外有山 (Sơn ngoại hữu sơn-Ngoài núi này còn có núi khác)峰外有峰 (Phong ngoại hữu phong-Ngoài đỉnh núi này còn có đỉnh núi khác)...được dùng với ý: Không  có cái nào là nhất (tận thiện, tận mỹ). Cái này đã tốt, còn có cái khác tốt hơn; người này đã giỏi còn có người khác giỏi hơn. Đó là nhận thức về thế giới vô cùng vô tận.(Chú giải của Hoàng Tuấn Công)

Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

ĐÔI ĐIỀU VỀ HOÀNG TUẤN PHỔ

Ông bà Phổ ở quê-2013

               Đặng Ái

Hoàng Tuấn Phổ là một tấm gương tự học đáng khâm phục. Hoàn cảnh không cho phép ông được đến trường để học lên cấp này cấp nọ theo cái lẽ tự nhiên: “Mọi người sinh ra đều có quyền được sống, được học hành, được mưu cầu hạnh phúc...”


Vâng không được học theo cái lẽ tự nhiên, Hoàng Tuấn Phổ bắt tay vào cuộc trường - chinh - tự học đầy vất vả gian lao với sự đỡ đần, hy sinh của người vợ hiền thục, chịu thương, chịu khó để còn hơn chị Dậu của Ngô Tất Tố. Chị Dậu chỉ mong cho chồng con có miếng cơm manh áo, còn bà Phổ, bà cùng phấn đấu để ông có được tăm tiếng, vẻ vang với đời.
Hoàng Tuấn Phổ đã tự học để có được kiến thức của Nhà nghiên cứu. Khi nói điều này tôi nghĩ rằng: không phải nhà nghiên cứu với đầy đủ học hàm, học vị nào cũng có được cái khối kiến thức như của ông Phổ. Ấy là chưa nói sự sống động, linh hoạt, nhuần nhuyễn của nó. Người ta thường thấy ông Hoàng Tuấn Phổ ngồi lì bên bàn, chung quanh ngổn ngang sách vở, chữ ông tròn trịa, nét mực đậm màu. Trước kia ông làm quản bút gỗ, chấm mực tím. Rồi chuyển qua loại bút Trường Sơn, nét vẫn to và đậm. Rốt cuộc, nghĩa là cho đến bây giờ, ông đã xài bút bi. Nét chữ vẫn không thay đổi.
Tôi đồ rằng nét chữ là tính cách, là ý chí con người ?
Hoàng Tuấn Phổ cứ ngồi lì, chép đều đều hết dòng này qua dòng khác, trang này qua trang khác, không nôn nóng, không trễ nải. Bên ngoài phòng ông, người ta cười đùa, người ta trêu chọc nhau, người ta rượu chè và người ta...biết bao bon chen thế sự. Ông cứ ngồi mà viết. Mùa hè cái áo may ô, mùa đông đội mũ, lại cả khăn len trùm mặt.
Cái lối làm việc này thấy ảnh hưởng rất rõ trong các sáng tác: kịch, tiểu thuyết, bút ký, thậm chí cả thơ nữa ! Thừa cẩn trọng mà thiếu đột phá, hứng khởi. Mà ai cũng biết rằng, đối với sáng tác, các yếu tố sau phải đặt lên trước.
Có lần tôi nói với ông về điều này. Ông suy nghĩ khá lâu, rồ bảo: Ông cũng muốn đột phá lắm, hiền một nỗi...Tôi nghĩ bụng, thì cái chữ của ông nó thế còn gì. Qua mấy đời bút vẫn chẳng thay đổi tí nào !
Hoàng Tuấn Phổ là một nhà nghiên cứu. Ông sáng tác, một thời có nhiệm vụ sáng tác, và sau này, là muốn tận dụng cái “biết” của mình mà thôi.
Hoàng Tuấn Phổ viết gì ?
Ông có thể trò chuyện với người đời về lịch sử, triết học, thần học, văn hóa học...Về sân khấu nữa. Và tất nhiên cả lý luận văn học. Ông tỏ ra am tường những cái thuộc về xưa cũ, truyền thống của phương Đông. Một sự am tường trầm tĩnh, không bốc đồng, không khoe khoang, nhưng nếu ai hiểu một cái gì đó mà ông cho là sai lệch, dẫu nhỏ nhặt, ông cũng sẵn sàng “đọ gươm” để xác định chân lý. Có lẽ vì thế nên, mặc dầu đã hết sức giữ gìn, ông cũng đã vài ba lần vô tình làm đất bằng nổi sóng.
Lần đầu tiên tôi gặp Hoàng Tuấn Phổ cách đây khoảng ba mươi năm.
Ngày ấy các cuộc oanh kích của không quân Mỹ xuống miền Bắc đang rất ác liệt. Gia  đình tôi sơ tán ở Quảng Xương nên tôi xin về học ở trường huyện này. Nhưng ngôi trường cũng phải rời phố huyện vào ẩn náu ở cái làng Bái Trúc um tùm tán che.
Chúng tôi đào đất đắp thành bốn bức tường tránh đạn, lợp lên trên cái mái kè, gọi là lớp học. Thầy chủ nhiệm lớp tôi người Nghệ, lại dạy văn. Thầy hiệu trưởng cũng người Nghệ, lại cũng dạy văn. Có lẽ vì thế, cái sự nghiệp văn học ở trường được coi  trọng. Thầy hiệu trưởng thỉnh thoảng lại bình giảng thơ Bác Hồ, thơ Tố Hữu trên đài truyền thanh huyện. Còn thầy chủ nhiệm thì hay nhắc đến nhà văn bằng những lời kính cẩn. Chúng tôi hay tụ tập ở nhà thầy chủ nhiệm để học hành, trao đổi chuyện văn chương, đồng thời để được thấy cô con gái lớn của thầy. Một cô bé tuổi mười lăm đẹp nõn nà, hiền dịu.
Một hôm thầy chủ nhiệm đưa cho tôi một cuốn “tạp chí văn học” đã cũ và nói: Trong này có bài của Hoàng Tuấn Phổ. Tôi hỏi Hoàng Tuấn Phổ là ai, thầy khá ngạc nhiên: Em không biết à ? Người Quảng Xương ta đấy ! Thầy không biết rằng với bằng ấy lời, thầy đã vô tình áp đặt cho tôi một ý niệm rằng Hoàng Tuấn Phổ là một cái gì thuộc hàng “Đấng bậc” !
Và hôm ấy, ngay bên hiên căn nhà thầy, mái ngói, vách trát tooc-xi, giữa một khu vườn có hoa hồng và rau cải, tôi đã bị hút hồn về cái bài của Hoàng Tuấn Phổ trao đổi với giáo sư Hoàng Dật Cầu về Truyện Kiều.
Tôi không nhớ rõ nội dung bài viết, chỉ láng máng rằng, ông giáo sư người Trung Quốc kia đã nói những gì đó và ông Hoàng Tuấn Phổ bẻ lại. Ông Phổ bẻ từng điểm, mỗi điểm in cách nhau vài dòng, bằng thứ chữ nhỏ li ti rất...bác học !
Là một thằng học trò lớp 9, với tôi, thầy chủ nhiệm đã là cao siêu rồi, huống hồ ông giáo sư ngoại quốc. Vậy mà ông Phổ “Quảng Xương ta” lại “chơi” rất ngạo nghễ !
Vậy ông Phổ đúng là bậc ghê gớm thật rồi. Ghê quá đi chứ ! Quả tình, tôi không tin thầy tôi lại quen được một người ghê như thế. Nhưng ít lâu sau thì mối nghi ngờ ấy bị đánh tan, vì thầy tôi đã mời được Hoàng Tuấn Phổ đến chơi ! Một người đàn ông khoảng tuổi 30, thấp và đen chẳng có dấu hiệu gì về một nhà thông thái. Nhưng đó chính là Hoàng Tuấn Phổ. Hoàng Tuấn Phổ ngồi chuyện với thầy tôi, giọng đều đều chậm rãi. Tôi không nhớ hai người nói gì. Chỉ nhớ cái dáng ngồi của ông Phổ khá đình huỳnh và trong tay ông, cái quạt mo phe phẩy liên tục.
Sau năm 1970, tôi quen Hoàng Tuấn Phổ thực sự. Vì từ thời kỳ đó, hoạt động văn học nghệ thuật trong tỉnh trở nên rộn rịp. Các cuộc họp hành, các trại sáng tác, các cuộc giao lưu với bên ngoài mở ra nhiều. Đây cũng là thời kỳ xuất hiện và khẳng định một đội ngũ viết sáng giá sau này.
Thình thoảng Hoàng Tuấn Phổ kể cho tôi nghe những gì ông đã trải qua, đã chịu đựng. Mới hay sự gian lao vất vả không đời người nào giống đời người nào. Song dẫu sao Hoàng Tuấn Phổ cũng đã vượt qua tất cả, đã thành đạt, đã chiếm được ngôi vị trọng làng văn nghệ.
Nhìn một dãy tác phẩm gồm nhiều thể loại khác nhau của Hoàng Tuấn Phổ, ta có thể hỏi: đâu là tác phẩm chính, là cái nổi trội nhỉ ? Đâu là cái đỉnh của ông nhỉ ? Thật khó xác định khi ta chưa nghiên cứu kỹ.
Năm nay (1996-HTC chú thích) Hoàng Tuấn Phổ đã ngoại sáu mươi. Ông vẫn ngồi viết đều đều, hết dòng này đến dòng khác, hết trang nọ qua trang kia. Nhưng ông có thuận lợi hơn ngày trước. Bên cạnh bà vợ, ông còn có cả một đàn con đã phương trưởng, dìu dặt đi về. Nỗi lo miếng cơm manh áo đã đẩy lùi. Cái tâm đã tỉnh, kinh nghiệm đã dày. Tôi cứ mong cho Hoàng Tuấn Phổ tạo được cái đỉnh chói lọi ở chặng nước rút này.
               Nhà văn Đặng Ái - Chủ tịch Hội VHNT Thanh Hóa
                                          (Tạp chí văn nghệ Thanh Hóa8/1996)


Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

Cuộc chiến ngàn năm

THUỐC NAM-THUỐC BẮC
Một hiệu thuốc của người Việt
    Hoàng Tuấn Phổ
Mỗi dân tộc, để sinh tồn, phải có nền y học dân tộc riêng của mình. Truyền thuyết Trung Hoa nói vua Thần Nông mỗi ngày nếm 100 thứ cây cỏ, trong đó có 70 thứ độc, nhiều lần ông bị ngộ độc suýt chết, nhưng cũng nhờ có loại cây cỏ giải độc nên thoát chết. 

Bởi vậy, vua Thần Nông đã tìm ra thuốc chữa bệnh. Việt Nam cũng có vua Thần Nông, vua của nghề nông, không phải một mà nhiều ông, rất nhiều ông. Thần Nông Việt Nam không liều mạng như Thần Nông Trung Quốc. Ông thông minh hơn, biết dựa vào thiên nhiên, nhờ vào động vật sống trong thiên nhiên để tìm ra cây lành, cỏ độc. Con chó mẹ sau khi đẻ con ra vườn tìm ăn một thứ lá cây, thành tên chó đẻ, một vị thuốc quý. Con khỉ trên rừng bị tên bắn, hái lá đắp vào vết thương, người ta trông thấy, dựa vào đặc điểm đặt tên bồ cu vẽ. Trâu bò gặm cỏ trên đồng, loài dê ăn lá trên núi, cỏ lá gì chúng ăn là lành, thứ gì chúng thà nhịn đói chứ không đụng mõm là độc, v.v… Từ những kiến thức cơ bản ấy, người xưa không ngừng tìm tòi, thử nghiệm, tổng kết, dân gian truyền miệng, có chữ  thì ghi chép.
Lục địa Trung Quốc rộng lớn, núi cao, rừng rậm, cây cỏ nhiều. Trên cơ sở đó, dược liệu họ phong phú và phát triển. Nhưng khí hậu Trung Quốc tùy từng miền mà có khô hanh, lạnh giá, băng tuyết, cây cỏ không tươi tốt bằng phương Nam bốn mùa xanh màu xanh sự sống. Bản chất người Trung Quốc từ ngàn xưa, thích chiếm đoạt đất đai và ham làm giàu bằng nhiều thủ đoạn. Trẻ em Việt Nam cũng biết điều này, thường hay hát: “Ngộ bên Tàu là ngộ mới sang, sang Nam Việt bán buôn làm giàu…”. Một trong những con đường làm giàu của họ là thuốc Bắc. Thời Trần, chợ Cửa Đông lớn nhất kinh thành, riêng hẳn một phố Thuốc Bắc. Nhiều hiệu bán thuốc Bắc có cả thầy thuốc Bắc. Từ kinh thành, thuốc Bắc tỏa đi nhiều ngả đường đến các thị trấn, thắt chặt dây thòng lọng vào cổ thuốc Nam.
Thu hái thuốc Nam trong vườn nhà
Nhưng thuốc Nam không dễ chết. Ngược lại, có sức sống mãnh liệt riêng của nó. Đối diện với phố Thuốc Bắc chợ Cửa Đông là những hàng mẹt, thúng, mủng, chiếu bày la liệt những cây, lá, củ, quả… có tác dụng chữa bệnh, nhà nông thu hái từ rừng núi Hải Đông lên, Sơn Tây xuống. Nhiều dược vị Trung Quốc không có hoặc không tốt bằng, giá cả lại rất rẻ. Tại đây thương trường cũng là chiến trường. Người Trung Quốc mua dược liệu Việt Nam là tiêu thụ hàng hóa cho Việt Nam. Nhưng họ đem về nước sơ chế rồi lại bán sang nước ta giá đắt gấp nhiều lần với cái tên thuốc Bắc. Chỉ có thể dẫn ra một ít ví dụ: binh lang (hạt cau già), trần bì (vỏ quýt rừng), sinh khương (gừng sống), can khương (gừng phơi râm mát), khiếm thực (củ súng), liên nhục (hạt sen), long nhãn (cùi nhãn) v.v… Đại hồi mọc ở một số tỉnh biên giới Trung Việt, nhưng đại hồi chỉ mọc nhiều ở Lạng Sơn và chất lượng tốt nhất. Củ mài Việt Nam - Trung Quốc đều có, riêng củ mài Bắc Ninh tốt nổi tiếng (Hoài sơn). Trung Quốc trồng nhiều ở Quảng Tây, Quảng Đông giáp giới Việt Nam, cho quế nhục, quế bì, quế chi làm thuốc nhưng không tốt bằng quế Việt Nam, đặc biệt là quế Thanh Hoa (Trịnh Vạn) rồi đến Nghệ An (Quỳ Châu). Cho đến lộc nhung, gạc nai,… cũng vậy.
Năm 43, tướng xâm lược Mã Viện tiến vào Cửu Chân (Thanh Hóa) vơ vét trống đồng tiêu diệt linh khí phương Nam, linh hồn Lạc Việt. Mã Viện tiêu diệt nền văn hóa Việt Nam, không quên chất hàng xe đầy cây bo bo (hạt làm thuốc) Trung Quốc gọi là ý dĩ chở về nước. Những năm tháng Trung Quốc đô hộ Việt Nam, bắt dân ta phải tiến cống sừng tê, ngà voi, ngọc trai,… đều có tác dụng làm thuốc trị bệnh vô cùng quý hiếm…
Đời vua Trần Hiến tông đêm trăng trung thu chơi thuyền Hồ Tây, Thái tử Vượng ngã xuống nước, chỉ còn thoi thóp  thở. Vua triệu thầy thuốc giỏi Trâu Canh đến chữa. Trâu Canh là con Trâu Tôn, dòng dõi đại y sư Trâu Diễn. Trâu Tôn vào quân đội phục vụ quân xâm lược Nguyên Mông sang nước ta cướp phá. Quân Nguyên Mông đại bại, Trâu Tôn bị bắt, vua Trần tha tội vì y biết nghề thuốc. Trâu Canh nối nghiệp cha làm thuốc, rất được tín nhiệm. Đáng lẽ chỉ cần châm vào huyệt nhân trungmệnh môn hỏa, thái tử Vượng tỉnh lại ngay và khỏe mạnh bình thường. Nhưng Trâu Canh châm vào hiểm huyệt khiến thái tử Vượng lớn lên bị liệt dương, không thể sinh con nối dõi. Vua Hiến tông chỉ có Vượng là con trai, tất anh em trong họ tranh giành ngôi báu, tạo cơ hội để nhà Nguyên phát binh mã kéo sang đánh lấy Đại Việt dễ như thò tay vào túi lấy đồ vật.
Chị ruột thái tử Vượng, công chúa Thiên Ninh rất thông minh và quyết đoán, bằng mọi cách muốn em trai chữa khỏi bệnh liệt dương. Vua Hiến tông sai Trâu Canh tìm phương thuốc cứu chữa. Trâu Canh ra chợ Cửa Đông mua mấy hàng thuốc Nam các thứ thông dụng: Diêm sinh (lưu hoàng), cây chân chim (ngũ gia bì), củ súng (khiếm thực), củ mài (hoài sơn)… cho vua Dụ tông (thái tử Vượng) trong uống, ngoài đắp. Dụ tông quả nhiên khỏi bệnh. Nhưng Trâu Canh chưa cho gặp các cung nữ vội, bắt phải thông dâm với chị ruột (công chúa Thiên Ninh) ba lần… Sau đó, những cung nữ được chọn dâng lên vua do Trâu Canh đã bí mật gian dâm trước. Thời gian sau, bệnh Dụ tông tái phát như cũ, nhưng một số cung nữ vẫn có chửa! Thượng hoàng Hiến tông sai tra hỏi, họ đều thú nhận. Hiến tông khép Trâu Canh án tử hình. Dụ tông xin tha tội chết, chỉ cách tuột chức tước, vì dù sao y cũng có công chữa bệnh cho vua. Đám cung nữ xấu số bị đuổi ra khỏi cung. Họ không thể mang giống nòi Trâu Canh. Họ ra chợ Cửa Đông tìm đến các mế nàng bán thuốc Nam, xin được thương tình “cho” ấm thuốc lá…
Vua Dụ tông chết sớm, ngôi báu truyền sang Nhật Lễ. Vốn Lễ là con trai Kép hát Trung Quốc Dương Khuông do Cung Túc vương Nguyên Dục thích vợ anh ta đẹp, hát hay lấy về làm lẽ đã có mang 3 tháng, sau đẻ ra Nhật Lễ. Nhật Lễ được làm vua, ra lệnh tàn sát tôn thất, giết cả Thái hậu, đưa người họ Dương và phe cánh vào triều nắm giữ các chức vụ trọng yếu. Đất nước đứng bên bờ vực thẳm…
Thiên Ninh công chúa (chị ruột Dụ tông) họp gia nô làm lính, hẹn Cung Định vương Trần Phủ hội quân tại bến sông Đại Lại Thanh Hóa rồi kéo ra Thăng Long bắt giết Dương Nhật Lễ, đưa Trần Phủ lên ngôi làm Nghệ tông. Đất nước lại đứng vững sau cơn nguy biến nhất thời.
Thời Trần, Nho học nước ta bắt đầu phát triển. Những tài năng lỗi lạc, danh sĩ xuất chúng: Lê Văn Hưu, Chu Văn An, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Trung Ngạn, Lê Quát, Trương Hán Siêu… đều xuất thân cửa Khổng sân Trình. Nhưng quan trường đất chật, nho sĩ người đông, không “tiến vi quan” thì “đạt vi sư”. Ai cũng làm nho sư (thầy đồ) kiếm đâu ra học trò? Đành “sư” nào là “sư”: Địa lý sư, y sư, bốc sư, pháp sư,… Nhiều người chọn nghề thầy thuốc chữa bệnh cứu người, giúp đời. Họ nghĩ học thuốc Bắc dễ kiếm sống vì chỉ có thuốc Bắc mới có sẵn thầy để học, sách để đọc và thuốc Bắc để chữa bệnh. Họ xuất thân từ nông thôn, hành nghề ở nông thôn. Nhưng thuốc Bắc giá đắt, đa số nông dân nhà nghèo khó, vẫn dùng thuốc Nam là chính vì rẻ tiền, lắm khi không mất tiền. Ví dụ: Chị Cò có thằng Cu bị đi phân lỏng đến nhà thầy thuốc Nam hỏi “xin” tí thuốc. Thầy (chỉ là bà lang vườn) bảo: “Nhà chị về nhà hái mấy ngọn ngấn hương, mấy búp chè, mấy đọt ổi, thêm vài ba hạt muối, nhai nát trún cho cháu vài ba lần thì khỏi!” Chị Cò nghe lời thầy về làm theo, quả nhiên thằng Cu khỏi.
Ở nông thôn, thực tế, từ vườn ngõ nhà mình đến đầu làng cuối xóm, ngoài đồng ruộng, bái hoang, chỗ nào cũng mọc đầy cây cỏ có tác dụng chữa bệnh. Người dân nào cũng ít nhất biết một vài bài thuốc Nam đơn giản chữa bệnh. Thành ngữ “Thầy nhà lá vườn” phản ánh khá chính xác tình hình thuốc thang và công việc chữa bệnh trước kia ở nông thôn nước ta.
Thầy thuốc Bắc thường phải có dao cầu, bồ thuốc, nhưng ít khách, thị trấn xa, hay bị “què vị” (thiếu vị) không dễ “bổ vị” (mua bổ sung) đành phải tính bài “thay vị” Bắc bằng vị Nam. Thì nhà thầy có cả kho “bán không ai mua, cho không ai lấy”. Nhà thầy cũng như nhiều nhà khác, trên một mảnh vườn hẹp, có biết bao cây thuốc, vị thuốc quý: Cây núc nác đầu ngõ, vỏ tác dụng như vị hoàng bá, cây vối sau nhà vỏ là hậu phác, cỏ gấu mạnh như gấu, củ của nó là hương phụ, cây cứt lợn mọc đầy bờ vườn là vị hy thiêm, cây cau cao vút, hạt già là vị binh lang, dây trầu không leo cây cau có thể thay vị phòng phong, v.v…
Nam dược thần hiệu là bộ sách lớn đặc biệt giá trị của Đại y sư kiêm đại thiền sư Tuệ Tĩnh. Ông chủ trương “Nam dược trị Nam nhân”, là người đầu tiên đặt nền móng cho việc tìm hiểu, nghiên cứu, xây dựng nền y học dân tộc nước nhà, trước hết vì:
Thiên thư đã định rõ Nam bang
Thổ sản cũng khác miền Bắc quốc.
Tuệ Tĩnh trên tinh thần khoa học, không bài ngoại hay bài xích Trung y Bắc dược. Ngoài bộ Nam dược thần hiệu, ông biên soạn rất công phu bộ Hồng Nghĩa giác tư y thư”, trong đó ông sở đắc khá nhiều cái hay của y lý Trung Hoa. Trong bài phú “Thuốc Nam” bằng quốc âm, Tuệ Tĩnh viết:
Tôi Tiên sư kính đạo Tiên sư
Thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt.
Do thời tiết, khí hậu, đất nước phương Nam khác miền Bắc quốc, hoạt chất, tinh chất cây cỏ Nam Bắc tất không hoàn toàn giống nhau. Khí chất, bản tính người Việt Nam với người Trung Quốc cũng vậy. Đó là một đề tài hết sức thú vị, nhưng ở đây, trong một bài viết ngắn, không thể đi sâu.
Thuốc Bắc bán ở chợ An Huy-T.Quốc
Hàng thuốc Bắc tràn ngập thị trường dược liệu, thầy thuốc Bắc cũng chiếm lĩnh “thị trường” chữa bệnh dẫn đến thị hiếu quen dùng, ưa dùng thuốc Bắc. Dược liệu Nam bị coi rẻ, thầy thuốc Nam bị coi thường, gọi bằng các tên lang vườn, lang khoai, lang băm, lang gà!
Nhưng thuốc Nam không thể mất, thầy lang không thể chết. Vì người Nam vẫn sinh tồn và phát triển, dù trải qua bao cuộc chiến tranh hủy diệt.
Một lý do rất đơn giản, thiết thực là thuốc Nam tiện và lợi. Những thầy thuốc trong Thái y viện thời Lê được đọc sách Bản thảo chữ Hán từ Thần nông bản thảo cổ xưa đến Bản thảo cương mục, Bản thảo tòng tân, Bản thảo thập di, Bản thảo vấn đáp, Nam phương thảo mộc trạng, v.v… Chắc chắn họ phát hiện quá nửa số dược vị trong Bản thảo cương mục nổi tiếng của Lý Thời Trân (đời Minh), ở Việt Nam cũng có và tác dụng chữa bệnh giống nhau.
Tiêu biểu cho giới thầy thuốc thời Lê là danh y Trần Ngô Thiêm, sống nửa đầu XVIII, người làng Tây Mỗ, Từ Liêm (Hà Nội), một ngự y rất được các vua nhà Lê tín nhiệm. Những phương thuốc kinh nghiệm của ông truyền lại, ngoài phương dược cổ rút ra từ y thư Trung Hoa được các danh sư Trương Trọng Cảnh, Trần Tu Viên,… bàn luận nhiều và một số phương thang do ông tự cải tiến, có không ít bài thuốc theo kinh nghiệm chữa bệnh của nhân dân, ông sưu tầm được. Trong đó, nhiều phương thuốc mang tính Bắc - Nam kết hợp. Đặc biệt, Trần Ngô Thiêm sử dụng cả thuốc dân gian kinh nghiệm của người Việt. Ví dụ: Bệnh trẻ em bị kinh phong méo mồm, lấy máu mào gà bôi vào thóp và góc hàm em bé sẽ khỏi. Nếu trẻ em bị kinh phong phát sốt: Chích máu mào gà hòa với ít bột hùng hoàng cho uống, v.v…
Đời Tây Sơn, ngọn cờ  “Nam dược thần hiệu” do Tuệ Tĩnh dựng lên (thế kỷ XIV hay XVII?) được vua Quang Trung phất cao bằng việc thành lập Viện nghiên cứu chữa bệnh bằng thuốc Nam (Nam dược cục) do danh y Nguyễn Hoành làm Viện trưởng (Ngự y chính, chánh cục) là đòn chí mạng vào độc quyền thuốc Bắc của Trung Quốc. Theo lương y Nguyễn Minh Cầu (hậu duệ Nguyễn Hoành), Nguyễn Hoành có soạn sách Nam dược bản thảo, Y học nhập môn ca… Rất tiếc, sau khi vua Quang Trung mất (1792) Nam dược cục không được vua Quang Toản quan tâm, Nguyễn Hoành xin giải chức, về quê Thiên Linh, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa, làm một lang vườn!
Thực tế, không phải mới từ Lê - Tây Sơn mà đời Trần thuốc Nam đã được chú trọng với việc Trần Hưng Đạo gây trồng vườn cây thuốc Nam trên núi Sơn Dược (Hải Dương), ẩn sĩ Trần Tu (Thời Trần - Hồ) cũng có một vườn “thuốc tiên” trên đỉnh Am Tiên, núi Nưa (Thanh Hóa)…
Triều Nguyễn biên soạn bộ Đại Nam nhất thống chí, chú trọng mục sản vật, trong đó sưu tầm, ghi chép những vị thuốc quý ở từng địa phương như sâm báo, sâm Bố Chính, quế Thường Xuân, ý dĩ Thanh Hóa, nam tinh Vĩnh Lộc, sơn dược Kinh Bắc, v.v… Rất độc đáo và đặc sắc một số cây thuốc Nam được khắc hình lên đỉnh vạc lớn đặt ở sân nhà Thái miếu kinh thành Huế: Quế Thanh (Nghị đỉnh), Hương nhu (Thuần đỉnh), Sa nhân (Thuần đỉnh), Hột sen (Nhân đỉnh), Quả nhãn (Tuyên đỉnh), Tía tô (Dụ đỉnh), Kiệu (Chương đỉnh), Tỏi(Huyền đỉnh), Gừng (Tuyên đỉnh), Hành (Cao đỉnh), Hẹ (Nhân đỉnh), Đậu xanh(Chương đỉnh), Đậu trắng (Dụ đỉnh), Đậu ván (Nhị đỉnh)… Khắc ghi vào đỉnh vạc những cây thuốc, vị thuốc quý của Nam dược là cách khẳng định giá trị muôn đời của thuốc Nam trường tồn bất diệt cùng với người Việt Nam, giang sơn gấm vóc, đất nước yêu quý Việt Nam.
Thời kỳ kháng chiến 30 năm chống giặc ngoại xâm (1945-1974) nguồn thuốc Bắc khan hiếm, thuốc Nam càng được khẳng định vai trò “Nam dược trị Nam nhân” và khả năng “thần hiệu” của nó.
Tỉnh Thanh Hóa, thời kỳ phong kiến chống bành trướng xâm lược phương Bắc, ra đời loại hình trò diễn dân gian. Rất nhiều trò Ngô, nội dung hài hước, chế diễu, đả kích quân Tàu thực dân “sang Nam Việt bán buôn làm giàu” bằng các thủ đoạn xảo quyệt, vô nhân tính. Ví dụ: Trò Kháchxưa ở làng Thiết Đanh, Yên Định và Bằng Trình, Thiệu Hóa. Một chú khách Tàu bán thuốc Bắc (đi cùng thầy địa lý Tàu) quảy đôi bồ rao thuốc: “Cái nị (ông, bà)! Cái nị! Thôốc lớ! Thôốc lớ! Ngộ tựa (từ) Quảng Tông (Quảng Đông), ngộ sang Pắc kè (Bắc kỳ), cái nị muốn thôốc chi, ngộ cũng pán!”Một người Nam nói đế: “Thôốc thôốc, thôốc chi mà thôốc? Bải (phải) rồi! Củ chuối, củ nâu, nấu chín, nhuộm đen thành thôộc tịa (thục địa)!” Người khác đế thêm: “Thôốc thôốc! Thôốc tốt nhờ thang, cả làng nhờ thuốc thầy Tàu: Đau bụng thì uống nước đồng, đau mắt lấy mủ xương rồng mà tra, nhức đầu lấy đá mà va…!” Khán giả cùng cười vang. Thầy Tàu cũng nhe bộ răng trắng nhởn ám khói vàng khè cười hềnh hệch !... (1)
Đó là bản chất, bản tính tàn ác, xảo quyệt, trơ tráo của người Trung Quốc. Cho nên ông cha ta từ xưa đã chỉ rõ chân tướng : “Thuốc Nam đánh giặc thuốc Bắc lấy tiền(2). Nay, thuốc Bắc vẫn xuất sang ta, dùng nhiều hóa chất độc hại khi gieo trồng, bào chế cùng hạng thầy Tàu rởm, khoe khoang chữa bách bệnh nan y đều chung mục đích như tổ tiên họ “Sang Nam Việt bán buôn làm giàu” không từ thủ đoạn lừa đảo, cướp của, giết người!
Xem ra cuộc chiến ngàn năm thuốc Nam - thuốc Bắc chỉ là một trong nhiều trận địa cam go, chưa có hồi kết...(3)
                                                                        HTP - 20/6/2014
............
 (1) - Câu này có vẻ mâu thuẫn. Nhưng người Tàu để răng trắng (không nhuộm răng như người Việt) vì hút thuốc phiện nên răng ngả màu vàng khè.

 (2) - “Đánh giặc”, nghĩa bóng ở đây là “chữa bệnh”. Ý nói, các vị thuốc Nam được đặt cái tên chữ thuốc Bắc, giả làm thuốc Bắc. Bệnh khỏi là do thuốc Nam của ta, nhưng tiền thu về lại bỏ vào túi thương nhân Tàu, thầy thuốc Tàu. Câu “Thuốc Nam đánh giặc, thuốc Bắc lấy tiền”, “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” của GS Nguyễn Lân giải thích: “ý nói: thuốc nam công hiệu, còn thuốc bắc thì đắt tiền”. Các giải thích này tối nghĩa, do tác giả không hiểu được nghĩa đen - bản chất sâu xa của vấn đề.
(3)-Nguyên bài viết có tên "Cuộc chiến thuốc Nam với thuốc Bắc" HTC đổi lại và thêm phần chú giải)

Thứ Năm, 12 tháng 6, 2014

Trung Quốc - Khổng tử hay Đạo Chích ?

 (Tập Cận Bình: “Người Trung Quốc không có gien xâm lược”)

              Hoàng Tuấn Phổ
Ở Trung Quốc có hai nhân vật sống cùng thời (500 năm TCN). Họ đều rất nổi tiếng, người được bia đá vinh danh, kẻ được bia miệng lưu truyền: Đại thánh Khổng tử và Đại bợm Đạo Chích! Họ đi hai đường khác nhau, nên biết nhau mà không thể gặp nhau, mỗi người tôn thờ “đạo” riêng của mình. Khổng tử quá nửa đời du thuyết các nước chư hầu để truyền bá đạo nhân nghĩa. 

Đạo Chích đến các nhà giàu có để thực thi nghề đạo tặc. Gã đại bợm khinh Khổng tử nhà nghèo lại hay thuyết giảng đạo đức. Khổng tử dường như không bận tâm về cá nhân Đạo Chích vì mối quan tâm của ngài là cả xã hội. Nghe nói Khổng tử từng làm quan Tư khấu (Tư pháp) nước Lỗ, đại bợm Chích càng thêm ghét.
Một hôm, tình cờ Khổng tử đi qua ngõ nhà Đạo Chích, bị chủ nhà xua con chó ra cắn. Con chó vốn bản tính tuyệt đối trung thành với chủ, không biết và không cần biết đó là Khổng tử. Khổng tử bất ngờ bị Đại Khuyển cắn vào bắp chân, máu chảy ròng ròng. Đường đầy đất đá lổn nhổn, Khổng tử chỉ xuýt xoa đau, không nhặt một vài hòn ném lại con chó mà lẳng lặng tránh xa. Đạo Chích đứng trong sân nhà nhìn ra, khoái chí cười ầm lên: “Để xem nhà ngươi còn đi du thuyết được nữa không?”. Sau đó, hắn đi khoe khoang khắp làng rằng mình mới bảo Đại Khuyển dạy cho Khổng tử một bài học!
Tuổi đã gần lục tuần, Khổng tử không chu du thiên hạ nữa, chẳng phải sợ lại bị chó cắn. Ông hoàn toàn thất vọng về đám vua chúa các nước tham vọng tranh bá đồ vương, không cần biết đến nhân nghĩa. Cái họ cần là đất đai, châu báu, gái đẹp, và trên hết là quyền uy thiên tử, để tất cả thiên hạ đều phải quỳ mọp dưới chân mình. Khổng tử trở về mái nhà xưa của cha ông mình để lại, mở trường dạy học trò, truyền bá đạo làm người. Còn Đạo chích cũng là người nhưng thuộc hạng vô đạo. Con chó của Đại bợm Chích, tuy được chủ đặt cho cái tên oai vệ “Đại Khuyển” cũng không thể “làm người”.
Một nhân vật nữa của Trung Quốc đương đại cũng rất nổi tiếng: Chủ tịch Tập Cận Bình! Ông càng lừng danh, khi dám tuyên bố triệt để bài trừ tham nhũng, sẵn sàng lôi cổ cả những chúa sơn lâm ! Mới đây, đại danh ông nổi lên như sóng cồn đại dương, cả thế giới được nghe Tập Chủ tịch lớn tiếng át cả tiếng tàu chiến cùng máy bay Trung Quốc đang gầm gừ, gào rú dưới biển, trên trời vùng đảo Hoàng Sa của Việt Nam:
“Người Trung Quốc không có gien xâm lược”!
“Người Trung quốc” hay “nhân dân Trung Quốc”? Điều này cần phân biệt rõ. “Gien” là một danh từ khoa học xuất phát từ phương Tây. “Gien” giống như “tính” (bản tính) một thuật ngữ Trung quốc từ nghìn xưa giới học thuật đã tranh luận sôi nổi. Cái “tính” ấy cũng di truyền như cái “Gien” di truyền. Các học giả Trung Quốc quan niệm vấn đề rạch ròi giữa tính Thiện và tính Ác. Khổng tử không nói rõ bản tính con người Thiện hay Ác, chỉ nói : “Tính tương cận dã, tập tương viễn dã” nghĩa là: Chẳng phải thiện cũng không phải ác, nó thay đổi, hình thành tuỳ theo môi trường sống, hoàn cảnh giáo dục. Mạnh tử khẳng định: Tính người vốn là Thiện. Tuân tử phủ định: Tính Ác...Ngoài ra có các thuyết: Vừa Thiện, vừa Ác; thuyết siêu Thiện, Ác… Khổng tử sống cách nay 2.500 năm, thuyết “tập tính” của ông gián tiếp bác bỏ các thuyết, được nhiều người tán thành. Vì hai anh em vua Nghiêu, ông Nghiêu là bậc đại hiền (Thiện), ông Tượng là người đại ác, cho nên ông Nghiêu không truyền ngôi cho em mà truyền ngôi cho ông Thuấn. Tương tự cái “gien”, không nhất thiết cha “xâm lược” con cũng phải “xâm lược”, cha lương thiện, yêu hoà bình, con cũng lương thiện, hoà bình. Vậy, cái thuyết “Người Trung Quốc không có “gien” xâm lược” của Tập tử e khó đứng vững.
Thực ra ông Tập Cận Bình chưa đạt tới hàng “tử” như “chư tử” đời xưa, mà chỉ là một chính trị gia. Danh ngôn danh thuyết đó của ông là thuật “xảo ngôn” (nói lừa) “nghịch thuyết” (nói ngược) ! “Người Trung quốc” có Khổng tử, Đạo Chích, có Nghiêu Thuấn, có Tần Thuỷ Hoàng, có … đều xưng danh “NGƯỜI”. Nhân dân Việt Nam từ xưa đã nói rất chí lý: “Người năm bảy đấng, của vạn loài”. Trung Quốc thời phong kiến chia hai dạng người chủ yếu: Quân tử và tiểu nhân. Và quân tử cũng có chân quân tử, nguỵ quân tử, tiểu nhân cũng có thượng tiểu nhân và hạ tiểu nhân, v.v… Rừng càng rậm càng lắm cây sâu. Thời đương đại Trung quốc đông hàng tỷ người, chả lẽ không một thiểu số nào đó có máu “gien” xâm lược ? Như bản thân tân Chủ tịch, ai dám xếp ông vào loại “tiểu nhân” ? Chắc ngài phải là đại nhân hay chí nhân quân tử . Vậy thì nhân loại đến ngày tận thế rồi! Bởi tiêu chí đại nhân với tiều nhân từ nghìn xưa đã được phân định: “Đại nhân tranh quốc, tiểu nhân tranh thực”. Thực tế lịch sử đã chứng minh “tranh thực” thì loạn nước, tranh quốc thì mất nước!
Các bạo chúa lớn nhỏ Trung quốc thời nào cũng có, họ khoác áo chính nhân quân tử, xưng danh “Thiên tử thế thiên hành đạo”, rải thây trăm họ đắp đường lớn cho kỵ binh tung vó, khơi dòng máu muôn người thành sông sâu để thuỷ quân lướt sóng; phất cao ngọn cờ “Điếu dân phạt tội” lừa bịp mọi người! Bốn mặt lân bang với Trung quốc, họ gọi là tứ “di”, tiêu triệt được ba, chỉ còn “Nam man” (Việt Nam) nuốt mãi không trôi!
Cái thuật “xảo ngôn”, “nghịch thuyết” của ông Tập hẳn là vận dụng từ Bách gia binh pháp của Trung Quốc.
Nhằm phục vụ chiến tranh, tranh bá đồ vương liên miên trong lịch sử Trung Quốc, ngoài hàng đống sách Võ kinh, đời nào cũng có người soạn sách Võ bị, Binh thư...dạy cách đánh thành, cướp nước, giết người, tranh đất...theo quy luật cung cầu. Khi ông Tập vận dụng “xảo ngôn”, “nghịch thuyết” đánh lừa nhân dân, nói dối thiên hạ, rất giống thuật “đại bịp” của Đạo Chích. Nghe nói đại bợm Chích cũng có “Đạo kinh” còn gọi là “Đạo tặc bí pháp” hay “Đạo Chích bí truyền thư”. Trong “sách” này cũng có thuật “xảo ngôn”, “nghịch thuyết”. Ví dụ:
Một hôm, Đạo Chích đi chơi thấy một con lừa đang ăn cỏ trên đường vắng, liền dắt về nhà nuôi. Hàng ngày, cứ đến bữa, Chích một tay cầm dây thừng, một tay cầm nắm cỏ non trộn cám, hễ giật một cái, nếu con lừa gật cổ theo thì cho ăn, bằng không thì thôi. Chỉ vài hôm thành thói quen, có khi đói quá, lừa gật đầu lia lịa. Người chủ mất lừa hỏi thăm đến nhà Đạo Chích. Chích bảo: Con lừa của tôi nó biết nghe lời chủ, hãy cứ thử xem. Chủ mất lừa giật dây thừng, lừa đứng im. Đạo Chích giật dây thừng, lừa gật đầu lia lịa vì thấy trong tay Chích cầm nắm cỏ. Thế là chủ lừa bị Chích lừa cướp mất con vật của mình chỉ vì chút mẹo vặt.
Đạo Chích chuyên ăn trộm. Chích bắn tin đêm nay sẽ tới thăm nhà Giáp, nhưng Chích lại trộm nhà Ất. Đêm sau, chích đến nhà Giáp, chủ nhà đêm trước đã thức suốt đêm để canh, đêm sau ngủ say như chết, bị “khoắng” sạch đồ quý. Mẹo này của Đại bợm Chích giống kế “Nhất tiễn hạ song điêu” (Một mũi tên bắn được hai con chim),v.v...
Mưu lược, kế sách của Trung Quốc là nói lừa, nói ngược, có biến thành không, không hoá thành có, không không, có có...biến hoá khôn lường. Cho nên ông Tập Cận Bình nói không xâm lược phải hiểu ngược lại có xâm lược. Bậc thầy của ông Tập là Mao tử. Mao tử dạy: “Đế quốc Mỹ là con hổ giấy”, tức Đế quốc Mỹ là con hổ thật. Thuyết “Toạ sơn quan hổ đấu” một thời nổi tiếng lắm, thực chất chỉ là kế “Bạng duật tương trì, ngư ông đăc lợi” trong Chiến quốc sách, được mông má lại và dán nhãn mác mới ! Nói “Toạ sơn”, thực tế người Trung Quốc đã “hạ sơn”, không “quan” mà “hành” như lục lâm thuỷ khấu. Chứng cớ năm 1974, nhân lúc đất nước Việt Nam đang còn bị chia cắt đã cướp sống Hoàng Sa. Đây cũng là mẹo Đạo Chích lợi dụng lúc tranh tối tranh sáng “Thứ nhất chập choạng, thứ nhì rạng đông” để hành sự. Khi bị phát hiện thì “Đĩ già mồm, kẻ trộm lắm gan” !
Chiếm đoạt Hoàng Sa là một đột phá biển Đông nhằm thực hiện Liên hoàn kế trong Tam thập lục kế. Tiếp theo, năm 1988, Trung Quốc âm mưu chớp nhoáng chiếm trọn quần đảo Trường Sa, nhưng không được như ý. Sau đó tiếp tục nhằm vào các đảo của Philippin, Nhật Bản...làm cơ sở, chỗ đứng vững chắc cho thuyết “Đường lưỡi bò chín đoạn” và tạo phản ứng dây chuyền phá hoại an ninh biển Đông. Tham vọng quá lớn, giống như để quốc Nguyên Mông thế kỷ XIII mưu toan làm bá chủ cả châu Âu ! Dĩ nhiên thế giới thế kỷ XXI, Trung Quốc dẫu Tần Thuỷ Hoàng sống lại, cũng không thể hội đủ thiên thời, địa lợi, nhân hoà để thực hiện âm mưu bá chủ, dù chỉ ở biển Đông.
Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 tại vùng biển Hoàng Sa Việt Nam nằm trong Liên hoàn kế, “Đả thảo kinh xà” (Đập cỏ cho rắn sợ) đòn thăm dò dư luận quốc tế và thử thách ý chí Việt Nam và các nước trong khu vực. Hơi bất ngờ, Trung Quốc vấp phải sự kháng cự quyết liệt. Việt Nam được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo nhân dân yêu chuộng hoà bình thế giới.
Không kém thâm hiểm là mẹo “chọc tức” (Kích nộ), “Tam thập lục kế” gọi là Khích tướng kế, như xưa kia Đạo Chích xua chó cắn để chọc tức hòng khiến Khổng tử nổi giận, tranh giành hơn thua. Nhưng Khổng tử không mắc mưu Đạo Chích và Đại Khuyển tay sai. Trung Quốc lại tung ra “lá chắn phòng thủ xảo ngôn, nghịch thuyết” huy động bộ máy truyền thông khổng lồ, tìm cách lừa tàu Kiểm ngư của ta quá đà đâm vào tàu Trung Quốc để quay phim chụp ảnh vu khống theo kế “Di thi giá họa” (Đem xác chết đến vu vạ cho người) rồi chối tội: “Vô trung sinh hữu, vô hữu sinh trung” (Không có làm thành có, có mà làm thành không). Nói nôm na, cái mẹo của Đạo Chích “Vừa đánh trống vừa ăn cướp”, “Đã ăn trộm còn la làng”, thiên hạ không lạ gì !
Văn hoá ứng xử truyền thống nghìn xưa Việt Nam là dùng đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo. Năm 1075, quân Tống xâm lược Đại Việt, bị Lý Thường Kiệt đánh cho tơi bời. Trên đường rút chạy, tàn quân Tống chiếm giữ châu Quảng Uyên, gần biên giới Trung Quốc, vì ở đây có mỏ vàng. Vua Lý gửi sang biếu Tống 5 con voi nhà cụt ngà. Đầu tiên vua Tống nghĩ nhà Lý coi nhà Tống như con voi đã bị cưa mất ngà, nổi giận, toan phát đại binh liều một phen sống mái, nhưng triều thần có người sáng suốt can rằng: Voi phải cưa ngà, quốc vương An Nam đề phòng gây tai nạn cho thiên tử. Đó là chí thiện muốn giao hảo...Vua Tống tỉnh ngộ ban lệnh trả lại châu Quảng Uyên vì ông chợt nhớ binh pháp có câu: “Lấy thì dễ, giữ thì khó”. Vua Lý sai trả hết số quân Tống bị bắt trong chiến trận năm 1075. Từ đó, biên cương hai nước bình yên.
Nhiều tấm gương xưa còn soi sáng trong lịch sử. Đáng lẽ Trung Quốc phải sáng mắt sáng lòng hơn ai hết. Thế mà, ngựa vẫn quen đường cũ ! Người Việt Nam có câu: “Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời”. Tại sao "người Trung Quốc" không “nhớ” ? Hay đã bị nhừ “đòn”, nên “lữa đòn” không còn biết “đòn đau” là gì ?
Chúng ta xem lịch sử Trung Quốc, biết người Trung Quốc tham vọng bành trướng, bá chủ nên thích gây chiến, không ngại binh đao ! Khổng tử, Mạnh tử và nhiều bậc hiền khác của Trung Quốc đều phản đối chiến tranh, đề cao nhân nghĩa. Nhưng các bạo chúa đời nào cũng bày đặt ra mưu sâu kế hiểm lừa nhau vào chỗ chết. Càng nhiều người chết, chiến công càng lớn, lưu danh sử sách ngàn thu ! Một ví dụ điển hình: Tướng Bạch Khởỉ thời Chiến quốc cầm quân Tần phá nước Triệu, gặp phải tướng Triệu Quát giỏi dùng binh, Khởi lén dùng cung tên bắn chết, không sợ người đời chê là hèn hạ. Quân nước Triệu thua to, 40 vạn quân Triệu đầu hàng đều bị Khởi chôn sống!
“Nhất tướng công thành vạn cốt khô”(Một tướng làm nên công trạng, vạn người chết phơi xương cốt)“Đánh chiếm thành thì người chết đầy thành, đánh chiếm đất thì người chết đầy đồng” là thực tế mấy ngàn năm lịch sử xâu xé lẫn nhau và bành trướng xâm lược lân bang của Trung Quốc.
Quân Nguyên Mông ba lần xâm lược Việt Nam trong vòng 30 năm, tội ác chất cao hơn núi. Khi tướng sĩ Đại Việt dâng thủ cấp Toa Đô, vua Trần rất thương hại một đại tướng trí dũng song toàn, vì ngu trung mà chết thảm ! Nhà vua lấy áo ngự bào làm đồ khâm liệm bọc thủ cấp Toa Đô sai đem chôn cất...Cuộc xâm lược lần thứ 2, năm 1285, nhà Nguyên phát 30 vạn binh do Thái tử Thoát Hoan và đại tướng Ô Mã Nhi cầm đầu xâm lược Đại Việt. Vua Trần gửi thư xin giảng hoà, quân Nguyên không cho hoà. Một cuộc chiến không cân sức ! Nhưng với sức mạnh của Đại Việt vua tôi đồng lòng, quân dân đoàn kết, đã chiến thắng lẫy lừng.
Năm 1286, quân Nguyên lại xâm lược nước ta với lực lượng hùng hậu gần gấp đôi lần trước: 50 vạn quân ! Lại cũng thất bại ! Đại tướng Ô Mã Nhi khét tiếng tàn ác bị bắt sống cùng tướng Tích Lệ Cơ Ngọc, giải đến thuyền ngự. Vua Trần cho hai tướng giặc được ngồi uống rượu cùng vui. Năm 1289, nhà Trần sai đưa bọn hàng tướng và tù binh Nguyên về Trung Quốc.
Cuối năm 1427, quân Minh không tránh khỏi kết cục thảm bại của cuộc chiến tranh xâm lược và đô hộ kéo dài 20 năm ! Khi thành Đông Quan bị vây hãm, tướng chỉ huy Vương Thông, Sơn Thọ đưa thư giảng hoà, xin mở đường cho chúng về nước. Vua Lê biết nhân dân Trung Quốc đề cao Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Nhưng tàn ác, ngang ngược, và xảo trá là bản tính kẻ xâm lược, nên bằng lòng cho hoà mà vẫn đề phòng quân Minh tráo trở. Quả nhiên, nửa đêm Vương Thông, Sơn Thọ mở cửa thành, bất ngờ đánh úp doanh trại nghĩa quân, nhưng bị rơi vào ổ phục binh của ta, suýt bị bắt sống ! Nghĩa quân tiếp tục vây chặt thành Đông đô. Vương Thông, Sơn Thọ bị khốn đốn, lại xin giảng hoà. Nhân dân ta bị khổ cực nhiều năm dưới ách thống trị tàn bạo của quân Minh, nhiều người kéo đến xin Lê Lợi đừng tin kẻ xâm lược, phải trừng trị để làm gương cho muôn đời. Nhà vua nói:
-“Việc dùng binh lấy sự toàn quân là hơn cả. Nay hãy để cho Vương Thông về nước nói với vua Minh trả lại toàn vẹn đất nước ta, không còn trở lại xâm lấn, thì ta còn cần gì hơn nữa...”
Lê Lợi sai các trấn lộ tu sửa cầu cống, đường sá, sắm sửa đủ ghe thuyền để cho quân Minh về nước được nhanh chóng, thuận lợi.
Tướng Minh Phương Chính và Mã Kỳ thay mặt các tướng sĩ tới dinh Bồ Đề cáo biệt vua Lê, ở lại suốt một buổi chiều mới tạ ơn ra về. Lê Lợi sai tặng cho nhiều vật phẩm, khiến tướng Minh càng cảm kích.
Nhà Thanh theo vết xe đổ nhà Minh, đem 20 vạn binh (hư trương 30 vạn) xâm lược nước ta. Vua Quang Trung dùng kế “Hạ hoả” gửi thư trần tình, nhằm: 1-Hạ bớt nhuệ khí địch; 2-Khiến địch chủ quan; 3-Nếu địch biết điều lui quân thì tốt! Nhưng Tôn Sĩ Nghị vẫn hung hăng, ngang ngược muốn cướp lấy toàn bộ nước ta, kết cục bị thua to. Trên đường tranh nhau tháo chạy, cầu phao bị đứt gẫy, rơi xuống sông bị chết đuối hàng vạn người !
Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 trên vùng biển nước Hoàng Sa là hành động xâm lược lãnh hải Việt Nam. Ta càng đấu tranh thuyết phục họ bằng lý lẽ, pháp luật, họ càng hung hăng dùng vũ lực đối phó, chọc tức ta, khiến ta nổi giận để có cớ gây chiến tranh xâm lược. Dư luận thế giới đề nghị ta đưa vấn đề ra Toà án quốc tế. Vì không muốn Trung Quốc lại bị bẽ mặt như vụ Philippin, nên ta mở đường để họ được rút lui trong danh dự. Binh pháp Trung Quốc nói: “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng”. Trong lịch sử, rất tiếc người Trung Quốc chưa bao giờ biết rõ, đánh giá đúng Việt Nam, học thuộc bài học Việt Nam, nên trăm trận đại bại cả trăm! Với vụ Hoàng Sa 1974 và việc hạ đặt giàn khoan 981, Trung Quốc đã vận dụng binh pháp Tôn Ngô hòng “Phản khách vi chủ” (Biến khách thành chủ). Nhưng lần này rất khác lần trước bởi Việt Nam đã là một nước thống nhất, non sông đã thu về một mối. Trong Tam thập lục kế, kế cuối cùng (thứ 36) là “hạ sách” lại được xem là “thượng sách”. Đó là “Tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách” ! Đạo Chích sở dĩ lừng danh thiên hạ, cả đời sống bằng nghề đạo tặc mà chưa lần nào bị bắt giải quan vì gã đại bợm cũng thành thạo kế “Đào tẩu”, hễ thấy việc đào tường khoét vách nhà người bị lộ, lập tức lủi trốn nhanh hơn cuốc ! Chẳng nhẽ đến giờ ông Tập còn chưa biết đến kế cuối cùng này ?
Lời bàn:Trung Quốc là đất nước hơn 4 ngàn năm lịch sử như Việt Nam. Nhưng Trung Quốc luôn cậy mạnh hiếp yếu. Nhà cầm quyền Trung Quốc qua các thời đại coi thường Khổng tử, đề cao Tần Thủy Hoàng, suy tôn Đạo Chích. Dĩ nhiên, họ cũng biết Liệt tử sống sau Khổng tử hơn 100 năm được nhân dân Trung Quốc rất hâm mộ. Một trong những câu nói nổi tiếng của nhà hiền triết họ Liệt là: “Người có sức mạnh thực sự thì không cậy mạnh. Kẻ cậy mạnh, thực sự chỉ là kẻ yếu”. Lịch sử xâm lược Trung Quốc  và lịch sử chống xâm lược Việt Nam đã chứng minh lời minh triết Liệt tử.
                                                                               HTP


Thứ Tư, 11 tháng 6, 2014

Trước giờ bóng lăn, “VIỆT VỊ” hay “LIỆT VỊ” ?

                                                  
Hoàng Tuấn Công

Có thể nói, World cup 2014 là một kỳ World cup đến một cách lặng lẽ chưa từng thấy. Chưa đến, chưa qua mà đã thấy buồn, thiếu hẳn sự háo hức, mong chờ, chuẩn bị như mọi lần. Có lẽ tất cả cảm xúc của người dân Việt Nam, ngoài đời cũng như trên báo chí đều đang hướng về biển đảo của Tổ quốc. 
Giàn khoan 981 của Tàu giống như mũi dao đang cắm sâu trên thân mình đất nước khiến ngọn lửa yêu nước và tự hào dân tộc dâng lên ngùn ngụt. Nhưng tình yêu bóng đá với Việt Nam cũng giống như nhu cầu ăn uống hàng ngày. Bốn năm mới có một đại tiệc bóng đá. Ta căm thù giặc ngoại xâm và làm tất cả để đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương, nhưng cũng không quên giành tình cảm cho những gì mình yêu thích. Phút “giao thừa” của cái “Tết bóng đá” với những bữa “đại tiệc” linh đình sắp đến. Tuấn Công Thư Phòng xin góp vài lời trước giờ bóng lăn để không khí bớt vẻ trầm lắng.
Trong môn bóng đá, trọng tài thường bắt lỗi vị trí của cầu thủ, gọi là “lỗi việt vị”, “bắt việt vị”. Hai từ “việt” và “liệt” có âm na ná như nhau, bình luận viên lại nói nhanh trên nền âm thanh sôi động của trận đấu nên nhiều người nghe nhầm, nói nhầm “việt vị” thành “liệt vị”. Họ suy đoán, “liệt” có lẽ là trong từ “tê liệt” (chỉ trọng tài phạt lỗi bắt dừng lại, không thể tiếp tục tấn công được nữa). Có người lại cho rằng, “liệt” ở đây là hàng lối. Ý là cầu thủ phạm lỗi “liệt” vị là băng xuống vị trí phía dưới hàng cầu thủ đối phương...Thậm chí có ý kiến còn cho rằng không phải “việt vị” hay “liệt vị” mà là “việc vị” (!) Nhiều người dùng đúng, nhưng không ít người không biết “việt vị” và “liệt vị” dùng từ nào cho đúng; tại sao lại đúng, tại sao lại sai.
Với khán giả đam mê bóng đá là như vậy. Đối với các cầu thủ chuyên nghiệp chuyện phân biệt “việt” hay “liệt” cũng có sự lúng túng. Báo Lao động ngày 20/1/2014 đăng bài “Công Vinh bị fan chọc quê vì dùng từ “liệt vị”. Bài báo viết: “Công Vinh viết trên facebook của mình: “Rõ ràng là không có lỗi liệt vị.Về xem lại băng ghi hình cũng không phải liệt vị, làm mình ức chế tâm lý sau quả này ghê. Nhưng vẫn phải chấp nhận thôi biết sao được, quan trọng là đội mình hôm nay thắng trận đầu tiên ở tại sân Vinh. Hy vọng năm nay đầu xuôi đuôi lọt. Cheer”.

Kèm theo dòng trạng thái này, Công Vinh dán thêm đường dẫn video quay chậm bàn thắng. Ngay lập tức chủ đề này thu hút cả trăm bình luận và hơn nghìn lượt “like”. Nhiều fan nhanh chóng bắt lỗi chính tả của Công Vinh: “Việt vị chứ không phải liệt vị. Có phải Công Vinh không vậy?”. Một số fan ruột khác ra sức bảo vệ Vinh: “Ở miền Trung, liệt vị hay việt vị đều đúng nhé các thánh”. Còn số khác thì viện dẫn cả luật bóng đá để chứng minh “việt vị” mới là từ chuẩn. Thậm chí, có fan còn phân tích nghĩa Hán Việt của từng từ cấu thành nên chữ “việt vị” để giải thích cho rõ ràng”.
Tưởng thế là xong. Nhưng phía dưới bài viết này lại có thêm những phản hồi của bạn đọc:
Đăng Minh - 
 "Liệt vị" là đúng đấy các bạn ạ. Tiếng nga là "положение вне игры", tiếng anh là offside đều có nghĩa "vị trí ngoài cuộc chơi", tức vị trí liệt. Gọi việt vị là do không biết, dùng quen mồm..Lỗi ở tận VFF, bộ môn bóng đá của Đại học TDTT...Đã có 1 thời các bình luận viên bóng đá nói "liệt vị" chứ không nói "việt vị" như bây giờ đâu.
Thanh Nhàn
Thanh Nhàn - 

"Liệt vị" mới đúng. Tiếng Anh dùng từ "off site" nghĩa là " chỗ chết, "liệt" là chết, "vị" là vị trí. Cầu thủ đứng ở vị trí chết (dưới hàng phòng ngự), chờ sẵn bóng đến. Còn "việt vị" chẳng có ý nghĩa gì cả trong từ Hán-Việt. Chẳng qua dùng mãi thành quen giống như từ "khuyễn mại" mà mọi người dùng thành "khuyễn mãi". Khuyến là khuyến khích, mại là mua, khuyến khích mua, "thương mại "là là mua bán.
Thế là “việt vị” với ‘liệt vị” cứ lung tung cả. Ai phân tích nghe cũng có lý, chẳng biết đường nào mà lần !
Vậy “việt vị” hay “liệt vị” ? Có thể khẳng định rằng “việt vị” chứ không phải “liệt vị”. Nhưng tại sao lại gọi lỗi đó là “việt vị” ? Theo nghĩa Hán-Việt “việt” là vượt qua, vượt lên, “vị” là nơi, chỗ, vị trí. “Việt vị” nghĩa là một người nào đó (ở đây cụ thể là cầu thủ bóng đá) đã vượt quá vị trí mà luật bóng đá quy định trong tình huống tấn công. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia bản tiếng Việt cũng như Hán ngữ đều dùng từ “việt vị” chứ không dùng “liệt vị”.

Túc cầu việt vị đồ giải (đồ giải tình huống việt vị trong bóng đá) 
                      trên một trang mạng Trung Quốc
Thực ra “việt vị” không phải là từ chỉ sử dụng riêng trong chuyên môn bóng đá. Thuyết “Chính danh” của Khổng tử có một tư tưởng chủ đạo được hiểu là không “việt vị”. Tức ai ở vị trí nào cũng phải làm tròn trách nhiệm vị trí ấy; ai giữ đúng danh phận nấy, không được hưởng quyền lợi cao hơn địa vị của mình; không ở chức vị nào thì đừng mưu tính chức vị đó...Như: "vua phải đạo vua, tôi phải đạo tôi, cha phải đạo cha, con phải đạo con". Từ “việt” với nghĩa vượt qua, vượt lên còn xuất hiện trong các trường hợp khác như: “việt cấp” (vượt quá bực) “việt lễ” (vượt qua lễ phép), “việt quyền” (vượt qua quyền hạn của mình),v.v...Trong khi từ Hán Việt, “liệt vị” chỉ có nghĩa là: các ngài !

Sách "Trung dung, việt vị" (Tố nhân trung dung bất bình dung, Tố sự đáo vị bất việt vị)" dạy cách xử thế: làm người trung dung mà không tầm thường, hết lòng vì công việc, chức vị mà không việt vị xuất bản ở Trung Quốc.
Nói đến lỗi việt vị trong bóng đá, chúng ta lại liên tưởng việc làm của Trung Quốc ở biển Đông. Trung Quốc chấp nhận tham gia Công ước quốc tế về Luật biển, nghĩa là chấp nhận luật chung của thế giới. Vậy mà khi vào cuộc chơi, Trung Quốc lại đòi đẩy vạch ngang ở đường trung tâm giao bóng xuống tận vòng 16m50 của đội bạn, đòi phần sân của mình phải sát đến cầu môn của đối phương rồi cứ ngang nhiên dẫn bóng xộc thẳng sang tấn công, bất chấp luật thế nào. Khi bị trọng tài thổi “việt vị” đội Trung Quốc vẫn cứ ngang nhiên “ghi bàn” và đòi công nhận “bàn thắng”. Khi bị cầu thủ đội bạn phản ứng thì Trung Quốc lại nằm lăn ra ăn vạ, khiếu nại trọng tài là bản thân mình bị “phạm lỗi”, mình bị “cản trở” tình huống tấn công. Rốt cuộc là cả “đội bóng” Trung Quốc, huấn luyện viên, lẫn cổ động viên nhà xông vào thượng cẳng chân, hạ cẳng tay đối với trọng tài và đội bạn, đòi “kết thúc trận đấu” với phần thắng về phía mình (!)  Thật đáng xấu hổ !
Xem World cup 2014 chúng ta tin tưởng rằng, “đội bóng” Việt Nam của chúng ta, khán giả của chúng ta, trọng tài quốc tế và cả thế giới sẽ không bao giờ chấp nhận cái kiểu ngang ngược, tự vẽ lại sân bóng, thay đổi luật chơi có lợi cho mình như kiểu của Trung Quốc. Trước sau, Trung Quốc cũng sẽ chuốc lấy thất bại nhục nhã, ê chề trước bàn dân thiên hạ.

(Bài này được viết lại trên cơ sở bài “Việt vị hay liệt vị ?” đăng trên mục “Ngôn ngữ và đời sống” Báo Văn hóa thông tin Thanh Hóa” số 531- 1998)