Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

ĐỀN ĐỒNG CỔ KHÔNG THỜ THẦN TRỐNG ĐỒNG


            Hoàng Tuấn Công


Trong dịp đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, có một ngôi đền được nhắc đến nhiều với lòng thành kính và ngưỡng mộ. Đó là đền Đồng Cổ-Ngôi đền có từ thời Lý ở làng Đan Nê, huyện Yên Định, Thanh Hoá. Tưởng đó là hồng phúc cho vị Sơn thần hiển ứng ở cả Thanh Hoa cổ địa, cùng đất kinh kỳ nghìn năm văn vật. Thế nhưng, nếu anh linh, chắc hẳn ngài không khỏi ngậm ngùi, tủi phận ! (xem tại đâyBởi trong không ít tài liệu sách báo và trên một số phương tiện thông tin đại chúng (địa phương và trung ương, với sự góp lời của cả các nhà nghiên cứu và nhà Hà Nội học) lại tuyên truyền “Đồng Cổ từ” là ngôi đền thờ thần Trống Đồng !  

Vậy sự thực, đền Đồng Cổ thờ ai ?
Nếu lần giở lại các thư tịch cổ ghi chép về đền Đồng Cổ, chúng ta sẽ thấy không hề có tài liệu nào nói đền này thờ thần Trống Đồng.
Xin bắt đầu từ  “Việt điện u linh”  của Lý Tế Xuyên, biên soạn năm 1329, ghi chép về đền Đồng Cổ với cái tên được sắc phong và gia phong “Minh chủ linh ứng bảo hựu Đại vương”. Sách này viết: “Theo truyện Báo cực chép: Vương là thần núi Đồng Cổ (ở Thanh Hoá, tục gọi là núi Khả Phong). Khi xưa, Lý Thái tông còn là thái tử, phụng mạng vua cha là Thái tổ, đem binh đi đánh Chiêm Thành (1020), đến Trường Châu, đóng quân tạm nghỉ. Canh ba đêm ấy, trong cõi mông lung, nhà vua chợt thấy một dị nhân, thân cao 8 thước, mày râu cứng nhọn, mặc chiến bào, tay cầm binh khí, đến trước cúi đầu tâu rằng: “Tôi là thần núi Đồng Cổ, nghe tin thái tử sang đánh phương Nam, tôi xin theo giúp để phá giặc, lập chút công nhỏ”.(tr. 83- NXB Văn học - 1972)
Trong “Lĩnh Nam chích quái” - tập sách ghi chép những truyền thuyết và truyện cổ tích của nước ta bằng chữ Hán của Vũ Quỳnh-Kiều Phú biên soạn từ thời Trần, trong “Truyện thần núi Đồng Cổ” (Đồng Cổ sơn thần) chép: Thần núi Đồng Cổ là linh thần thượng đẳng ở nước ta. Núi ở xã Trì Nê thượng, huyện Yên Định. Khi Lý Thái tông còn là Thái tử đi đánh Chiêm Thành tới Trường Châu, đêm quá canh ba mộng thấy một dị nhân mặc giáp phục, tự xưng là sơn thần nghe vua Nam chinh xin theo quân vua lập chiến công. Vua nhớ rõ những lời nói chuyện trong mộng”(tr.149- NXB Văn học - 1990).

Trong “Thanh Hóa kỷ thắng" của Vương Duy Trinh, ( Bản dịch Hoàng Tuấn Công) viết: “…núi Đồng Cổ hiểm yếu như con mắt của núi đồi Yên Định. Trong đền thờ thần trống đồng (…).Nguyên thần là tinh khí của trái núi, rất linh ứng.
Xưa Hùng Vương đi đánh Chiêm Thành trú binh dưới chân núi Khả Lao, đêm mộng thấy thần nhân nói rằng:
- Nguyện được đem trống đồng đi phù trợ vương chiến thắng.
Đến khi lâm trận, cứ nghe trong không trung mơ hồ âm thanh của trống đồng và đao kiếm. Quả nhiên thu được toàn thắng”.
Sách này cũng chép:
“Đến thời Lý Thái tổ, người Chiêm Thành xâm nhập bờ cõi. Khi ấy, Thái tôn đang là Thái tử. (….) Canh ba, vua mộng thấy một người dáng dấp rất to lớn, mình mặc chiến bào, tay cầm bảo kiếm nói rằng:
- Ta là thần núi Đồng Cổ, nay nghe Thánh giá nam chinh, nguyện đi theo lập công.
Vua đồng ý cho. Đến khi tỉnh dậy, vua lệnh cho viết bài vị để trong kim xa. Bề tôi theo đó mà làm, quả nhiên đến sau thu được toàn thắng”.
          Trong “Đồng Cổ miếu bi ký” (Bia miếu Đồng Cổ dựng ở đền Đồng Cổ) viết: “Trong thung lũng núi có miếu cổ, thờ thần núi (Trung hữu cổ miếu, phụng sự sơn thần). Nội dung tấm bia này còn cho biết “Năm Canh Thân (1800) bỗng ở phía sông Nam Ngạn được một chiếc trống đồng (…) quan đặc sai Đốc trấn Thanh Hoa bèn đem trống đồng mới được tặng lại miếu thần để xuân thu tế tự, để giúp thêm nhạc khí cho miếu thần”.
          Bài minh trong miếu thờ thần núi Đồng Cổ còn ca ngợi:
“Có núi thiêng Đồng Cổ, Ở Yên Định, Đan Nê, Dưới giữ gìn cõi đất, Trên chống đỡ cột trời, Cao vượt lên ngàn núi, Thiêng hun đúc muôn đời…”
          Vì có công lớn trong việc giúp vua Lý chiến thắng giặc nên thần núi Đồng Cổ còn được rước về Thăng Long để thờ. Sau này thần báo mộng cho vua Lý tránh được loạn “tam vương” và được phong là “Thiên Hạ Minh Chủ”.
          Như vậy, núi này vốn có tên là Tam Thai, hoặc núi Khả Lao. Sau khi thần núi Tam Thai dùng binh khí là trống đồng phù trợ vua Hùng chiến thắng, vua đã đổi tên núi thành núi Đồng Cổ (núi Trống Đồng) và lập miếu thờ  Đồng Cổ sơn thần (Thần núi Đồng Cổ).  “Đồng Cổ từ” (Đền Đồng Cổ) chỉ là cách gọi tắt của Đồng Cổ sơn từ (Đền núi Đồng Cổ). Do không tìm hiểu thần tích, lại thấy bên trong miếu có chiếc trống đồng (vốn được cung tiến để tưởng nhớ năm xưa thần núi đã dùng trống đồng để làm vũ khí phù trợ vua chiến thắng) nên nhiều người nhầm tưởng đền này thờ thần trống đồng, rồi liên tưởng đến tín ngưỡng thờ thần trống đồng, gắn đền thờ với văn hoá Đông Sơn.
          Thế là, thay vì tưởng nhớ công lao phù trợ, đánh đuổi giặc ngoại xâm của thần núi Đồng Cổ - Tinh khí chung đúc của núi sông, người ta lại cúi đầu khấn vái và tụng ca cái trống đồng-nguyên là thứ binh khí lúc xung trận của ngài. Làm như vậy khác nào thay vì thờ phụng và ngợi ca Thánh Gióng, lại đi thờ cái gậy sắt hoặc bụi tre ngà-một thứ vũ khí đánh giặc của ông ! Cũng từ sai lầm này mà Hội Cổ vật Thanh Hoa đã từng làm lễ rước 100 cái trống đồng mới đúc lên đền thờ này để xin “thần Trống Đồng” nhập linh, trước khi đem ra Thăng Long cung tiến (!)

                                         HOÀNG TUẤN CÔNG
                                          Thanh Hoá 2011
                             Nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội

Thứ Ba, 18 tháng 3, 2014

LÊ THÁNH TÔNG VÀ HÌNH LUẬT

  1. HOÀNG TUẤN PHỔ 

HTC: Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ là thân phụ của Hoàng Tuấn Công. Hôm nay lục lại tệp bản thảo mình từng đánh máy, thấy có bài Tham luận “Lê Thánh tông và hình luật”. Nhớ về mấy vụ án oan chấn động gần đây, thấy bài viết có nhiều điều đáng để suy ngẫm. Xin đăng để chia sẻ cùng độc giả.

Bộ luật Hồng Đức được xem là tiến bộ nhất, khoa học nhất của nghìn năm phong kiến nước ta. Các triều vua Lê kế tiếp dẫu ban thêm một số điều có tính bổ sung, về cơ bản vẫn tuân theo hình luật Hồng Đức. Chắc chắn bộ luật Hồng Đức không phải là một “sáng tác” hoàn toàn mới(1).

Tuy không còn Hình thư đời Thái tổ, Thái tông, Nhân tông để đối chiếu, nhưng bằng phương pháp gián tiếp, chúng ta có thể biết luật Hồng Đức kế thừa như thế nào luật Thuận Thiên(2). Ví dụ : Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép việc đời Lê Thái tông : “Có bảy tên can tội tái phạm ăn trộm, đều còn ít tuổi, hình quan chiếu luật đáng xử trảm. Bọn đại tư đồ Lê Sát thấy giết người nhiều quá, trong lòng ngần ngại. Vua đem việc ấy hỏi thừa chỉ Nguyễn Trãi, Trãi trả lời: “Pháp lệnh không bằng nhân nghĩa, cũng rõ lắm rồi. Nay một lúc giết bảy người sợ không phải việc đức tốt. Kinh Thư có câu: “Yên chỗ lòng nên dừng của ngươi” (An nhữ chỉ). Sách Truyện có câu: “Giết chỗ nên dừng rồi sau lòng mới định” (Tri chỉ nhi hậu hữu định). Thần xin thuật lại nghĩa chữ “chỉ” để bệ hạ nghe: chỉ nghĩa là yên chỗ đáng dừng, như trong cung là chỗ bệ hạ yên dừng, hoặc khi ngự ra chỗ khác thì không thể ở yên mãi được, lại phải trở về trong cung, thì mới yên chỗ dừng, tuy có khi ra oai giận dữ, nhưng không thể lâu được. Xin bệ hạ lưu tâm câu nói của thần”. Bấy giờ các ông Lê Sát, Lê Ngân nói: “Ông có nhân nghĩa, có thể cảm hoá kẻ ác thành người thiện, hãy giao những kẻ ăn trộm ấy nhờ ông cảm hoá cho”. Bèn bảo Nguyễn Trãi nhận những tù nhân ít tuổi ấy. Nguyễn Trãi nói: “Những kẻ ấy là hạng trẻ con ương ngạnh, ranh mãnh, pháp luật của triều đình còn không thể trừng giới được, huống chi bọn chúng tôi ít đức, cảm hoá thế nào được”. Lâu sau phán chém hai tên, còn 5 tên xử lưu”.
Câu chuyện trên cho chúng ta thấy theo luật Lê sơ rất nghiêm đối với tội ăn trộm. Lần đầu trừng phạt để răn đe, tái phạm mà không giáo hoá được thì phải xử chém và không kể nhiều tuổi hay ít tuổi. Ở chương “đạo tặc gian dâm” của hình luật Hồng Đức có điều “ăn trộm, ăn cướp xử lưu viễn châu’’...“Kẻ trộm tái phạm thì xử chém”. Luật Hồng Đức cũng không phân biệt tuổi thành niên hay vị thành niên. Như vậy, về tội ăn trộm thường, luật Hồng Đức đã kế thừa luật Thuận Thiên. Chỗ mới của Luật Hồng Đức là thêm điều luật giao buộc trách nhiệm cha mẹ đối với con cái: “Con cái ở với cha mẹ mà đi ăn trộm thì cha mẹ bị xử biếm, đi ăn cướp thì cha mẹ bị xử đồ. Việc nặng hơn nữa thì xử thêm bậc (xử gia). Đều phải đền thay tang vật. Nếu con đã ở riêng, cha mẹ cũng bị xử phạt biếm. Nếu đã trình quan mà còn để con ở nhà (không đem lên nộp quan) thì kể như chưa trình”... Nêu cao trách nhiệm cha mẹ đối với con cái để không phạm tội, nếu trót lỡ phạm tội thì không tái phạm là nét tiến bộ của luật Hồng Đức.
Một chuyện khác:
“Lê Quán Chi, con trai của đại đô đốc Lê Khuyển, ban đêm họp nhau đánh giết người ở đô thị. Việc phát giác, bị hạ ngục, cung khai dây dưa đến nội quan và con trai người chức trách đến hơn 10 người. Án sắp xong, Thái hậu cho rằng Lê Khuyển là bậc đại thần giữ cấm binh, nhà vua ỉ trọng, nếu giết con sợ đau lòng cha, bèn làm trái phép tha cho, chỉ thu tiền đền mạng, trả cho người chết thôi. Gián quan Lê Lâm (trách nhiệm khuyên can vua làm điều sai trái) im mồm không dám nói, thậm chí có những trẻ con ở đô thị day tay nói rằng: “Ta giận không được làm đài quan!” (Đài quan tức quan ở Ngự sử đài chuyên việc can gián vua, hạch tội quan chức sai phạm ).
Ở chương “Luật trái phép và phạm tội vặt” của bộ luật Hồng Đức có điều luật: “Quan đại thần và các quan tâu việc, nếu biết việc không tiện hay có hại cho quân dân mà không cố sức can ngăn xin sửa đổi thì xử biếm bãi. Nếu a dua xuôi theo ý vua, lui ra rồi mới nói sau, thì xử đồ lưu”. Nếu căn cứ vào luật Hồng Đức, trường hợp trên, các quan xử án tội nặng thành nhẹ theo ý vua, tất phải chịu tội biếm, bãi (biếm là hạ thấp tư cách, bãi là bãi chức về làm dân thường). Còn gián quan Lê Lâm a dua theo ý vua, chắc phải mang tội nặng hơn một bậc như tội đồ chẳng hạn (đồ là tù đầy làm khổ dịch). Điều luật này rất quan trọng, ngăn vua không ỉ quyền tối thượng làm trái pháp luật, và trừng trị kẻ làm quan không làm đúng phận sự.
Đầu đời Lê (Thái tổ, Thái tông, Nhân tông), tội tham ô, hối lộ xử rất nặng. Lê Thái tổ định luật: “Tội nhân nhận hối lộ 1 quan tiền phải xử án chém”. Năm 1435 đời Thái tông, chuyển vận sứ huyện Thuỷ Đường là Nguyễn Liêm nhận lễ đút lót của người ta hai tấm lụa, bị khép tội chết. Con của Liêm nhận chết thay cha, triều đình không cho. Vấn đề ở đây là tại sao Lê Thái tổ bản chất nhân hậu lại định ra hình phạt quá nặng? Là vì sau 20 năm đất nước bị chiến tranh tàn phá, nhân dân ly tán, kho tàng rỗng không, giá trị 1 quan tiền là lớn lắm. Lê Thái tổ còn định luật đánh bạc, chặt bàn tay 5 phân, đánh cờ, chặt bàn tay 2 phân, kẻ vô cớ họp nhau uống rượu, phạt 100 trượng, kẻ dung túng tội giảm một bậc. 
Bấy giờ bọn du thủ du thực, bọn vô nghệ nghiệp, bọn có tiền bạc ăn không ngồi rồi khá đông. Họ đã không làm gì lợi cho nước còn gây hại cho dân. Bởi thế năm 1427, khi Xương Giang, Cổ Lộng, Chí Linh còn chưa giải phóng, Tây Đô, Đông Quan còn trong tay giặc và 20 vạn quân Minh sắp tràn qua biên giới, vị lãnh tụ khởi nghĩa Lam Sơn đã ban lệnh: “Cho dân lưu tán được về nguyên quán cày cấy, kẻ nào không có ruộng nương đều cho cho được đi buôn bán, kẻ nào bỏ nghề nghiệp sẽ bị trị tội nặng...”  Đã ban lệnh mà không tuân theo thì phải định luật. Lệnh đã nói trị tội nặng thì luật phải trị tội nặng. Nếu không, không thể nghiêm phép nước. Công-tôn Tử Sản, chính trị gia nổi tiếng đời Xuân Thu Trung Quốc nói: “Làm chính trị phải rộng rãi để đi đến nghiêm ngặt, phải nghiêm ngặt để đi đến rộng rãi” (Khoan dĩ tế mãnh, mãnh dĩ tế khoan). Riêng trong hình luật, Lê Thái tổ đã chứng tỏ ông là một chính trị gia giỏi, biết lúc cần pháp trị thì không thể đức trị.
Lê Thánh tông rất ghét tham ô, hối lộ. Nhưng triều đại Lê Thánh tông, đất nước đã khác xa triều đại Lê Thái tổ, hình luật tất phải đổi khác. Theo đà phát triển của đất nước, tham ô hối lộ cũng phát triển và biến hoá khó lường. Có lẽ vì thế, luật Hồng Đức không đặt riêng một chương hay mục về tham ô hối lộ. Nó nằm rải ở các chương mục, bởi mọi nơi, mọi việc đều có thể nảy sinh tham ô hối lộ. Các hành vi vợ con quan chức nhận đồ tặng biếu, bản thân quan chức yêu sách tiền bạc hay nhận của đút lót, đều thuộc tội danh tham ô, hối lộ, tuỳ tội nặng nhẹ, trừng trị theo 5 bậc: biếm, bãi, đồ, lưu, tử. Ví dụ: vợ con, người nhà quan chức mượn cớ mua bán để quấy nhiễu nhân dân, nhận đồ tặng biếu thì xử biếm bãi, tức hạ bớt tư cách, kèm theo đánh bằng gậy và bãi chức làm dân thường. Quan lại yêu sách hối lộ thì xử đồ (tù đầy), lưu (phát vãng) hay tử (tử hình).
Luật Hồng Đức giành riêng một chương về “Luật bắt bớ và xử án” là một trong những chương luật rất bổ ích đối với công việc hình án hiện nay. Hãy nói về việc xử án mà dư luận chung rất bất bình đối với những vụ hình sự xét oan sai. Báo Pháp Luật Việt Nam số 302 ngày 18-12-2006 viết về xét xử vụ án “Vận chuyển trái phép chất ma tuý” đối với Nguyễn Minh Hùng. Toà án ND tỉnh Tây Ninh xử sơ thẩm tuyên án Nguyễn Minh Hùng tử hình, toà phúc thẩm TAND thành phố Hồ Chí Minh tuyên huỷ bản án vì chứng cứ buộc tội không rõ ràng, còn nhiều mâu thuẫn, cấp sơ thẩm không cho các bị cáo đối chất để làm rõ lời khai có liên quan đến xác định hành vi của Nguyễn Minh Hùng. Toà phúc thẩm TAND thành phố HCM trả lại bản án yêu cầu xét xử lại. Ngày 31-5-2006, toà án nhân dân xét xử sơ thẩm lần hai vẫn xác định đủ căn cứ để buộc tội Nguyễn Minh Hùng “vận chuyển trái phép chất ma tuý” và HĐXX vẫn tuyên phạt Hùng mức án tử hình! Toà phúc thẩm TAND thành phố HCM đã phải hoãn phiên xét xử phúc thẩm lần 2 để làm rõ thêm “vấn đề” vì có nhiều chứng cứ chứng minh tính ngoại phạm của Nguyễn Minh Hùng.
Tại sao HĐXX của TAND tỉnh Tây Ninh cố ý buộc tội tử hình đối với Nguyễn Minh Hùng mặc dù không đủ chứng lý? Nếu rồi đây, toà phúc thẩm lần 2 của TAND thành phố HCM, sau thời gian điều tra thận trọng, kỹ càng, tuyên bố Nguyễn Minh Hùng vô tội, thì HĐXX của TAND tỉnh Tây Ninh có phải đem ra xét xử hay không ?(3)
Theo luật Hồng Đức, trường hợp trên thuộc điều luật “cố ý mở, khép tội người” nghĩa là người không đáng tội mà buộc tội, kẻ đáng tội mà tha bổng, hoặc tăng tội nhẹ làm nặng, giảm tội nặng thành nhẹ. Nếu lỗi ở ngục lại không cẩn thận kiểm xét đối chiếu thì bắt tội ngục lại; nếu lỗi ở ngục quan xét xử không minh thì bắt tội ngục quan; nếu là hình quan xử hình không đúng thì bắt tội hình quan; nếu lỗi ở quan tri từ tụng (viên quan phúc thẩm các việc hình án) xét hỏi lại không cẩn thận thì viên quan ấy phải chịu tội...Mức tội phải chịu phạt như thế nào? Có thể tóm tắt một câu: Người xét xử làm người ta oan sai phải chịu tội giảm một bậc so với tội người ta bị oan sai!
Đời Lê Thánh tông, hình án bị bỏ ứ đọng nhiều. Luật Hồng Đức ghi: Kỳ hạn xét xử: việc trộm cướp 3 tháng, việc mưu giết người 4 tháng, việc ruộng đất 3 thángv.v...đều tính từ ngày đòi bắt bị cáo. Nếu để quá kỳ hạn 1 tháng thì xử biếm., quá 3 tháng thì xử bãi (bãi chức), quá 5 tháng thì xử đồ (tù đày). Nếu nguyên nhân bị bỏ quá hạn do nguyên cáo hay bị cáo đòi bắt không đến thì người xét xử được xử theo cáo trạng hoặc theo luật vu cáo. Luật bỏ ứ đọng án thi hành rất nghiêm, ví dụ: quan hình án Nguyễn Văn Kiệt, Lê Bá Viễn mỗi người bị biếm một tư, đánh 50 roi, Trình Công Đức, Phạm Phúc phải tội đánh 50 roi. Trình Duy Nhất không kiểm xét kiện tụng đến nỗi nhiều án  bỏ đọng, cố sức biện bác: “Thần giữ chức pháp quan, sợ rằng việc hình án xử nhanh thì khinh suất, sẽ có sự oan uổng nên để chậm mà xét kỹ, không giám cố ý bỏ ứ đọng”. Lê Thánh tông vẫn chiếu luật xử biếm Trình Duy Nhất 2 tư (giáng chức 2 bậc), đánh 80 trượng. Đối với quan chức cấp cao làm việc lâu năm trong triều, Lê Thánh tông xét thấy làm việc không cố gắng hết sức hoặc tài đức không xứng chức thì bắt phải thi khảo. Ví dụ: Tháng giêng năm 1468, các quan bộ hình là Phạm Nại, Đoàn Văn Thông và 18 người coi việc hình án xảy ra nhiều chuyện oan sai, để nhiều vụ ứ đọng, đều bị phế truất làm dân thường.
Lại có luật “chuộc tiền”. Có 3 trường hợp phạm tội được chuộc tiền:
1) Các quan có trách nhiệm cai quản viên chức hay quân dân mà phạm tội do sơ suất, sai lầm, thì từ tội “lưu” trở xuống cho được chuộc tội bằng tiền (tức là trừ tội tử không được chuộc)
2)Người 70 tuổi trở lên, 15 tuổi trở xuống và người tàn tật mà phạm tội lưu trở xuống thì cho chuộc tội bằng tiền.
3)Người 80 tuổi trở lên, 10 tuổi trở xuống và người tàn tật nặng (như điên cuồng, rồ dại, cụt cả tay chân, mù cả hai mắt) mà phạm tội phản nghịch, giết người, đáng xử tử thì phải tâu thỉnh lên vua để vua quyết có cho chuộc hay không. Những người ấy phạm tội ăn trộm hay đánh người bị thương thì cũng cho chuộc.
Trong luật chi rõ mức tiền chuộc cho từng hình phạt đối với quan lại và dân thường, tuy cùng một tội danh, người phạm tội chức tước càng cao, tiền chuộc cũng càng cao. Cho đến tội tử hình cũng được chuộc với số tiền 330 quan.
Có ý kiến cho rằng luật chuộc tiền không công bằng, người phạm tộ có tiền trở nên vô tội. Không đúng. Vì không phải tội nào cũng được chuộc bằng tiền. Chỉ có 3 hạng người: trưởng quan sơ suất, lầm lỡ, người già, trẻ em, người tàn tật, chẳng may phạm tội, tình rất đáng nên thương, nhưng luật không thể tha miễn, nên cho chuộc bằng tiền để tỏ lòng nhân. Đó cũng là trong pháp trị có đức trị vậy.
Nhận xét về bộ luật Hồng Đức, nhà sử học Phan Huy Chú viết: “Các mục luật văn...gồm hơn 700 điều, thật rất rõ ràng, đầy đủ, dùng để nêu thể lệ xét xử, thích hợp với dân tình, cân nhắc và thêm bớt, cho nên đủ để đối phó các trạng thái biến hoá và ngăn ngừa nhân dân làm bậy”
Cần nói thêm: tính ưu việt của văn bản luật chỉ mới là phần nửa của đời sống pháp luật. Nhà Lý đặt Hình thư. Nhưng Lý Thánh tông bảo ngục lại: “Ta làm cha mẹ dân, lòng yêu dân cũng như yêu con ta đây. Nhân dân vì không biết mà sa vào hình pháp, ta rất thương. Từ nay về sau, không cứ tội nặng, tội nhẹ, đều nên khoan hồng”. Tất cả kẻ phạm tội đều nên khoan hồng thì còn gì là hình luật ? Hình luật là từ gốc Hán. Theo lối viết tượng hình, chữ “Hình” gồm chữ  “tỉnh” (cũng gọi là bộ “tỉnh”) là cái giếng, bên cạnh chữ “đao” (cũng gọi là bộ “đao”) là con dao. Theo các nhà nghiên cứu kim thạch văn, giáp cốt văn của Trung Quốc, thời cổ Trung Quốc, một lý là một làng, rộng một dặm vuông, chỉ có một cái giếng, khi múc nước rất mất trật tự, quan phủ phải sai lính cầm đao đứng gác bên bờ giếng để răn đe và trừng trị kẻ gây rối loạn. Chữ “Hình” do đó, nghĩa gốc là trừng trị, nghĩa mở rộng thành hình luật rồi pháp luật. Cho nên thời phong kiến, đời nào cũng nêu lên thành hình luật để trị nước an dân. Tuy nhiên hình luật phụ thuộc vào chế độ chính trị, tình hình xã hội, và quan điểm pháp luật của ông vua cầm quyền. Thiên về đức trị thì hình luật quá nhẹ như nhà Lý. Thiên về pháp trị thì hình luật quá nặng như nhà Nguyễn. Cùng miếu hiệu Thánh tông với Lý Thánh tông nhưng khác họ, vua Lê Thánh tông chủ trương biên soạn hình luật, và nói: “Nước mà không có thưởng phạt thì dù là vua Nghiêu, vua Thuấn cũng không cai trị được thiên hạ”. Ông còn nói: “Đặt luật để trừng phạt kẻ gian, sao có thể dung tha được bọn coi thường pháp luật”. Không phải Lý Thánh tông nhân hậu hơn Lê Thánh tông. Đó là phương pháp cai trị đất nước có chỗ khác nhau.
 Có lẽ chỉ có Lê Thánh tông mới dám tuyên bố trước triều thần của ông: “Pháp luật là phép công của nhà nước, ta cùng các ngươi phải cùng theo!” Đó là một trong những bí quyết thành công của Lê Thánh tông trong trị nước an dân, đưa ông lên ngôi vị minh quân bậc nhất dưới chế độ phong kiến Việt Nam./.
                    H.T.P
(Tham luận tại Hội thảo Khoa học của Bộ tư pháp-UBND tỉnh Thanh Hóa về “Quốc triều hình luật” 14/3/2007)

Chú thích:
2. Hình luật nhà Lê buổi đầu dĩ nhiên không thể không tham khảo Quốc triều hình luật nhà Trần, Hình thư nhà Lý và cả hình luật các triều đại Tuỳ, Đường, Tống, Nguyên, Minh bên Trung Quốc.
2.Quốc triều hình luật không phải là một thuật ngữ khoa học. Đó là cách gọi, cách viết của người đương thời về hình luật hình thư  của triều đại mình. Khái niệm mang tính phiếm xưng, phiếm chỉ, ví dụ: trước nhà Lê, nhà Trần cũng có hình thư gọi là Quốc triều hình luật. Đối tượng nghiên cứu ở đây chính là Hồng Đức hình luật, mở rộng ra là Lê triều hình luật.

3. Thời điểm Hoàng Tuấn Phổ viết tham luận này (14/3/2007), vụ án oan Nguyễn Minh Hùng chưa có hồi kết. Một năm sau 13/6/2008, do không tìm được chứng cứ buộc tội, VKS nhân dân tỉnh Tây Ninh đã hủy biện pháp tạm giam đối với Nguyễn Minh Hùng. Ngày 18/11/2008, Nguyễn Minh Hùng đã được Công an tỉnh Tây Ninh công khai xin lỗi và bồi thường số tiền 130 triệu đồng. 

Tuy nhiên, những người gây nên oan trái, đau khổ cho Nguyễn Minh Hùng không rõ bị xử lý ra sao. Tìm bài về Nguyễn Minh Hùng tại đây. (Chú thích này của Hoàng Tuấn Công)


Tài liệu tham khảo:
-Đại Việt sử ký toàn thư-Kỷ Lê sơ.
-Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú-Phần Hình luật chí.
-Quốc triều hình luật (nhà Lê)
-Đại Nam thực lục chính biên (Thực lục về Gia Long) v.v....



Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

VĂN HÓA THĂNG LONG

với sự đóng góp của Thanh Hoá

Hoàng Tuấn Phổ

Lý Thái tổ trước khi ban chiếu dời đô, nói với quần thần: “Trẫm nay mở xem địa đồ, Đại La thành, kinh đô cũ của Cao Biền, ở trung tâm đất nước, có hình thế hiểm yếu như rồng bò hổ phục, bốn phương sum họp, người và vật đông nhiều, thực là chỗ kinh đô quý nhất của đế vương”. Nhà vua nói “Kinh đô cũ của Cao Biền” là cách nói cho dễ hiểu. Sự thật lịch sử, thành Đại La xưa đã qua nhiều đời xây đắp, sửa sang, năm 836, Cao Biền tu bổ thêm, đặt là Đại La thành. 

Cao Biền chỉ ở Việt Nam 9 năm, và chính Cao Biền đã vô cùng kinh hãi mà than rằng: “Thần linh xứ này rất thiêng, ở lâu tất chuốc lấy tai vạ !”. Chẳng riêng Cao Biền, các viên tướng xâm lược khác sang thay: Cao Tầm, Tăng Cổn, Chu Toàn Dục…,cũng đều không thể yên vị lâu dài. Thành Đại La thời ấy xây dựng nhằm mục đích quân sự, chủ yếu để bảo vệ chính quyền cai trị và đội quân xâm lược. Năm 906, nhân tình hình Trung Quốc loạn lạc, Giao Châu biến động, họ Khúc, một hào trưởng ở Hồng Châu (Hải Dương) mới chiếm lấy Đại La, tự xưng Tiết độ sứ, gây nền tự trị. Được 1 năm, Khúc Thừa Dụ mất, con là Khúc Hạo lên thay. Năm 917, Khúc Hạo qua đời, chính quyền trao lại cho con trai Khúc Thừa Mỹ. Chúa Nam Hán sai tướng Lý Khắc Chính xâm lược. Thừa Mỹ chống cự không nổi bị bắt đem về Trung Quốc. Nhà Nam Hán sai Lý Tiến làm thứ sử cùng Lý Khắc Chính đóng giữ thành Đại La.
Nhưng họ Khúc mất, còn họ Dương, một tướng cũ của Khúc Hạo. Ông Dương Đình Nghệ người Thanh Hoá, cánh tay phải của Khúc Hạo trải mười năm giúp sức Khúc Hạo kiến thiết đất nước, bảo vệ chính quyền tự trị non trẻ. Thành Đại La rơi vào tay quân xâm lược, Dương Đình Nghệ tạm lui về quê nhà, cởi nhung phục, khoác áo nông phu, chuẩn bị lực lượng, tích chứa lương thảo, để năm 931 đem 3.000 con nuôi là 3.000 tráng sĩ dũng mãnh của Thanh Hoá, từ Thanh Hoá tiến đánh Lý Khắc Chính, giết Trần Bảo, giải phóng thành Đại La. Dương Đình Nghệ mở ra thời kỳ độc lập tự chủ lâu dài cho đất nước. Sau Dương Đình Nghệ là Ngô Quyền, chàng con rể trí dũng hơn người, lại đem quân từ Thanh Hoá giữ vững thành Đại La và làm nên chiến công Bạch Đằng sấm sét. Rồi Lê Hoàn tòng quân tuổi 16, ra đi từ làng quê Thanh Hoá, 50 năm chinh chiến và làm vua, bởi tình hình đất nước còn lắm nỗi lo toan, tuy đóng đô ở Hoa Lư, vẫn đặt Đại La dưới tầm kiểm soát.
Xây dựng thêm một Đại La thành “bốn phương sum họp, người và vật đông nhiều” không phải những tên tướng xâm lược phương Bắc mà chính là họ Khúc, họ Ngô, họ Đinh, họ Lê, in khá sâu đậm dấu ấn Ái Châu-Thanh Hoá. Đó là thời kỳ văn hoá Đại La hay “Tiền Thăng Long”, nếu thiếu nền tảng ấy, nhà Lý không có cơ sở để dời đô.
          Dời đô đến Thăng Long, Lý Thái tổ quan tâm văn hoá tinh thần, văn hoá tâm linh trước hết. Bắt đầu hình ảnh rồng vàng hiện lên để Đại La không còn là Đại La, mà hoá thành Thăng Long, kinh đô của Rồng Thiêng, của con cháu Lạc Long Quân – vua Rồng xứ Lạc. Tiếp theo, Lý Thái tổ suy tôn một vị thần rồng – thần Long Đỗ làm Quốc đô thành hoàng chủ kinh đô, đứng đầu các thần linh trong cả nước. Thần thiêng Thăng Long ngoài Long Đỗ còn có thánh Chèm, tức Lý Ông Trọng uy danh chấn động cả nước Trung Hoa, Cao Biền rất kinh sợ phải lập đàn thờ cúng…Nhưng văn hoá tinh thần, văn hoá tâm linh đối với nhà Lý buổi đầu dựng đô hẳn là vẫn chưa đủ để làm chỗ dựa cho tinh thần dân tộc, tạo nên sức mạnh đoạn kết dân tộc, đấu tranh, chiến thắng mọi kẻ thù địch. Năm 1020 (mười năm sau dời đô), Thái tổ nghe theo lời tâu của Thái tử Phật Mã rước thần núi Đồng Cổ ở Đan Nê, Yên Định, Thanh Hoá về thờ phụng trong thành Thăng Long. Năm 1028, Thái tổ mất, ba vương tử nổi loạn, Phật Mã phải nhờ thần núi Đồng Cổ và tướng quân Lê Phụng Hiểu lực sĩ xứ Thanh cứu giúp mới giữ yên được ngôi vị, bảo toàn xã tắc.
          Từ đó, hàng năm nhà Lý mở Hội Thề tại đền Đồng Cổ. Thần được tôn là “Thiên hạ minh chủ”, bá quan văn võ triều đình đều phải đến tuyên thệ “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần linh tiêu diệt!”. Hội thề Đồng Cổ thành nét văn hoá mới đặc sắc của nhà nước Đại Việt duy trì từ Lý sang Trần, đến Lê suốt chiều dài lịch sử gần tám trăm năm! Thời Nguyễn, kinh đô chuyển về Thuận Hoá. Đồng Cổ sơn thần vẫn bất diệt với Thăng Long. Ý nghĩa giáo dục “con hiếu tôi trung” thấm sâu vào xã hội, góp phần hình thành một nét tính cách Thăng Long nghìn năm văn hiến.
          Một trong những cảnh đẹp nhất Thăng Long là Tây Hồ, với “Bến trúc Nghi Tàm, rừng bàng Yên Thái” với “Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương…” Thời Lý, Hoa nương người Ái Châu (Thanh Hoá) kết duyên với Đoàn Thưởng, viên quan coi các nghề thủ công. Bà dạy dân ven hồ Dâm Đàm (hồ Tây) nghề dệt vải lụa. Bà mất, vua Lý truy phong là Thụ La công chúa, cho lập đền thờ ở ven hồ Dâm Đàm, dân địa phương tôn gọi là “Bà chúa dệt vải”. Vùng ven hồ Tây còn còn miếu thờ “Bà chúa nghề tằm” cũng người Thanh Hoá. Đời Lê Thánh tông, ông Trần Vĩ tuổi già nghỉ hưu, mở trường dạy học bên Hồ Tây. Trần Vĩ có cô con gái Quỳnh Hoa, gả cho chàng Liễu Nghị cùng quê làm tri phủ Hà Trung (Thanh Hoá). Sau khi Liễu Nghị mất, bà về nơi cha xưa mở trường dạy học, truyền nghề chăn tằm dệt lụa cho dân địa phương. Bà được tôn làm thần Thành hoàng làng và tên làng Nghi Tàm (kiểu mẫu nghề tằm tang) đặt ra từ đó.
          Nếu Hoa nương Quỳnh Hoa đem tài hoa khéo léo “dệt” nên những bức tranh làng quê Yên Thái, Nghi Tàm, soi sáng “mặt gương Tây Hồ”, giữa “mịt  mù khói toả ngàn sương”, thì những bàn tay thợ Thanh Hóa cũng góp phần tô điểm cho phố phường Thăng Long như Trọng Nghĩa, ông tổ nghề mộc, Nguyễn Kim, ông tổ nghề khảm trai…
          Dệt nên huyền thoại Phủ Tây Hồ linh thiêng và thơ mộng cũng là một phụ nữ xứ Thanh: Liễu Hạnh công chúa! Bà vốn là tiên nữ trên trời thác sinh làm con gái ông Lê Công dòng dõi vua Lê Lợi, hương Lam Sơn. Bà lập đô ở Thanh Hóa, Phố Cát, nhưng tính thích ngao du sơn thuỷ, ưa dạo chơi danh lam thắng tích. Bà ra Thăng Long dựng lầu thơ bên bờ Hồ Tây, hút hồn bao danh sĩ Thăng Long, đem đến cho Thăng Long một thú vui chơi tao nhã.
          Đóng góp lớn lao cho văn hoá văn nghệ Thăng Long đời Trần tiêu biểu là Lê Văn Hưu, Lê Bá Quát, Hồ Quý Ly…và một hiện tượng đặc biệt: Lê Thánh tông, ngôi sao sáng rực rỡ trên bầu trời văn chương Đại Việt.
          Lê Văn Hưu, nhà sử học đâù tiên nước ta, người chép sử giỏi nhất một thời, cũng là thầy học của Thái sư Trần Quang Khải. Điều thú vị về bộ sử lớn Đại Việt sử ký toàn thư, Lê Văn Hưu là người khởi thảo và Lê Hy-người hoàn chỉnh, cùng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thiệu Hoá-Đông Sơn bên bờ sông Mã.
          Lê Bá Quát quê Phủ Lý cùng làng Lê Văn Hưu. Về chính trị, Lê Bá Quát làm tời chức Á tướng, được xem là bậc “hiền tài”, “cứng cỏi quả quyết”, về văn chương là cây bút “tài khí hùng hồn hơn người”.
          Hồ Quý Ly đề cao chữ Nôm, làm sách Thi nghĩa bằng Quốc âm cho sư nữ dạy hậu phi và cung nhân học tập. Sách Minh đạo của ông, tuy vấn đề học thuật còn phải bàn chỗ này, chỗ kia, cũng là một bước đột phá quan trọng chống lối tư duy khuôn sáo “thuật nhi bất tác” của nhà Nho bảo thủ.
          Lê Thánh tông, bậc minh quân, cháu nội Thái Tổ Cao hoàng đế Lê Lợi, 40 năm trị nước, đã đưa chế độ phong kiến Đại Việt phát triển đến cực thịnh, là tác gia lớn Việt Nam với kho tàng tác phẩm đồ sộ. Ông tổ chức Hội tao đàn đầu tiên của Thăng Long gồm 28 ngôi sao sáng thủ đô do Thiên Nam Động Chủ làm là Đô nguyên suý. Ở Lê Thánh tông, vị hoàng đế và nhà văn hoá là một “Trống dời canh còn đọc sách – Chiêng xế bóng chửa thôi chầu”, “Lúc rảnh sau muôn việc, trong khoảng nửa ngày, ta mắt xem rừng sách, lòng dạo vườn văn…”. Ông chế ra lễ nhạc, định ra pháp luật. Bộ luật Hồng Đức đến nay còn nhiều điểm giá trị. Ông tuyên bố trước quần thần: “Hình luật là hình luật của cả nước, ta và các ngươi đều cùng phải theo”. Khái niệm mọi người đều bình đẳng trước pháp luật bắt đầu từ ông, một hoàng đế phong kiến trung cổ.
          Đời Hồng Đức, trên cở sở kinh tế phát triển, dân số tăng nhanh, làng xóm mở rộng. Làng nào cũng có đình để hội họp, miếu để thờ thần linh, lối hát Cửa Đình phát triển, đến đời Trung hưng trở nên phổ biến.
          Hát Cửa Đình còn gọi là hát Ả Đào, Hát Nhà Trò, tên phổ biến hiện nay là Ca Trù. Thần tích “Tổ sư giáo phường Lỗ Khê” (Hà Nội) do Đông Các học sĩ Đào Cử soạn tháng Giêng năm Hồng Đức thứ 7 (1476), cho biết: “Đinh Lễ (quê Thọ Xuân) danh tướng Lam Sơn, vâng lệnh vua Lê Lợi đánh giặc Minh, dựng đồn trại ở Lỗ Khê, có con trai là Đinh Dự 12 tuổi thiên tư dĩnh ngộ, học vấn tinh thông, cầm kỳ thi hoạ, xướng ca đàn phách giỏi hơn người. Một hôm Đinh Dự chơi chùa Thiên Thai (Bắc Ninh) gặp người con gái tài sắc tên là Đường Hoa Tiên Hải từ động Nga Sơn, Thanh Hoá, ra truyền dạy ca hát ở các giáo phường. Hai người ý hợp tâm đầu, nguyện kết duyên cầm sắt rồi cùng về trang Lỗ Khê, Thăng Long mở giáo phường truyền nghề Hát Ả Đào. Sau khi Thái tổ lên ngôi, hai vợ chồng Đinh Dự đến đàn hát chúc mừng (Đinh Lễ là cha Đinh Dự, gọi Lê Lợi là cậu ruột hy sinh năm 1427). Vua Thái tổ ban yến tiệc xong, hai vợ chồng cùng hoá (mất). Xét vợ chồng Đinh Dự là bề tôi trung nghĩa, có công truyền bá nghề hát Ả Đào rất hay, Thái tổ triệu giáo phường các nơi lên kinh rước “Mỹ tự” (sắc phong) vua ban về lập đền thờ, và tứ cho các xã hàng năm tiết xuân thu mở hội kỳ phúc tổ chức để các giáo phường ca hát tế thần. Tới triều vua Hồng Đức (Lê Thánh tông), lại xét gia phong cho Đinh Dự là “Thanh Xà đại vương” và vợ là “Mãn Đường Hoa công chúa”…
          Ngày nay, cạnh ngôi đình làng Lỗ Khê, còn đền thờ tổ sư giáo phường, quy mô nghi vệ đầy đủ. Thời Hậu Lê đến đời Nguyễn, giáo phường các nơi thuộc đồng bằng Bắc bộ: Bắc Ninh, Hải Dương, Nam Định, Hà Đông đều cử đại biểu về Lỗ Khê (ngoại thành Hà Nội) làm giỗ Tổ sư nghề hát của mình, vào ngày 13 tháng 11 âm lịch theo quy định trong Điển lễ thờ cúng từ đời Lê Thánh tông. Mới đây, tổ chức UNESCO công nhận “Ca trù Việt Nam là di sản văn hoá phi vật thể thế giới”, một trong những vinh quang của Văn hoá Thăng Long, cũng là vinh dự đóng góp của người Thanh Hoá.
          Trong khoảng trên dưới 30 năm, nhà Hậu Lê  đóng đô ở Thăng Long đã góp công sức lớn lao khó kể hết đối với Thăng Long và đất nước.
          Năm 1427, nghĩa quân Lam Sơn vây chặt thành Đông Quan, theo lệnh Lê Lợi cố gắng bằng mọi cách để giải phóng Đông Quan, vẫn bảo toàn Thăng Long không bị quân Minh tàn phá. Điều không thể tránh khỏi, quân Minh rút về nước để lại hậu quả hết sức nặng nề: về kinh tế kiệt quệ, kho tàng rỗng không, nhà cửa hư hại…Lấp vào khoảng trống vô cùng to lớn ấy, Thanh Hoá đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Họ là vua chúa, quan chức, tướng lĩnh, quân lính, suốt 10 năm không tiếc máu xương, nay lại không quản công sức khôi phục kinh thành. Người Thanh Hoá, từ ông vua đến anh lính gia nhập Thăng Long với cả tài sản văn hoá tinh thần của quê hương mình, góp nên hương sắc Thăng Long nghìn năm văn vật, hình thành bản sắc Văn hoá Thăng Long, như những sợi chỉ hồng xuyên suốt nghìn năm lịch sử… Thời kỳ Văn hoá Thăng Long phồn thịnh nhất dưới triều Lê Thánh tông, riêng họ Nguyễn Gia Miêu, Hà Trung làm quan ở kinh đô đã tới hơn 200 người!
          Cuối đời Lê sơ, kinh thành rối loạn, phe phái nổi lên xâu xé. Họ Nguyễn Gia Miêu dẫn đầu là Nguyễn Hoằng Dụ, Nguyễn Kim (con trai) tập hợp lính đánh dẹp bọn phản loạn. Hết lương về Thanh Hoá thu lương, hết quân về Thanh Hoá mộ quân. Các ông còn tổ chức khai hoang ngay tại quê nhà để có thóc gạo nuôi quân. Họ kiên quyết bảo vệ cơ đồ nhà Lê cũng là bảo vệ nhân dân Thăng Long với nền văn hoá lâu đời ấy.
          Tiêu biểu cho giới nho sĩ Thanh Hoá thời Lê Trung hưng là Trạng nguyên Trịnh Huệ. Ông trải qua các chức vụ Đông các đại học sĩ, Thượng thư bộ lại, Thượng thư bộ hình, Tham tụng (tể tướng) phủ Chúa rồi suốt 25 năm làm Tế tửu Quốc Tử giám, trường đại học duy nhất Thăng Long – Việt Nam, trông coi việc đào tạo nhân tài cho cả nước. Một trong những học trò nổi tiếng của Trịnh Huệ là Nguyễn Hoàn quê Lan Khê, Nông Cống, đỗ hội nguyên tiến sĩ, làm quan đến Thượng thư bộ lại, Tham tụng (tể tướng) phủ Chúa, tước Hoàn quận công. Trịnh Huệ viết chuyên khảo bàn về “Tam giáo” rất được các nho sĩ tài danh Thăng Long Ngô Thì Sĩ, Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm, Ninh Tốn…tham gia hưởng ứng, gây không khí học thuật sôi nổi trong giới Nho học kinh kỳ nghìn xưa hiếm thấy.
          Đóng góp xây dựng nền Văn hoá Thăng Long là trách nhiệm cũng là vinh quang của Thanh Hoá. Lịch sử không ngừng phát triển theo quy luật của nó: Tây Sơn, Nguyễn rồi 80 năm thực dân Pháp xâm lược, núi Nùng san phẳng, kinh thành đổi tên, nhưng Thăng Long vẫn là Thăng Long! Dấu tích Thanh Hoá vẫn còn đó với thắng cảnh Tây Hồ thơ mộng, phủ chúa Liễu linh thiêng, tượng Lê Thái tổ uy nghiêm, hồ Hoàn Kiếm huyền thoại, chùa Dục Khánh nơi ra đời Lê Thánh tông, đền Tổ sư Ca trù Đinh Dự…Nhưng đó chỉ là dấu ấn nổi, còn những sợi chỉ hoa gấm thì lặn chìm để góp dệt nên nền văn hoá Thăng Long mãi mãi tươi sáng, trường tồn cùng sông núi Việt Nam.

(Tham luận Hội thảo “Thanh - Nghệ với 1000 năm Thăng Long - Hà Nội)

Tài liệu tham khảo

-Đại Việt sử ký toàn thư
-Việt sử thông giám cương mục.
-Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn.
-Nhân vật chí cuả Phan Huy Chú.
-Lĩnh Nam chích quái.
-Truyền thuyết các vị thần Hà Nội.
-Truyền kỳ tân phả của Đoàn Thị Điểm.
- Và nhiều tài liệu điền dã của tác giả.